Bóng ma Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn lẩn khuất đâu đây.

Tiến bộ về kinh tế có thể xoa dịu vết thương lịch sử, nhưng không thể chữa lành nó. Hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản là các nền dân chủ sôi nổi có nền kinh tế mạnh mẽ và được hưởng sự bảo vệ từ chiếc ô quân sự Mỹ, nhưng các hành động của Nhật Bản trong thời chiến tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ của nước này với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á. Việc Hàn Quốc chịu sự cai trị của Nhật Bản trong 35 năm, vị thế của nước này với tư cách là một đồng minh của Mỹ và lập trường địa chính trị dễ bị tổn hại giữa Nhật Bản và Trung Quốc khiến di sản thời đế quốc của Nhật Bản đặc biệt gây tranh cãi trên bán đảo này.

Lịch sử đau thương này đã được đặt lên tuyến đầu và nằm ở vị trí trung tâm kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in đắc cử năm 2017, người có lập trường đối đầu hơn về các vấn đề lịch sử. Quả thực, các mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên lạnh nhạt hơn nhiều trong 2 năm qua – đến mức Tokyo thậm chí còn tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại theo kiểu Trump trong thời gian gần đây. Xét tới các liên kết sâu sắc giữa hai nền kinh tế và thặng dư thương mại lâu năm của Nhật Bản, Tokyo có nhiều cách gây tổn hại tới ngành công nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn của Hàn Quốc. Trong lúc đó, chính trị nội bộ ầm ĩ của Hàn Quốc sẽ khiến ông Moon Jae-in không dễ dàng gì có thể đạt được thỏa hiệp với Nhật Bản. Và dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn sự đối đầu này vượt ngoài tầm kiểm soát, trươc mắt sẽ không có một giải pháp nào, nghĩa là cuộc tranh luận sẽ tiếp tục khiến Hàn Quốc – cũng như các khách hàng mua hàng hóa công nghiệp của nước này – phải đau đầu.

Quá khứ có vấn đề

Triều Tiên là một phần không thể thiếu của đế quốc Nhật Bản kể từ khi bị Tokyo thôn tinh vào năm 1910 cho đến khi quân Đồng minh giải phóng Triều Tiên vào năm 1945. Tuy nhiên, sự bắt đầu nhanh chóng của Chiến tranh Lạnh đã đẩy Hàn Quốc vào một mối liên kết khó xử với nước xâm lược mình trước đây khi Mỹ biến Nhật Bản hiện theo chủ nghĩa hòa bình thành một hòn đá tảng trong chiến lược Thái Bình Dương của nước này.

Nhưng qua hàng thập kỷ, vấn đề hành vi thời chiến của Nhật Bản và di sản của nó vẫn còn. Hiệp ước năm 1965, hiện đang gây tranh cãi, đã bình thường hóa quan hệ song phương và đem về cho Hàn Quốc số tiền tương đương 2,4 tỷ USD theo giá trị hiện nay dưới hình thức các khoản vay và viện trợ của Nhật Bản, tuy nhiên những oán giận của Hàn Quốc đã ăn sâu bén rễ. Chúng đã trở nên sôi sục một lần nữa sau khi Hàn Quốc chuyển đổi hoàn toàn vào năm 1993 sang một chính phủ dân sự sẵn sàng đáp ứng trước những oán giận của dân chúng đối với Nhật Bản.

Kể từ đó, quan hệ với Nhật Bản đã lên xuống tùy thuộc vào việc ai là người chịu trách nhiệm ở Seoul, với những người cấp tiến có một lập trường đối đầu hơn và những người bảo thủ xuống thang những căng thẳng vì lợi ích hợp tác. Tổng thống Hàn Quốc trước đây Park Geun-hye có tư tưởng bảo thủ đã thận trọng thúc đẩy việc nối lại tình hữu nghị với Nhật Bản vì mong muốn đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đưa ra một thỏa thuận để đời trị giá 9,27 triệu USD vào năm 2015 nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”, những người là nạn nhân của hệ thống nô lệ tình dục Nhật Bản trong thời chiến. Trái lại, ông Moon Jae-in có tư tưởng cấp tiến đã biến việc đám phán lại thỏa thuận năm 2015 đó thành một vấn đề quan trọng trong nhiệm kỳ của ông, từng bước đối đầu với Nhật Bản. Trên tất cả, bối cảnh khu vực đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua vì Trung Quốc có tầm quan trọng ngày một lớn về kinh tế và Mỹ gia tăng nỗ lực chống lại sự trỗi dậy của nước này. Là đối tác chủ chốt về kinh tế hoặc quốc phòng của Hàn Quốc và Nhật Bản, cả hai người khổng lồ Thái Bình Dương này đều không muốn nhìn thấy quan hệ Tokyo-Seoul trở nên xấu đi.

Moon Jae-in nổi lên

Ông Moon đã chịu trách nhiệm về sự suy yếu từng bước trong mối quan hệ với Nhật Bản. Để tìm cách đạt được các điều khoản bồi thường tốt hơn, ông Moon Jae-in đã dần xóa bỏ thỏa thuận năm 2015 của bà Park Geun-hye về khoản bồi thường của Nhật Bản đối với những “phụ nữ mua vui”, cuối cùng là dừng mọi hoạt động của nhóm Hàn Quốc chịu trách nhiệm quản lý các quỹ vào ngày 5/7/2019. Và trong khi vào tháng 8/2017, ông Moon và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí mở rộng một hiệp ước quan trọng về chia sẻ thông tin tình báo vốn được đưa ra dưới thời bà Park Geun-hye, ông chỉ làm điều đó vì những căng thẳng với Triều Tiên tăng cao. Kể từ sau đó, các thông tin rò rỉ cho thấy Hàn Quốc đã hạn chế phạm vi chia sẻ thông tin tính báo về tên lửa của Triều Tiên, thay vì hợp tác rộng lớn hơn.

Đã có những điểm sáng, đáng chú ý nhất là Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Trung-Nhật-Hàn vào tháng 5/2018 – lần đầu tiên trong 3 năm – để thảo luận về một thỏa thuận thương mại đã được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, các cơ hội để một hội nghị như vậy diễn ra trong năm này là cực kỳ thấp. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6/2019, Shinzo Abe và Moon Jae-in đã không gặp nhau. Và tình trạng tồi tệ này đã lan sang lĩnh vực quân sự. Nhật Bản đã khẳng định rằng một tàu khu trục của Hàn Quốc đã khóa radar điều khiển hỏa lực trên máy bay tuần tra P-1 của nước này ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào tháng 12/2018, trong khi đó Hàn Quốc cáo buộc rằng một máy bay P-3C của Nhật Bản đã bay ở cự ly gần đến mức gây nguy hiểm cho một tàu khu trục của Hàn Quốc ở biển Hoa Đông vào tháng 1/2019. Sau đó, vào tháng 4/2019, Hàn Quốc đã kháng cáo thành công trong vụ kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), cho phép nước này duy trì các lệnh cấm vận hoàn toàn từ năm 2013 đối với thủy sản Nhật Bản từ các vùng gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima, khiến Nhật Bản càng giận dữ.

Gã khổng lồ mộng du

Những mối quan hệ ngày càng bất trắc này đã lên tới đỉnh điểm trong những tuần gần đây khi các tòa án Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho những lao động thời chiến bị buộc phải phục vụ cho chính quyền đế quốc Nhật Bản. Dựa trên phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2012, các tòa án địa phương đã yêu cầu các công ty Nhật Bản như Thép Nippon, Công nghiệp nặng Mitsubisi và Tập đoàn Nachi-Fujikoshi bồi thường từ 70.000 USD tới 90.000 USD cho mỗi người trong khoảng hai chục lao động Hàn Quốc trong thời chiến hay người thân còn sống của họ. Mặc dù những con số này là rất nhỏ, nhưng nó khiến Nhật Bản lo ngại vì ước tính có tới 700.000 người Hàn Quốc đã bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản và bởi các tòa án Hàn Quốc đã đe dọa đóng băng tài sản của các công ty Nhật Bản tại địa phương nếu họ từ chối trả tiền. Các nguyên đơn Hàn Quốc đang chuẩn bị khởi kiện để tịch thu tài sản và đấu giá chúng để đáp ứng các yêu cầu của họ.

Phản ứng trước các phán quyết bồi thường, Nhật Bản đã kêu gọi 2 nước thành lập một ủy ban trọng tài như đã định rõ trong Điều 3 của Hiệp ước tái bình thường hóa quan hệ năm 1965, cam kết đưa vấn đề ra Tòa án công l‎ý quốc tế nếu Hàn Quốc từ chối. Tokyo muốn Moon Jae-in giảm bớt quan điểm hiếu chiến của ông đối với Nhật Bản, có khả năng bằng cách đưa ra một cách tiếp cận thỏa hiệp đối với khoản đền bù cho người lao động, có thể liên quan tới một số quỹ chung mà sẽ chấm dứt các vụ kiện gây xôn xao chống lại các công ty Nhật Bản.

Tuy nhiên, Seoul đã thất bại trong việc thuyết phục Tokyo chấp nhận đề nghị, dẫn tới việc Nhật Bản công khai các biện pháp trả đũa thương mại chưa từng có tiền lệ chống lại nước láng giềng của họ vào ngày 1/7. Viện dẫn niềm tin song phương đang bị xói mòn – trong khi bác bỏ bất kỳ các liên kết nào tới các vụ kiện gần đây – Nhật Bản đã loại 3 nguyên vật liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh của Hàn Quốc ra khỏi danh sách ưu đãi xuất khẩu. Kết quả là nhựa nhiệt dẻo, các chất cản quang và hydrogen fluoride hiện bị trì hoãn tới 3 tháng cả trong vận chuyển và chuyển giao công nghệ.

Thực hiện một bước đi có toan tính

Nhật Bản, có 24 tỷ USD thặng dư thương mại với Hàn Quốc, đã thận trọng tính toán các biện pháp để tấn công các ngành công nghiệp quan trọng của Hàn Quốc vào thời điểm đặc biệt không thích hợp. Vào tháng 6/2019, Hàn Quốc đưa tin sản lượng xuất khẩu giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái – mức lớn nhất kể từ năm 2016 và sau đó thậm chí còn giảm 9,4% vào tháng 5. Cũng trong tháng này, sản lượng xuất khẩu chất bán dẫn cũng đang giảm sâu – 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 7 giảm liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu yếu trên toàn cấu và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Vào ngày 2/7, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cắt bớt các dự án phát triển năm 2019 của nước này xuống còn 2,4%-2,5%, giảm 0,2% từ dự báo ban đầu và là mức thấp nhất kể từ năm 2012. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc khó có thể hạn chế hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, vốn là một nguồn đặc biệt lớn cung cấp máy móc, nhựa, các linh kiện điện tử và hóa chất, tất cả đều có vai trò trọng yếu đối với hoạt động sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc.

Đối với ông Moon Jae-in, động thái hung hăng của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đang suy giảm, điều có thể khiến cho thời gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông trở nên phức tạp nếu các đồng minh của ông có thành tích yếu kém trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4/2020. Theo cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 5, ông Moon Jae-in chỉ có tỷ lệ ủng hộ là 45% (và chỉ có 30% ủng hộ cách giải quyết vấn đề kinh tế và việc làm) – một sự sụt giảm lớn so với mức 83% mà ông có được năm 2018. Các chính sách kinh tế tiến bộ của ông cũng không giúp ích được gì vì phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề kinh tế đang trở nên phức tạp hơn, khi mức tăng lương tối thiểu 29% và giới hạn giờ làm việc đã đẩy chi phí vận hành của doanh nghiệp lên cao. Và xét tới việc các đề nghị gây chán nản của ông đối với Triều Tiên hầu như không đem lại chút hi vọng gì cho việc thúc đẩy tỷ lệ dân chúng ủng hộ, hiện ông Moon Jae-in sẽ cần cân nhắc lập trường dân tộc được lòng dân của mình đối với Nhật Bản trước mối tai ương kinh tế ngày càng sâu sắc của nước này. Mặc dù Moon Jae-in đã bóng gió về các biện pháp trả đũa, nhưng áp lực từ các tập đoàn gia đình (Chaebol) vô cùng quan trọng của đất nước – những người có khả năng chịu nhiều tổn thất từ việc Nhật Bản trả đũa – có thể mang tính quyết định.

Điều tồi tệ hơn nữa đối với Hàn Quốc là Nhật Bản đã tiếp tục đẩy cuộc chiến thương mại lên cao bằng việc loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” gồm 27 nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Làm vậy sẽ dẫn đến việc áp đặt một quy trình kiểm tra an ninh quốc gia nghiêm ngặt đối với vô số mặt hàng mà Hàn Quốc mua từ Nhật Bản (chỉ ngoại trừ thực phẩm và gỗ) để đánh giá rằng liệu Seoul sẽ sử dụng chúng trong vũ khí thông thường hay vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong tình huống như vậy, các cuộc chuyển giao công nghệ cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Các biện pháp này có thể gây thiệt hại cho lượng nhập khẩu các công cụ máy móc và vật liệu tiên tiến của Hàn Quốc, cũng như các linh kiện điện tử, vốn chiếm 15% lượng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc và gần 10% tổng lượng nhập khẩu linh kiện điện tử của Hàn Quốc. Biện hộ cho bước đi này của mình, Tokyo đã lập luận trên cả các kênh chính thức lẫn không chính thức rằng khả năng kiểm soát hàng xuất khẩu của Hàn Quốc yếu kém, ngụ ý rằng Seoul đã không thể ngăn chặn được việc buôn lậu các hàng hóa nguy hiểm tới những nước bị trừng phạt như Triều Tiên và Iran.

Những hậu quả

Tự bảo vệ mình trước những hậu quả, các công ty Hàn Quốc cho biết họ sở hữu kho dự trữ có thể sử dụng trong vài tháng và rằng nhu cầu chất bán dẫn thấp hơn sẽ làm giảm đôi chút áp lực sản xuất. Đồng thời, chính quyền thành phố Seoul đã hứa cung cấp tài chính để hỗ trợ cho sự thâm hụt, trong khi đó chính quyền trung ương đang tìm kiếm các yêu cầu ngân sách để khởi động quá trình sản xuất các hóa chất bị hạn chế ở trong nước. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đã yêu cầu sự giúp đỡ từ WTO.

Mặc dù vậy, các hạn chế của Nhật Bản đe dọa tới các lĩnh vực quan trọng của Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào các hóa chất quan trọng nhập khẩu từ Nhật Bản. Theo Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, từ tháng 1 đến tháng 5, Nhật Bản chiếm 44% lượng nhập khẩu hydrogen fluoride, 92% lượng nhập khẩu chất cản quang và 94% lượng nhập khẩu nhựa nhiệt dẻo của Hàn Quốc. Các nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ cần phải tranh giành để thay thế các hóa chất này bằng nguồn cung từ các nơi khác hoặc đối mặt với sự chậm trễ do quy trình xem xét kỹ lưỡng có thể cản trở các hoạt động vận hành. Tất nhiên, nước này thậm chí có thể sẽ phải đối mặt với các hậu quả có tác động sâu sắc hơn khi Tokyo loại Seoul ra khỏi “danh sách trắng” ưu tiên xuất khẩu của nước này.

Đối với các mặt hàng cụ thể, các sản phẩm xuất khẩu như Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM), bộ nhớ flash NAND 3D, màn hình OLED và màn hình tinh thể lỏng (LCD) của Hàn Quốc có thể phải gánh chịu toàn bộ cơn giận dữ của Nhật Bản. Năm 2018, chất bán dẫn của Hàn Quốc chiếm 24% thị phần toàn cầu, chỉ sau Mỹ (45%). Đối với Hàn Quốc, những sản phẩm xuất khẩu như vậy có vai trò sống còn. Các mạch tích hợp có sử dụng chất bán dẫn để sản xuất chiếm hơn 18% tổng lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc – lớn nhất trong số các loại sản phẩm. Cùng với chất bán dẫn và điện thoại thông minh, những hạn chế của Nhật Bản đối với hóa chất đầu vào có thể tác động tới khoảng 20% tổng sản lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc.

Những nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Hàn Quốc có thể tránh được một số hậu quả bằng việc chuyển hoạt động sản xuất sang Trung Quốc, nhưng các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, những bên đa phần chế tạo màn hình của họ ở Hàn Quốc, sẽ cần tiến hành những điều chỉnh lớn để dịch chuyển hoạt động sản xuất của họ sang bên kia Hoàng Hải. Hơn nữa, việc chuyển bớt gánh nặng sản xuất vi mạch sang các cơ sở của họ ở Trung Quốc đem lại những rủi ro riêng khi xét tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra quyết liệt, các công ty lớn của Hàn Quốc ở Trung Quốc đang tiến hành chuyển đổi một số bộ phận sang những nơi như Việt Nam. Và sau đó là vấn đề dai dẳng trong chính quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh: Năm 2017, Trung Quốc tiến hành tẩy chay du lịch và các biện pháp kinh tế khác đối với Hàn Quốc sau khi Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Hiện nay, các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul đang được cải thiện, nhưng vẫn rất mong manh.

Hàn Quốc cũng có những lựa chọn khác, mặc dù chúng khó có thể là một giải pháp dễ dàng. Đầu tiên và trước hết, các công ty Hàn Quốc đơn giản là có thể yêu cầu các nhà máy sản xuất của Nhật Bản vận chuyển các hóa chất cần thiết từ các nhà máy của họ ở nước ngoài, nhưng điều này có vẻ tỏ ra khó khăn khi xét tới áp lực chính trị đối với các tập đoàn. Có nguồn tin cho biết Nga đã đề nghị tham gia cung cấp hydrogen fluoride, nhưng việc thay đổi các nguồn nhập khẩu sẽ là thách thức do nhu cầu thực hiện các quy chế thử nghiệm và kiểm soát chất lượng mới để đảm bảo các nguồn cung mới đáp ứng các tiêu chuẩn công nghiệp. Cuối cùng, điểm sáng cho các công ty Hàn Quốc trong ngắn hạn có thể chính là việc giảm bớt nhu cầu chất bán dẫn trên toàn cầu vốn đã gây tổn hại tới nước này trong những tháng gần đây – nghĩa là sản lượng thấp hơn có thể sẽ được chấp nhận vì dư thừa vi mạch trên toàn cầu. Với việc có trong tay kho nguyên liệu dự trữ đủ dùng trong vài tháng, Hàn Quốc do đó có thể không cảm nhận được phí tổn thực sự của cuộc chiến thương mại này trong một khoảng thời gian.

Một biện pháp lâu dài?

Giữa cuộc tranh luận, các nhân tố trong nước của Nhật Bản có thể có tác động tới tương lai của các biện pháp của Tokyo. Vào ngày 21/7, đảng Dân chủ tự do cầm quyền của Nhật Bản bước vào cuộc bầu cử Thượng viện với hi vọng giành được 2/3 số ghế cần thiết để gây ảnh hưởng tới cuộc cải cách hiến pháp được chờ đợi từ lâu, và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng những động thái chống lại Hàn Quốc ngày càng được dân chúng ưa thích, với 58% bày tỏ sự ủng hộ, và chỉ 24% phản đối. Nhưng dù đường lối cứng rắn chỉ là chiêu trò trong bầu cử nhưng Nhật Bản cũng không thể nhượng bộ ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu. Về phần mình, Hàn Quốc đã đơn phương thúc ép Nhật Bản kể từ năm 2017, và hiện Tokyo đang cho thấy nước này sẽ chỉ lùi bước nếu Hàn Quốc thỏa hiệp. Đối với Nhật Bản, các biện pháp này không gây nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế ngoài các nhà máy sản xuất hóa chất có liên quan – đối với những nhà máy này, các dây chuyền sản xuất được nói đến không đặc biệt quan trọng. Xét tới các hạn chế xuất khẩu hóa chất và động thái gạch tên Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” chỉ cho thấy Chính quyền Nhật Bản gia tăng sự giám sát – chứ không phải là một lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn – Tokyo sẽ có quyền tự do hành động lớn hơn để định hình các biện pháp hạn chế xuất khẩu theo cách tối đa hóa thiệt hại đối với Seoul và giảm thiểu tổn thất đối với các công ty Nhật Bản, nghĩa là Nhật Bản hầu như không có lý do gì để từ bỏ lợi thế này của mình.

Hơn nữa, Hàn Quốc sẽ nhận thấy trả đũa một đòi hỏi quá sức. Nhật Bản có thể dễ dàng thay thế bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào từ Hàn Quốc đã nằm trong lệnh cấm xuất khẩu của Seoul. Điều này dẫn tới hành động tẩy chay của Hàn Quốc, những người chiếm tới 22% tổng lượng khách du lịch tới Nhật Bản. Đó chỉ là một trong vài đòn bẩy mà Hàn Quốc có. Nhưng trái với Trung Quốc, Hàn Quốc không có một phương tiện nào để khởi xướng một cuộc tẩy chay do nhà nước bảo trợ và sẽ cần dựa vào sự ủng hộ từ người dân. Và cuộc bầu cử năm 2020 đang đến gần, ông Moon Jae-in có thể chọn cách đối đầu hơn nữa với Nhật Bản, vốn có thể là “bia đỡ đạn” cho các thảm họa kinh tế của Hàn Quốc.

Những hậu quả đối với khu vực

Về mặt ngoại giao, sự gay gắt với Hàn Quốc có thể cản trở những nỗ lực của Nhật Bản chìa tay ra với Triều Tiên trong bối cảnh diễn ra các cuộc đàm phán Mỹ-Triều - một sự kiện đang tiến triển ở sân sau của Nhật Bản mà Tokyo đang đứng ngoài quan sát.

Cụ thể nhất, căng thẳng gia tăng giữa 2 bên có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà cả hai nước đều tham gia. Vốn đã vấp phải cản trở do sự bướng bỉnh của Ấn Độ, RCEP có khả năng sụp đổ hơn nữa do sự bất hòa giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Cả hai nước cũng bị kéo vào các cuộc đối thoại với Trung Quốc về một thoả thuận tự do thương mại 3 bên. Thoả thuận thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn đã được đồn đoán từ năm 2011 và trải qua 15 vòng đàm phán kể từ tháng 3/2013 - gần đây nhất là vào tháng 4, mặc dù căng thẳng Nhật-Hàn ngày một sâu sắc có thể biến thoả thuận này thành các thoả thuận song phương.

Bất chấp tình trạng giữa họ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chia sẻ lợi ích sống còn, cả hai đều phụ thuộc vào chiếc ô quân sự Mỹ - điều sẽ hạn chế hậu quả vì Washington không có lợi ích gì khi chứng kiến tranh chấp giữa 2 đồng minh quan trọng của mình đi quá xa. Nhưng không có bên nào muốn thoả hiệp, cuộc cãi vã hiện nay giữa 2 gã khổng lồ kinh tế Đông Á hầu như không có dấu hiệu sớm kết thúc. Và xét tới việc Nhật Bản có ít động cơ kinh tế hơn để giảng hoà ngay lập tức, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ phải quyết định xem liệu việc đánh bóng thành tích mang tính dân tộc chủ nghĩa của họ có xứng đáng với nỗi đau kinh tế đang chờ đợi nước này hay không.

Evan Rees, nhà phân tích về châu Á – Thái Bình Dương, Stratfor. Bài viết được đăng trên Stratfor.

Trần Quang (gt)