20/07/2018
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì ổn định trong quan hệ với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN.
Tóm tắt
Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền ở Hàn Quốc trong bối cảnh nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài nổi lên rõ rệt. Mô hình phát triển dựa vào các tập đoàn lớn có quan hệ gần gũi với quan chức chính trị đã bộc lộ những hạn chế ngăn cản sáng tạo, gây mầm mống tham nhũng, mất dân chủ, và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng. Thách thức an ninh nóng lên từ những vụ thử vũ khí liên tiếp của Triều Tiên dẫn đến những đòi hỏi xử lý quan hệ với các đối tác chủ chốt như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, và các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, ông Moon Jae-in đã định vị được những nét lớn trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc chỉ trong khoảng nửa năm cầm quyền. Hàn Quốc sẽ tiếp tục coi trọng hợp tác an ninh với Mỹ, song từng bước tìm kiếm sự độc lập hơn. Quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc sẽ được duy trì ở mức độ vừa phải, không gần gũi như dưới thời Tổng thống Park Geun-hye song ổn định và tích cực. Chính quyền Hàn Quốc sẽ tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, dù trở lực lịch sử vẫn rất lớn. Cuối cùng, Hàn Quốc ưu tiên phát triển quan hệ với ASEAN trong khi duy trì quan hệ ổn định với Nga.
Từ khóa: Hàn Quốc, chính sách đối ngoại, Moon Jae-in, Hàn Quốc - Mỹ, Hàn Quốc - Trung Quốc, Hàn Quốc - Nhật Bản, Hàn Quốc - ASEAN.
Giới thiệu
Ông Moon Jae-in tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/5/2017 trong bối cảnh Hàn Quốc đối diện rất nhiều thách thức. Trong nước, cuộc khủng hoảng chính trị chưa đi đến hồi kết khi quá trình luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye (bị phế truất tháng 3/2017) chưa hoàn tất. Nền kinh tế dựa vào các tập đoàn lớn bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu cần khắc phục. Dân số Hàn Quốc già hóa với tốc độ nhanh, đi kèm tỉ lệ người già có hoàn cảnh khó khăn khá cao, gây sức ép tăng ngân sách cho phúc lợi xã hội. Trên bình diện quốc tế, Hàn Quốc đối diện với tình hình an ninh bất ổn. Chỉ trong hơn một năm qua, Triều Tiên đã tiến hành hàng chục vụ phóng thử tên lửa và thử vũ khí hạt nhân, khiến Liên Hợp Quốc ngày càng thắt chặt các biện pháp trừng phạt, dẫn đến môi trường an ninh khu vực nóng lên bất thường. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn đến mức cực đoan như “hủy diệt” Triều Tiên, song sự phối hợp với Hàn Quốc còn hạn chế, thậm chí chưa bổ nhiệm được Đại sứ tại Hàn Quốc sau hơn 9 tháng cầm quyền.
Trong bối cảnh đó, ông Moon đã tỏ ra là người có bản lĩnh, xử lý các thách thức nội bộ và quốc tế cho đến nay tương đối nhất quán. Tuy cần thêm thời gian để đánh giá chính xác tính đúng đắn và mức độ hiệu quả trong chính sách đối ngoại của chính quyền còn tương đối non trẻ ở Hàn Quốc, các bước đi ban đầu cho thấy Tổng thống Moon Jae-in đã có chính sách đối ngoại khá quyết đoán nhằm tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế và giải quyết các thách thức cả bên trong và bên ngoài.
Các nhân tố chi phối chính sách đối ngoại của Hàn Quốc hiện nay
Theo các luận thuyết phổ biến về phân tích chính sách đối ngoại, chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia chịu ảnh hưởng của ba cấp độ chính: cá nhân người lãnh đạo, yếu tố nội bộ (nhu cầu an ninh/phát triển và chính trị nội bộ), và tình hình quốc tế.[1] Áp dụng khuôn khổ này vào phân tích chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời tổng thống Moon Jae-in có thể thấy rõ một số vấn đề sau:
Về nhân tố cá nhân lãnh đạo, Tổng thống Moon Jae-in muốn định vị bản thân trước công chúng là một người trong sạch và hướng chính phủ cầm quyền minh bạch để đối lại với chính quyền cũ của bà Park dính líu nhiều tới các vụ bê bối. Ông đã từ chối sinh sống ở dinh thự dành cho các Tổng thống (nhà Xanh) mà làm việc tại tòa nhà Chính phủ ở trung tâm Seoul để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.[2]
Trong vấn đề Triều Tiên, ông Moon theo đuổi tư tưởng hòa giải linh hoạt. Ông sinh ra trong một trại tị nạn của các gia đình chạy từ Triều Tiên xuống Hàn Quốc. Mẹ ông là người duy nhất trong gia đình đi tị nạn và chưa từng gặp lại người thân.[3] Tổng thống Moon cũng có giai đoạn làm luật sư về quyền con người trước khi khởi nghiệp chính trị. Do đó, ông Moon có xu hướng quan tâm nhóm người yếu thế trong xã hội, là nền tảng cho tư tưởng hòa giải dân tộc. Ngay trong giai đoạn tranh cử và sau khi thắng cử, nhiều lần tổng thống Moon Jae-in đã nhắc đến hòa giải dân tộc. Ông thậm chí còn lấy bài học thống nhất đất nước của Đức làm ví dụ điển hình cho sự phát triển chính trị và kinh tế cần phải học hỏi.[4] Tổng thống Moon có thời gian phục vụ dưới quyền cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người nổi tiếng với Chính sách Ánh Dương, can dự tích cực với Triều Tiên để thương lượng các vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ông Moon từng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Roh và là một phụ tá thân cận trong thời gian ông Roh làm Tổng thống. Do đó, Moon hiểu được những thành công và hạn chế của chính sách này.
Ông Moon Jae-in cũng có cách tiếp cận khá thực dụng khi từng chỉ trích Tổng thống Trump về cách tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên, nhưng rồi sau đó lại tuyên bố ông cùng Trump có đồng quan điểm trong việc nhìn nhận “sự kiên trì chiến lược” của tổng thống Obama là thất bại.[5]
Yếu tố nội bộ của Hàn Quốc gồm 3 nhu cầu chính: đảm bảo an ninh trước mối đe dọa từ Triều Tiên và các thách thức an ninh khác, khắc phục những tồn tại của nền kinh tế vốn dựa quá nhiều vào các siêu tập đoàn để tạo động lực tăng trưởng mới, và giải quyết các vấn đề chính trị-xã hội như thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và tiếp tục thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong nước. Những nhu cầu này được phản ánh trong Đề cương Chính sách của chính quyền Moon Jae-in, được công bố chỉ 69 ngày sau lễ nhậm chức. Đề cương này xác lập tầm nhìn quốc gia với các mục tiêu, chiến lược, và nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của Tổng thống Moon.[6] Nâng cao năng lực quốc phòng là một quan tâm chiến lược của Tổng thống Moon Jae-in. Thách thức an ninh lớn nhất đối với Hàn Quốc xuất phát từ Triều Tiên, do đó chính quyền Moon tập trung nâng cao năng lực phản ứng lại các đe doạ từ Triều Tiên, cơ cấu lại năng lực phòng thủ quốc gia trên toàn bộ lĩnh vực quốc phòng, từng bước yêu cầu chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) từ Mỹ, và sẵn sàng theo đuổi các biện pháp đa dạng để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.[7]
Về chính trị, chính quyền Moon cần tiếp tục quá trình dân chủ hóa đang trên đà phát triển trong những năm gần đây.[8] Tổng thống Moon Jae-in là chính trị gia có uy tín về mức độ trong sạch, khi vận động tranh cử đã xây dựng hình tượng bản thân như một liều thuốc giải cho chính quyền tham nhũng của bà Park.[9] Trong bản kế hoạch hành động, chính quyền Moon coi dân chủ và công lý là giá trị bao trùm, phấn đấu xây dựng "một nhà nước của dân, một nhà nước của công lý”.[10] Quyết tâm này đồng nghĩa với những sức ép đòi hỏi Tổng thống Moon giải quyết các vấn đề khó khăn cố hữu trong bộ máy, tìm nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn các vụ bê bối như dưới thời chính quyền trước, vận hành các cơ quan độc lập, đồng thời khôi phục các cơ quan tham vấn liên ngành về chống tham nhũng. Đó là yêu cầu không dễ dàng với chính quyền Tổng thống Moon.
Về kinh tế, chính quyền Moon cần giải quyết mặt trái ngày càng bộc lộ của chiến lược phát triển dựa vào các mũi nhọn là các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Daewoo, Lotte, LG v.v.. trong nhiều thập kỷ qua. Lợi nhuận bán hàng từ năm tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc là Huyndai, LG, Lotte, Samsung, và SK Group có trị giá hơn nửa toàn bộ nền kinh tế đất nước.[11] Sự cấu kết giữa các tập đoàn lớn với quan chức chính trị dễ làm nảy sinh tình trạng tham nhũng, tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh chóng khi phần lớn thành tựu phát triển kinh tế chỉ có lợi cho người giàu. Tổng khối tài sản cá nhân của các gia tộc đứng đầu Hàn Quốc vào khoảng 39 triệu won, vượt cả ngân sách hàng năm của Seoul.[12] Thống kê phân bổ thu nhập ở Hàn Quốc năm 2016 cho thấy thu nhập của 20% nhóm dân số có thu nhập cao nhất cao gấp 9 lần so với thu nhập của 20% nhóm dân số có mức thu nhập thấp nhất.[13] Hàn Quốc cũng phải phải đối đầu với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở giới trẻ.[14] Ngoài ra, một nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu dễ dẫn đến những rủi rõ trả đũa về kinh tế.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng thống Moon lên kế hoạch tạo thêm nhiều việc làm cho giới trẻ ở cả khu vực công và tư nhân, cắt đứt sợi dây liên kết mờ ám giữa chính trị và kinh tế, nâng cao quyền lực cho các cổ đông nhỏ trong các tập đoàn lớn, xây dựng đạo luật nhằm khuyến khích và bảo vệ doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng quỹ rủi ro lên 5 triệu won vào năm 2022 so với 3,2 triệu won năm 2016, và tăng gấp đôi chi phí nghiên cứu và triển khai (R&D) cho các doanh nghiệp.[15] Chính quyền Hàn Quốc dự kiến tạo hơn 800 ngàn việc làm trong khu vực công, tăng chỉ tiêu việc làm cho người trẻ trong các tổ chức công lên 5% so với mức 3% hiện tại, khuyến khích các doanh nghiệp thuê người lao động trẻ tuổi bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho nhân công trẻ tuổi. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Moon cũng tuyên bố cải tổ các tập đoàn tài phiệt để hạn chế khả năng độc quyền và lạm quyền, mang lại lợi ích lâu dài và sức mạnh cho nền kinh tế.[16] Chính phủ cũng chú trọng phát triển khoa học công nghệ, lập Ủy ban Chính phủ về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới thương mại hóa mạng 5G. Hàn Quốc sẽ đầu tư vào các công nghệ cốt lõi là trí thông minh nhân tạo và công nghiệp mới hướng tới tương lai cho giá trị gia tăng cao.[17]
Về lĩnh vực xã hội, Tổng thống Moon hướng tới xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt hơn, đặc biệt cho trẻ em và người già. Chính phủ Hàn Quốc cũng tập trung cho hoạt động bảo vệ môi trường, giảm khí tải từ ô tô và sản xuất điện và làm sạch các con sông chính.
Môi trường đối ngoại tác động lớn nhất đối với Hàn Quốc là tình hình an ninh bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Năm 2017 là bước ngoặt trong chương trình vũ khí của Triều Tiên khi chỉ trong 10 tháng đầu năm, nước này đã phóng 22 tên lửa trong 15 cuộc thử nghiệm. Nhiều trong số đó có tính khiêu khích cao, như vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung qua bầu trời Nhật Bản, phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và thử vũ khí hạt nhân công suất lớn, ước tính có sức tàn phá gấp nhiều lần so với quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hirasima của Nhật Bản.[18] Do vị trí địa lý cận kề, đặc biệt khi thủ đô Seoul chỉ cách vùng Phi quân sự (DMZ) 40km, Hàn Quốc sẽ chịu hệ lụy to lớn nếu xảy ra một cuộc chiến tranh ở Triều Tiên. Bất ổn an ninh dẫn đến ảnh hưởng kinh tế với Hàn Quốc vì dòng vốn chạy ra nước ngoài để tránh rủi ro xung đột.[19]
Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không chỉ là đe dọa an ninh trực tiếp với Hàn Quốc mà còn có hệ lụy chiến lược lâu dài khi phá vỡ cân bằng và trật tự khu vực đã định hình trong nhiều năm qua. Do đó, các cường quốc hàng đầu thế giới trong và ngoài khu vực tích cực tìm các biện pháp ứng phó. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc tăng cường triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa. Có ý kiến ủng hộ khả năng Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân hoặc cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Một cuộc thăm dò ý kiến của trong nội bộ Hàn Quốc được tiến hành sau cuộc vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên cho thấy, 60% số người được hỏi ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc.[20]
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên còn có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ quốc tế của Hàn Quốc như với Trung Quốc và Mỹ, gây bất lợi tới môi trường đối ngoại của Hàn Quốc. Quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn phát sinh mâu thuẫn khi hai bên chưa nhất trí được việc đóng góp tài chính cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và Tổng thống Trump chỉ trích cách tiếp cận can dự với Triều Tiên của Hàn Quốc.[21] Quyết định cho phép triển khai THAAD của Hàn Quốc cũng là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Hàn nhanh chóng lạnh nhạt. Các công ty du lịch của Trung Quốc ngưng bán tour du lịch sang Hàn Quốc, tạm thời đóng cửa 55 cửa hàng miễn thuế thuộc Tập đoàn Lotte - tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc và cũng là nhà cung cấp nguồn đất cho hệ thống THAAD. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đe dọa trừng phạt mở rộng với các công ty Hàn Quốc khác, như Samsung và Hyundai.
Ngoài chương trình hạt nhân của Triều Tiên, quá trình "bình thường hóa" của Nhật cũng là nhân tố mới trong bối cảnh quan hệ quốc tế ở Đông Á.[22] Sự phát triển sức mạnh quân sự của Nhật Bản và việc giải thích lại Điều 9 Hiến pháp cho phép Nhật Bản tự do hơn trong việc triển khai các hoạt động quân sự, tham gia vào các hoạt động quân sự chung với một vai trò rộng lớn hơn, trong đó có hoạt động hỗ trợ đồng minh bảo vệ an ninh chủ quyền. Thủ tướng Nhật Abe cũng không che dấu ý định đưa Nhật trở thành một cường quốc có sức mạnh quân sự lớn, có thể đóng góp cho các nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Trong xu thế đó và tình hình căng thẳng ở Triều Tiên, Nhật Bản có khả năng sẽ xem xét các lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nước đối với ý tưởng này, những bế tắc của cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ củng cố quan điểm phát triển hạt nhân ở Nhật Bản.
Cạnh tranh và hợp tác Trung Quốc - Mỹ cũng là yếu tố quan trọng tác động đến cục diện và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và môi trường đối ngoại của Hàn Quốc nói riêng. Về kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại xuất khẩu số một của Hàn Quốc, Mỹ giữ vị trí số hai.[23] Tuy nhiên về an ninh, chính quyền Moon vẫn coi Mỹ là đối tác hàng đầu trong việc đối phó với thách thức từ Triều Tiên. Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa một cường quốc đã định hình và một cường quốc mới trỗi dậy.[24] Mỹ tăng cường can dự hơn vào khu vực, thông qua chiến lược “tái cân bằng” dưới thời Obama và tư tưởng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thời Trump. Trung Quốc đối phó bằng cách tăng cường vận động đưa ra các sáng kiến hợp tác ở quy mô toàn cầu cả về an ninh và kinh tế và mở rộng ảnh hưởng ở nhiều nước Trung, Nam và Đông Nam Á (Pakixtan, Sri Lanka, Campuchia...) và xây cả căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài ở Djibouti.[25] Cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nước nhỏ hơn như Hàn Quốc có nguy cơ mất vai trò và buộc phải lựa chọn một bên, không phù hợp với lợi ích của Hàn Quốc.
Các điểm lớn trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc
Trên cơ sở tư tưởng cá nhân của Tổng thống Moon và xuất phát từ những yếu tố nội bộ, bối cảnh quốc tế, chính quyền Moon Jae-in đã định hình được một số nét lớn trong chính sách đối ngoại, trong đó đáng chú ý là việc xử lý vấn đề Triều Tiên, xây dựng quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Đông Nam Á. Nhìn chung, ông Moon Jae-in được người Hàn Quốc đánh giá cao trong việc hoạch định chính sách đối ngoại trong hơn nửa năm đầu cầm quyền.
Xử lý vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Moon Jae-in theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa trong vấn đề Triều Tiên, hướng tới can dự theo Chính sách Ánh Dương, cam kết xoa dịu căng thẳng và khôi phục Đàm phán Sáu bên về vấn đề Triều Tiên. Thậm chí, ông từng tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ trực tiếp Kim Jong Un khi điều kiện cho phép và đã có những hành động khác biệt đáng kể so với hai đời Tổng thống trước.[26]
Ông Moon quyết định nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, từng bị đình trệ dưới thời Tổng thống Park. Để không vượt quá khuôn khổ lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Triều Tiên, đồ viện trợ là hàng hóa và nhu yếu phẩm thông thường.[27] Hàn Quốc cũng cho phép tổ chức nhân đạo Korean Sharing Movement liên hệ với Triều Tiên nhằm thảo luận về cách thức đối phó với bệnh sốt rét, thể hiện dấu hiệu mới muốn cải thiện mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên.[28] Chương trình nghị sự Chính sách 5 năm của chính quyền Moon Jae-in cũng đề xuất “Bản đồ kinh tế mới của Bán đảo Triều Tiên” và tầm nhìn mới về hợp tác kinh tế giữa hai miền.[29] Một số đề xuất cụ thể như liên kết hai vùng thông qua tuyến đường bộ và đường biển, mở rộng Tổ hợp công nghiệp chung giữa hai miền (Kaesong Industrial Complex - KIC) thêm 66 km2 so với 3,3 km2 như hiện tại, đầu tư phát triển dự án du lịch núi Kumgang,[30] hướng tới hợp nhất hai nền kinh tế Triều Tiên thành một khu vực kinh tế đơn nhất.[31] Ông Moon Jae-in còn công khai bày tỏ ý tưởng thống nhất hai miền trong một bài phát biểu dài tại Berlin dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các nước, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.[32] Ông cũng nhắc lại những thành công của chính sách Ánh Dương trong việc tự do hóa một phần nền kinh tế nội bộ của Triều Tiên. Ông ngầm truyền tải thông điệp tới Triều Tiên rằng lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ nếu Bình Nhưỡng chịu quay lại bàn đàm phán. Một trong những thông điệp mạnh là gợi ý về một hiệp định hòa bình nhằm kết thúc chiến tranh giữa hai miền.[33]
Tuy thể hiện thái độ tích cực và thiện chí, Tổng thống Moon cũng thể hiện sự cứng rắn khi cần thiết. Ngay sau khi Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản vào ngày 28/8, Tổng thống Moon đã lệnh cho lực lượng không quân triển khai ngay máy bay ném bom áp sát biên giới liên Triều, tiếp đó bốn phi cơ chiến đấu F-15 đã ném 8 quả bom đa dụng MK84 trong một đợt bắn ở Taebaek, tỉnh Gangwon.[34] Đây là những cảnh cáo mạnh mẽ tới chế độ Kim Jong-un rằng Hàn Quốc sẵn sàng có những phản ứng quân sự khi cần nhiết nhằm đáp trả những khiêu khích tên lửa ngày càng liều lĩnh của Bắc Hàn.
Việc Triều Tiên thử tên lửa dồn dập giai đoạn giữa năm 2017 đã gây khó cho chính quyền của Tổng thống Moon, buộc ông phải theo đuổi chiến lược "ngoại giao kép", vừa thúc đẩy các giải pháp quân sự, vừa tìm kiếm các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên. Hiện chính quyền Moon Jae-in có thể hướng tới các thỏa thuận ngắn hạn trong các vấn đề ít nhạy cảm như trao đổi nhân đạo, tổ chức các buổi gặp gỡ cho các gia đình ly tán, tham dự chung trong các sự kiện thể thao, hay xa hơn là việc tái thiết lập đường dây nóng quân sự. Đó sẽ là cơ sở để thúc đẩy hợp tác dài hơn trong tương lai giữa hai miền.
Chính sách với Mỹ
Hàn Quốc luôn đánh giá Mỹ là đồng minh quan trọng hàng đầu trong chiến lược an ninh quốc gia. Khi khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên tăng lên, dẫn đến rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Hàn, có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần xét lại mối quan hệ đồng minh này.[35] Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Hàn luôn có tính cùng thắng, vì thế chính quyền Tổng thống Moon sẽ tiếp tục coi quan hệ với Mỹ là một trụ cột an ninh được ưu tiên. Mỹ là đồng minh hỗ trợ bảo vệ an ninh trước mối đe doạ trực tiếp từ Triều Tiên. Hiện Mỹ duy trì hơn 20.000 binh sĩ bao gồm lục quân, hải quân, không quân tại các căn cứ quân sự đóng ở Hàn Quốc theo Hiệp định Phòng thủ chung; triển khai nhiều cuộc tập trận và huấn luyện chung hàng năm. Mỹ thậm chí sẵn sàng triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.[36]
Về phía mình, Mỹ coi Hàn Quốc là đồng minh lâu đời, có vị trí chiến lược trong việc triển khai các căn cứ quân sự và hiện diện của Mỹ ở Đông Á. Hàn Quốc đã góp quân cho Mỹ tham chiến ở Việt Nam, Irắc và Ápganixtan. Hàn Quốc cũng là quốc gia tích cực ủng hộ các sáng kiến thời kỳ Obama như Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân G20 và an ninh hạt nhân, và tham gia vào Quỹ Hợp tác Năng lượng Hạt nhân Quốc tế, Sáng kiến Toàn cầu về Chống Khủng bố Hạt nhân, thực sự đóng vai trò dẫn dắt trong các hoạt động chống phổ biến vũ khí hạt nhân.[37]
Hợp tác kinh tế cũng là một sợi dây gắn kết quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn. Dưới “chiếc ô bảo trợ” của Mỹ, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ; Mỹ hiện là đối tác thương mại thứ hai của Hàn Quốc trong xuất khẩu hàng hóa,[38] trong khi đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ sáu của Mỹ. Các công ty lớn của Mỹ từ lâu đã đầu tư vào Hàn Quốc, trong khi các công ty hàng đầu của Hàn Quốc đã đầu tư đáng kể vào Mỹ. Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn (KORUS FTA) có hiệu lực từ tháng 3/2012 đã xóa bỏ 95% rào cản thuế quan giữa hai nước. Năm 2015, thương mại hai chiều về hàng hóa lên tới 113,8 tỷ đô, và 33,4 tỷ đô về dịch vụ.[39] Tuy nhiên, bản thân KORUS FTA cũng chính là một cầu nối mong manh khi mà Trump với chủ nghĩa bảo hộ đang lên liên tục yêu cầu xem xét lại thỏa thuận thương mại FTA mà ông cho là bất lợi cho Mỹ và mong muốn chấm dứt nó.[40] Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc cho rằng việc mất đi các nhượng bộ thuế quan trong thoả thuận KORUS FTA, đối với một quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Hàn Quốc có thể dẫn tới thiệt hại 26,9 tỷ USD trong xuất khẩu và 240,000 việc làm trước năm 2021.[41]
Những phân tích đó có thể dẫn đến nhận định chính quyền Moon Jae-in sẽ tiếp tục lựa chọn chính sách phát triển hợp tác kinh tế với Mỹ và phần nào dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, trong cụ thể triển khai quan hệ, ông Moon Jae-in sẽ có một số điều chỉnh quan trọng, có thể dẫn đến những khó khăn trong quan hệ Hàn - Mỹ thời gian tới.[42] Một trong những chuyển hướng chính sách của Hàn Quốc với Mỹ là việc chính quyền Moon muốn có thêm nhiều quyền kiểm soát trong các hoạt động liên minh với Mỹ. Tổng thống Moon quyết tâm hoàn tất việc chuyển giao này trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, thể hiện rõ trong Chương trình Nghị sự Chính sách 5 năm của Tổng thống. Đi kèm với đó, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ xây dựng chính sách độc lập trong ứng phó với các thách thức từ Triều Tiên, hạn chế lệ thuộc vào lập trường của Mỹ. Ông Moon từng tuyên bố “nên học cách nói không với Mỹ” và cam kết cách tiếp cận “lợi ích quốc gia trên hết” (national interest first) trong một cuốn sách xuất bản đầu năm 2017.[43]
Chính sách với Trung Quốc
Dưới thời Tổng thống Park, quan hệ của Hàn Quốc với Trung quốc rất nồng ấm.Tuy nhiên, sau khi chính quyền Moon quyết định triển khai THAAD, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc nhanh chóng rơi vào trạng thái xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Những dấu hiệu kinh tế và ngoại giao cho thấy Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp trả đũa và gây sức ép với Hàn Quốc, ngăn cản Hàn Quốc đi gần hơn với Mỹ. Điển hình là trong ngày kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày 24/8/2017, hai nước đã không cùng nhau tổ chức như thường lệ mà tổ chức riêng.[44] Trong khi Hàn Quốc đã cử phái đoàn đại diện cấp cao tới buổi lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul thì Trung Quốc chỉ cử phái đoàn nhỏ tới dự buổi lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh.[45]
Tuy nhiên, quan hệ Hàn - Trung vẫn có cơ hội phát triển tốt trong thời gian tới. Về an ninh, tuy có thể có mục tiêu lâu dài khác nhau, song cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều có chung mục tiêu trước mắt là duy trì bán đảo Triều Tiên hòa bình ổn định, ngăn không cho Triều Tiên vượt quá tầm kiểm soát.[46] Về kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu lên đến 124,4 tỷ đô, chiếm hơn một phần tư tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc năm 2016.[47] Trung Quốc là thị trường chủ yếu, chiếm hơn 70% xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2016, bao gồm chất bán dẫn (20%) và màn hình hiển thị (11%). Đồng thời Trung Quốc cũng là nguồn du lịch nước ngoài chính của Hàn Quốc. Khách du lịch Trung Quốc chiếm một nửa tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc năm 2016 - hơn tám triệu người.[48] Chỉ riêng Lotte, một trong năm tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đã đầu tư gần 9 tỷ USD cho các hoạt động của mình vào thị trường Trung Quốc từ năm 1994, và doanh thu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng doanh thu của Lotte bên ngoài Hàn Quốc.[49]
Bên cạnh những thuận lợi, quan hệ Hàn - Trung sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, quan hệ Hàn - Trung gặp khó khăn khi cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt hơn; đặc biệt trong trường hợp khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên tiếp tục leo thang, kéo theo sự can dự sâu của Mỹ vào khu vực làm Trung Quốc phản ứng.[50] Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và chuỗi các tập trận chung giữa Hàn Quốc - Mỹ khiến Trung Quốc cho rằng Hàn Quốc là một phần trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ.[51] Thứ hai, tranh chấp phân định biển ở Biển Hoa Đông là một nhân tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Sau hơn 10 vòng đàm phán từ năm 2008, đến nay hai nước vẫn chưa đạt được thống nhất đáng kể nào, trong khi nhiều va chạm nghiêm trọng đã xảy ra quanh khu vực tranh chấp này.[52] Cuối cùng, cạnh tranh thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc thời gian tới sẽ tiếp tục gay gắt. Hàn Quốc có ưu thế về công nghệ cao, nhưng trong những năm tới khoảng cách công nghệ của các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ thu hẹp lại. Chiến lược “xuất xứ Trung Quốc năm 2025” của chính phủ Trung Quốc nhằm đưa kinh tế cạnh tranh ở các lĩnh vực công nghệ cao cho phép các ngành công nghiệp Trung Quốc ngày càng phát triển và biến các công ty Trung Quốc trở thành đối thủ thực sự của Hàn Quốc.[53]
Trong bối cảnh những khó khăn, phức tạp trong quan hệ Hàn - Trung và chính sách tương đối độc lập, hạn chế gần Mỹ của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Moon, nhiều khả năng chính sách của Hàn Quốc đối với Trung Quốc sẽ mềm mỏng, ôn hòa. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11/2017, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Moon Jae-in đã có cuộc gặp gỡ bên lề nhằm nhanh chóng cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.[54] Tại đây, Hàn Quốc đưa ra ba bảo đảm hay “ba không” cho Trung Quốc: 1) không triển khai thêm THAAD ở Hàn Quốc; 2) không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Hoa Kỳ lãnh đạo; và 3) không tạo ra liên minh quân sự ba bên Hàn Quốc-Mỹ-Nhật.[55] Tổng thống Moon Jae-in cũng đã thăm Trung Quốc.
Tuy nhiên, không dễ để Hàn Quốc triển khai về thực chất ngoại giao “ba không” (dù có thể thực thi ở mặt biểu tượng), bởi họ cần Mỹ trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng Triều Tiên, và bản thân Mỹ cũng có thể ngăn cản vì hiện giờ tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đã có khả năng tấn công bất cứ thành phố nào của Mỹ. Hệ quả là quan hệ song phương Hàn - Trung sẽ ổn định ở mức vừa phải, không căng thẳng song ít có khả năng đạt được trạng thái “trăng mật” như dưới thời bà Park. Mối quan hệ này trên thực tế sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác như hành xử của Triều Tiên và cạnh tranh Trung - Mỹ ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Chính sách với Nhật Bản
Quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản vướng cản trở lớn là vấn đề lịch sử liên quan đến phụ nữ Hàn từng bị làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật trong thời gian chiến tranh.[56] Nhìn từ góc độc chiến lược, Hàn Quốc luôn coi Nhật là cường quốc lớn nên lo ngại đối với các hoạt động bình thường hóa năng lực quân sự của Nhật. Giữa hai nước cũng còn tranh chấp biển xung quanh cụm đảo/đá Liancourt mà Nhật gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo. Ngoài ra, hai nước hiện nay có những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên; trong khi, Nhật Bản có tư tưởng khá diều hâu đối với việc trừng phạt Bắc Hàn thì Hàn Quốc lại có cách tiếp cận kép (dual track), kết hợp giữa cứng và mềm.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây trong khu vực cho thấy hai nước có nhu cầu và khả năng xích lại gần nhau. Ngày 18/5, chỉ một tuần sau lễ nhậm chức, ông Moon đã cử đặc phái viên sang gặp Thủ tướng Shinzo Abe trước cả khi cử đặc phái viên sang Trung Quốc. Đó là dấu hiệu rất tích cực vì bà Park Geun Hye không một lần tới thăm Nhật Bản. Việc Hàn Quốc muốn củng cố quan hệ với Nhật trước hết có thể xuất phát từ việc liên tục leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Cuối tháng 8/2017, Tổng thống Moon và Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm, nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Tổng thống Moon tỏ rõ sự thông cảm với Thủ tướng Shinzo Abe về sự kiện Triều Tiên bắn tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản cuối tháng 8/2017. Ngoài ra, hai nước cũng có chung quan ngại về sự trỗi dậy và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Á và sự sụt giảm vai trò của Mỹ trong khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nhìn chung, nhiều khả năng dưới nhiệm kỳ của ông Moon, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy chính sách chủ động và thân thiện hơn với Nhật. Trước đây, Tổng thống Roh và Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã nhất trí thiết lập nên cơ chế gặp gỡ hàng năm và đối thoại giữa hai nước song không thành công. Tổng thống Moon đang trên con đường triển khai lại cơ chế đó, bước đầu là ngoại giao con thoi. Đặc phái viên hai nước đã nhất trí giải quyết triệt để vấn đề thoả thuận “phụ nữ mua vui” để khép lại một giai đoạn lịch sử khó khăn giữa hai nước. Tuy nhiên, việc Tổng thống Moon mời một “phụ nữ mua vui” tới dự quốc yến mừng Tổng thống Mỹ tới thăm Hàn Quốc tháng 11/2017 khiến phía Nhật không hài lòng, cho rằng vi phạm các thỏa thuận hai nước đã đạt được về vấn đề này và làm ảnh hưởng đến việc củng cố quan hệ giữa hai nước.
Chính sách của Hàn Quốc với Nga
Trong những năm qua, quan hệ Hàn Quốc - Nga luôn duy trì tương đối ổn định. Tổng thống Moon Jae-in đánh giá Nga vừa là đối tác an ninh, vừa là đối tác kinh tế đầy tiềm năng. Về an ninh, Nga là một bên trong tiến trình đàm phán 6 bên ở bán đảo Triều Tiên, do đó Hàn Quốc rất cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Về kinh tế, mục tiêu mà Tổng thống Moon đặt ra trong chiến dịch tranh cử là gia tăng đáng kể lượng tiêu thụ khí ga ở Hàn Quốc, ông từng tuyên bố phấn đấu đạt được mục tiêu gia tăng thị phần khí ga tiêu thụ trong sản xuất điện năng từ 19% hiện nay lên 27% trước năm 2030.[57]
Dư địa cho việc tăng cường quan hệ kinh tế Hàn - Nga còn nhiều. Ví dụ các dự án tiềm năng như thăm dò chung Bắc Cực nhằm phát triển các kênh vận tải đi qua vòng cực Bắc, hay công nghiệp đóng tàu và phát triển năng lượng. Hiện công ty Daewoo của Hàn Quốc đã đóng được tàu chở khí hóa lỏng phá băng, hoàn thành hành trình xuyên Bắc Cực với thời gian ngắn kỷ lục, thể hiện sức phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc mà Nga rất cần.[58] Ngoài ra, cũng trong tháng 8/2017, Viện Nghiên cứu Không gian Hàn Quốc và công ty dịch vụ vệ tinh Glavcosmos của Nga đã ký kết hợp đồng đầu tiên phóng hai thiết bị vệ tinh của Hàn Quốc vào không gian.[59] Hàn Quốc và Nga cũng đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng giữa đại lý thương mại của Hàn Quốc KOTRA và bộ phận xúc tiến đầu tư vùng Viễn Đông của Nga. Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để khởi động dịch vụ phà thương mại kết nối thành phố Gwangmyeong của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga.[60] Hàn Quốc và Nga cũng đang chứng kiến sức phát triển ngày càng tăng của trao đổi văn hóa và du lịch giữa hai nước.
Diễn biến mới nhất trong quan hệ hai nước gần đây là Tổng thống Moon đã công bố “Chính sách phương Bắc mới” trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Diễn đàn Kinh tế Đông Á vào ngày 7/9 tại Đại học Viễn Đông ở Vladivostok, Nga. Ông nói rằng hợp tác giữa các nước Đông Bắc Á nhằm phát triển vùng Viễn Đông sẽ là một giải pháp cơ bản cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, với dụng ý kiến tạo hòa bình và đạt được sự thịnh vượng trong khu vực thông qua hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên và Đông Bắc Á.[61] Các dự án chung ba bên giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Nga bao gồm kết nối đường sắt liên Triều qua biên giới với đường sắt xuyên Siberi, cũng như việc thiết lập một mạng lưới điệnTầm nhìn mới với mục tiêu tạo ra một vùng kinh tế rộng lớn sẽ mở rộng từ Bán đảo Triều Tiên và Viễn Đông của Nga đến Đông Bắc Á và Á - Âu. Nói đến hợp tác kinh tế với Nga, ông Moon đề xuất chín cầu nối hợp tác liên quan đến chín lĩnh vực khác nhau, bao gồm khí tự nhiên, đường sắt, cảng biển, điện, tuyến vận chuyển Bắc Cực, đóng tàu, lao động, nông nghiệp và thủy sản.[62] Thực tế, thuật ngữ “Chính sách phương Bắc” này không mới, đã được chính phủ Roh Tae-woo đưa ra vào năm 1988 nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Triều Tiên trong duy trì hòa bình hai miền. Tuy nhiên, chính sách này sau cùng đã không mang lại kết quả đáng kể do cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Do đó bản thân chính sách mới của Tổng thống Moon liệu có đem lại sự khác biệt so với người tiền nhiệm không cũng phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh thời cuộc. Cụ thể là những rủi ro về địa chính trị do vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow do sự can thiệp quân sự của Nga tại Ucraina vào năm 2014, và cáo buộc sự nhúng tay của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Các lệnh trừng phạt này, nếu kéo dài có thể có tác động tiêu cực đến Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc, vốn đòi hỏi phải hợp tác với Nga về năng lượng và vận tải.
Tuy quan hệ hợp tác Hàn - Nga cả về kinh tế và an ninh vẫn rất nhiều tiềm năng, và ngay cả khi cả hai nước đều có chính sách tương tự hướng tới nhau,[63] mối quan hệ này khó có khả năng đạt được đột phá trong thời gian tới do những khó khăn và quan tâm nội tại ở cả hai nước. Nga phải tập trung đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, chi phí cho giai đoạn hậu sáp nhập Crưm, giá dầu giảm và tham gia chiến dịch quân sự tại Siri nên cách tiếp cận trong quan hệ với Hàn Quốc sẽ chủ yếu hướng tới các mục tiêu và lợi ích ngắn hạn để bù đắp khó khăn nội tại.[64] Đối với Hàn Quốc, sẽ rất khó để phát triển chính sách mới do những trở ngại kể trên, và hơn hết dưới con mắt Hàn Quốc, Nga không phải là nhân tố quyết định góp phần giải quyết các quan tâm hàng đầu là đe doạ an ninh từ Triều Tiên và khắc phục các khiếm khuyết của mô hình kinh tế. Do những vấn đề nội tại đó, khó có những đột phá đáng kể. Nhiều khả năng Tổng thống Moon Jae-in sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Nga ở mức độ ổn định.
Chính sách của Hàn Quốc với Đông Nam Á
Tổng thống Moon từng thể hiện quan điểm sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, tuyên bố “đã đến lúc Hàn Quốc đa dạng hóa ngoại giao bởi nó đã quá bị chi phối bởi các mối quan hệ với bốn cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.”[65] Cách tiệp cận quá chú trọng vào các nước lớn trước đây đã làm giới hạn việc hoạch định chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc, trong khi các bất ổn ở bán đảo Triều Tiên đang ngày càng gia tăng. Với việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đặc biệt với các nước tầm trung ở Đông Nam Á, Hàn Quốc sẽ giảm sự cô lập trước đây khi chỉ quan tâm đến các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nhật; đồng thời thu được các lợi ích kinh tế, an ninh cụ thể.
Về kinh tế, Đông Nam Á là đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Khu vực này có lực lượng lao động lớn thứ ba trên thế giới (chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ) và trẻ, dân số lớn hơn châu Âu và Bắc Mỹ, có nhu cầu tiêu dùng lớn và tương đối dễ tính so với các thị trường đã phát triển khác. ASEAN đang tạo ra một thị trường lao động dồi dào cũng như một thị trường tiêu phụ sản phẩm tiềm năng.[66] Khối lượng thương mại giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á đã tăng 15 lần, từ 8,2 tỷ USD năm 1989 lên 119 tỷ USD vào năm 2015. ASEAN đã vượt Mỹ, EU và Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc.[67] Thành quả này bắt nguồn từ việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc - ASEAN (AKFTA) năm 2007.[68] Năm 2015, gần 6 triệu người Hàn Quốc đã đến Đông Nam Á, khiến khu vực này là địa điểm du lịch phổ biến nhất của người Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc đã đón gần 1,6 triệu du khách từ các nước ASEAN. Đây là khu vực có số lượng khách du lịch tới Hàn Quốc lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Làn sóng Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy trao đổi giữa Đông Nam Á và Hàn Quốc. Ngược lại văn hóa Đông Nam Á cũng đang được phổ biến rộng rãi ở Hàn Quốc. Hiện có khoảng 480 ngàn người Đông Nam Á đang sinh sống tại Hàn Quốc và 400 ngàn người Hàn Quốc sống ở Đông Nam Á, đóng vai trò là cầu nối quan trọng.[69]
Ngoài các lợi ích kinh tế, Tổng thống Moon cũng nhận thức các lợi ích chiến lược mà ASEAN mang lại.[70] ASEAN có thể là một cầu nối mà ông có thể tận dụng trong việc tiếp cận vấn đề Triều Tiên. Nhiều nước Đông Nam Á hiện có mối quan hệ ngoại giao tốt với Triều Tiên và cả hai nước trên bán đảo Triều Tiên đều là thành viên của Diễn đàn An ninh khu vực (ARF). Các cơ chế này hoàn toàn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với Triều Tiên và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác.
Trong chuyến công du ba quốc gia Đông Nam Á (Inđônêxia, Việt Nam, Philíppin) vào tháng 11/2017, Tổng thống Moon đã tuyên bố “Chính sách hướng Nam mới” với trọng tâm nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Hàn Quốc và ASEAN, lên ngang tầm với mối quan hệ giữa Hàn với bốn cường quốc Mỹ, Nhật, Trung và Nga.[71] Chính sách gồm ba mục tiêu chính nhằm hướng tới: i) một cộng đồng vì con người; ii) một khu vực hòa bình và iii) một cộng đồng cùng tồn tại và phát triển thịnh vượng.[72] Phù hợp với chính sách đối nội lấy con người làm trung tâm, chính sách mới sẽ tăng cường trao đổi với ASEAN và cùng phát triển thay vì khai thác các quốc gia nhỏ hơn như các cường quốc đã làm trong quá khứ. Với mục đích đó, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng khối lượng thương mại song phương của Hàn Quốc với ASEAN lên 200 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020, tương đương với khối lượng thương mại hiện nay giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.[73]
Tuy nhiên, để hiện thực hóa chính sách này còn nhiều khó khăn phía trước. Trung Quốc đã có kế hoạch chi một nghìn tỷ USD quỹ chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại ASEAN để khuyến khích các công ty của mình tiến vào thị trường. Nhật Bản đã đổ rất nhiều tiền vào khu vực kể từ khi công bố Học thuyết Fukuda[74] vào những năm 1970.[75] Tìm ra con đường ngắn nhất cho Hàn Quốc định vị chỗ đứng tại thị trường Đông Nam Á, tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ, di sản, nghệ thuật và hợp tác trong các lĩnh vực như vận tải, năng lượng, tài nguyên nước sẽ là những phác thảo cụ thể trong chiến lược mới của Tổng thống Moon.[76]
Kết luận
Tổng thống Moon Jae-in mới lên nắm quyền ở Hàn Quốc trong vòng hơn 6 tháng. Những chiến lược đối ngoại của chính quyền mới vẫn đang tiếp tục định hình. Tuy nhiên, từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì ổn định trong quan hệ với Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN. Những điều chỉnh đối ngoại này vừa phản ánh tư tưởng chính trị của cá nhân tổng thống Moon Jae-in; vừa phù hợp với nhu cầu an ninh, kinh tế, chính trị nội bộ của Hàn Quốc; đồng thời nhằm hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực của tình hình khu vực và quốc tế, tận dụng cơ hội để bảo vệ an ninh và phát triển đất nước.
TS. Hà Anh Tuấn, Học viện Ngoại giao. ThS. Nguyễn Thu Hương, Học viện Ngoại giao. Các tác giả cám ơn Quỹ Hàn Quốc đã tài trợ chương trình nghiên cứu chính sách tại Hàn Quốc tháng 8-9/2017. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 4 (111).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anthony, Fensom. “South Korea's Chaebol Needn't Fear Moon.” The Diplomat. June 19, 2017. http://thediplomat.com
2. ASEAN-Korea Centre. “ASEAN.” Truy cập July 03, 2017. http://www.aseankorea.org
3. Auslin, Michael. “Is It Time to Reassess the U.S.-South Korea Alliance?” The Atlantic. June 29, 2017 https://www.theatlantic.com
4. Benjamin, Lee. “THAAD and the Sino-South Korean Strategic Dilemma.” The Diplomat. October 08, 2016. https://thediplomat.com/
5. Bell, Markus and Milani, Marco. “South Korea's next president faces a belligerent north and a confused US.” September 28, 2017. https://theconversation.com
6. Charlotte, Gao. “25th Anniversary of Diplomatic Ties: Did Beijing Give Seoul The Cold Shoulder?” August 25, 2017. https://thediplomat.com
7. Christopher, Woody. “China is going after South Korea's wallet in their dispute over the THAAD missile system.” March 20, 2017. http://www.businessinsider.com
8. Choe, Sang-hun. “South Korea’s New President, Moon Jae-in, Promises New Approach to North.” The New York Times. May 10, 2017. https://www.nytimes.com
9. Collins, Lisa. “Between a Rock and a Grey Zone: China-ROK Illegal Fishing Disputes.” October 11, 2106. https://amti.csis.org
10. David E. Sanger and Choe Sang-hun. “North Korean Nuclear Test Draws U.S. Warning of ‘Massive Military Response’.” September 02, 2017. The New York Times. https://www.nytimes.com
11. Frank, Ruediger. “President Moon's North Korea Strategy.” The Diplomat. July 13, 2017. http://thediplomat.com/
12. Jong-Wha, Lee. “The China-South Korea trade war must end.” The Japan Times. March 26, 2017. https://www.japantimes.co.jp/
13. Korea.net. “Policy Roadmap of the Moon Jae-in Administration.” (2017). http://www.korea.net
14. Kyurioon, Kim & Park, Jae-Jeok. “Korean Peninsula Division/Unification: From the International Perspective.”. 2013. Seoul: Korea Institute for National Unification.
15. Korea Times. “Reviving China ties.” August 27, 2017.
16. http://www.koreatimes.co.kr/
17. Hyon-hee, Shin. “South Korea OKs first aid to North Korea since Moon took office.” May 26, 2017. http://www.koreaherald.com
18. Martin, Will. “Here's what a war between North Korea and the US could do to the global economy.” August 29, 2017. http://uk.businessinsider.com
19. Michelle Ye Hee, Lee. “North Korea's latest nuclear test was so powerful it reshaped the mountain above it.” The Washington Post. September 14, 2017.
20. https://www.washingtonpost.com/
21. McCurry, Justin. “Who is Moon Jae-in, South Korea's new president?” The Guardian. May 09, 2017. https://www.theguardian.com
22. Pollmann, Mina. “What Next for Japan-South Korea Relations?” The Diplomat. May 29, 2017. https://thediplomat.com
23. Rod, Adams. “Moon Jae-in making more friends by importing more gas.” June 12, 2017. https://www.forbes.com
24. Russian Aviation. “Russia have inked the first contract to launch two South Korean satellites on Soyuz-2 rocket carrier.” August 21, 2017. https://www.ruaviation.com
25. Se-young, Lee. and Jung, In-hwanl. “At G-20 Summit, Pres. Moon calls for humanitarian aid for N. Korean infants.” July 10, 2017. http://english.hani.co.kr
26. Shannon, Tiezzi. “Is China Ready to Solve One of Its Maritime Disputes?” November 07, 2015. https://thediplomat.com/
27. Woo, Jung-Yeop. “Trump, Moon, and the US-South Korea Alliance.” June 01, 2017. https://thediplomat.com
28. Whan-woo, Yi. “Moon orders display of power to respond to N. Korea missile.” August 29, 2017. http://www.koreatimes.co.kr
29. Yonhap News Agency. “S. Korean president vows enhanced cooperation with Indonesia, ASEAN.” August 02, 2017. http://english.yonhapnews.co.kr
[1]Putnam, Robert D. "Diplomacy and domestic politics: the logic of two-level games", International organization 42, No. 3 (1988): 427-460; Hudson, Valerie M. "Foreign policy analysis: actor‐specific theory and the ground of international relations." Foreign policy analysis 1, no. 1 (2005): 1-30; Allison, Graham Tillett, and Graham T. Allison. Essence of decision: Explaining the Cuban missile crisis. No. 327.5 (729.1). Little, Brown and Company, 1971.
[2]Sang-hun, Choe. “South Korea’s New President, Moon Jae-in, Promises New Approach to North.” The New York Times, May 10, 2017. https://www.nytimes.com/2017/05/10/world/asia/moon-jae-in-president-south-korea.html.
[3]Adams, Rod. “Moon Jae-in Making Friends By Importing More Gas.” Forbes. July 14, 2017, https://www.forbes.com/sites/rodadams/2017/07/12/geopolitical-advantages-of-moon-jae-in-plan-to-increase-south-koreas-natural-gas-consumption/.
[4]Nt
[5]McCurry, Justin. “Who is Moon Jae-in, South Korea's new president?” The Guardian. May 09, 2017. https://www.theguardian.com/world/2017/may/09/moon-jae-in-the-south-korean-pragmatist-who-would-be-presidentc.
[6]“Policy Roadmap of the Moon Jae-in Administration.” Korean.net, truy cập ngày 25/9/2017, URL: http://www.korea.net
[7]Hàn Quốc đã bàn giao quyền kiểm soát các lực lượng của mình cho Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Quyền kiểm soát thời bình đối với các lực lượng Hàn Quốc đã được trao trả vào năm 1994 và Hàn Quốc hiện đang có kế hoạch tiếp nhận lại quyền chỉ huy trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba năm 2013, Seoul đã đề nghị trì hoãn việc chuyển giao OPCON với lý do tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi so với vài năm trước; kỳ thực những trì hoãn chuyển giao này đã kéo dài từ thời Tổng thống Lee Myung-Bak và bà Park Geun-Hye.
[8]Ví dụ, cuộc biểu tình thắp nến phản đối Tổng thống đương nhiệm (Park Geun Hye) ở Seoul năm 2016 đã diễn ra hòa bình và việc bà Park Geun Hye và lãnh đạo tập đoàn Samsung bị điều tra xét xử là bằng chứng rõ ràng của nền dân chủ ở Hàn Quốc hiện nay.
[9]Markus, Bell and Marco, Milani. “South Korea's next president faces a belligerent north and a confused US.” The Conversation. November 23, 2017. https://theconversation.com/south-koreas-next-president-faces-a-belligerent-north-and-a-confused-us-77126.
[10]Policy Roadmap of the Moon Jae-in Administration.
[11]Fensom, Anthony. “South Korea's Chaebol Needn't Fear Moon.” The Diplomat, June 19, 2017. http://thediplomat.com/2017/06/south-koreas-chaebol-neednt-fear-moon/.
[12]Xem trích dẫn 8
[13]“Moon seeks to boost economy through job creation, income hike”, Yonhap News Agency, October 28, 2017. http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/08/13/0200000000AEN20170813004800320.html.
[14]Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 đến 29 tuổi) lên đến 9,3% trong tháng 7/2017, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở Hàn Quốc là 3,5%. Xem trích dẫn 10
[15]Policy Roadmap of the Moon Jae-in Administration.
[16]Xem trích dẫn 8
[17]Policy Roadmap of the Moon Jae-in Administration.
[18]David E. Sanger and Choe Sang-hun. “North Korean Nuclear Test Draws U.S. Warning of ‘Massive Military Response’”, The New York Times, September 02, 2017. https://www.nytimes.com/2017/09/03/world/asia/north-korea-tremor-possible-6th-nuclear-test.html.
[19]Martin, Will. “Here's what a war between North Korea and the US could do to the global economy.”, Business Insider, August 09, 2017. http://uk.businessinsider.com/war-between-north-korea-and-usa-global-economy-impact-2017-8.
[20]Lee, Michelle Ye Hee. “North Korea's latest nuclear test was so powerful it reshaped the mountain above it.”, The Washington Post, September 14, 2017. https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2017/09/14/orth-koreas-latest-nuclear-test-was-so-powerful-it-reshaped-the-mountain-above-it/?utm_term=.0f28b892bef6.
[21]Xem trích dẫn 16
[22]Thuật ngữ "bình thường hóa" nhằm chỉ việc Nhật Bản tái phát triển sức mạnh và ảnh hưởng quân sự của mình tương xứng với vị thế là cường quốc kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.
[23]“South Korea's Top Trading Partners.”, World's Top Exports, September 02, 2017. http://www.worldstopexports.com/south-koreas-top-import-partners/.
[24]Coloma, Claudio, and Kevin Murray. “American Perspective on the Rise of China”, Southern Perspectives. December 6, 2015. http://www.southernperspectives.net/region/latin-america/a-south-american-perspective-on-the-rise-of-china.
[25]Calamur, Krishnadev, “China's First Overseas Military Base.”, The Atlantic, July 12, 2017, https://www.theatlantic.com/news/archive/2017/07/china-djibouti/533385/.
[26]Xem trích dẫn 26
[27]Lee, Se-young, and In-hwan Jung. “At G-20 Summit, Pres. Moon calls for humanitarian aid for N. Korean infants.”, Hankyoreh, July 10, 2017. http://english.hani.co.kr/arti/english_edition/e_national/802188.html.
[28]Shin, Hyon-hee. “South Korea OKs first aid to North Korea since Moon took office.”, The Korea Herald, May 26, 2017. http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20170526000702.
[29]Xem trích dẫn 4
[30]Khu du lịch núi Kumgang là Đặc khu hành chính của Tiê, được thành lập từ năm 2002 để thu hút người du lịch Hàn Quốc.
[31]Ruediger, Frank. “President Moon's North Korea Strategy.” The Diplomat. July 13, 2017. http://thediplomat.com/2017/07/president-moons-north-korea-strategy/.
[32]Xem trích dẫn 35
[33]Xem trích dẫn 4
[34]Yi, Whan-woo. “Moon orders display of power to respond to N. Korea missile.” Koreatimes. August 29, 2017. http://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2017/08/103_235591.html.
[35]Auslin, Michael. “Is It Time to Reassess the U.S.-South Korea Alliance?” The Atlantic. June 29, 2017. https://www.theatlantic.com/international/archive/2017/06/south-korea-alliance-north-korea-kim-moon-trump/532113/.
[36]Xem trích dẫn 41
[37]Xem trích dẫn 41
[38]Xem trích dẫn 22
[39]“South Korea.”, US Department of State, 2017, Truy cập ngày October 11,2017. Nguồn https://www.state.gov/r/pa/ei/bgn/2800.htm
[40] Borger, Julian. “Trump's push to quit South Korea trade pact would mark latest swerve in region on edge.”, The Guardian, September 03, 2017. https://www.theguardian.com/us-news/2017/sep/03/trump-south-korea-trade-north-nuclear-missile-crisis.
[41]Kang, Young-soo , Seung-bum Kim, Sung-hoon Lee, and Hyun-jun Yoon. “How Will a Trump Presidency Affect Koreas Trade?”, The Chosun Ilbo, November 10, 2016. http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2016/11/10/2016111001484.html.
[42]Jung-Yeop, Woo, “Trump, Moon, and the US-South Korea Alliance.”, The Diplomat, June 01, 2017, https://thediplomat.com/2017/06/trump-moon-and-the-us-south-korea-alliance/.
[43]Cuốn sách tên tiếng hàn là 대한민국이묻는다 (완전히새로운나라, 문재인이답하다) Tạm dịch: Dấu hỏi về một Hàn Quốc mới và câu trả lời của Moon Jea-in. Tóm tắt nội dung cuốn sách tại Huffington Post Korea 책깔리기전에 3만부주문된문재인의대담집내용은? January 16, 2017. http://www.huffingtonpost.kr/2017/01/16/story_n_14198568.html
[44]Gao, Charlotte. “25th Anniversary of Diplomatic Ties: Did Beijing Give Seoul The Cold Shoulder?”, The Diplomat, August 25, 2017. https://thediplomat.com/2017/08/25th-anniversary-of-diplomatic-ties-did-beijing-give-seoul-the-cold-shoulder/.
[45]“Reviving China ties.”, Koreatimes, August 27, 2017. http://www.koreatimes.co.kr/www/opinion/2017/08/202_235449.html
[46]Kim, Kyuryoon, and Jae-Jeok Park, Korean Peninsula Division/Unification: From the International Perspective.길잡이미디어, 2013.
[47]Xem trích dẫn 22
[48]Lee, Jong-Wha. “The China-South Korea trade war must end.”, The Japan Times, March 26, 2017. https://www.japantimes.co.jp/opinion/2017/03/26/commentary/world-commentary/china-south-korea-trade-war-must-end/#.Wd31yxOCyT8.
[49]Woody, Christopher. “China is going after South Korea's wallet in their dispute over the THAAD missile system.”, Business Insider, March 20, 2017. http://www.businessinsider.com/china-south-korea-economic-boycott-protests-over-thaad-missile-system-2017-3.
[50]Kể từ tháng 7/2016 sau khi Hàn Quốc tuyên bố triển khai THAAD, Trung Quốc đã ngay lập tức dừng hoạt động đối với thị trường hàng hóa và dịch vụ Hàn Quốc trong một số lĩnh vực như giải trí, hàng tiêu dùng, và du lịch. Cụ thể là, về ngành giải trí, các show ca nhạc biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ Hàn Quốc bị hoãn hoặc huỷ không lý do, các đài truyền hình thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc ra lệnh cấm phát sóng các show truyền hình của Hàn…; về hàng tiêu dùng, từ tháng 1/2017 chính phủ Trung Quốc cấm bán một số mặt hàng tiêu dùng Hàn Quốc, xuất khẩu thực phẩm của Hàn sang Trung Quốc giảm 5,6% vào tháng 3/2017 so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu bán các mặt hàng ôtô Huyndai, Kia của các nhà kinh doanh Trung Quốc giảm 52% do tác động của xu hướng tẩy chay Hàn Quốc; về du lịch, dữ liệu từ tháng 6/2017 của Cơ quan du lịch Hàn Quốc cho thấy có một sự suy giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái bắt nguồn từ lệnh cấm bán các tour du lịch sang Hàn Quốc của Cơ quan Quản lý Du lịch Quốc gia Trung Quốc, Lotte-chuỗi cửa hàng miễn thuế của Hàn với 70% lượng khách đến từ Trung Quốc báo cáo vào đầu tháng 4/2017 rằng 75 trong số 99 của hàng miễn thuế ở Trung Quốc đại lục bị đóng cửa.Xem thêm tại:
https://www.uscc.gov/sites/default/files/Research/Report_China%27s%20Response%20to%20THAAD%20Deployment%20and%20its%20Implications.pdf
[51]Lee, Benjamin. “THAAD and the Sino-South Korean Strategic Dilemma.” The Diplomat. October 08, 2016. https://thediplomat.com/2016/10/thaad-and-the-sino-south-korean-strategic-dilemma/.
[52]Điển hình là cái chết của hai ngư dân Trung Quốc trong năm 2010, vụ giết hại một thành viên lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc năm 2011, và cuộc đụng độ khiến thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc thiệt mạng năm 2014. Xem thêm:Tiezzi, Shannon. “Is China Ready to Solve One of Its Maritime Disputes?” The Diplomat. November 07, 2015. https://thediplomat.com/2015/11/is-china-ready-to-solve-one-of-its-maritime-disputes; Collins, Lisa. “Between a Rock and a Grey Zone: China-ROK Illegal Fishing Disputes.” Asia Maritime Transparency Initiative. October 11, 2016. https://amti.csis.org/rock-grey-zone-china-rok-illegal-fishing-disputes/.
[53]Lee, Jiyeun. “Korea's High-Tech Economy Threatened by Chinese Catch-up.” Bloomberg.com. April 04, 2017. https://www.bloomberg.com/news/articles/2017-04-05/korea-s-high-tech-economy-threatened-by-chinese-catch-up.
[54]Panda, Ankit. “China and South Korea: Examining the Resolution of the THAAD Impasse.” The Diplomat. November 13, 2017. https://thediplomat.com/2017/11/china-and-south-korea-examining-the-resolution-of-the-thaad-impasse/.
[55]Như trên
[56]Pollmann, Mina. “What Next for Japan-South Korea Relations?”. The Diplomat. 2017, May 29.https://thediplomat.com/2017/05/what-next-for-japan-south-korea-relations/
[57]Adams, Rod. “Moon Jae-in Making Friends By Importing More Gas.”, Forbes, July 14, 2017, https://www.forbes.com/sites/rodadams/2017/07/12/geopolitical-advantages-of-moon-jae-in-plan-to-increase-south-koreas-natural-gas-consumption/#3fbe544414df.
[58]Kozun, Peter. “Russia’s Asia-Pacific Pivot: South Korean President Confirms Visit to Russia.”, Strategic Culture Foundation, August 26, 2017. https://www.strategic-culture.org/news/2017/08/26/russia-asia-pacific-pivot-south-korean-president-confirms-visit-russia.html
[59]“Russia have inked the first contract to launch two South Korean satellites on Soyuz-2 rocket carrier.”, Russian aviation, August 21, 2017. Nguồn https://www.ruaviation.com/news/2017/8/21/9537/?h
[60]Xem trích dẫn 58
[61]“Moon Jae-in government’s New Northern Policy.”, Transcript. In KBS World Radio, September 18, 2017. http://world.kbs.co.kr/english/program/program_economyplus_detail.htm?No=6273
[62]Như trên
[63]Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác với Nga, và chính sách Viễn Đông của Nga hướng tới sự phát triển thông qua các hợp tác với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
[64]Simon, Smith. “Russia's Biggest Challenges for 2016 Are Domestic.” Real Clear World. January 06, 2016. http://www.realclearworld.com/articles/2016/01/06/russias_biggest_challenges_for_2016_are_domestic_111645.html
[65]“S. Korean president vows enhanced cooperation with Indonesia, ASEAN.” Yonhap News Agency. August 02, 2017. http://english.yonhapnews.co.kr/national/2017/08/02/0301000000AEN20170802009200315.html
[66]Vinayak, HV, Thompson, Fraser and Tonby, Oliver. “Understanding ASEAN: Seven things you need to know.” MicKinsey&Company. May 2014. https://www.mckinsey.com/industries/public-sector/our-insights/understanding-asean-seven-things-you-need-to-know
[67]“ASEAN.” ASEAN – Korea Centre. Truy cập July 03, 2017 http://www.aseankorea.org/eng/ASEAN/ak_overview.asp
[68]Norazhar, Dayang. “Asean-S. Korea bilateral trade jumps 92% to RM499.2.”The Malaysian Reserve. September 14, 2017. https://themalaysianreserve.com/2017/09/12/asean-s-korea-bilateral-trade-jumps-92-to-rm499-2b/
[69]Xem trích dẫn 67
[70]Ý kiến tham vấn các chuyên gia chính sách của Hàn Quốc.
[71]Sohn , Ji Ae . “President Moon unveils New Southern Policy for ASEAN.”, KOREA.net Gateway to Korea, November 10, 2017. http://www.korea.net/NewsFocus/policies/view?articleId=151092.
[72]Như trên
[73]“Moon's New Southern Policy.” Transcript, In KBS World Radio. November 20, 2017, http://world.kbs.co.kr/english/program/program_economyplus_detail.htm?lang=e&No=6366¤t_page=6
[74]Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nhật Bản đã có nhiều động thái bày tỏ vai trò của họ đối với khu vực Đông Nam Á. Đến năm 1977, một chính sách Đông Nam Á mới của Nhật Bản chính thức được Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda đưa ra tại Manila (Philippin), trong chuyến viếng thăm đến Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN lần thứ hai. Trong học thuyết của mình, Fukuda đã nhấn mạnh đến ba trụ cột trên cả hai phương diện kinh tế lẫn chính trị: một là một Nhật Bản tôn trọng hòa bình; hai là, là một người bạn đáng tin cậy của các nước Đông Nam Á; ba là hợp tác tích cực với các quốc gia Đông Nam Á để tăng cường đoàn kết thúc đẩy mối quan hệ dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia Đông Dương và do vậy sẽ đóng góp vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Xem thêm:
http://www.inas.gov.vn/291-hoc-thuyet-fukuda-mot-goc-nhin-tu-phia-cac-nuoc-asean.html
[75]Như trên
[76]Xem chú thích 66
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.
Chuyến thăm tới các nước khu vực Baltic và Balkan nằm trong chiến lược sử dụng quyền lực "mềm" và sức mạnh tài chính nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và chính trị mà Tokyo đã và đang triển khai nhiều thập kỷ qua.