_____________________________________________________________________________________

Có 4 công trình nghiên cứu quan trọng xuất hiện trong nửa đầu năm 2008 đã và đang gây rất nhiều chú ý của dư luận trên toàn thế giới về đánh giá sức mạnh tuyệt đối và tương đối của Mỹ hay những dịch chuyển, thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21. Đó là: tác phẩm Á bán cầu mới: Sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu tất yếu sang phía Đông của Kishore Mahbubani, một trong những chính khách và học giả nổi tiếng nhất của Xinh-ga-po; Thế giới hậu Mỹ của Fareed Zakaria, một trong những nhà báo về chính trị quốc tế nổi tiếng nhất của Tạp chí Newsweek (Mỹ); Sự trở lại của lịch sử và hồi kết của những giấc mơ của Robert Kagan, cây bút của báo The Washington Post và là cố vấn đối ngoại của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa John McCain; và Kỷ nguyên vô cực: Tiếp theo sau bá quyền của Mỹ sẽ là gì của Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ.[1]

Cách lập luận và phương pháp tiếp cận của 4 công trình nghiên cứu này có khác nhau nhưng kết luận về cơ bản là khá tương đồng: tuy sức mạnh theo nghĩa tuyệt đối của Mỹ gia tăng và Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất có vai trò rất quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế nhưng sức mạnh theo nghĩa tương đối đang suy giảm, các trung tâm quyền lực khác và các chủ thể phi nhà nước đang nổi lên thách thức, cán cân quyền lực quốc tế đang chuyển dịch và bộ mặt thế giới sẽ biến đổi căn bản trong những thập niên đầu của thế kỷ 21.

Cả 4 công trình này đều tập trung trả lời 4 câu hỏi cụ thể:

- Có phải các trung tâm quyền lực khác và các chủ thể phi nhà nước đang nổi lên?

- Có phải sức mạnh và vị thế của Mỹ đang suy giảm?

- Liệu sự chuyển dịch quyền lực này là tất yếu và không thể đảo ngược được?

- Hệ lụy của sự dịch chuyển cán cân quyền lực này đối với hệ thống quan hệ quốc tế là gì?

Có phải các trung tâm quyền lực khác và các chủ thể phi nhà nước đang nổi lên thách thức vai trò của Mỹ?

Trong khi Zakaria và Mahbubani đi vào đánh giá sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới (đặc biệt ở châu Á) thì Richard Haass và Robert Kagan vượt ra khỏi khuôn khổ phân tích truyền thống của Chủ nghĩa hiện thực (tập trung vào quan hệ giữa các quốc gia) để làm nổi bật vai trò của các chủ thể phi nhà nước và của ý thức hệ (dân chủ và phi dân chủ) đối với một trật tự thế giới mới đang định hình.

Là đại diện của châu Á và tuy khu vực gần đây còn có nhiều bất ổn, Mahbubani đã khái quát những nguyên nhân và giá trị làm nên “sự thần kỳ” của châu Á từ sau Chiến tranh lạnh đến nay và coi hiện tượng này là biểu hiện của sự dịch chuyển cán cân quyền lực từ phương Tây sang Á bán cầu. Các câu chuyện thành công xoay quanh hai nền kinh tế phát triển là Đài Loan và Xinh-ga-po, và dĩ nhiên là cả hai gã khổng lồ đang vươn vai là Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dung lượng của cuốn sách, sự nổi lên của Á bán cầu mới chính là sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ. Zakaria tuy không chỉ đích danh “sự nổi lên của châu Á” và chỉ gọi tên chung chung “sự nổi lên của phần còn lại” hay “của tất cả những nước khác”, nhưng rốt cuộc phần lớn bố cục cuốn sách lại tập trung vào Trung Quốc - đối thủ đang nổi lên thách thức Mỹ, và Ấn Độ - đồng minh đang nổi lên của Mỹ.

Robert Kagan tuy không đánh giá quá cao sự thách thức từ các cường quốc khác hoặc sự liên kết giữa các cường quốc này với nhau đối với địa vị độc tôn của Mỹ trong một trật tự thế giới “đơn cực” hay chí ít là “nhất siêu, đa cường” nhưng vẫn dành phần lớn cuốn sách để phân tích sức mạnh và vị thế đang lên của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và I-ran (và thế giới Hồi giáo). Xét về sức mạnh tổng thể, các cường quốc này đều có khiếm khuyết và có quy mô kém xa Mỹ. Những nỗ lực hợp tác, liên minh chống lại Mỹ (ví dụ như Trung Quốc và Nga) cho đến nay chưa phát huy tác dụng vì bản thân giữa các cường quốc mới nổi lên cũng có nhiều bất đồng, tranh chấp và bản thân từng nước đều có lợi ích và cần duy trì quan hệ với Mỹ. Thế giới Hồi giáo cũng không đoàn kết và nhất trí trong cách đánh giá và quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Mỹ khởi xướng. Theo tác giả, trật tự thế giới xây dựng dựa trên cân bằng lực lượng và các nhân tố địa chính trị trở nên không ổn định và bền vững. Thay vào đó, cuộc đấu tranh về ý thức hệ tuy không còn diễn ra giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản nhưng tiếp tục diễn ra giữa lực lượng các nền dân chủ tự do phương Tây (đứng đầu là Mỹ) và lực lượng các chế độ độc tài, chuyên chế phương Đông (chủ yếu là Trung Quốc và Nga). (Lập luận này gợi nhớ lại một công trình nổi tiếng của Francis Fukuyama vào đầu những năm 1990[2]. Tác giả này phân tích sự thắng thế của mô hình chủ nghĩa tư bản tự do trước chủ nghĩa cộng sản và nhận định thắng lợi này đánh dấu đích đến cuối cùng của lịch sử tư tưởng và mô hình phát triển của nhân loại).   

Khác với 3 tác giả trên, Richard Haass có một cái nhìn mang tính hệ thống hơn khi đi sâu vào phân tích vai trò nổi lên của các chủ thể phi nhà nước thách thức địa vị của Mỹ và dần làm xói mòn trật tự đơn cực sau Chiến tranh lạnh. Vì phải tập trung nhấn mạnh lập luận chủ yếu này nên tác giả đề cập rất sơ sài đến sự nổi lên của 5 cường quốc là Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga. Ngoài ra còn có hàng loạt các cường quốc khu vực nổi lên từ châu Mỹ La-tinh, châu Phi, Trung Đông, Nam Á, Đông Á, và châu Đại dương. Tuy nhiên, sự dịch chuyển quyền lực quan trọng không diễn ra giữa các quốc gia mà là giữa các chủ thể quốc gia-dân tộc nói chung và các chủ thể phi nhà nước. Các quốc gia-dân tộc đã thực sự mất độc quyền về quyền lực khi bị thách thức bởi các tổ chức toàn cầu và khu vực, các nhóm phiến quân và tổ chức khủng bố, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế và các quỹ đầu tư quốc gia. Tuy Mỹ vẫn là siêu cường mạnh nhất thế giới hiện nay và trong tương lai gần nhưng trật tự đơn cực đã chấm dứt và thay vào đó là chủ nghĩa đa phương hoặc nói một cách khác là trật tự vô cực.  

Có phải sức mạnh và vị thế của Mỹ đang suy giảm?

Theo các tác giả, thế kỷ 20 khởi đầu bằng một trật tự thế giới đa cực, tiếp đến là gần 50 năm tồn tại trật tự hai cực và 15-20 năm của trật tự đơn cực do siêu cường Mỹ thống trị. Trong những năm gần đây, sức mạnh của Mỹ có sự suy giảm tương đối vì bị căng sức về mặt quân sự, sa sút, khủng hoảng về kinh tế, và mất uy tín chính trị quốc tế. Ngoài ra, trật tự này hiện đang bị thách thức dữ dội bởi các cường quốc đang nổi lên và các chủ thể phi nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Gần hai thập kỷ tồn tại của một trật tự đơn cực là quá ngắn ngủi và đúng như cách gọi của Charles Krauthammer, giai đoạn đó chỉ là "khoảnh khắc đơn cực" của Mỹ.

Tác giả Richard Haass và Mahbubani có quan điểm bi quan nhất về sức mạnh và vai trò siêu cường của Mỹ hiện tại và trong tương lai. Trong bài viết “Kỷ nguyên vô cực” của mình, Richard Haass lập luận rằng Mỹ đang và sẽ tiếp tục có sức mạnh tổng thể lớn nhất trên thế giới, nhiều nước trên thế giới cần Mỹ và có lợi ích lớn trong quan hệ với Mỹ, và tuy trào lưu bài Mỹ đang lan rộng trên thế giới nhưng chưa có một cường quốc hay một nhóm cường quốc nào tập hợp lực lượng công khai thách thức Mỹ. Tuy vậy, tác giả khẳng định trật tự đơn cực đã chấm dứt vì 4 yếu tố: sự nổi lên của các chủ thể phi nhà nước hùng mạnh, sai lầm trong chính sách kinh tế, cuộc chiến tranh I-rắc và quá trình toàn cầu hóa. 

Trong so sánh giữa phương Đông đang trỗi dậy (chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ) và phương Tây đang mất dần vai trò (chủ yếu là Mỹ), Mahbubani chỉ ra ba nguyên nhân khiến Mỹ mất dần uy tín chính trị quốc tế cũng như vai trò của mình. Đó là sự bất lực (incompetence), sự thiếu hiểu biết về thế giới bên ngoài (ignorance), và lối hành xử đạo đức giả (hypocrisy). Những cụm từ này có thể hơi quá mạnh nhưng cho thấy thực tế là Mỹ bị tác động rất lớn từ nhận thức của thế giới cho rằng Mỹ không thể giải quyết hiệu quả các vấn đề trong nước và quốc tế, Mỹ không hiểu biết và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về thế giới bên ngoài một phần do yếu tố ý thức hệ (trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố), và lối hành xử theo chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đi ngược lại những khuôn khổ ràng buộc về thể chế và quy tắc mà Mỹ muốn các nước khác phải tuân thủ.

Zakaria có cùng quan điểm với Mahbubani về nguyên nhân sụt giảm uy tín quốc tế của Mỹ. Tuy nhiên, tác giả của “Thế giới hậu Mỹ” nhấn mạnh đến sự suy giảm sức mạnh của Mỹ theo nghĩa tương đối hơn là tuyệt đối và diễn ra rất chậm. Đối với Zakaria, những nước có nguy cơ suy giảm sức mạnh lớn nhất là EU và Nhật Bản, chủ yếu là vì lý do dân số.

Robert Kagan cũng chỉ ra những nguyên nhân trên nhưng lập luận đó chỉ là những sơ suất, sai lầm của từng chính quyền và có thể khắc phục được. Điều quan trọng là Mỹ vẫn giữ được vị trí áp đảo “siêu cường kiểu cũ” của mình vì đơn giản là thế giới này vẫn cần có Mỹ, bất chấp tương quan so sánh lực lượng thay đổi bất lợi cho Mỹ và bất chấp những sai lầm trên. Các tập hợp lực lượng chống Mỹ chưa thành công, và Mỹ đóng vai trò xương sống, trụ cột ở nhiều khu vực trên thế giới. Cấu trúc của hệ thống thế giới hiện nay vẫn là “nhất siêu đa cường” như các học giả Trung Quốc đã thừa nhận. Tác giả kết luận con đường để Mỹ duy trì được sức mạnh và ảnh hưởng của mình là giương cao ngọn cờ ý thức hệ (dân chủ, nhân quyền, tự do), thắt chặt mối quan hệ giữa các nền dân chủ tự do trong một mặt trận chống lại các nước theo chế độ độc tài, chuyên chế.

Liệu sự chuyển dịch quyền lực này là tất yếu và không thể đảo ngược được?

Nhận định chung của các tác giả là sức mạnh tương đối và vị thế quốc tế của Mỹ đang có chiều hướng đi xuống ở các mức độ khác nhau nhưng câu trả lời về khả năng liệu sự chuyển dịch quyền lực này có thể đảo ngược được không thì không đồng nhất.

Mahbubani và Haass cùng cho rằng chiều hướng này là khó tránh khỏi. Theo Mahbubani, sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu về phương Đông là không thể đảo ngược được và Mỹ rất khó có thể điều chỉnh, thích nghi để xoay chuyển cục diện. Trong mạch lập luận về thuyết “vô cực” của mình, Haass khẳng định trật tự đơn cực đã chấm dứt mặc dù Mỹ vẫn có sức mạnh lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác để chi phối hệ thống quốc tế. Tác giả tỏ ý hoài nghi về “năng lực siêu cường” của Mỹ khi nước này đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải như năng lượng, khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt, sức mạnh quân sự, thương mại, đầu tư... Những vấn đề mà theo tác giả chỉ có chủ nghĩa đa phương mới giải quyết được. Chủ nghĩa đa phương là công cụ hiệu quả nhất để điều chỉnh thế giới vô cực, và trật tự vô cực đó còn có thể gọi là “vô cực hòa hợp”.

Trái lại, Zakaria tin rằng quá trình suy giảm quyền lực của Mỹ diễn ra rất chậm và có thể đảo ngược được. Theo tác giả, “Mỹ sẽ vẫn là một nền kinh tế năng động và rất quan trọng, đi tiên phong trong các cuộc cách mạng tiếp theo về khoa học, công nghệ và công nghiệp” nếu Mỹ từ bỏ chính sách “hung hăng, bất cẩn, và lười biếng” để điều chỉnh và đương đầu với những thách thức hiện nay. Tương tự như vậy, Kagan cho rằng kể cả siêu cường cũng không thể hoàn hảo được và sức mạnh cũng như uy tín của Mỹ có thể duy trì được là do thế giới vẫn rất cần có Mỹ và Mỹ phải giương cao ngọn cờ ý thức hệ trong cuộc đấu tranh giữa thế giới dân chủ, tự do và lực lượng độc tài, chuyên chế để tập hợp lực lượng và khắc phục những khiếm khuyết của trật tự thế giới kiểu cũ xây dựng trên cân bằng lực lượng và các yếu tố địa chính trị cổ điển. Làm được như vậy, Mỹ sẽ vẫn là trung tâm của nền kinh tế thế giới, là cường quốc quân sự hàng đầu, là trung tâm quyền lực chính trị quốc tế.

Hệ lụy của sự dịch chuyển cán cân quyền lực này đối với hệ thống quan hệ quốc tế là gì?

Dù cho cán cân quyền lực quốc tế có chuyển dịch như thế nào đi nữa thì thế giới rõ ràng đang đổi thay do sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế và hội nhập chính trị dưới tác động của tiến trình toàn cầu hóa. Theo như cách gọi của các tác giả, thế giới đó có thể là “thế kỷ mới của Châu Á”, “thế giới hậu Mỹ”, “kỷ nguyên vô cực”, hay “hòa hợp các nền dân chủ”. Tuy nhiên, kết luận chung khá thú vị là sự đề cao vai trò chủ nghĩa đa phương, của các thể chế, quy tắc, luật lệ và định chế quốc tế trong việc duy trì, bảo vệ một thế giới ổn định, hòa bình, thịnh vượng, mang lại nhiều lợi ích nhất cho nước Mỹ. Zakaria và Mahbubani đi đến kết luận rằng một loạt các thể chế quốc tế được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai (như G8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế) đang được cải tổ, điều chỉnh để thích nghi với những xu thế mới. Các quy tắc, luật lệ và định chế quốc tế cũng đã được đề ra và các tổ chức phi chính phủ, các diễn đàn đang phát triển nhanh chóng để giải quyết các vấn đề toàn cầu như phổ biến vũ khí, can thiệp nhân đạo, các mô hình phát triển kinh tế, đầu tư và thương mại quốc tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Những thách thức này tuy rất khó giải quyết nhưng cho thấy những đổi thay mang tính quy luật chứ không phải mang tính cách mạng của hệ thống quốc tế. Haass cho rằng chủ nghĩa đa phương hợp tác (với một số quốc gia làm nòng cốt, trong đó có Mỹ) sẽ là xu thế chủ đạo của thế giới để giải quyết các bất cập của trật tự vô cực và duy trì hệ thống quốc tế. Đến một thời điểm nào đó, “vô cực” sẽ trở thành “vô cực hòa hợp” (concerted nonpolarity). Đối với Kagan, chủ nghĩa đa phương và chia sẻ trách nhiệm đóng vai trò rất quan trọng (tuy không phải là quan trọng nhất) đối với sự hợp tác giữa các nền dân chủ tự do trong một mặt trận chung chống lại sự thách thức từ bên kia chiến tuyến ý thức hệ mới./.

 

TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ ngoại giao

 

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 2 (73) tháng 6-2008, Học viện Ngoại giao




[1] Kishore Mahbubani, The New Asian Hemisphere: The Irresistable Shift of Global Power to the East (New York: Public Affairs, 2008); Fareed Zakaria, The Post-American World (New York: W.W.Norton, 2008); Robert Kagan, The Return of History and the End of Dreams (New York: Alfred A.Knopf, 2008); Richard Haass, The Age of Nonpolarity: What Will Follow US Dominance, Foreign Affairs, May/June 2008.

[2] Francis Fukuyama, The end of History and the last man (New York, 1992).