04/05/2021
Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang trong các năm sau, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.
Những nội dung đối ngoại
Diễn văn của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cách tiếp cận mang tính cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Biden phát biểu rằng Chủ tịch Tập Cận Bình, qua các trao đổi với Mỹ, tỏ ra “thực sự nghiêm túc” (deadly earnest) về mục tiêu trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Theo Biden, ông Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo khác vì nghĩ rằng các nền dân chủ sẽ yếu thế hơn vì mất nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định. Do đó, Mỹ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn trước với Trung Quốc và các nước để chiến thắng trong thế kỷ XXI. Mỹ cũng sẽ đảm bảo Trung Quốc và các nước tuân thủ “luật chơi” về kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, dù có cạnh tranh, Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Chính quyền mới vẫn sẽ hợp tác ở những khía cạnh như biến đổi khí hậu.
Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết Trung Quốc theo đuổi đường lối phát triển hòa bình, hai nước nên tập trung và nên thúc đẩy cạnh tranh công bằng thay vì “đâm sau lưng”.
Về khu vực, Biden chỉ nhắc đến Ấn Độ - Thái Bình Dương một lần, khẳng định Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại đây để ngăn chặn xung đột như Mỹ đã làm với NATO tại châu Âu. Châu Âu cũng chỉ được nhắc đến hai lần.
Bên cạnh đó, Biden tuyên bố Mỹ không muốn leo thang căng thẳng với Nga và sẽ hợp tác trong những vấn đề hai bên có lợi ích chung như Hiệp ước New START – tương tự cách tiếp cận với Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với đồng minh và thông qua công cụ ngoại giao để đối phó với thách thức từ Iran và Bắc Triều Tiên, cũng như từ các khủng hoảng khác như khủng bố, làn sóng di cư hay an ninh mạng…
Mỹ cam kết chấm dứt can dự quân sự tại Afghanistan. Biden nhấn mạnh mình là Tổng thống đầu tiên trong 40 năm hiểu được cảm giác có con tham gia chiến trận là như thế nào.
Trọng tâm đối nội
Diễn văn mở đầu bằng các nỗ lực và thành tích chống COVID-19 của chính quyền Biden. Sau đó, Biden nhấn manh một số nội dung như: (i) tăng mức lương tối thiểu cho người dân lên 15 USD/giờ; (ii) lên kế hoạch đánh thuế vào tầng lớp siêu giàu tại Mỹ, bao gồm các triệu phú và tỉ phú; (iii) tăng cường kiểm soát súng; (iii) cải tổ lực lượng cảnh sát và chống phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống; (iv) bảo vệ các nhóm thiểu số như LGBTQ, người châu Á; (v) đảm bảo bình đằng giới... Một điều thú vị nữa là, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp bên cạnh hai người phụ nữ: Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Hai kế hoạch nổi bật được Biden công bố là Kế hoạch Việc làm Mỹ (American Jobs Plan) và Kế hoạch Gia Đình Mỹ (American Families Plan) với nhiều lợi ích cho người dân có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Đối ngoại gắn liền đối nội, đối nội cấp tiến
Nhìn chung, diễn văn không đề cập quá nhiều về đối ngoại. Cách tiếp cận cạnh tranh đan xen hợp tác với Trung Quốc và Nga đã được Biden và nhiều quan chức nhắc đến trong nhiều văn bản định hướng chính sách đối ngoại trước đó, điển hình là bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia hồi tháng 3/2021.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh mối liên hệ giữa đối ngoại và đối nội. Diễn văn khẳng định: (i) chính sách đối ngoại phải phục vụ lợi ích của tầng lớp trung lưu; (ii) để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và các nước trong tương lai, Mỹ phải đầu tư vào các gia đình và lớp trẻ trong nước; (iii) việc Mỹ chống lại thương mại bất bình đẳng ở nước ngoài là nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp trong nước.
Mối liên hệ này không quá bất ngờ vì hai lý do. Thứ nhất, các Thông điệp Liên bang chủ yếu hướng tới đối tượng người dân trong nước. Các diễn văn tương tự của những người tiền nhiệm cũng thường coi trọng đối nội hơn. Thứ hai, có thể chính quyền Biden muốn giành ủng hộ từ những người đã từng cổ vũ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America First) thời Trump và những người chỉ trích chính sách đối ngoại thời Obama không phục vụ người dân trong nước.n Chính quyền Biden trước đó cũng nhấn mạnh mối liên hệ đối ngoại – đối nội qua bài diễn văn “Chính sách đối ngoại vì người dân Mỹ” của Ngoại trưởng Blinken tháng 3/2021.
Về đối nội, các chính sách Biden có vẻ như chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng của phe Cấp tiến (Progressive) trong Đảng Dân chủ - phe được cho là mang màu sắc xã hội chủ nghĩa, gồm những nghị sĩ có tầm ảnh hưởng lớn với người trẻ tuổi như Bernie Sanders, Alexandria Ocasio-Cortez hay Ilhan Omar. Nhóm Cấp tiến luôn thúc đẩy việc tăng thuế lên người giàu và phổ cập các phúc lợi xã hội cho tầng lớp thu nhập trung bình và thấp.
Tuy nhiên, một số đề xuất của nhóm Cấp tiến chưa nhận được tín hiệu ủng hộ từ chính quyền Biden, ví dụ như cắt giảm chi tiêu quốc phòng (đề xuất của Biden cho thấy Biden có xu hướng gia tăng chi tiêu quốc phòng), kế hoạch cắt giảm các-bon Green New Deal, xóa bỏ nợ cho sinh viên, giáo dục đại học miễn phí hay phổ cập bảo hiểm y tế cho toàn dân.
Ngoài ra, nếu so sánh với Thông điệp Liên bang năm 2020 của Donald Trump, diễn văn của Biden thể hiện thông điệp thống nhất nội bộ rõ ràng hơn. Trong số 10 lần Biden nhắc đến đảng Cộng hòa, không lần nào Biden lên tiếng chỉ trích mà còn khen ngợi nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã vì các ý tưởng và đề xuất riêng. Biden cũng liên tiếp kêu gọi hai đảng phối hợp để hiện thực hóa các chính sách. Ngược lại, Trump thẳng thừng chỉ trích phe xã hội chủ nghĩa trong đảng Dân chủ trong vấn đề y tế công cộng. Hình ảnh Trump từ chối bắt tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trước khi đọc diễn văn và Nancy Pelosi xé rách bản sao bài diễn văn trên truyền hình cũng cho thấy chia rẽ nội bộ sâu sắc này.
Rõ ràng, nước Mỹ đang đứng trước nhiều thay đổi, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Giai đoạn 100 ngày chỉ là bước khởi đầu. Cộng đồng quốc tế sẽ còn tiếp tục theo dõi xem những chính sách này sẽ được chính quyền Biden điều chỉnh và triển khai thế nào trong thời gian tới./
Đỗ Hoàng
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu bài viết “Ngoại giao vì quan hệ Mỹ - Trung ổn định” của tác giả Jake Werner, nhà nghiên cứu tại Viện Quincy. Theo tác giả, cho dù Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau phá vỡ hiện trạng nhưng thực chất đều là những “cường quốc nguyên trạng”, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung...
Với chính quyền Biden, nếu như năm 2021 là năm ổn định bộ máy và hoạch định chính sách, năm 2022 lại là năm để công bố và triển khai chính sách. Chỉ trong nửa cuối năm 2022, một loạt văn bản và tuyên bố chính sách đối ngoại lớn đã được đưa ra, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương...
Với sự lây lan nhanh chóng cùng sự gia tăng tỷ lệ tử vong bởi đại dịch COVID-19, liệu cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 tới đây bắt đầu bị đe dọa?
Một lần nữa, nước Mỹ chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế mới với sự sụp đổ của các thị trường và người nộp thuế đang cứu trợ những người giàu có. Đã đến lúc Mỹ phải cải tổ khế ước xã hội vô lý này.
Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bầu cử đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ cần được quan trọng và tập trung hơn.