20120324_ASD001_0(1).jpg

Ngoài Singapore và Brunei do đầu tư mạnh tay và quy mô các lực lượng vũ trang tương đối nhỏ nên có thể tiếp tục quản lý tốt vòng đời của trang thiết bị quân sự của mình. Tuy nhiên, hầu hết quân đội các nước Đông Nam Á khác đang đối mặt với nguy cơ "lão hóa" vũ khí ở các mức độ khác nhau do đa số các loại vũ khí này đều được để lại từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã hiện đại hóa một số thiết bị phòng thủ một cách có chọn lọc, chẳng hạn như máy bay chiến đấu, tàu ngầm... song quân đội các nước này vẫn đang vận hành nhiều thiết bị đã lạc hậu, đặc biệt là các hệ thống vũ khí mặt đất. Indonesia vẫn duy trì một số xe chiến đấu Ferret và tăng lội nước PT-76 từ thời kỳ Konfrontasi. Malaysia vẫn giữ khẩu pháo OTO model 56 từ những năm 50. Thái Lan vẫn duy trì loại xe tăng hạng nhẹ M-41 từ thời chiến tranh Triều Tiên. Hiện Việt Nam chưa có bất kỳ hệ thống vũ khí mặt đất nào mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các nước trong khu vực có bộ sưu tập lớn các loại vũ khí lạc hậu và thiếu hụt công nghệ.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra khoảng cách về năng lực và loại bỏ các hệ thống vũ khí lỗi thời dễ bị tổn thương. Ở "đấu trường" trên không, các loại vũ khí ngoài tầm nhìn (BVR) kết hợp với hệ thống cảnh báo trên không và chỉ huy (AWACS) khiến cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai và thứ ba rất dễ bị tổn thương. Trên biển, tên lửa chống tàu tầm xa kết hợp với các rađa giám sát vượt đường chân trời sẽ khiến các tàu chiến với hệ thống pháo/tên lửa phòng thủ lạc hậu rơi vào tình huống rất nguy hiểm. Trên mặt đất, các xe vũ trang không có lớp áo giáp bảo vệ hoặc các thiết kế hiện đại khác thì sẽ dễ dàng trở thành "quan tài sắt" nếu đối thủ có vũ khí chống tăng. Pháo tầm ngắn không có khả năng định vị nhanh chóng và tính di động cao nên sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi các cuộc tấn công trả đũa. Các thiết bị cũ kỹ thiếu kết nối mạng sẽ là trở ngại lớn trong việc khớp lệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả chiến đấu. Hơn nữa, hệ thống lỗi thời thường làm tăng gánh nặng hậu cần của lực lượng vũ trang, khiến các lực lượng luôn phải trong tư thế sẵn sàng, nâng cao cảnh giác và lo lắng về độ an toàn của các vũ khí. Kho vũ khí lỗi thời của Đông Nam Á tồn tại lâu như vậy có thể là do năng lực tài chính hạn chế.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Đông Nam Á có được một bầu không khí tương đối hòa bình, các lĩnh vực quan trọng khác, như giáo dục, y tế, an sinh xã hội...đã khiến ngân sách dành cho quốc phòng bị thu hẹp đáng kể. Theo các hồ sơ mua sắm vũ khí, mọi người đều nhận thấy rằng mặc dù các nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển mạnh và ngân sách quốc phòng tăng nhưng các quốc gia trong khu vực hầu như vẫn chưa hiện đại hóa quân sự toàn diện.Việc hiện đại hóa các hệ thống vũ khí một cách có chọn lọc dựa trên các ưu tiên chiến lược đã trở thành phổ biến tại khu vực này. Ví dụ, vấn đề chiến tranh trên biển đã thu hút được sự chú ý của quốc gia Đông Nam Á, cho nên phần lớn các nguồn lực quốc gia của các nước trong khu vực được phân bổ cho an ninh hàng hải và giám sát trên không. Ngược lại, "vòng đời" của các hệ thống vũ khí khác, chủ yếu là các hệ thống vũ khí mặt đất, đã dần bị lãng quên. Sự lỗi thời của quân đội các quốc gia Đông Nam Á đã và đang ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng khu vực.

Về mặt tích cực, sự hạn chế của các kho vũ khí lỗi thời có thể thuyết phục các nước trong khu vực không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp, hoặc ít nhất là ngăn chặn chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, khi đối mặt với sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, các kho vũ khí lão hóa hiện là một lỗ hổng lớn và có thể đặt các nước Đông Nam Á vào một vị trí thấp hơn trong đàm phán với Bắc Kinh về nhiều vấn đề liên quan và tiếp tục là một điểm yếu của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, trừ phi các nước này sớm phân bổ lại nguồn lực hoặc tìm nguồn vũ khí giá rẻ để thay thế kho vũ khí lạc hậu hiện nay.

Tác giả là Tiến sĩ Wu Shang-su, chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Đại học công nghệ Nanyang Singapore (NTU); Eddie Lim là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Chương trình Nghiên cứu Quân sự của RSIS, Đại học công nghệ Nanyang Singapore. Bài viết đăng trên trang “ISN” (ngày 8/3).

Hương Trà (gt)