16-troi-xanh-in-bong.jpg

 

Ngày 9/2/2007, BCH TƯ khóa 10 ban hành Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu tổng quát, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể hoá các mục tiêu này trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển. Qua 10 năm triển khai, Chiến lược biển giúp Việt Nam đạt được các thành tựu quan trọng.  

Về bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam cơ bản đảm bảo được các mục tiêu cơ bản trên Biển Đông là giữ được môi trường hoà bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế; bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ đã có, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế; tranh thủ thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với các nước và bạn bè quốc tế, góp phần gia tăng vị thế Việt Nam.

Với công tác ngư dân, các lực lượng chức năng đã tích cực hỗ trợ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân hoạt động tại các vùng biển truyền thống; thành lập tổ tàu thuyền an toàn, bến bãi an toàn; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân.

Các hoạt động này góp phần xử lý các tình huống về an ninh trật tự, ngăn chặn các hoạt động vi phạm của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.

Quan hệ đối tác, hợp tác quốc tế về quốc phòng được mở rộng. Các đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… cung cấp, hỗ trợ tàu tuần tra, nâng cao năng lực giám sát biển cho nước ta. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tham gia tập trận RIMPAC.

Tàu chiến của các nước ghé thăm cảng của Việt Nam với tần suất nhiều hơn, đa dạng hơn như sự kiện tàu chiến Nga thăm cảng Cam Ranh, tàu chiến Pháp cập cảng Sài Gòn, tàu chiến Anh, Nhật thăm Việt Nam cũng trong năm 2018.

Nâng cấp năng lực quốc phòng

Nhờ chương trình hiện đại hoá quốc phòng, đến nay Việt Nam đã sở hữu một số loại vũ khí chiến lược như thế hệ máy bay chiến đấu tiên tiến như Su-30MK2, Su- 27UBK Flankers và Su-22M3 Fitters, tàu ngầm tấn công lớp Kilo, các tàu chiến mặt nước lớp Gepard.

Hải quân Việt Nam sở hữu lực lượng phòng thủ bờ biển nhiều tầng lớp, hiện đại đủ sức ngăn chặn các trường hợp xâm nhập, đổ bộ từ đường biển như hệ thống tên lửa chống hạm P5 Pyatyorka, hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P…

Các khu kinh tế - quốc phòng đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, góp phần tạo nên diện mạo, thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Tổ quốc. 

Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã chủ động phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kết hợp tổ chức, bố trí lại dân cư trên địa bàn, từng bước hình thành các thôn, bản, điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu, tạo hành lang bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Những khu kinh tế - quốc phòng đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng vào xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước; tạo nền tảng cho xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc. 

Kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược biển là bài học quý gợi ý cho việc xây dựng một tư duy về biển trong thời gian tới. Trên mặt trận an ninh - quốc phòng, bên cạnh các hoạt động cụ thể trên thực địa, cần tăng cường mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác hợp tác trên biển, mở rộng các hoạt động ngoại giao, pháp lý tuyên truyền, góp phần tạo nên hệ thống quốc phòng trên biển nhiều tầng nấc để bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của nước ta ở Biển Đông.

Hà Linh