Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên ký FTA với EEU, một thị trường chung với 176 triệu dân, GDP hơn 2,5 nghìn tỷ USD. Hình thành trên một liên minh thuế quan từ năm 2010, EEU được thành lập bởi Nga, Kazakhstan và Belarus vào tháng 5/2014, sau đó có sự tham gia của Armenia và Kyrgyzstan. Hiệp ước EEU có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Lễ ký kết FTA với sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và các đối tác Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Việt Nam phải mất hơn hai năm đàm phán ký kết FTA, trong đó bao gồm tạo thuận lợi thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, đầu tư, vấn đề pháp lý, quy tắc xuất xứ, kiểm dịch động thực vật cũng như dỡ bỏ các rào cản pháp lý và kỹ thuật thương mại. EEU giàu dầu mỏ và khí đốt, điện, sắt, thép, phân bón, máy móc, trong khi Việt Nam là một thỏi nam châm mới đối với các nhà sản xuất toàn cầu.

Xuất khẩu chính của Việt Nam là các mặt hàng dệt may, giày dép, gạo, hạt điều, cao su, hạt tiêu, cà phê và trà. Thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam tiếp thị sản phẩm của mình ở những nơi xa xôi mà không có bất kỳ rào cản thương mại và thuế nhập khẩu. Ông Đặng Hoàng Hải, Trưởng đoàn đàm phán kỹ thuật FTA của Việt Nam cho biết: "…gần như 100% hàng hóa sẽ được phép vào EEU mà không chịu thuế nhập khẩu. Chúng tôi đã đàm phán thành công để giảm tới 80% thuế nhập khẩu các sản phẩm may mặc và các mặt hàng giá trị gia tăng".

Tương tự, các thành viên EEU có thể gặt hái nhiều lợi ích từ FTA. Các doanh nhân EEU sẽ bán sản phẩm của mình trên thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam. Họ cũng có thể sử dụng Việt Nam làm "cửa ngõ" để thâm nhập thị trường ASEAN đầy hứa hẹn. Trong vòng chưa đầy 5 năm, thương mại giữa Việt Nam và EEU có thể sẽ tăng hơn gấp đôi, lên đến 10 tỉ USD từ 4 tỷ USD hiện nay.

Là nền kinh tế lớn nhất khu vực và là thành viên của G20, Indonesia nên chủ động tìm kiếm cơ hội trong EEU bằng cách đàm phán một FTA như Việt Nam đã làm được. Từ năm 2011, xuất khẩu của Indonesia giảm liên tục, từ mức 203 tỷ USD năm 2011 xuống còn 176 tỷ USD năm 2014. Ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng ở mức hai con số kể từ năm 2011, xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục 150 tỷ năm 2014, một bước nhảy vọt từ con số 96 tỷ năm 2011. Vậy bí quyết của Việt Nam là gì?

Sau một loạt những thất vọng trong suốt thập kỷ sau khi thống nhất đất nước năm 1975, những câu chuyện thành công hiện tại bắt đầu với sự đổi mới chủ động vào năm 1986 đã chuyển đổi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Hành trình của Việt Nam đã được đưa vào quỹ đạo khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Điều này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tăng đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, môi trường kinh doanh được cải thiện. Đất nước đông dân thứ ba khu vực Đông Nam Á nới lỏng một số quy tắc và cung cấp các ưu đãi thuế hấp dẫn cho các công ty nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hàng để rút các khoản đầu tư từ Trung Quốc và di chuyển đến Việt Nam. Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh trở thành một "Trung Quốc thứ hai" với sự tăng trưởng lớn trong sản xuất và xuất khẩu.

Với lao động giá rẻ, trẻ và có tay nghề cao, một vị trí chiến lược, thuế thấp và ưu đãi thuế, Việt Nam đã trở thành một thỏi nam châm cho các nhà sản xuất toàn cầu. Ít nhất 30 quốc gia, bao gồm cả một số từ khu vực Đông Nam Á, đang xem xét gia nhập EEU sau khi Việt Nam đi tiên phong. Liệu Indonesia có sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại tự do với EEU?

Theo “Bưu điện Jakarta

Nhật Linh (gt)