Vào năm 2009, khi công ty của Jonathan Moreno tìm kiếm vị trí để mở một nhà máy mới sản xuất thiết bị y tế của mình, họ đã loại trừ phần lớn thế giới. Châu Âu và châu Mỹ quá đắt đỏ, Ấn Độ quá phức tạp và quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc quá chắp vá. Cuối cùng, Việt Nam là một trong những ứng cử viên còn lại. Điều này dường như vẫn là mạo hiểm khi đất nước này mới chỉ nổi lên như là một điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bảy năm sau, ông Moreno tiến hành khảo sát địa điểm - các nhân viên lắp ráp những thiết bị thăm dò chẩn đoán tinh tế trong một căn phòng giống như một phòng thí nghiệm - và không có nghi ngờ về nơi công ty của ông, Diversatek, sẽ mở rộng sắp tới đây. Ông nói và chỉ vào hai bên: “Đằng sau đây, ở đó và ở đó".

Không phải chỉ có vậy. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trong năm 2015 và tăng trở lại trong năm nay. Các thỏa thuận đạt 11,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đình trệ. Các hiệp định thương mại tự do lớn giải thích phần nào cho sức hấp dẫn này. Nhưng một điều gì đó sâu xa hơn đang xảy ra. Giống như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc trước đó, Việt Nam đang kết hợp các thành phần lại với nhau theo đúng tỷ lệ cho sự tăng trưởng nhanh chóng, bền vững.

Việt Nam đã có một thành tích tốt nhưng thường bị đánh giá thấp. Từ năm 1990, tăng trưởng của nước này trung bình đạt gần 6% một năm trên đầu người, chỉ đứng sau Trung Quốc. Điều đó đã nâng Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới lên vị thế quốc gia có thu nhập trung bình. Nếu Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 7% trong một thập niên nữa, quỹ đạo của nước này sẽ tương tự như của Trung Quốc và các con hổ châu Á. Nhưng đó không phải là điều chắc chắn. Nếu tăng trưởng quay trở lại mức 4%, cuối cùng nó sẽ dẫn đến quỹ đạo không gây ấn tượng giống như Thái Lan và Brazil.

Có lẽ yếu tố lớn nhất có lợi cho Việt Nam là địa lý. Biên giới của nước này với Trung Quốc, một điểm nóng quân sự trong quá khứ, giờ đây là một lợi thế cạnh tranh. Không một quốc gia nào khác gần gũi hơn với trung tâm chế tạo ở miền Nam Trung Quốc, với các kết nối bằng đường bộ và đường biển. Khi lương ở Trung Quốc tăng lên, điều đó khiến cho Việt Nam trở thành sự thay thế rõ ràng cho các doanh nghiệp di chuyển đến các trung tâm sản xuất chi phí thấp hơn, đặc biệt là nếu họ muốn duy trì những mối liên hệ trở lại với các chuỗi cung ứng luôn có đủ hàng hóa của Trung Quốc.

Một dân số tương đối trẻ cũng tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam. Trong khi độ tuổi trung bình của Trung Quốc là 36 thì Việt Nam là 30,7. Chẳng bao lâu, nó sẽ bắt đầu già đi nhanh hơn nhưng lực lượng lao động đô thị của nó có nhiều không gian để phát triển. Cứ 10 người Việt Nam thì có 7 người sống ở nông thôn, gần giống như ở Ấn Độ và so với chỉ 44% ở Trung Quốc. “Kho chứa” lao động nông thôn này sẽ giúp giảm áp lực tiền lương, cho Việt Nam thời gian để xây dựng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, một điều cần thiết cho một quốc gia gần 100 triệu người này.

Nhiều quốc gia khác cũng tự hào về lực lượng lao động trẻ. Nhưng hầu như không nước nào có những chính sách hiệu quả như Việt Nam. Kể từ đầu những năm 1990, chính phủ đã rất cởi mở đối với thương mại và đầu tư quốc tế. Điều này đã khiến các công ty nước ngoài tự tin để xây dựng nhà máy. Các nhà đầu tư nước ngoài chịu trách nhiệm đối với một phần tư chi tiêu vốn hàng năm. Thương mại chiếm khoảng 150% tổng sản lượng quốc gia, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác có cùng mức GDP đầu người.

Các nhà đầu tư cũng hăng hái lên nhờ sự ổn định trong công tác lên kế hoạch dài hạn của Việt Nam. Giống như Trung Quốc, nước này đã sử dụng kế hoạch 5 năm như là kế hoạch phát triển chi tiết. Nhưng cũng giống như Trung Quốc, sự quản trị của nó cho phép có không gian để đổi mới: 63 tỉnh thành của Việt Nam cạnh tranh với nhau để thu hút các nhà đầu tư. Một mô hình phát triển các khu công nghiệp với tiền và quản lý nước ngoài đã bắt đầu tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991 và từ đó được nhân rộng ở những nơi khác.

Và lực lượng lao động của Việt Nam không chỉ trẻ mà còn có tay nghề cao. Chi tiêu công cho giáo dục vào khoảng 6,3% GDP, hơn hai điểm phần trăm so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mặc dù một số chính phủ chi thậm chí còn nhiều hơn, nhưng chi tiêu của Việt Nam có trọng điểm tốt, nhằm thúc đẩy mức độ tuyển sinh và đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu. Trong bảng xếp hạng toàn cầu, những người ở độ tuổi 15 tại Việt Nam đánh bại những người ở Mỹ và Anh trong môn toán và khoa học. Điều đó đem lại lợi thế trong các nhà máy của nước này. Tại Saitex, một công ty sản xuất vải denim cao cấp, các công nhân phải xử lý các loại máy móc phức tạp - từ máy laser cho đến máy giặt khí bọt nano - tất cả để sản xuất đồ jean mài rất được ưa chuộng ở phương Tây.

Bên trên nền tảng vững chắc này, Việt Nam đang gặt hái lợi ích từ các thỏa thuận thương mại. Nước này sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định bao gồm 12 quốc gia trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản. Do nền chính trị Mỹ quay ra thù địch đối với thương mại, có nguy cơ rằng TPP sẽ thất bại. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, Việt Nam vẫn sẽ ổn. TPP đã giúp quảng bá các khả năng của họ. Và có những thỏa thuận lớn khác: một hiệp định thương mại tự do với EU đang trong quá trình tiến hành, và một thỏa thuận với Hàn Quốc đã có hiệu lực vào tháng 12.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với một loạt thách thức, mà bất kỳ điều nào trong đó cũng đều có thể cản trở sự vươn lên của nước này. Sự thái quá trong đầu cơ trước đây đã giúp thổi lên một bong bóng tài sản. Bong bóng này đã vỡ vào năm 2011, chất gánh nặng lên các ngân hàng bằng các khoản nợ xấu. Việt Nam đã tạo ra một "ngân hàng xấu" để cất giữ những khoản vay không trả được và đã bắt đầu dọn dẹp các ngân hàng của mình. Tuy nhiên, họ đã chậm chạm trong việc bơm vốn mới vào các ngân hàng và do dự về việc hiện đại hóa hoạt động của mình.

Có một lĩnh vực thiết yếu mà nước này yếu kém hơn so với Trung Quốc: tận dụng tối đa khu vực tư nhân. Các công ty tư nhân của Trung Quốc tạo ra khoảng 1,7 nhân dân tệ doanh thu trên mỗi 1 nhân dân tệ tài sản, nhiều hơn gấp đôi tỷ lệ 0,7 của các doanh nghiệp nhà nước. Ngân hàng Thế giới cho biết ở Việt Nam, năng suất của khu vực tư nhân đã giảm mạnh trong thập kỷ qua xuống mức 0,7, bằng với các doanh nghiệp nhà nước. Một lý do là các tập đoàn lớn ở Việt Nam tính trung bình vươn ra khắp 6,4 các ngành công nghiệp riêng lẻ; theo OECD, ở Trung Quốc các tập đoàn lớn chỉ hoạt động trong 2,3 các ngành công nghiệp.

Hơn nữa, theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), mặc dù Việt Nam đã được hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài, chỉ có 36% doanh nghiệp của nước này được gắn kết với các ngành công nghiệp xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Trong một số trường hợp, Việt Nam đã nhận được đầu tư ở tầm công nghệ quá cao. Nhiều phần trong các kế hoạch đầu tư sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam trị giá 3 tỷ USD của Samsung đã được thực hiện, nhưng các nhà cung ứng trong nước lại hầu như không cung cấp được gì vào đó, ngoại trừ phần vỏ nhựa. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng chính phủ cần giúp xây dựng các chuỗi cung ứng - chẳng hạn, các công ty đào tạo trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may để hỗ trợ cho ngành dệt may.

Có cơ sở để lạc quan thận trọng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới để vạch ra một chiến lược cho sự thay đổi vào đầu năm nay. Báo cáo chung của họ, "Việt Nam 2035", trình bày chi tiết cách thức đất nước này có thể khiến cho doanh nghiệp nhà nước mang tính thương mại hơn và phục hồi năng lực của khu vực tư nhân. Các nguồn tài chính công yếu kém - thâm hụt ngân sách được dự đoán hơn 6% GDP cho năm thứ 5 liên tiếp trong năm 2016 - đang gây sức ép lên chính phủ. Để thúc đẩy doanh thu của mình, năm ngoái họ đã bán cổ phần tại hơn 200 doanh nghiệp nhà nước, con số tính theo năm lớn nhất từ trước đến giờ. Đây chủ yếu là những giao dịch nhỏ nhưng vào tháng 7, họ đã thực hiện một bước đi táo bạo hơn, dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài (trước đây là 49%) đối với Vinamilk, công ty sữa lớn của đất nước. Các nhà đầu tư đang hy vọng điều này sẽ đóng vai trò như một khuôn mẫu cho nhiều cải cách như vậy hơn nữa.

Sau nhiều năm tăng trưởng vững chắc, Việt Nam đã gần đạt đến một cột mốc quan trọng. Hiện nay nước này được phân loại là một quốc gia có thu nhập trung bình, họ sẽ mất đi quyền tiếp cận các khoản tài trợ ưu đãi từ các ngân hàng phát triển. Năm 2017, Ngân hàng Thế giới sẽ bắt đầu phân giai đoạn cho vay ưu đãi. Đối với Việt Nam, đây là một thời điểm để suy ngẫm về việc nước này đã tiến xa đến đâu và con đường phức tạp hơn ở phía trước. Họ có một cơ hội để trở thành câu chuyện thành công lớn tiếp theo của châu Á. Việt Nam sẽ cần phải có can đảm để tiến được tới đó./.

Theo “The Economist (ngày 6/8)

Nhật Linh (gt)