asean scs.jpg

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6/2016 đến nay, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có nhiều điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Philippines, trong đó đáng chú ý là quốc gia này đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông, điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu năm nay khi Philippines làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vấn đề Biển Đông có được quốc gia này ưu tiên trong các chương trình nghị sự cấp cao sắp diễn ra.

Chức Chủ tịch ASEAN được luân phiên theo thứ tự chữ cái. Đây là tiêu chuẩn hay là trật tự lâu dài trong khuôn khổ ngoại giao của các nước ASEAN kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1967. Tuy nhiên, các quy tắc trong ASEAN đôi khi đã cho thấy những thiếu sót của nó, đặc biệt nếu Indonesia yêu cầu có đặc quyền bỏ qua một số quy tắc, trật tự như đã từng xảy ra trước đó.

Năm nay, Philippines giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN và sẽ phải đưa tất cả các quốc gia thành viên cũng như 12 nước đối thoại tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm 2017, tiếp theo là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào cuối năm 2017.

Đây là một chương trình nghị sự lớn có liên quan đến nhiều quốc gia trên thế giới cũng như khu vực, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Trước tiên, Tổng thống Duterte đã phác thảo các chương trình có liên quan đến các hội nghị sẽ được tổ chức trong năm nay, tuy nhiên liệu vấn đề Biển Đông có nổi lên như một vấn đề được ưu tiên? Mặc dù thời gian gần đây, Philippines đã có những bước đi làm dịu căng thẳng liên quan đến tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, tuy nhiên Philippines cũng cần phải tôn trọng ý chí của các quốc gia thành viên khác.

Hiện trong số các quốc gia thành viên ASEAN thì Lào và Campuchia đã đứng về phía Trung Quốc không đưa tranh chấp trên biển vào chương trình nghị sự cũng như các tuyên bố chung. Ngay cả Manila cũng có một thái độ không rõ ràng, đặc biệt là sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền. Tuy nhiên, dưới sức ép của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ muốn vấn đề Biển Đông phải là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong khu vực.

Vấn đề Biển Đông hiện cũng đang tạo ra những căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Bắc Kinh, thời gian gần đây đang tích cực có các hành động quân sự hóa các đảo tranh chấp, đưa tàu sân bay và các chiến đấu cơ vào khu vực tranh chấp, triển khai các tên lửa ở quần đảo Hoàng Sa, xây dựng các cơ sở quân sự ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hành động này của Trung Quốc được đánh giá là lớn nhất kể từ thời điểm năm 2011, trước đó Trung Quốc luôn kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, giữ nguyên trạng và cùng nhau khai thác.

Trung Quốc, trong mắt của nhiều người dân phương Tây đang có các hành động để chứng tỏ là một thế lực lớn trên thế giới với sức mạnh quân sự của mình, sau một thời gian dài đưa ra các chiến lược phát triển hòa bình cùng với các quốc gia khác trên thế giới. Hiện tại, các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc đang đưa ra các mục tiêu để quốc gia này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới bên cạnh Mỹ.

Việc Trung Quốc có những hành động quyết đoán đối với các quốc gia láng giềng cũng như một số vùng biển quốc tế đã khiến Tổng thống Donald Trump có các sự điều chỉnh về quân sự. Ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng lên và liệu đây có phải là biện pháp để đối phó với Trung Quốc? Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần lên án việc Trung Quốc có các hành động cải tạo các đảo đá ở Biển Đông nhằm kiểm soát vùng biển này. Tất cả những vấn đề này là những vấn đề phải được Philippines đưa vào các chương trình nghị sự sắp tới trong các cuộc họp quan chức cấp cao của ASEAN.

Vấn đề phức tạp ở Biển Đông nổi lên thời gian vừa qua đã khiến các quốc gia ASEAN đứng trước những thách thức:

Thứ nhất, ASEAN không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trong khu vực hay bất cứ một cuộc đối đầu chiến lược nào khi nó buộc các quốc gia thành viên phải lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc. Singapore đã nhấn mạnh điều này rõ ràng nhất.

Thứ hai là, khi vấn đề phức tạp xảy ra sẽ là cơ hội để các nước lớn can thiệp, khiến khu vực này lại bất ổn như trước đây. Mỹ sẽ điều chỉnh chiến lược của mình và đề nghị các quốc gia đồng minh, đối tác ở khu vực tập trung mọi nỗ lực để ngăn cản Trung Quốc.

Tất cả những điều này đòi hỏi các quốc gia ASEAN cần phải có cách nhìn nhận đúng đắn, Philippines cần phải cẩn trọng và tích cực hoạt động vì lợi ích chung của khối. Manila phải chống lại sự cám dỗ để đưa tranh chấp ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN.

Việc các nước lớn tranh giành ảnh hưởng, lợi ích trong khu vực sẽ khiến khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng phải đối mặt với những sự phức tạp mới nảy sinh. Các quốc gia thành viên của ASEAN sẽ phải đối mặt với những thách thức mới thử thách sự thống nhất, đồng thuận của khối.

Theo “Bưu điện Jakarta

Anh Thư (gt)