Chiến lược pháp lý của Philippines trong các tranh chấp trên Biển Đông đang tới gần “khoảnh khắc sự thật”. Trong các tuần tới, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), được thành lập dưới sự bảo hộ của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về tranh chấp biển giữa Trung Quốc và Philippines.

Lần đầu tiên, một nhóm chuyên gia pháp lý có tầm cỡ và chính trực sẽ chính thức xem xét tính pháp lý của các tuyên bố chủ quyền bành trướng và sự hiện diện ngày một tăng lên của Trung Quốc ở vùng biển quan trọng nhất thế giới này. Vấn đề sống còn ở đây là ngăn chặn Trung Quốc thực hiện Thuyết biển đóng (Mare clausum) thay cho Thuyết biển tự do (Mare Liberum) ở khu trung tâm phía Tây Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, cuối cùng, chính Tổng thống sắp tới của Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới là người quyết định sẽ làm gì với phán quyết có lợi của tòa. Điều này vạch ra một số yếu tố bất ổn. Không giống như người tiền nhiệm Benigno Aquino, ông Duterte có vẻ như không muốn đối đầu với Trung Quốc, và đã bày tỏ sự nghi ngờ cam kết của Washington với đồng minh Đông Nam Á này. 

Ông Duterte cũng bày tỏ nghi ngờ về tính thực tiễn của vụ kiện mà Philippines đệ trình chống lại Trung Quốc- quốc gia tuyên bố tẩy chay vụ kiện và đặt câu hỏi về quyền hạn pháp lý của tòa trọng tài trong các tranh chấp Biển Đông. Sau cùng, phán quyết của tòa sẽ được đưa ra không lâu sau khi ông Duterte chính thức nhậm chức, bởi vậy trên thực tế, vụ việc này vẫn có thể bị ngưng lại. Như lời giải thích của Giáo sư Matthew C. Waxman của Đại học Columbia, toàn bộ hệ thống luật quốc tế cũng sẽ đứng trước rủi ro, điều có thể lý giải tại sao khoảng thời gian chờ đợi phán quyết của tòa lại khiến gây “sốt ruột” đến như vậy. 

Phiên tòa Thế kỷ 

Giáo sư Waxman nói: “Đối với hệ thống UNCLOS- gồm các quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc- tầm quan trọng và sự tin cậy của nó đang đứng trước nhiều nguy cơ”. Tòa trọng tài đang đối mặt với nguy cơ “bị phớt lờ, chế nhạo và gạt ra ngoài lề bởi nhân tố lớn nhất trong khu vực”. 

Tháng 10/2015, tòa trọng tài (được thành lập theo Điều 287, Phụ chương VII của UNCLOS) đã quyết định rằng tòa sẽ có thẩm quyền xét xử hơn một nửa trong số các vấn đề tranh chấp mà Philippines đệ trình và tòa đang quyết định liệu có thẩm quyền hay không đối với các vấn đề tranh chấp còn lại. Tòa trọng tài, vốn không có quyền đưa ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền, đã quyết định rằng tòa có thể đưa ra phán quyết về bản chất của các thực thể đang tranh chấp, đặc biệt là Đá Vành Khăn, Đá Gaven, Đá Ken Nan, Đá Tư nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập, cũng như bãi cạn Scarborough. Tòa cũng có thể ra phán quyết về các hành động hung hăng của Trung Quốc chống lại các tàu hải giám của Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough, cũng như tác động đến hệ sinh thái của các hoạt động cải tạo đất đá của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, các nội dung chính như tính pháp lý của tuyên bố "đường 9 đoạn" bành trướng và học thuyết mập mờ dựa trên “các quyền lịch sử” của Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục phớt lờ việc chính thức tham gia vào vụ kiện, theo Điều 5, Phụ chương VII của UNCLOS. 

Như vậy, tòa trọng tài đã bác bỏ các tuyên bố từ lâu của Trung Quốc rằng (1) UNCLOS và các tòa trọng tài dưới sự bảo hộ của UNCLOS không có quyền phán xét về các tranh chấp liên quan đến Biển Đông; (2) Philippines vẫn chưa dốc sức đàm phán song phương trước khi viện đến tòa trọng tài mang tính ép buộc; và (3) Trung Quốc, theo Điều 298, tự miễn trừ họ tham gia vào quy trình tố tụng. 

Các lựa chọn khó khăn 

Điều rõ ràng ở đây đó là chính quyền ông Duterte sẽ không từ bỏ vụ kiện, vốn đang bước vào giai đoạn cuối. Khả năng này cũng là điều bất khả thi, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ trong nước và quốc tế cho vụ kiện của Philippines đã tăng lên. 

Trên thực tế, Ngoại trưởng Philippines sắp được bổ nhiệm chính thức Perfecto Yasay đã nói rõ rằng Chính quyền Duterte sẽ “không theo đuổi bất kỳ đàm phán song phương nào [với Trung Quốc] vào thời điểm này cho đến khi chúng tôi được nghe thấy, hoặc chờ đợi, phán quyết của tòa”. Tất nhiên, hiện cũng có khả năng, dù rất nhỏ, rằng Philippines sẽ thua kiện trong tất cả các nội dung. Đây chắc chắn sẽ là một “thảm họa” đối với Philippines và các quốc gia khác có quan điểm tương tự, vốn mong muốn sử dụng luật quốc tế chống lại Trung Quốc, nhưng ông Duterte vẫn có thể lựa chọn tránh xa khỏi thất bại này với việc gọi đó là hành động “điên rồ vô ích” của người tiền nhiệm. 

Trong khi đó, một phán quyết có lợi sẽ mang lại lợi thế cho Chính quyền Duterte trong bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Trung Quốc. Lấy ví dụ, chính quyền mới ở Philippines có thể hứa hẹn không áp đặt đầy đủ phán quyết của tòa - có thể coi đó là lời cố vấn thay vì một phán quyết mang tính ràng buộc - để đổi lấy nhượng bộ của Trung Quốc trên Biển Đông, từ các vùng biển tranh chấp đến việc rút quân khỏi bãi cạn Scarborough, bên cạnh các đầu tư quy mô lớn. 

Chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ đón nhận bất kỳ cơ hội nào nhằm tránh một cuộc “đảo chính quyền lực mềm” nếu Manila lựa chọn tập hợp sự ủng hộ quốc tế và miêu tả Trung Quốc, một cường quốc khu vực tham vọng, là nhân tố sống ngoài vòng pháp luật. Đến nay, nhóm các nước công nghiệp G7, Úc và tất cả các bên liên quan ở châu Á đã gián tiếp hoặc công khai bày tỏ ủng hộ vụ kiện này, buộc Trung Quốc phải khăng khăng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của tòa trọng tài, lập ra các tòa quốc tế của riêng họ và tập hợp ủng hộ của 40 quốc gia như một liên minh phản kháng. 

Hiện cũng có một lựa chọn khác, đó là chính quyền hai nước sẽ đồng thời thể hiện sự tôn trọng luật quốc tế và đáp ứng nguyện vọng nhằm giải quyết song phương các tranh chấp với việc lựa chọn một cơ chế hai bên đều chấp nhận theo UNCLOS. Lấy ví dụ, hai nước có thể nhất trí thành lập một “ủy ban hòa giải”, cho phép hai bên giải quyết các tuyên bố chồng lấn dưới sự hướng dẫn của hội đồng các chuyên gia pháp lý mà hai nước đồng ý, những người sẽ đưa ra lời khuyên pháp lý nhưng không phải là các phán quyết mang tính ràng buộc. 

Chắc chắn rằng, Chính quyền Duterte sẽ đứng trước sức ép lớn từ mọi phía buộc ông phải giành lấy lợi ích chiến lược lớn nhất từ vụ kiện của người tiền nhiệm. Rất có thể ông Duterte, người đã hứa sẽ thực thi một chính sách đối ngoại độc lập, sẽ quyết định bước đi tiếp theo dựa trên bản chất của phán quyết và cái mà ông coi là lựa chọn thực tiễn nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia Philippines và tránh xung đột không cần thiết với Trung Quốc.

Richard Javad Heydarian hiện đang giảng dạy về khoa học chính trị tại Đại học De La Salle. Ông từng làm cố vấn chính sách tại Hạ nghị Viện Philippines (2009-2015). Ông được The Manila Bulletin, tờ nhật báo hàng đầu Philippines, mô tả là “nhà phân tích về kinh tế và chính sách đối ngoại xuất sắc nhất”. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Văn Cường (gt)