shinzo-abe-criticises-china-over-tibet-pg.jpg

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12/2015 là một cột mốc quan trọng trong xu hướng hòa nhập kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bất chấp tầm nhìn tham vọng của AEC, tình hình thực tế ở khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục làm dấy lên những lo ngại. Một trong số đó là sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có thể trở thành một rào cản đối với sự phát triển tính thống nhất và đoàn kết thực sự trong khu vực.

Thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia giàu có nhất khu vực là Singapore cao gấp khoảng 6 lần thu nhập ở nước nghèo nhất là Myanmar. Các nhà nước thành viên ASEAN coi sự chênh lệch lớn về thu nhập này là một “vấn đề cấp bách”. Để tạo điều kiện cho sự phát triển cân bằng, AEC đã yêu cầu các nước thành viên lâu đời hơn của ASEAN hỗ trợ các thành viên mới hơn (hay còn gọi là nhóm các nước CLMV: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) trong nỗ lực nâng cao năng lực kinh tế của họ. Kể từ năm 2000, khi các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua Sáng kiến vì sự Hòa nhập ASEAN, sáu nước thành viên kỳ cựu đã hỗ trợ CLMV trong 5 lĩnh vực chủ chốt: lương thực và nông nghiệp, thương mại quốc tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục, y tế và sức khỏe. Theo một nghiên cứu mới đây, các nước CLMV được phân chia bởi một cấu trúc kinh tế hai tầng: Campuchia và Việt Nam đã thành công trong việc giảm bớt chênh lệch thu nhập với các nước ngang hàng giàu có hơn và lâu đời hơn ở ASEAN, trong khi Lào và Myanmar vẫn bị tụt lại phía sau.

Bên ngoài khu vực Đông Nam Á, chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự phát triển cân bằng ở ASEAN. Năm 2011, nước này đã công bố kế hoạch hành động ASEAN-Nhật Bản. Theo sáng kiến này, Nhật Bản cung cấp viện trợ nước ngoài cho các nước CLMV nhằm thu hẹp sự chênh lệch về thu nhập giữa các thành viên ASEAN. Đặc biệt, Nhật Bản tập trung vào 6 lĩnh vực: hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thiết lập sự hợp tác về công nghệ, tổ chức các cuộc hội thảo, triển khai các chương trình huấn luyện, đẩy mạnh các mối quan hệ lao động hài hòa và hỗ trợ cho các chính phủ địa phương.

Về viện trợ kinh tế cho các quốc gia CLMV, Nhật Bản cung cấp hai hình thức hỗ trợ nước ngoài: các khoản trợ cấp song phương mà các nước nhận trợ cấp không có nghĩa vụ phải hoàn trả và các khoản cho vay song phương có yêu cầu hoàn trả đi kèm lãi suất. Trong số các nước CLMV, Myanmar là nước hưởng trợ cấp không hoàn trả lớn nhất từ Nhật Bản. Năm 2017, Nhật Bản đã công bố 30 dự án trợ cấp mới cho các nước CLMV mà trong đó có đến một nửa được thực hiện ở Myanmar. Các dự án lớn hưởng các khoản trợ cấp từ Nhật Bản liên quan đến sự cung cấp lương thực khẩn cấp và phát triển trang thiết bị phát sóng truyền thanh, truyền hình, mỗi khoản nhận 2,2 tỷ yên Nhật (tương đương 19,8 triệu USD). Campuchia cũng là một nước hưởng trợ cấp nhiều của Nhật Bản trong năm 2017 (3,2 tỷ yên, tương đương 28,8 triệu USD), trong đó có các khoản tiền dành cho việc phát triển hệ thống cung cấp nước cũng như công tác dọn sạch bom mìn và hỗ trợ các nạn nhân của bom mìn còn sót lại.

Các nước CLMV cũng là một trong những điểm đến ưa thích của các khoản cho vay song phương của Nhật Bản. Năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã hứa cho vay hơn 20 tỷ yên (khoảng 180,1 triệu USD) phục vụ 24 siêu dự án trên toàn thế giới, và bên được vay chủ yếu là các nước CLMV, nơi 6/24 dự án này được thực thi. Tóm lại, Nhật Bản hứa cung cấp các khoản vay cho 12 dự án ở các nước CLMV, trong đó có 6 siêu dự án. Myanmar, nơi có tới 7 dự án đang được thực thi, là đất nước được hưởng nhiều khoản vay nhất trong các nước CLMV từ Nhật Bản. Các dự án này bao gồm xây dựng cầu bắc qua Sông Bago (31 tỷ yên, tương đường 279,2 triệu USD), cải tạo đường sắt nối Yangon-Mandalay (25 tỷ yên, tương đương 225,2 triệu USD) và cải thiện hệ thống cung cấp nước. Nhật Bản cũng hứa sẽ cho Việt Nam vay 90,1 tỷ yên (811,7 triệu USD) để thực hiện một siêu dự án là xây dựng tuyến tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là nguồn hỗ trợ kinh tế lớn nhất với các nước CLMV. Theo sáng kiến "Vành đai và Con đường", chính phủ Trung Quốc cung cấp một khoản trợ cấp khổng lồ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Lào, nơi thu nhập quốc gia chỉ khoảng 12 tỷ USD. Bất chấp những tiềm năng từ sự hỗ trợ kinh tế khổng lồ và xác thực này, nhiều người vẫn lo ngại không biết các khoản trợ cấp khổng lồ đó có tiềm ẩn rủi ro hay không. Những chỉ trích này nảy sinh từ các điều kiện được đặt ra để có được trợ cấp, trong đó phải kể đến việc các nguyên vật liệu để xây dựng tuyến đường sắt và các nhân công phải đến từ Trung Quốc. Các nước CLMV cần các khoản đầu tư lớn để phục vụ việc nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người để bắt kịp với các nước giàu có hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu các nước này muốn tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản hay Trung Quốc? Các chương trình trợ cấp nước ngoài do các chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc đưa ra đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng, nhưng chắc chắn rằng sự hỗ trợ mà Trung Quốc đem lại có thể kích hoạt sự biến đổi về kinh tế nhanh chóng với quy mô lớn. Nhật Bản không thể cung cấp các khoản hỗ trợ với quy mô như Trung Quốc, do những hạn chế về kinh tế, tài chính và dân số già. Tuy nhiên, chất lượng của các chương trình trợ cấp của Nhật Bản - vẫn luôn thể hiện sự tinh tế sau hơn 60 năm thực hiện - có thể là một nguồn lực kinh tế bổ sung đáng giá đóng góp cho sự phát triển cân đối trong khu vực.

Tác giả Fumitaka Furuoka là Phó Giáo sư tại Viện nghiên cứu Á-Âu, Đại học Malaya. Bài viết đăng trên “East asia forum”.

Nhật Linh (gt)