Giới thiệu 

Nhìn lại năm 2015 là một năm thành công của an ninh quốc gia Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã lập được khuôn khổ thể chế cho an ninh Nhật Bản như “Định hướng hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ” và luật an ninh dựa trên cách diễn giải về với Hiến pháp. Một số diễn biến quan trọng khác như diễn văn của Thủ tướng Shinzo Abe nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và việc sưởi ấm quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng đã tạo ra tác động tích cực đến định hướng tương lai cho an ninh quốc gia Nhật Bản. Chúng ta không nên sử dụng những thành tựu ngoại giao trên như là sự kiện một lần. Chúng ta cần duy trì và thúc đẩy động lực này trong năm nay và cả về sau. 

Vụ Triều Tiên thử bom hạt nhân và các vụ tấn công khủng bố tại Jakarta (Indonesia) hồi đầu năm nay một lần nữa làm nổi rõ những thách thức an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên, những thách thức này không phải là những yếu tố duy nhất định hình môi trường an ninh ở khu vực Đông Á. 

1 - Môi trường an ninh ở Đông Á 

Đông Á là nơi đóng vai trò động lực tăng trưởng. Quan niệm này được thế giới ngày nay công nhận một cách rộng rãi. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond, thăm Nhật Bản hồi tháng 1/2016, đã nói trong một bài viết mới đây của ông rằng “Thế giới bước vào năm mới với nhiều biến động. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn về hai điều: châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò là động lực hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu và chúng ta đang sống trong kỷ nguyên châu Á”. Không chỉ sự trỗi dậy của Trung Quốc mà còn là tốc độ tăng trưởng ấn tượng của các nước Đông Nam Á đã tạo nên vai trò này.

Kinh tế Nhật Bản cũng đang hồi phục. Ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, sử gia hàng đầu của Mỹ, ông George F.Kennan, đã nói rằng Đức và Nhật Bản sẽ trở thành những trung tâm, là hai khu tổ hợp công nghiệp lớn ở Đông và Tây, và sự phục hồi của hai quốc gia này là cần thiết để khôi phục sự ổn định ở châu Âu và Đông Á, và Nhật Bản quan trọng hơn Trung Quốc với vai trò là một nhân tố tiềm năng trong các diễn biến chính trị trên thế giới. Ông tiếp tục nói rằng người Mỹ, với sự ám ảnh kỳ lạ về việc Trung Quốc dường như luôn luôn nỗ lực, đã có xu hướng thổi phồng tầm quan trọng thực sự của Trung Quốc và coi nhẹ Nhật Bản. Theo sử gia này, có 5 trung tâm công nghiệp trên thế giới gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Liên Xô, Đức và Nhật Bản. Trong khi hai quốc gia bại trận, Đức và Nhật Bản, được liệt kê trong danh sách này thì Trung Quốc lại không được đưa vào. Tuy nhiên, trong 70 năm sau chiến tranh, thế giới đã có sự khác biệt. Bên cạnh đó, tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á rõ ràng đã đi ngược lại quan niệm cũ kỹ rập khuôn rằng “các nước phát triển ở phía Bắc và các nước đang phát triển ở phía Nam”. Đông Á trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt như cuộc chiến trên Bán đảo Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, nhưng giờ đây chúng ta không thấy cuộc chiến lớn nào trong khu vực. Rõ ràng sự ổn định một cách tương đối này tạo thành cơ sở cho sự thịnh vượng. Tuy nhiên, sự thịnh vượng này đang dựa trên một sự ổn định mỏng manh. Có ba vấn đề liên quan đến khái niệm này. 

Thứ nhất, bản chất của các mối đe dọa mà chúng ta nhận thấy trong khu vực hiện nay không hề đơn giản. Đông Á cũng như các khu vực khác trên Trái Đất, đối mặt với những mối đe dọa thời kỳ hậu hiện đại trong bối cảnh sự tấn công dữ dội của toàn cầu hóa. Các cuộc tấn công khủng bố tại Jakarta ngày 14/1 nhắc ta nhớ lại thực tế rằng các phần tử cực đoan Hồi giáo đang trỗi dậy dưới sự ảnh hưởng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Giáo sư Isami Takeda của Đại học Dokkyo nói rằng có nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tương tự tại Philippines, Malaysia và Thái Lan do các tổ chức khủng bố đặt cơ sở tại các nước này. Ông cũng đề cập đến báo cáo cho biết hơn 1.000 thanh niên Đông Nam Á đến Syria để gia nhập hàng ngũ các tay súng cực đoan. Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy sự bất ổn do một yếu tố hiện đại gây ra như các cuộc tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia có chủ quyền, trong đó có cả tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa. Vì vậy, các quốc gia này cũng không thoát khỏi những mối đe dọa thời kỳ hậu hiện đại. Mặc dù chủ nghĩa khủng bố quốc tế được coi như là một thách thức an ninh phi truyền thống trong thời kỳ hậu hiện đại song IS không hề đơn giản. Và vì IS tuyên bố áp dụng tình trạng nô lệ, tổ chức này cũng bị liệt vào diện mối đe dọa thời kỳ tiền hiện đại. Các mối đe dọa về các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn như động đất, bão cũng không được bỏ qua. Thảm họa chiến tranh, thảm họa khủng bố và thảm họa thiên nhiên, tất cả đều đặt sinh mạng của nhân loại trước rủi ro. 

Với tất cả các yếu tố trên, môi trường an ninh khu vực là một thể thống nhất. Chẳng hạn, trong khi Trung Quốc dựa quá nhiều vào những hình thức chiến tranh thời hậu hiện đại như không gian mạng và vũ trụ, nước này cũng tìm cách ngăn cản việc tự do sử dụng các hình thức này. Không chỉ quân đội Trung Quốc, các tổ chức tình báo và các tổ chức an ninh cũng bị cáo buộc dính líu đến các vụ tấn công nhằm vào hệ thống mạng của các chính phủ và quân đội nước ngoài từ năm 2006. Trong vũ trụ, Trung Quốc đã tiến hành một vụ phá hủy vệ tinh vào năm 2007 không chỉ tạo ra vô số mảnh vỡ trong vũ trụ mà còn đe dọa đến các tài sản vũ trụ của các quốc gia khác. Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào thương mại trên biển nhưng họ lại dính líu đến nhiều hành động chống lại tự do hàng hải như tuyên bố của Bắc Kinh về “đường 9 đoạn” tại Biển Đông và tuyên bố về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông. 

Điều thứ hai, không có một thể chế an ninh nào bao trùm toàn bộ khu vực, điều này khác hẳn với châu Âu. Tại châu Âu, NATO được mở rộng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc để lấp đầy khoảng trống an ninh tại Đông Âu và giờ đây NATO tham gia nhiều nhiệm vụ để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có chủ nghĩa khủng bố quốc tế. NATO, gồm Mỹ và 27 nước châu Âu thành viên, tạo thành một trật tự châu Âu trên cơ sở ổn định và thịnh vượng của châu lục. Có 28 quốc gia trong châu Âu lập Chính sách đối ngoại và an ninh chung cũng như Chính sách quốc phòng và an ninh chung để đối phó với các thách thức an ninh tại châu lục này. 

Trái lại, an ninh quốc tế tại Đông Á, hay châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên một hệ thống các liên minh do Mỹ lãnh đạo và các quan hệ an ninh, thường được gọi là hệ thống “trung tâm và các vệ tinh”. Liên minh Mỹ-Nhật nằm trong trọng tâm của hệ thống này. Trong nhóm đầu phải kể đến các liên minh Mỹ-Úc, Hàn Quốc-Philippines cũng như liên minh Mỹ-Singapore, đây là những phần không thể tách rời trong hệ thống “trung tâm và các vệ tinh”. Điều thú vị là sự tăng cường quan hệ giữa “các vệ tinh”, như giữa Úc với Nhật Bản. Tuy nhiên, một mối quan hệ đối tác như vậy vẫn đang ở giai đoạn đầu hình thành. Bên cạnh đó, liên minh song phương với một cường quốc như Mỹ thường rất khó để quản trị vì tính bất đối xứng về quyền lực. Hơn nữa, hệ thống được gọi là “trung tâm và các vệ tinh” không có sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc. Theo các chuyên gia, Đông Á không ổn định về mặt cấu trúc bởi một hệ thống kinh tế lớn lại được đặt ở một hệ thống an ninh nhỏ. 

Đặc điểm thứ ba liên quan đến đặc điểm thứ hai. Mỹ với tư cách là trung tâm của an ninh khu vực, lại có vị trí địa lý cách xa các nước liên minh trong châu Á. Mỹ là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng không phải là một phần của châu Á. Ngay cả trong thời kỳ công nghệ vũ khí hiện đại như công nghệ không người lái và công nghệ thông tin, các khả năng dự báo tầm xa hơn, bất lợi về khoảng các địa lý sẽ vẫn là một vấn đề trở ngại cả về chính trị lẫn quân sự. Ví dụ, khoảng cách giữa Biển Đông với San Diego, nơi Mỹ đóng Hạm đội Ba, là 6.700 hải lý, xa gấp bốn lần khoảng cách giữa Biển Đông với Tokyo. Thời gian di chuyển bằng đường biển mất từ hai đến ba tuần. Thậm chí Hawaii, nơi Mỹ đóng Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cách Biển Đông tới 5.000 hải lý, phải mất từ 10 đến 13 ngày nếu đi bằng đường biển. Vì vậy, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này trong thời bình là điều không thể thiếu. 

2- Hình thành trật tự khu vực 

Đặc điểm của khu vực này là sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, kinh tế… Mặc dù đây là điều đặt ra thách thức đối với việc thiết lập một khuôn khổ an ninh bao trùm toàn bộ khu vực do tính chất đa dạng này song sự thực là chính sự đa dạng này lại là động lực. Khu vực phải xây dựng một trật tự ổn định dựa trên việc tận dụng sự đa dạng này. 

Cơ sở của trật tự quốc tế là sự cân bằng về quyền lực, các giá trị chung, các quy định chung và các thể chế để thực hiện các quy định đó. Không một trật tự nào có thể tồn tại nếu thiếu một trong số những điều này. Theo Giáo sư Yuichi Hosoya thuộc Đại học Keio, cân bằng quyền lực là một phần khởi điểm của trật tự quốc tế song ông cũng nói rằng trật tự đó không chỉ dựa trên sự cân bằng quyền lực và việc cùng nhau đề ra những giá trị chung là điều không thể thiếu cũng như cần thiết phải có một khuôn khổ thể chế quốc tế. Hệ thống cân bằng quyền lực được những nhà lãnh đạo nhóm họp tại Vienna (Áo) năm 1814 và 1815 đàm phán để hình thành nên một liên hiệp châu Âu. Theo Cordon Craig và Alexander Georgge, trật tự này được cho là được tạo ra từ một bản hiến pháp và một cơ quan giám sát hiến pháp – một sự cân bằng quyền lực và sự phối hợp giữa các sức mạnh để giám sát nó. Mặc dù chúng ta không thể thảo luận về châu Âu thế kỷ 19 và Đông Á thế kỷ 21 với cùng những khái niệm giống nhau, song điều này là sự thực. Tôi cho rằng trật tự đó không thể được tạo ra chỉ đơn giản bởi sự cân bằng quyền lực, vì không phải máy móc mà chính con người tạo ra nó. 

Khi nói như thế, tôi cũng muốn thảo luận về sự cân bằng quyền lực tại khu vực, đưa ra ví dụ là tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lịch sử Biển Đông cho chúng ta thấy Trung Quốc thường đi trước trong khu vực này, lợi dụng khoảng trống quyền lực. Trung Quốc đã chiếm một nửa đảo Hoàng Sa vào năm 1950 sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương và nước này đã chiếm hoàn toàn Hoàng Sa, đuổi quân đội miền Nam Việt Nam ra khỏi quần đảo này sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc lại tiến tới quần đảo Trường Sa sau khi Liên Xô giảm sự hiện diện quân sự tại Việt Nam và giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Bắc Kinh chiếm đảo Vành Khăn sau khi Mỹ rút khỏi Philippines. Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bối đắp đất quy mô lớn tại một loạt đảo đá và gây rối loạn hoạt động của các tàu đánh cá nước ngoài bằng những việc bắn cảnh cáo và phun vòi rồng. Tại Biển Hoa Đông cũng vậy, Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động chống lại tự do hàng hải và hàng không của khu vực này. 

Trên cả hai vùng biển, Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực để thực hiện những tuyên bố đơn phương nhưng rất chung chung. Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông hơn ở Biển Hoa Đông. Một trong những khác biệt lớn giữa hai vùng biển này là cán cân quyền lực. Các nước Đông Nam Á đang tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh việc hiện đại hóa hải quân và không quân, đồng thời tăng cường năng lực của các lực lượng chấp pháp. Tuy nhiên, quân đội của hầu hết các quốc gia này vẫn còn yếu. Ví dụ như Philippines, nước mà tình trạng gia tăng căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông là một trong những quan ngại lớn đối với an ninh khu vực, có lực lượng vũ trang là một trong số những quân đội yếu nhất trong khu vực. Phi đội máy bay chiến đấu cuối cùng của nước này đã ngừng hoạt động cách đây vài năm, và đội tàu hiện đại nhất hiện nay của hải quân Philippines là hai xuồng canô cũ của Lực lượng tuần duyên Mỹ, còn tàu tác chiến chính là một tàu khu trục hộ tống từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai, một trong những tàu chiến già cỗi nhất thế giới. 

Trái lại ở Đông Bắc Á, Lực lượng phòng vệ và tuần duyên Nhật Bản có sức mạnh đáng kể, cũng như Hàn Quốc đang hiện đại lực lượng hải quân và không quân nước này để không chỉ đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên mà còn với các mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai. Trên hết, 38.000 lính Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và 29.000 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc trên tổng số 136.000 lính Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không nước nào ở Đông Nam Á có quân đội Mỹ đồn trú thường trực. Tôi tin rằng đây là lý do chính của sự khác biệt trong thái độ của Trung Quốc đối với hai vùng biển. Bài học ở đây là: “Đừng tạo ra khoảng trống quyền lực”. 

Tiếp theo, tôi xin đề cập đến các giá trị chung. Chúng ta đã thấy các nền dân chủ tại nhiều nơi ở Đông Á ngày nay. Đông Nam Á là một ví dụ. Đông Nam Á mới đây đã thành lập Cộng đồng ASEAN dựa trên những nguyên tắc tự do, dân chủ và pháp trị. Theo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN (APSC) là một cộng đồng mang tính bao quát và phản ứng nhanh nhằm đảm bảo người dân có nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, lãnh đạo tốt và pháp trị. Những giá trị này đã trở thành những giá trị chung tại khu vực ngày nay. 

Cuối cùng, các quy định chung mà trật tự thế giới lấy làm cơ sở rất rõ ràng. Giải pháp hòa bình đối với các cuộc tranh chấp được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc, tự do của các vùng biển được quy định trong UNCLOS, các nguyên tắc này là luật lệ của luật pháp quốc tế thông thường và vì vậy được ứng dụng toàn cầu với mọi quốc gia trên thế giới. 

3 - Những thách thức đối với Nhật Bản 

Nhiệm vụ của Nhật Bản là tiếp tục duy trì trật tự quốc tế tại Đông Á dựa vào các quy định trên và vì vậy Nhật Bản phải giải quyết vấn đề này một cách chủ động. Tôi xin đưa ra 5 quan điểm sau: 

Đầu tiên, chúng ta phải hỗ trợ các nước trong khu vực đạt được sự ổn định trong nước. Sự ổn định nội bộ là cơ sở để duy trì nền dân chủ. Đây cũng là điều đặc biệt cần thiết đối với các nước Đông Nam Á để họ có thể giải quyết những thách thức an ninh biển tại Biển Đông. Trong phạm vi này, có rất nhiều việc cần phải làm đối với các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản trong đó có hình thức viện trợ phát triển chính thức. 

Thứ hai, mạng lưới các liên minh mà Mỹ làm trung tâm tại khu vực cần phải được tăng cường. Phần quan trọng nhất của mạng lưới này, không nghi ngờ gì nữa là liên minh Mỹ-Nhật. Liên minh này cần phải tiếp tục đóng vai trò chủ chốt với tư cách là quốc gia có sự hiện diện mạnh nhất và ổn định của lực lượng Mỹ tại Đông Á. “Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật” được sửa đổi hồi tháng 4/2015, cùng với luật an ninh của Nhật Bản, được ban hành với nhiệm vụ là động cơ quan trọng nhất để tăng cường quan hệ liên minh này. Các sáng kiến mới này cung cấp những công cụ hữu ích giúp cho sự hoạt động của quân đội Mỹ tại Nhật Bản được thực thi một cách thuận lợi trong các vụ xung đột, đóng góp vào các hoạt động mang tính răn đe tại khu vực. Những ai phản đối ý kiến này có thể nói rằng các sáng kiến trên là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Họ đã sai. Mặc dù liên minh Mỹ-Nhật phải đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải tuân thủ các chuẩn mực đã được thiết lập, Trung Quốc không phải là địch thủ không đội trời chung. Trung Quốc hiện nay khác với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Đó chính là điều ý nghĩa mà một thế giới kết nối ngày nay mang lại cho chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bản chất của “Định hướng” mới và của luật an ninh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các sáng kiến này chứa đựng nhiều yếu tố hợp tác với Trung Quốc như lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động phi tác chiến như sơ tán, hơn là các yếu tố cạnh tranh với Trung Quốc. 

Các quan hệ liên minh trong mạng lưới mà Mỹ đóng vai trò trung tâm cũng cần phải được siết chặt thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các đối tác trong liên minh với Mỹ, sự liên kết của các “vệ tinh”.

Hợp tác an ninh giữa Úc và Nhật Bản phải được củng cố theo một tiến trình nhanh hơn. Quan hệ đối tác giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng cần phải siết chặt vì đây là hai quốc gia ở Đông Bắc Á hỗ trợ cho việc duy trì sự hiện diện mạnh nhất của quân đội Mỹ tại khu vực Đông Á. Hai quốc gia này có lợi ích an ninh chung không chỉ trong việc đối phó với Triều Tiên mà còn đối với nhiều thách thức khác, trong đó có an ninh biển và an ninh mạng. Hai nước cần phải phối hợp để duy trì động lực đã đạt được năm ngoái về cải thiện quan hệ song phương. Xét về quan hệ đối tác với Đông Nam Á, an biển là vấn đề cấp bách. Trong khi việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước có bờ biển như Việt Nam, Philippines là điều cần thiết, một điều quan trọng nữa là duy trì sự đoàn kết trong ASEAN và vì vậy chúng ta phải hợp tác với cả các thành viên lục địa của ASEAN để đảm bảo an ninh biển. 

Điểm thứ ba tôi muốn đề cập có liên quan chặt chẽ với điểm thứ hai. Các quan hệ liên minh không thể mạnh nếu thiếu các đồng minh mạnh. Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản, phải mạnh. Nhật Bản tiếp tục tăng cường năng lực quân đội để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ trong một môi trường cạnh tranh gay gắt. Nói như vậy, không có nghĩa là sức mạnh quốc gia chỉ đơn giản là quân đội hoặc kinh tế. Nhật Bản cần phải trở nên hấp dẫn đối với thế giới. Đó cũng là một sự lan truyền mang tính văn hóa. Phát triển khoa học xã hội cũng là yếu tố tạo ra môi trường trí tuệ cho người dân Nhật Bản để họ có thể thảo luận cách thức đối phó với các thách thức an ninh một cách chủ động. Không chỉ Nhật Bản mà cả Mỹ cũng cần phải có sức mạnh. Chúng ta thường quên khả năng hồi phục nhanh chóng của Mỹ bởi thường bị vấp phải quan điểm cho rằng “Mỹ đang suy giảm và Trung Quốc đang trỗi dậy”, tuy nhiên chúng ta nên nhớ lại nguồn năng lượng và sức mạnh Mỹ. Một số người cho rằng đó là câu chuyện xưa cũ khi Mỹ ở tuyến đầu, nhưng tuyến đầu của Mỹ chưa bao giờ bị biến mất. Hãy nghĩ về không gian mạng và vũ trụ. 

Thứ tư, chúng ta cần chia sẻ với các quốc gia châu Á những quan điểm về các thách thức an ninh mà chúng ta đối mặt tại Đông Á vì chúng ta sống trong một thế giới kết nối. Tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh Ise-Shima sẽ tạo ra một cơ hội giá trị cho điều này. Các quy định đang được dùng để quản lý thế giới này mang tính toàn cầu. Ngay khi bạn lên án các hoạt động của Nga tại Ukraine, bạn cũng phải lên án các hoạt động của Trung Quốc tại Đông Á là những âm mưu sử dụng vũ lực nhằm làm thay đổi nguyên trạng. Cả hai hoạt động trên đều là những thách thức nghiêm trọng đối với trật tự thế giới được thiết lập bằng các quy định toàn cầu. Tôi cho rằng Nga cần thận trọng xem các nước khác phản ứng thế nào trước hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Cuối cùng, tôi cho rằng Nhật Bản cần phải thông tin một cách chủ động hơn đến thế giới về cách thức mà họ có thể đóng góp cho an ninh quốc tế. Đối với mục tiêu này, xây dựng sự nhất trí của người dân Nhật Bản về việc an ninh quốc gia là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở là nền tảng của nhiệm vụ này, cần xây dựng môi trường trí tuệ cho các cuộc thảo luận dựa trên những thông tin chính xác. Vì vậy, tôi cho rằng các trung tâm nghiên cứu có vai trò rất quan trọng trong nhiêm vụ này.

Bài tham luận của nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Hideshi Tokuchi, tại Hội thảo “Xã hội toàn cầu và Nhật Bản: 70 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai và tương lai” do Đại học Nagoya tổ chức.

Trần Quang (gt)