Philippines-tham-do-Bien-Dong-Trung-Quoc-len-ke-_Tin180_com_001.jpg

Theo các học giả và các nhà nghiên cứu quốc tế, hiện có năm yếu tố để xác định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương:

Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay có nhiều vấn đề trong quan hệ quốc tế. Ông Trump đặt trọng tâm vào quan hệ song phương cũng như các thỏa thuận thương mại song phương, cương quyết không tham gia các định chế đa phương, điều này đã khiến cho Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ phải có sự điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới.

Thứ hai, hành vi bá quyền của Trung Quốc ngày càng gia tăng đã gây quan ngại cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Tranh chấp biển trong khu vực cũng khiến thế giới tập trung nhiều hơn tới khu vực này.

Thứ ba, sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc dù các quốc gia này có liên kết mạnh mẽ với Mỹ trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang bị xem xét lại cũng là những tín hiệu cho thấy các cường quốc khu vực cũng đang theo đuổi những cách đi riêng của mình để có thể tự bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia của họ.

Thứ tư, sự gia tăng các hoạt động chống buôn bán người, cướp biển, chống khủng bố, đánh bắt cá trái phép… đang khiến cho quân đội của nhiều quốc gia trong khu vực đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, phối hợp tuần tra chung và tích cực mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho lực lượng hải quân. Vấn đề phức tạp ở những khu vực có tranh chấp cũng khiến các quốc gia tăng cường đầu tư hiện đại hóa hải quân, điều đó cũng có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Thứ năm, chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng gia tăng ở các nước như Mỹ, Ấn Độ, Philippines… sẽ có thể tạo ra trào lưu khiến nhiều quốc gia tập trung hướng nội nhiều hơn, ít quan tâm đến các định chế đa phương cũng như vấn đề quốc tế.

Tất cả những vấn đề này đều có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của thế giới, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Xem xét các chiến lược của các nước chúng ta thấy như sau: Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đưa ra chiến lược “hướng Đông”; Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đưa ra chiến lược “tái cân bằng, quay trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra chiến lược “Một vành đai, Một con đường”. Trong chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Shinzo Abe tại Indonesia vừa qua, Nhật Bản cũng tuyên bố thực hiện chính sách “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.

Đối với Indonesia, dưới thời Tổng thống Jokowi, quốc gia này cũng đang thực hiện chiến lược “Trục biển toàn cầu”. Chính sách này bắt đầu được đưa ra từ năm 2014, nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Indonesia cũng đã soạn thảo Sách trắng về đại dương song vẫn chưa được Tổng thống Jokowi ký ban hành.

Chính quyền Tổng thống Jokowi đã nhấn mạnh các nội dung của chiến lược trở thành “Trung tâm biển toàn cầu” trong đó tập trung vào phát triển kinh tế biển, khai thác các nguồn tài nguyên biển; sự kết nối bằng đường biển với mong muốn Indonesia sẽ là một cường quốc biển trên thế giới.

Thực tế là trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2015-2019 của Bộ Ngoại giao Indonesia không thấy đề cập đến thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng thuật ngữ này đã được Bộ Ngoại giao Indonesia đề cập đến hồi năm 2013 dưới thời Ngoại trưởng Natalegawa.

Trng tâm của Bộ Ngoại giao Indonesia tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương (Đông và Đông Nam Á) chứ không phải là Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, chiến lược đối với Ấn Độ Dương của Indonesia đã thể hiện một cách rõ ràng khi nước này tổ chức Hội nghị của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) năm 2016. Indonesia hiện nay rất coi trọng hiệp hội này và tích cực tham gia để đẩy mạnh chiến lược trở thành “Trung tâm biển toàn cầu” của mình.

Trong bài phát biểu đầu năm 2017, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi nhấn mạnh rằng Indonesia tìm kiếm sự phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương với mong muốn là cầu nối giữa châu Phi với Thái Bình Dương và cũng là nhằm để IORA có điều kiện để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Để thực hiện tham vọng này, Jakarta đang tích cực chuẩn bị một bộ Quy tắc ứng xử và hướng dẫn quản trị tốt đối với các thành viên của hiệp hội. Các quy tắc này sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của các quan chức cấp cao các nước thành viên của hiệp hội tại Jakarta vào tháng tới.

Có một thực tế rằng hiện nay chủ nghĩa đa phương vẫn còn kém phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (theo quan điểm của ASEAN). Do đó nếu Indonesia không tích cực thể hiện vai trò của mình tại ASEAN một cách hiệu quả thì họ khó có thể đóng vai trò dẫn dắt IORA. Thay vì điều đó, Indonesia nên thúc đẩy các mối liên kết chiến lược giữa Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Indonesia hiện đã quá tập trung vào quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. Jakarta cũng cần phải ưu tiên phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và đặc biệt là Ấn Độ.

Tác giả là chuyên gia Evan A. Laksmana thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS). Bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta.

Mỹ Anh (gt)