Đông Nam Á là một khu vực đa dạng. Các nước ASEAN cũng rất khác nhau về hệ thống chính trị và những hoàn cảnh chiến lược, nhưng khu vực này đã được hưởng lợi nhiều từ cơ hội phát triển và 30 năm tương đối hòa bình. Nếu 10 nền kinh tế ASEAN gộp lại với nhau, với tổng dân số trên 600 triệu người, khu vực này sẽ có GDP là 3.076 tỉ USD và lớn hơn quy mô kinh tế của nước Đức. GDP của Ôxtrâylia trong năm 2010 là 889,6 tỉ USD, đứng sau Inđônêxia.

Đông Nam Á đã bắt đầu cảm thấy những tác động của các cường quốc đang nổi lên của châu Á. Khu vực này không còn là một tiểu vùng riêng biệt và bị cách ly, đồng thời đang ngày càng quan trọng trong cán cân quyền lực rộng hơn ở châu Á. Sự xâm nhập cường quốc có nghĩa là những dàn xếp chiến lược cũ đang được thay thế bởi những dàn xếp mới. Các cường quốc bên ngoài đang tìm kiếm những vai trò khu vực mới và kết quả là những dàn xếp an ninh phức tạp đang nổi lên. Những quan hệ cường quốc đang thay đổi thúc đẩy các nước Đông Nam Á phải quyết định mức độ mà họ muốn trở thành bên tham gia với sức nặng chiến lược đáng kể. Đông Nam Á đang tiếp cận một thời điểm chiến lược mà có thể xác định vị trí của khu vực này trong những thập niên tới.

Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản ở những mức độ khác nhau đang tiến vào khu vực này, một phần là để kiềm chế ảnh hưởng của nhau, nhưng chủ yếu là để củng cố những đòi hỏi của họ về một vai trò to lớn hơn trong tương lai của khu vực. Tuyên bố được đưa tin của một quan chức Trung Quốc hồi tháng 3/2010 rằng Biển Đông là lợi ích chiến lược "cốt lõi" của Trung Quốc (một tuyên bố mà ban lãnh đạo chính trị Trung Quốc sau đó làm giảm nhẹ bớt) là một ví dụ chính cho những căng thẳng mới. Mỹ cũng đã có phản ứng trước tuyên bố đó. Nhật Bản đã tìm cách làm gia tăng vai trò ở Đông Nam Á của nước này thông qua Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu bè ở châu Á (ReCAAP) và Ấn Độ đã công bố một chính sách "Hướng Đông" nhằm thúc đẩy vị trí của họ ở Đông Nam Á cũng như chống lại vị thế khu vực ngày càng tăng của Trung Quốc. Nói chung, ảnh hưởng của Nhật Bản và Ấn Độ ở Đông Nam Á còn kém nhiều so với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc.

Một cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang leo thang ở châu Á có thể gây chia rẽ giữa các nước Đông Nam Á. Một nhóm những bên tham gia quyết đoán hơn, như Inđônêxia và Việt Nam, có thể nổi lên cùng với một nhóm nước "bàng quan" như Thái Lan và Phílíppin. Trong rất nhiều trường hợp, các nước Đông Nam Á đang bận rộn với những nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng. Các nước Đông Nam Á đang cải thiện về số lượng các lực lượng vũ trang của họ, nhưng số lượng những trang thiết bị mua sắm vẫn còn ít, cho thấy rằng hầu hết các nước ASEAN không có nhiều cảm giác cấp bách về chiến lược. Dựa vào những sự kiện khu vực mang tính rộng lớn hơn, điều đó có thể dễ dàng thay đổi trong thập niên tới.

Các nước Đông Nam Á tìm cách duy trì một "trạng thái cân bằng năng động" mà sẽ cho phép họ lợi dụng và quản lý những cường quốc kình địch. Hầu như Đông Nam Á sẽ không thể phát triển được một bộ dàn xếp an ninh đơn giản. Carlyle A. Thayer (giáo sư thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia - ND) đã xác định bốn mô hình chính cho hợp tác an ninh mà sẽ kết hợp và cạnh tranh để định hình khu vực Đông Nam Á:

- Hợp tác quốc phòng đa phương giữa các cường quốc bên ngoài và từng quốc gia Đông Nam Á;

- Hợp tác an ninh do Mỹ lãnh đạo;

- Hợp tác an ninh khu vực Đông Á chuyên biệt do Trung Quốc lãnh đạo;

- Các nỗ lực đa phương do ASEAN làm trung tâm;

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không thể bảo đảm tất cả những mục tiêu của mình ở Đông Nam Á. Các nước thành viên ASEAN sẽ chống lại những đề xuất đe dọa làm giảm ảnh hưởng hoặc hạn chế sự tự do hành động của họ.

Đề xuất của Trung Quốc đối với Đông Nam Á là tái đảm bảo với các nước khu vực bằng cách cam kết một "sự nổi lên hòa bình", nhưng những vốn liếng "quyền lực mềm" của người Trung Quốc đã thu được rất ít. Ví dụ, sự hiện đại hóa quân sự và sức ép đối với Biển Đông, kể cả việc ép buộc các công ty dầu khí không được thăm dò trong những vùng lãnh thổ mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, đã làm dấy lên những lo ngại về những hậu quả của sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự theo dõi sát sao (điều đe dọa làm nhơ bẩn hình ảnh mà họ ưa thích như là một láng giềng tốt) về việc xây dựng đập nước dọc theo sông Mê Công. Đó là một sức mạnh nước đôi, trong con mắt của một số nước láng giềng gần nhất và tương đối nhỏ. Họ lo ngại về sự bá chủ từ từ của Trung Quốc, nghi ngờ rằng Bắc Kinh có ý định xác định một "Học thuyết Monroe" trong vùng Tây Thái Bình Dương nhằm loại bỏ các cường quốc ngoài khu vực. Họ lo ngại rằng căn cứ hải quân Ngọc Lâm ở gần Tam Á trên đảo Hải Nam là một tiền đồn cho các hoạt động trên biển và trên không của Trung Quốc trong khu vực.

Trong khi cưỡng lại sự thống trị của Mỹ, hầu hết các nước Đông Nam Á muốn Mỹ vẫn can dự trong khu vực này, nhưng không phải tất cả đều muốn Mỹ đóng vai trò giống nhau. Một số nước, như Việt Nam, hy vọng Mỹ sẽ đóng một vai trò trực tiếp bằng cách cân bằng với Trung Quốc, trong khi những nước khác như Philíppin sẽ muốn Mỹ đóng một vai trò gián tiếp, ngăn cản một sự thay đổi trong vị thế chiến lược của Trung Quốc một cách khéo léo hơn. Các nước ASEAN đang bị lôi kéo vào những sự phức tạp của việc cân bằng quyền lực, và lời khuyên đừng như vậy của họ đang ngày càng tăng lên.

Cân bằng cường quốc là một hiện tượng tương đối mới ở Đông Nam Á, và chắc chắn không phải là yếu tố quyết định duy nhất của các vấn đề chiến lược và quốc phòng ở đó. Các chính sách quốc phòng của những quốc gia Đông Nam Á đang được chèo lái bởi một loạt những nhân tố, và trong rất nhiều trường hợp những chính sách này liên quan nhiều đến an ninh nội địa, uy tín và sự bảo trợ nhiều hơn là đến những mối đe dọa đặt ra từ các nước khác. Nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục phải trải qua những thách thức an ninh nội bộ. Ví dụ, ở Thái Lan, Philíppin và Inđônêxia, những phần tử khủng bố, nổi loạn và xung đột sắc tộc tiếp tục đặt ra những thách thức quan trọng (nếu không nói là mang tính sống còn) đối với nhà nước. Cướp biển là một mối lo ngại toàn khu vực, nhưng chắc chắn không phải là một mối lo ngại chiến lược. Năm 2005, cơ hội để xảy ra một vụ tấn công cướp biển tại Eo biển Malắcca và Xinhgapo đông đúc là tương đối thấp (0,019% - hoặc 19 vụ/100.000 lượt tàu bè). Rất nhiều vụ tấn công trong số đó chẳng hơn gì mấy so với việc ăn cắp vặt trên biển.

Tương lai chiến lược của Inđônêxia sẽ đóng một vai trò lớn trong việc định hình tương lai chiến lược của tiểu khu vực này. Inđônêxia là nền kinh tế lớn nhất trong 10 nước ASEAN và là nước láng giềng quan trọng nhất của Ôxtrâylia, không chỉ trong bối cảnh sự biến đổi địa chính trị đang bộc lộ của châu Á, mà còn xét trên góc độ mối đe dọa chủ nghĩa cấp tiến Hồi giáo bạo lực. Lực lượng Quốc phòng Inđônêxia đang ngày càng được cung cấp đầy đủ đội ngũ chỉ huy, đặc biệt là trong những cấp bậc thấp hơn, bởi những người có ít kinh nghiệm về thời "Trật tự Mới" của Suharto, và là những người chuyên nghiệp hơn, có định hướng quốc tế hơn và có xu hướng công nghệ hơn so với những người tiền nhiệm. Inđônêxia ngày càng quan trọng trong cán cân quyền lực ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á, và đang bắt đầu hành động với sự tự tin lớn hơn cả trên trường khu vực và toàn cầu. Một nước Inđônêxia ổn định, an ninh, dân chủ và thịnh vượng sẽ là một ưu tiên trật tự đầu tiên dành cho các nhà hoạch định chiến lược Ôxtrâylia, nhưng điều quan trọng hơn là Ôxtrâylia muốn Inđônêxia có một vai trò rộng hơn với tư cách là nước đóng góp an ninh ở châu Á.

Lựa chọn của Đông Nam Á về vị trí của khu vực này trong môi trường châu Á mới có liên quan trực tiếp tới chính sách chiến lược của Ôxtrâylia, và Canbơrơ có thể cần phải đi tiên phong hơn trong việc hỗ trợ "những bên tham gia khu vực" định hình một môi trường an ninh đang thay đổi. Có thể khu vực này (hoặc một số quốc gia chủ chốt trong khu vực) sẽ tiến tới xây dựng "bong bóng" quyền lực của chính họ, nằm trên vùng giao nhau giữa vùng láng giềng gần của Ôxtrâylia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Ôxtrâylia đã bắt đầu thử nghiệm cho sự hợp tác chiến lược gần gũi hơn với các nước Đông Nam Á trong những năm tới, bắt đầu với Inđônêxia và có thể theo sau sự lãnh đạo của Mỹ trong việc xây dựng các quan hệ mạnh mẽ hơn với Việt Nam . Các quan hệ song phương hầu như vẫn sẽ là nền tảng của an ninh Đông Nam Á, và Ôxtrâylia nên chú trọng vào việc củng cố những quan hệ này. ASEAN, khuôn khổ an ninh quan trọng nhất của Đông Nam Á, chưa bao giờ được xây dựng để đóng một vai trò cân bằng quyền lực một cách trực tiếp. Nếu các nước Đông Nam Á muốn củng cố mô hình hợp tác an ninh "bản địa", họ phải ngày càng tìm kiếm những dạng "cứng hơn" của hợp tác quốc phòng./.

 

Theo Australian Strategic Policy Institute