Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell (ảnh minh họa)

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell ngày 31/5 đã có bài phát biểu khiến dư luận phải suy đoán nhiều. Campbell nói rằng một trong những việc quan trọng nhất mà Mỹ phải làm trong năm nay là chứng tỏ cho thấy Mỹ “ra sức hợp tác với Trung Quốc ở Đông Nam Á”. Lời nói của Campbell “thật” đến đâu dư luận bên ngoài rất khó xác định nhưng báo chí Mỹ nói rằng từ khi Mỹ tuyên bố can dự công việc ở Biển Đông năm ngoái đến nay, Đông Nam Á ngày càng trở thành vũ đài chính cho Mỹ và Trung Quốc ra đòn đấu. Cùng ngày với phát biểu của Campbell, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng R. Gates sẽ tuyên bố tại Đối thoại Shangri La ở Xinhgapo rằng “Mỹ sẽ gia tăng bố trí lực lượng quân sự ở châu Á”. Qua việc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam mới đây khiến tranh chấp ở Biển Đông nóng lên, có ý kiến phân tích rằng một số nước ASEAN có thể nhân Hội nghị này gây sức ép với Trung Quốc, nhưng không hẳn đã muốn thực sự làm căng với Trung Quốc. Học giả Trung Quốc Viên Bằng nói “trong khuôn khổ đấu chọi giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước ASEAN rất muốn trở thành đòn cân tranh đoạt giữa hai bên chứ không muốn làm con tin trong cuộc đấu gay go”. Tờ “Bưu điện Giacácta” của Inđônêxia nói ASEAN “được hưởng rất nhiều” từ quá trình cạnh tranh Trung-Mỹ, nhưng cạnh tranh phải được kiềm chế trong quỹ đạo “trung lập ASEAN”. 

Mỹ thực sự muốn làm gì ở Đông Nam Á? 

Tuyên bố của Campbell về “một trong những việc quan trọng nhất của Mỹ tại Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á năm nay là phải ra sức hợp tác với Trung Quốc” khiến cho việc “Mỹ tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc ở Đông Nam Á” trở thành đề tài theo dõi của rất nhiều báo chí Mỹ. Dư luận bên ngoài coi lời tuyên bố của Campbell là một tín hiệu mới về chính sách của Mỹ được phát đi, vì đây là lời phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Oasinhtơn về chính sách Đông Nam Á của Mỹ. 
Báo “Bưu điện Oasinhtơn” cho biết năm ngoái việc Chính quyền Obama tuyên bố giải quyết hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ khiến Trung Quốc phẫn nộ, sau đó Mỹ và Trung Quốc đã quyết liệt tranh giành mở rộng ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á. Các nhà phân tích cho rằng cách thể hiện của Mỹ như vậy là muốn kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế và quân sự để giữ được ưu thế của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, nhưng Campbell lần này lại đột ngột làm nhẹ bớt bất đồng để nhấn mạnh hợp tác với Trung Quốc. Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Campbell giải thích rằng “chúng tôi muốn loại bỏ những mối lo ngại của các nước Đông Nam Á trước việc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt hơn ở khu vực này, các nước này sợ rằng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung gây mất ổn định ở khu vực sẽ đem lại kết quả không tốt đẹp cho các nước Đông Nam Á. Rõ ràng, bất cứ kiểu quan hệ nào cũng đều có cạnh tranh ở mức độ nhất định, Mỹ-Trung Quốc cũng đang cạnh tranh nhưng chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn hợp tác với Trung Quốc bằng phương thức thích hợp ở Đông Nam Á”. 

Ngoài “cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á”, báo “Bưu điện Oasinhtơn” dường như đã bỏ qua một bối cảnh lớn trong phát biểu của Trợ lý Campbell, đó là trong nước Mỹ hiện đang tranh luận về việc cắt giảm mạnh chi phí quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng R. Gates, người sắp rời khỏi chức vụ vào tháng tới phê phán việc cắt giảm mạnh chi phí quốc phòng sẽ làm khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ yếu đi. “Hội quỹ truyền thống” ở Mỹ cũng phản đối việc cắt giảm này, cho rằng chủ trương phản đối Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông là “nghĩa vụ của nước Mỹ”. Thượng nghị sĩ Senator West cũng nói Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa thường trực của Mỹ, nước Mỹ phải mở rộng hải quân hơn nữa để đối đầu với Bắc Kinh. 

Trên thực tế, phát biểu của Campbell đã nhấn mạnh trong tương lai Mỹ sẽ duy trì sự có mặt quân sự lâu dài và mạnh mẽ ở châu Á. Trong cùng ngày Lầu Năm Góc cũng lên tiếng về “sự bố trí lực lượng quân sự tại châu Á” bằng cách nói rằng tại Đối thoại Shangri La, Bộ trưởng Gates sẽ cam kết với các đồng minh châu Á rằng Mỹ sẽ không vì cắt giảm ngân sách quốc phòng và vì sa vào hai cuộc chiến mà bị “phân tâm ở châu Á”, vì “Mỹ luôn là nước châu Á-Thái Bình Dương”. Theo hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt lần đầu tiên tham gia Đối thoại Shangri La nên R. Gates sẽ còn nhấn mạnh đến sự cần thiết của hợp tác quân sự Mỹ-Trung trong cuộc gặp giữa hai bộ trưởng. 

Neil, học giả thuộc Viện nghiên cứu phòng vệ hải lục không quân Hoàng gia Anh cho rằng Đông Nam Á là một trong những đấu trường quan trọng về chính trị quốc tế, chủ đề trung tâm nhất trong cuộc đấu ở khu vực này là trận đấu Mỹ-Trung. Xét từ thực tế hợp tác Mỹ-Trung mà cả Gates và Campbell cùng nhấn mạnh, dường như thái độ của Oasinhtơn là chân thành, rất có thể là do không còn cách nào khác. Mỹ đương nhiên không muốn Trung Quốc “độc bá” Đông Nam Á nên mới can dự vào tranh chấp ở Biển Đông, nhưng do kinh tế bị sụt giảm nên có thể Mỹ sẽ muốn cùng với Trung Quốc bảo vệ ổn định của thế giới. Một chuyên gia quân sự gần gũi với quân đội Trung Quốc cho hay quan hệ Trung-Mỹ hiện nay là ổn định, so với việc cao giọng can thiệp công việc ở Biển Đông như năm ngoái, thái độ của Mỹ trong vấn đề an ninh của năm nay vẫn có thể xem là ôn hòa.

Các nước ASEAN muốn làm đòn cân chứ không muốn làm con tin 
Trước khi diễn ra Đối thoại Shangri La năm 2011, những ngôn từ mạnh mẽ kiểu như “Trung Quốc có ý đồ xưng bá ở Biển Đông, nếu ta lùi bước họ sẽ lấn tới” đã xuất hiện trên báo “Nông thôn ngày nay” của Việt Nam mà người phát ra câu nói đó là Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu. Do vụ va chạm giữa Trung Quốc và Việt Nam tuần trước nóng lên nên những tiếng nói quyết liệt cứng rắn đã xuất hiện không ít trên báo chí Việt Nam . Có học giả còn đề nghị kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. 

Ở Philíppin, gần đây báo chí cũng nóng lên như vậy trong vấn đề Biển Đông. Tờ “Bưu điện Giacácta” ngày 1/6 trong bài “Điệu Tănggô tranh chấp Biển Đông không thể chỉ để cho hai người nhảy” đã hối thúc các nước ASEAN đoàn kết đối phó với Trung Quốc, mỗi nước tự đấu tranh đã làm yếu đi khả năng mặc cả với Trung Quốc. Bài báo còn kêu gọi các nước ASEAN dựa vào Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Ôxtrâylia để cân bằng với Trung Quốc, rằng “liên kết với những nước này có thể nói cho Trung Quốc biết rằng đừng nghĩ có thể muốn làm gì thì làm với các nước Đông Nam Á”. Cách nói dựa vào nước khác để đối trọng với Trung Quốc như vậy đã không hiếm gặp trong nội bộ các nước ASEAN. Cựu Thủ tướng Xinhgapo Lý Quang Diệu nói “Trung Quốc quá lớn, chỉ có nước Mỹ và công nghệ tiên tiến của Mỹ mới có thể đối trọng được với Trung Quốc”. Báo chí Mỹ dường như cũng hưởng ứng những câu khẩu hiệu như vậy. 

Hãng AP của Mỹ ngày 31/5 đưa tin, nhiều tướng lĩnh quân đội Philíppin coi Trung Quốc là mối đe dọa, đồng thời oán trách nguồn lực quân sự của nước này thiếu hụt nghiêm trọng. Tờ “The Christian Science Monitor” cùng ngày cũng phê phán Mỹ đã không trợ lực đủ mức đối với đồng minh Philíppin, ngoài một số lời hứa suông đã không có bất cứ biện pháp cụ thể nào đối với nước này. 
Một số báo chí Nhật Bản cũng phê phán Trung Quốc. Tờ "Sankei Shimbun" ngày 1/6 đã chỉ trích Trung Quốc có ý đồ độc chiếm Biển Đông. Tạp chí “Choice Weekly” số tháng 5/2011 cho biết Tổng thống Aquino 3 vốn có thái độ mềm mỏng với Trung Quốc bỗng nhiên trở nên cứng rắn, cựu quan chức ngoại giao Philíppin nói trong đó có nhân tố Mỹ làm động lực thúc đẩy. Mạng tin ASIA ONE của Xinhgapo ngày 1/6 viết: “Sau 15 năm tranh chấp ngoại giao đầy thận trọng và nhẫn nại nhưng chưa có biện pháp nào khả thi, ASEAN đều đã mỏi mệt với Trung Quốc”. Tranh chấp Biển Đông vốn là tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc, Trung Quốc luôn chủ trương áp dụng “phương thức phương Đông” để giải quyết, nhưng đến nay tranh chấp Biển Đông đã trở nên phức tạp hơn, nếu xử lý không tốt thì hiệu ứng tràn ly sẽ có thể dẫn đến xung đột mang tính khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ. Mạng này cũng cho biết, giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, Philíppin đã ký thỏa thuận về hợp tác bảo vệ an ninh nên bất cứ một điểm nhỏ va chạm nào trong vấn đề Biển Đông sẽ đều có thể dẫn đến ‘xung đột xấu” giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Liệu các nước ASEAN như Việt Nam và Philíppin có thực sự quyết tâm chia lìa hẳn với Trung Quốc hay không, phần lớn báo chí quốc tế đều có câu trả lời phủ định. Tạp chí "geo-strategic” của Pháp cho rằng Mỹ muốn phát triển các nước ASEAN thành các nước tiền tiêu bao vây Trung Quốc, còn các nước này lại ở trong trạng thái mâu thuẫn lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc nhưng quân sự lại hướng sang Mỹ, đồng thời trong nội bộ các nước ASEAN đầy mâu thuẫn, các quốc đảo xung quanh Biển Đông có thể sẽ gắn vận mệnh của mình với Mỹ, nhưng các nước lục địa có chung đường biên giới với Trung Quốc sẽ không dễ dàng làm như vậy, vì lịch sử và địa chính trị đều cho thấy sự ủng hộ của Mỹ không đủ để giúp các nước này khắc phục hậu quả tức giận của Trung Quốc. 

Tờ “Bưu điện Giacácta” năm ngoái có bài “Mỹ và Trung Quốc đối đầu ở Đông Nam Á” cho biết các nước ASEAN kỳ thực hưởng rất nhiều lợi lộc trong quá trình cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trung-Mỹ tranh đoạt có thể đem lại sự phát triển cho Đông Nam Á, nhưng đồng thời Trung Quốc cũng góp phần rất lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước này. Thủ tướng Thái Lan nói Trung Quốc là nhân tố duy nhất có thể thúc đẩy khu vực ASEAN thực sự đoàn kết. Vì vậy, phương thức hiện thực duy nhất để ASEAN đối phó với cạnh tranh Trung-Mỹ là phải kiểm soát cạnh tranh sao cho ở trong quỹ đạo “trung lập ASEAN”. 
“Thái độ và tâm lý của các nước ASEAN có thể giải thích là các nước này muốn trở thành đòn cân thăng bằng trong tranh chấp Mỹ-Trung chứ không muốn rơi vào vị thế là con tin của cuộc đấu gay go Trung-Mỹ”. Học giả Viên Bằng nói các nước Đông Nam Á vừa không muốn Trung-Mỹ tốt đến mức tuyệt vời để tạo nên trạng thái “cùng trị” đối với Đông Nam Á, nhưng cũng lo ngại hai bên đối lập nghiêm trọng sẽ chèn ép, gạt họ ra bên ngoài. Campbell nhấn mạnh hợp tác Trung-Mỹ vừa là tỏ thái độ với Trung Quốc nhưng cũng để cho các nước ASEAN yên tâm. Đối với các nước Đông Nam Á, khoảng cách tốt nhất giữa Trung và Mỹ là lúc gần lúc xa./.

NCBĐ (giới thiệu)