Cách thủ đô Phnôm Pênh 20 km hạ nguồn sông Mê Công, một bến cảng côngtenơ đang được xây dựng trên một diện tích rộng 30 hécta. Ngược dòng Mê Công, hai bến cảng khác cũng đang được phác thảo. Trong khi các nước khác thích khai thác sông Mê Công làm thủy điện hoặc xây đập thủy lợi, thì Campuchia muốn biến nó thành một huyết mạch vận thải. Giao thông đường thủy rẻ hơn và không đòi hỏi nhiều chi phí bảo dưỡng như đường bộ, và dù sao đi nữa không có nhiều đường bộ chất lượng cao ở Campuchia.

Cũng giống như nhiều công trình ở Campuchia hiện nay, bến cảng mới sẽ do các công nhân Trung Quốc thi công. Có khoảng 50 kỹ sư và công nhân kỹ thuật người Trung Quốc đang làm việc trên công trường. Người Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều ở Campuchia - một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á và đang phải chật vật để không phải phụ thuộc vào trợ giúp từ nước ngoài. Từ bến cảng đang xây dựng xuôi dòng sông Mê Công một chút là cây cầu Prek Tamak khổng lồ do Trung Quốc xây dựng vừa khai thông năm ngoái. Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây cũng phát động lễ khởi công dự án trị giá 46 triệu USD do Trung Quốc đầu tư, xây dựng tuyến đường nối Phnôm Pênh tới tỉnh duyên hải Kampot. Tại đó, một nhà máy thủy điện do người Trung Quốc mới xây sắp đi vào vận hành, cung cấp một nửa nhu cầu điện cho người dân Campuchia. Trung Quốc còn có kế hoạch xây thêm 3 nhà máy điện nữa. Tóm lại, Trung Quốc chiếm gần 1 nửa vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia.

Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ở Campuchia có một điểm khác đó là Bắc Kinh có một đối thủ cạnh tranh. Việt Nam đang đổ rất nhiều tiền bạc và thời gian để đầu tư vào người hàng xóm. Thương mại hai chiều tăng từ 950 triệu USD năm 2006 lên 1,8 tỷ USD năm ngoái.

Một số quốc gia châu Á khác cũng đã nhảy vào Campuchia. Trước khi Việt Nam tăng cường sự hiện diện, Hàn Quốc từng là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Campuchia, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và ngân hàng. Các nhà đầu tư Thái Lan và Đài Loan cũng đã đặt chân vào Campuchia.

Càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài càng tốt cho Campuchia. Nhưng ở một đất nước mà nhiều thế kỷ bị kẹp giữa những người hàng xóm lớn, cuộc chạy đua của nước ngoài vào Campuchia dấy lên lo ngại về vấn đề chủ quyền. Những người phản đối nói rằng sự hiện diện quá lớn của người Trung Quốc có nguy cơ biến Campuchia thành một thuộc địa của Trung Hoa.

Cho tới nay Campuchia vẫn sử dụng những đồng tiền từ nước ngoài mà không bị chúng mua chuộc. Không giống như các nơi khác có đầu tư của Trung Quốc, đất nước Campuchia nhỏ bé, với dân số chỉ 14 triệu, không có dầu mỏ hay tài nguyên để đánh đổi. Vì vậy mối quan tâm của Bắc Kinh với Phnôm Pênh dường như là nhằm giành một đồng minh trong ASEAN mà Campuchia là một thành viên. Trung Quốc vẫn nói rằng sự trợ giúp của họ không kèm theo một điều kiện nào, và tới nay chỉ có một lần Bắc Kinh lợi dụng sự ảnh hưởng về kinh tế để nhằm mục đích chính trị. Đó là khi họ yêu cầu Phnôm Pênh trao trả 20 người Duy Ngô Nhĩ xin tỵ nạn vào năm 2009.

Sự có mặt của Việt Nam cũng một phần là phục vụ mục đích chiến lược. Việt Nam muốn đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc – nước vẫn bị cho là có nhiều tham vọng thù địch trên Biển Đông.

Hiện tại Campuchia xem chừng sẽ không ngả theo ai. Với những người hàng xóm lớn và có nhiều ảnh hưởng, việc giữ cân bằng như vậy là một việc làm đặc biệt khó.

  Theo Economist 

 Viết Tuấn (gt)