Nền kinh tế của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 7,3% trong năm 2014 và 7,7% của năm 2013, cũng như không đạt được kế hoạch 7% do Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra trước đó. Theo dự kiến, mức tăng trưởng trong năm 2016 sẽ thấp hơn, dao động từ khoảng 6,5 đến 6,7%. Kể từ năm 2011, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc liên tục chậm lại theo từng quý và xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. 

Năm 2015, các nhà phân tích kinh tế nước ngoài không ngừng tranh luận về tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc, nhưng mức độ tăng trưởng được họ tranh luận không phải là 1% mà chỉ trong khoảng 0,4%, tức trong khoảng 6,5-6,9%. Trên thực tế, với quy mô kinh tế khoảng 11.000 tỷ USD của Trung Quốc, 6,5% đã được xem là một sự tăng trưởng rất mạnh. Riêng mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một năm hiện nay của Trung Quốc đã bằng khoảng 80% GDP của Indonesia hay 1/3 GDP của Ấn Độ. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất hiểu những lôgích tăng trưởng kinh tế cơ bản này, vì vậy sẵn sàng chấp nhận “trạng thái bình thường mới” của nền kinh tế Trung Quốc. Ông cũng hiểu rằng thời kỳ tăng trưởng hai con số của nền kinh tế Trung Quốc đã đi qua, và do mất đi động lực tăng trưởng nên việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là điều không thể tránh khỏi. 

Khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức ở Bắc Kinh tháng 11/2014, ông Tập Cận Bình công khai cho rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại "thực ra không có gì đáng lo ngại", những phản ứng lo lắng của thị trường là không cần thiết. Ông giải thích: "Mức tăng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 tương đương GDP cả năm 1994 của nước này". 

Rõ ràng, ông Tập Cận Bình không quá tập trung vào tăng trưởng GDP ở mức cao. Mối quan tâm của ông là liệu nền kinh tế có thể thực hiện suôn sẻ những công việc cải cách cần thiết và tái cân bằng nền kinh tế ở cấp vĩ mô. Các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng có quan điểm tương tự, khi đưa ra các chính sách kinh tế càng chú trọng hơn đến chất lượng GDP và các mục tiêu xã hội khác, không theo đuổi tăng trưởng GDP một cách mù quáng. 

Tuy nhiên, kể từ năm 2015, trái với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc không những không được cải thiện, mà có xu hướng ngày càng xấu đi. Xuất khẩu tăng mạnh trước kia, thường duy trì tăng trưởng ở mức hai con số, đã liên tục giảm và rơi xuống mức tăng trưởng âm. Do các nhân tố bất lợi như đầu tư quá mức và tình trạng sản xuất dư thừa, nên mức tăng trưởng từ các khoản đầu tư tài sản cố định truyền thống cũng giảm từ 20% xuống còn khoảng 7%. 

Kết quả là sản xuất công nghiệp liên tục giảm trong năm vừa qua, hiện tại vẫn không có dấu hiệu ổn định, chỉ số quản lý thu mua suy giảm trong 10 tháng liên tiếp. Các số liệu kinh tế suy yếu khiến thị trường chứng khoán Thượng Hải nhiều phiên giảm mạnh, tác động đến cả thị trường chứng khoán thế giới. Trung Quốc hiếm khi phải đối mặt với nhiều bất lợi về tăng trưởng thấp mang tính kết cấu và chu kỳ nghiêm trọng như vậy. Nền kinh tế Trung Quốc dường như đang nằm trong một vòng xoáy đi xuống, thậm chí có nguy cơ giảm phát. Trên thực tế, năm 2015 đã có những dấu hiệu của lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất liên tục giảm. Các báo cáo về số lượng các nhà máy phải đóng ở khu vực đồng bằng châu thổ của Trung Quốc ngày càng nhiều, các ngành công nghiệp nặng như sắt thép được dự báo cũng xuất hiện tình trạng cắt giảm lớn. Đối với vấn đề này, ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ phải quan tâm nhiều hơn tới tình trạng kinh tế hiện tại của Trung Quốc. 

Nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không phải do biến động mang tính chu kỳ làm suy yếu các công cụ kinh tế truyền thống như xuất khẩu và đầu tư tài sản cố định, cũng không phải do những tác động tiêu cực gây ra từ cải cách kinh tế, mà trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu quá trình cơ cấu và tái cân bằng một cách thực sự. 

Cần có sự can thiệp chính sách mạnh mẽ 

Không có gì ngạc nhiên khi năm 2015 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện việc cắt giảm lãi suất sáu lần và bốn lần giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi đồng nhân dân tệ song đều không thể đảo ngược sự suy giảm của nền kinh tế. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, muốn có được tăng trưởng cần phải nỗ lực nhiều hơn. 

Vì vậy, tháng 12/2015, Hội nghị Trung ương bàn về kinh tế hàng năm đã quyết định áp dụng một loạt biện pháp can thiệp mạnh mẽ để đối phó với các vấn đề như năng lực sản xuất dư thừa, dư thừa nguồn cung nhà ở và các vấn đề nợ của chính quyền địa phương. 

Phương tiện truyền thông Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh đối với các chính sách đồng bộ mới, cho rằng đây là một "cuộc cải cách theo hướng trọng cung" lấy thị trường làm nền tảng, bởi vì sự đồng bộ này bao gồm các biện pháp xóa bỏ các quy định, cắt giảm thuế và lệ phí, mục đích nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong dài hạn. Các biện pháp kích thích trong ngắn hạn thường được xem là quản lý nhu cầu theo trường phái kinh tế học Keynes, còn mục tiêu "các biện pháp theo hướng trọng cung" mới là dựa trên nguyên tắc kinh tế bảo thủ của "thị trường tự do lớn và chính phủ nhỏ" (thường được gọi là “học thuyết kinh tế Reagan"), để cải thiện nền tảng kinh tế dài hạn. Ông Tập Cận Bình công khai chấp nhận khẩu hiệu mang màu sắc cánh hữu này xem ra có vẻ xa lạ. 

Bất luận sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế như thế nào cũng đều không thể để Trung Quốc quay trở lại thời kỳ tăng trưởng cao như trước, chỉ có thể là thời kỳ ổn định hoặc tăng trưởng chậm lại. Mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016-2020) lần thứ 13 vừa được thông qua là đạt được mức tăng trưởng trung bình 6,5% trong 5 năm tới. Điều này đủ để Trung Quốc trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, và cũng đủ để hỗ trợ cho kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình. 

Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp gần đây của Trung Quốc là kết quả của những thay đổi nhanh chóng về cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn so với thời kỳ tăng trưởng “siêu cao”. Khi đó, đi kèm tăng trưởng với đầu tư lớn, còn có sự mở rộng tín dụng, tiêu hao năng lượng lớn, hoạt động công nghiệp diễn ra mạnh mẽ với việc nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu. Cùng với việc tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các ngành dịch vụ và nhu cầu trong nước, những yếu tố giúp cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh như trước kia đã không còn nữa. Vì vậy, thành phần cấu thành GDP của Trung Quốc sẽ thay đổi. GDP mới sẽ bao gồm các hoạt động dịch vụ nhiều hơn, chẳng hạn sẽ xuất hiện các ngành mới về giáo dục và văn hóa, vui chơi giải trí, truyền thông, thời trang, gia đình và dịch vụ cá nhân. Các dịch vụ này chủ yếu thuộc các lĩnh vực "phi thương mại", "phi xuất khẩu", rất khó để phản ánh và tính toán trong GDP truyền thống. 

Trong khi tăng trưởng kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào tiêu thụ, “thành phần phúc lợi” trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên tương ứng, đem lại GDP chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng theo đó sẽ không tránh khỏi tình trạng giảm xuống. Điều này là vì việc tăng năng suất trong lĩnh vực dịch vụ thường thấp hơn so với sản xuất (bởi vì sản xuất dễ sử dụng những tiến bộ trong công nghệ để tăng năng suất). Nói cách khác, mức độ tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc sẽ ngày càng giảm. 

Trong năm 2016, có ít nhất hai vấn đề lớn cần được Chính phủ Trung Quốc quan tâm nhiều hơn. Trung Quốc phải đối phó với vấn đề nợ nghiêm trọng trong nước, tổng số nợ tính đến năm 2015 ước tính là 250% GDP, và cao hơn nhiều so với mức 180% của năm 2008. Vấn đề nợ của Trung Quốc đã trở thành cấp bách hơn, nó là một phần nguyên nhân dẫn tới nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, các bong bóng bất động sản cũng làm cho vấn đề nợ công trở nên nghiêm trọng hơn. 

Hầu hết các chuyên gia nước ngoài đều cho rằng Trung Quốc có dự trữ ngoại hối khổng lồ và mức dự trữ cao nên vấn đề nợ công có thể được khắc phục. Hầu hết các khoản nợ công của Trung Quốc đều có liên quan đến chính quyền địa phương và thị trường bất động sản, chủ yếu chi phí trong việc phát triển thương mại, không giống như châu Âu dùng để chi tiêu cho các khoản phúc lợi xã hội. Trong một ý nghĩa nào đó, vấn đề nợ của Trung Quốc rốt cục là vấn đề cải cách. Hội nghị công tác kinh tế trung ương gần đây kêu gọi nỗ lực tăng cơ cấu lại các khoản nợ, đưa các khoản nợ vào trái phiếu chính phủ để giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương. 

Gần đây, Bắc Kinh cũng thiết lập giới hạn 16.000 tỷ nhân dân tệ (NDT) cho các khoản nợ của chính quyền địa phương, và công bố các hướng dẫn trong thời gian tới để phòng ngừa việc vay quá mức của chính quyền địa phương, cụ thể là vay chính quyền địa phương không được vượt quá 100% khả năng tạo ra của cải của mình. 

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã trải qua ba cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Chắc chắn rằng Trung Quốc có thể một lần nữa vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. 

Tuy nhiên, những khoản nợ khổng lồ vẫn là một lực cản đối với tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm thế nào không hy sinh quá nhiều tăng trưởng kinh tế, mà vẫn bảo đảm được vấn đề an ninh kinh tế. Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. 

Duy trì sự ổn định tỷ giá đồng NDT 

Duy trì sự ổn định của tỷ giá đồng NDT là vấn đề cấp bách, một phần nguyên nhân là do đồng NDT theo kế hoạch sẽ tiếp tục giảm trong năm nay và những năm tiếp theo. Kể từ tháng 7/2005, đồng NDT đã giảm 40% giá trị so với đồng USD. Do triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, cùng với các đồng tiền chính trong khu vực có xu hướng sẽ mất giá lớn do Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất, đồng NDT đã được định giá quá cao. Tỷ giá hối đoái có hiệu quả thực tế của NDT đã tăng 11,2% trong 7 tháng đầu năm ngoái càng phản ánh thực tế này. 

Ngày 11/8/2015, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải quá nóng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh tỷ giá đồng NDT, trong ba ngày đã để cho đồng NDT mất 4,4 % giá trị. Hành động bất ngờ này của Trung Quốc đã gây sốc thị trường tài chính quốc tế, được coi là dấu hiệu giảm giá lâu dài của đồng NDT, tăng thêm mối quan ngại của quốc tế đối với tính ổn định của đồng NDT. Vì vậy, một lượng tiền lớn cũng đã được rút ra khỏi Trung Quốc. 

Do dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình (hiện nay khoảng 3.300 tỷ USD, đỉnh cao của năm 2014 là 3.400 tỷ USD), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cuối cùng đã ổn định được đồng NDT. Đến cuối năm 2015, tổng mức mất giá của đồng NDT so với đồng USD vào khoảng 5,4%. 

Do kinh tế vĩ mô của Trung Quốc về cơ bản sẽ tiếp tục suy yếu, đồng USD được dự kiến sẽ ngày càng mạnh lên, khiến đồng NDT tiếp tục đứng trước áp lực giảm mạnh. Năm 2016, các chuyên gia phân tích đều cho rằng đồng NDT sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD. Trên thực tế, đồng NDT suy yếu, cùng với đó là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016. 

Trên phương diện kỹ thuật cũng như chính trị, để đồng NDT trải qua một lần mất giá mạnh nữa, trực tiếp chuyển sang thả nổi theo thị trường là rất khó. Bất kỳ sự phá giá mạnh nào của đồng NDT đều tác động mạnh đến thị trường tài chính khu vực. Vì vậy, thách thức lớn nhất trong năm 2016 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là phải tiến hành cải cách thị trường tài chính trong bối cảnh đồng NDT ngày càng mất giá. Trong quá khứ, Trung Quốc đã thành công để cho đồng NDT tăng giá dần dần. Song hiện nay, do Trung Quốc đã có các mối liên kết thương mại và tài chính với nền kinh tế toàn cầu, xử lý tốt việc để đồng NDT mất giá dần dần đã trở thành vấn đề phức tạp hơn. 

Chuyên gia từng đoạt giải Nobel kinh tế Robert Mundell cho rằng một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc cả ba mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô là ổn định tỉ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập, hay còn gọi là “thuyết bộ ba bất khả thi”. Trước kia, Trung Quốc luôn có khả năng làm như vậy. Thách thức chủ yếu trong cải cách tài chính của Trung Quốc là sử dụng cách thức nào để đi vào ba lĩnh vực trên, phù hợp với ba mục tiêu chính của Chính phủ Trung Quốc là tăng trưởng, ổn định và quốc tế hóa. Đồng NDT gần đây đã được IMF xếp vào giỏ tiền tệ dự trữ đã tạo ra những áp lực trong việc đẩy nhanh quốc tế hóa trong khi vẫn phải duy trì ổn định về tỉ giá đồng NDT. 

Chính phủ Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền kiểm soát chính sách tiền tệ, không gian có thể hoạt động là dần tự do hóa dòng vốn và từng bước thị trường hóa tỷ giá đồng NDT. Về cải cách tỷ giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cơ bản có thể sẽ cho phép nâng khoảng cách giữa đồng NDT với đồng USD, đồng thời lấy giỏ tiền tệ để tham khảo nhằm dần dần thả nổi đồng NDT. Đối với việc kiểm soát vốn, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các nguồn tài sản bất hợp pháp chảy ra ngoài, mở rộng hơn nữa các dòng vốn để bù lấp những lỗ hổng này. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã cho phép chuyển đổi tự do có giới hạn đối với các tài khoản bằng đồng NDT (giới hạn ở mức 10 triệu USD) tại các thành phố Thiên Tân, Thâm Quyến và Phúc Kiến. Tự do hóa hoàn toàn các dòng vốn sẽ là một quá trình lâu dài và dần dần. Trong những tháng tới, dưới áp lực phải phá giá, việc làm thể nào để ổn định tỷ giá đồng NDT sẽ là một thách thức lớn và là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Theo Liên Hợp Buổi sáng

Hoàng Lan (gt)