02/04/2020
Dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) được phát triển dựa trên khu vực theo mô hình kinh tế Thái Lan 4.0, là một dự án đầy tham vọng của Chính phủ Thái Lan nhằm tái cấu trúc và khôi phục nền kinh tế vốn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.
Tổng quan
- Mục tiêu của khu vực phát triển đặc biệt Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) là biến các tỉnh lớn của Thái Lan ở phía Đông Bangkok thành một trung tâm bao gồm các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới và logistics cũng như một cửa ngõ cho thương mại và đầu tư của khu vực.
- EEC tìm cách xây dựng dựa trên sự thành công của dự án ven biển phía Đông được ra mắt cách đây hơn 30 năm và bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án này, thúc đẩy Thái Lan đạt được bước tiến dài trong quá trình công nghiệp hóa.
- EEC là trọng tâm của chiến lược phát triển Thái Lan 4.0 nhằm mục tiêu tái cấu trúc và khôi phục nền kinh tế nước này. EEC và kế hoạch Thái Lan 4.0 là thành phần chủ lực trong Chiến lược quốc gia 20 năm do chính phủ, nắm quyền sau cuộc can thiệp quân sự vào tháng 5/2014, khởi xướng.
- EEC có tiềm năng thúc đẩy hội nhập kinh tế trên khắp tiểu vùng sông Mekong.
- EEC đã đạt được tiến bộ trong việc khởi động các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Có nhiều thách thức cần phải giải quyết, đặc biệt là việc phát triển nguồn nhân lực cần thiết và nâng cao nền kinh tế cơ sở. Hơn nữa, các động lực đang thay đổi trong nền chính trị Thái Lan đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh tế và chính trị của EEC sẽ phải được xử lý khéo léo để đảm bảo rằng dự án này nhận được sự nhất trí ủng hộ mạnh mẽ trên toàn quốc.
Giới thiệu
Chính phủ Thái Lan hy vọng nhiều vào EEC - dự án quan trọng hàng đầu của nước này – như một động lực thúc đẩy tăng trưởng mang tính bước ngoặt cho nền kinh tế của đất nước. Tham vọng của dự án là biến ba tỉnh lớn – Chachoengsao, Chonburi và Rayong – nằm ở ngay phía Đông Bangkok với tổng diện tích hơn 13.000 km2, thành một trung tâm của các ngành công nghiệp công nghệ cao và logistics cũng như là một cửa ngõ về thương mại và đầu tư của khu vực. Chính phủ hy vọng rằng EEC sẽ được xây dựng dựa trên sự thành công của dự án ven biển phía Đông vốn được ra mắt cách đây hơn 30 năm, thúc đẩy Thái Lan phát triển vượt bậc theo hướng công nghiệp hóa.
EEC là trọng tâm của chiến lược Thái Lan 4.0 nhằm chuyển dịch cơ cấu và khôi phục nền kinh tế của nước này, vốn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình trong hơn một thập kỷ. Dự án này đã đạt được những bước tiến quan trọng kể từ khi mới hình thành. Tuy nhiên, các tham vọng đối với sáng kiến này cũng như quy mô của nó đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ có nhiều thách thức ở phía trước.
Bài viết này thể hiện quan điểm của người viết về EEC bằng cách trình bày bối cảnh lịch sử, quá trình khái niệm hóa chiến lược, tiến bộ đạt được cho đến nay và hướng đi trong tương lai.
Thập kỷ vàng
Từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, Thái Lan được coi là một con hổ châu Á mới nổi, tiếp bước Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Nền kinh tế Thái Lan có mức tăng trưởng nhanh chóng, tỷ lệ trung bình hàng năm từ 8-9% và thậm chí đạt mức tăng trưởng hai con số trong một số năm. Đó là thời kỳ tương đối ổn định về chính trị, bắt đầu dưới thời chính quyền của Thủ tướng, Tướng Prem Tinsulanonda năm 1980-1988. Là một vị thủ tướng không được bầu và cũng là cựu tổng tư lệnh quân đội, Tướng Prem đã có công trong việc điều hành đất nước tiến lên trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong quá trình dân chủ hóa của Thái Lan. Ông đã cho thấy khả năng kiểm soát quân đội, giữ khoảng cách với các chính trị gia và trao nhiệm vụ điều hành nền kinh tế cho các nhà kỹ trị giàu năng lực.
Cũng trong thời kỳ này, Chính phủ Thái Lan đã khởi động dự án phát triển vùng bờ biển phía Đông liên quan đến việc xây dựng hai cảng biển nước sâu ở bờ biển phía Đông Thái Lan – một cảng ở Laem Chabang thuộc tỉnh Chonburi và cảng còn lại ở Map Ta Phut thuộc tỉnh Rayong. Các khu công nghiệp được xây dựng xung quanh hai cảng này với một khu liên hợp hóa dầu sử dụng khí đốt tự nhiên được phát hiện ở vịnh Thái Lan. Trong khi Thái Lan tiếp cận Ngân hàng thế giới để tìm kiếm nguồn tài trợ cho dự án này, tổ chức này lại cảm thấy dự án này quá tham vọng đối với Bangkok vào thời điểm đó. Cuối cùng, Nhật Bản đã đề xuất hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ phát triển nước ngoài thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Quyết định của Nhật Bản trong việc hỗ trợ dự án này trùng hợp với Hiệp ước Plaza năm 1985 mà theo đó giá trị của đồng yên Nhật tăng 46% so với đồng USD. Do đó, các công ty Nhật Bản buộc phải tìm kiếm một nền tảng sản xuất ở nước ngoài. Nhiều nhà sản xuất ô tô và đồ điện tử lớn của Nhật Bản đã chọn cách chuyển dây chuyền sản xuất của họ tới vùng ven biển phía Đông của Thái Lan. Khi đầu tư của Nhật Bản tăng mạnh, nền kinh tế Thái Lan cũng có những bước nhảy vọt.
Những thập kỷ mất mát
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nổ ra sau khi các thể chế tài chính ở Thái Lan sụp đổ và đồng baht sụt giá nhanh, đã tàn phá nền kinh tế Thái Lan và tàn phá sự tiến bộ đạt được sau nhiều năm. Thời gian trôi qua, các vấn đề kinh tế của đất nước ngày càng ăn sâu vào cấu trúc và không còn theo chu kỳ, bất chấp các biện pháp khắc phục trong ngắn hạn. Dù vậy, việc thay đổi chính phủ thường xuyên đồng nghĩa với việc quá trình hoạch định chính sách trên thực tế được xây dựng dựa trên các tác động trong ngắn hạn và mục tiêu giành phiếu bầu và chiếm cảm tình của người dân.
Kể từ năm 2006, Thái Lan chìm trong hỗn loạn chính trị, các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố và cả Bangkok bị tê liệt dẫn đến sự can thiệp của quân đội ngày 22/5/2014. Sự hỗn loạn chính trị đã khiến nền kinh tế Thái Lan đình trệ hơn nữa. Từ năm 2006 đến nay, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 3% - thấp hơn nhiều so với tiềm năng đầy đủ của nước này.
Trong khi các nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản của Thái Lan vẫn tương đối thuận lợi – lạm phát khoảng 1%, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 3 tỷ USD tương đương với khoảng 7,5% of GDP, nợ công ở mức 41% GDP và dự trữ ngoại tệ trên 200 tỷ USD – nền kinh tế Thái Lan rõ ràng đang hoạt động kém do các vấn đề cơ cấu dần tích tụ, chẳng hạn như sự sụt giảm năng suất trong ngành nông nghiệp và sản xuất, nhu cầu cải thiện nguồn nhân lực, những nút thắt về quản lý và cơ sở hạ tầng yếu kém. Nếu không có chiến lược dài hạn nhằm cải cách nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu, thì Thái Lan sẽ khó có thể tìm ra hướng đi thoát khỏi tình trạng ảm đạm này và đưa nền kinh tế vào một quỹ đạo tăng trưởng cao hơn.
Thái Lan 4.0: Xác định lại chiến lược tăng trưởng của Thái Lan
Sau khi quân đội Thái Lan can thiệp và lên nắm quyền vào tháng 5/2014, chính phủ mới bắt đầu triển khai các kế hoạch nhằm thúc đẩy các cải cách chính trị và kinh tế. Đáng chú ý nhất là việc soạn thảo Chiến lược quốc gia 20 năm, trong đó đặt ra tầm nhìn đảm bảo an ninh, thịnh vượng và sự bền vững của đất nước. Nhân tố căn bản là việc phải đặt ra các mục tiêu chiến lược và các đường hướng rõ ràng cho Thái Lan trong tương lai. Chiến lược này đã được ban hành thành luật sao cho các chính phủ kế nhiệm sẽ không thể đi chệch khỏi con đường đã được họ vạch ra, hoặc phải chịu trách nhiệm giải trình về mặt pháp lý.
Kế hoạch Thái Lan 4.0 nhằm khiến các chính sách kinh tế dài hạn có trọng tâm sắc nét và chiến lược hơn. Các nhân vật chính trong sáng kiến này là Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak và đội ngũ cố vấn đáng tin cậy của ông, tất cả đều là các nhà kỹ trị trở thành chính trị gia. Kế hoạch Thái Lan 4.0 đòi hỏi phải tái cơ cấu nền kinh tế để đưa nó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới vị thế một nền kinh tế tiên tiến hơn – được thúc đẩy nhờ sự đổi mới, công nghệ và sáng tạo.
Vai trò của EEC trong kế hoạch Thái Lan 4.0
EEC của Thái Lan được mô tả là một sáng kiến phát triển dựa trên khu vực theo mô hình kinh tế Thái Lan 4.0. Nó được ví là một chiếc khuôn chính sách trong đó các chính sách, sáng kiến và phương pháp tiếp cận mới được thử nghiệm nhiều lần. Ba tỉnh miền Đông gồm Chachoengsao, Chonburi và Rayong được chọn làm địa điểm triển khai sáng kiến này vì khoảng cách địa lý gần với Bangkok và nhu cầu giải tỏa ùn tắc trong thủ đô. Khu vực này vốn đã là một cơ sở công nghiệp quan trọng mà tại đây, cơ sở hạ tầng hiện thời của vùng bờ biển phía Đông có thể được nâng cấp và mở rộng để thu hút một làn sóng đầu tư mới vào các ngành công nghệ cao, đổi mới và logistics. Chính phủ cũng dự đoán EEC sẽ trở thành một cửa ngõ cho thương mại, đầu tư và dịch vụ trong khu vực, do vị trí nằm ở giao điểm của các hành lang vận tải và kinh tế lớn trên toàn tiểu vùng sông Mekong.
EEC cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ dự án vùng biển phía Đông. Dự án này ban đầu dự kiến được tiến hành theo từng giai đoạn nối tiếp nhau. Tuy nhiên, sau khi Tướng Prem quyết định từ chức năm 1988, các chính đảng được trao quyền tự do thành lập chính phủ. Các nhà kỹ trị không còn có tiếng nói như trước trong việc định hướng các chính sách kinh tế, và vai trò trung tâm của Ủy ban phát triển kinh tế và xã hội quốc gia trong việc thẩm định tất cả các dự án lớn đã suy yếu. Kết quả là, các kế hoạch sau đó được vạch ra cho dự án vùng biển phía Đông đã bị gác lại.
Lần này, ngay từ đầu chính phủ đã quyết định rằng EEC sẽ được pháp luật bảo vệ, sao cho số phận của nó không phụ thuộc vào những biến động trong nền chính trị Thái Lan. Một ủy ban chính sách báo cáo trực tiếp với thủ tướng đã được thành lập, cùng với một văn phòng thường trực do một tổng thư ký đứng đầu và được ủy quyền thực thi và giám sát quá trình thực hiện EEC. Điều quan trọng cần lưu ý là các đạo luật có liên quan đã trao cho Văn phòng phụ trách Hành lang kinh tế phía Đông quyền quyết định đáng kể để điều phối, giám sát và nếu cần thiết sẽ quyết định các vấn đề trong phạm vi của EEC.
Mười ngành công nghiệp mục tiêu (S-curve) được xác định sẽ là trọng tâm của EEC. Các ngành công nghiệp này được chia làm hai nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm 5 ngành công nghiệp cốt lõi hiện sẽ được nâng cấp: ngành ô tô thế hệ mới, thiết bị điện tử thông minh, du lịch y tế và spa, nông nghiệp và công nghệ sinh học tiên tiến. Nhóm thứ hai là 5 ngành công nghiệp S-curve mới mà Thái Lan có tiềm năng mạnh mẽ: vận tải hàng không, robot, nhiên liệu sinh học và hóa sinh, kỹ thuật số và chăm sóc y tế toàn diện. Sau đó, hai ngành S-curve đã được thêm vào danh sách, đó là giáo dục và quốc phòng, nâng tổng số lên 12 ngành. Ngành giáo dục được bổ sung do nhu cầu cấp bách về nhân công lành nghề để hỗ trợ các ngành công nghiệp mới.
Đẩy nhanh tiến trình PPP vì mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng
Bước tiếp theo là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả, như trường hợp dự án vùng biển phía Đông thành công, cụ thể là ưu tiên bốn dự án quy mô lớn bao gồm dự án xây dựng một sân bay quốc tế mới tại U-Tapao, một đường sắt cao tốc nối các sân bay Don Muang, Suvarnabhumi và U-Tapao, và mở rộng các cảng biển nước sâu tại Laem Chabang và Map Ta Put. Một dự án lớn khác là dự án liên doanh giữa hãng hàng không Airbus và Thai Airways nhằm xây dựng và vận hành một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu hiện đại ở U-Tapao. Tổng số vốn đầu tư vào các dự án này cũng như các dự án cơ sở hạ tầng khác ước tính lên tới 1.500 tỷ baht (tương đương khoảng 45 tỷ USD) trong 5 năm từ 2020 đến 2025.
Quyết định này được đưa ra nhằm cấp vốn cho các dự án trên thông qua các quan hệ đối tác công-tư (PPP). Ngược lại với tình hình tại thời điểm dự án vùng biển phía Đông, tình hình tài chính tương đối khả quan hiện nay của đất nước và nguồn vốn sẵn có trong nước đồng nghĩa với việc có thể huy động phần lớn nguồn vốn trong nước thay vì từ nước ngoài. Tuy nhiên, đồng thời, chính phủ đặc biệt phản đối gánh nặng tài chính quá lớn để chi trả cho EEC vì cần thiết phải có kỷ luật về tài chính. Do đó, một chiến lược PPP được xây dựng theo cách mà phần lớn nguồn vốn sẽ được huy động từ khu vực tư nhân. Kế hoạch đặt ra là việc đầu tư vào hầu hết các dự án sẽ tạo ra khoản thu đủ lớn để thu hút sự quan tâm của khu vực này.
Để đẩy nhanh các dự án này, chính phủ đã phải sửa đổi các quy định nhằm đảm bảo rằng toàn bộ quá trình, từ khâu chuẩn bị dự án cho đến kêu gọi đấu thầu, có thể tiến hành trong 8 tháng thay vì 40 tháng như thông thường. Điều này là khả thi vì chính phủ quân sự giai đoạn 2014-2019 có quyền thúc đẩy các sửa đổi mà có lẽ sẽ phải mất nhiều năm để bắt đầu có hiệu lực theo các thủ tục thông thường. Tuy vậy, vẫn có những chậm trễ không lường trước được. Trong trường hợp đường sắt cao tốc, sau khi tập đoàn lớn nhất Thái Lan, Charoen Pokphand (CP), thắng thầu, các cuộc đàm phán sau đó về chi tiết của hợp đồng đã mất gần một năm để hoàn tất. Sở dĩ như vậy là do các cuộc thảo luận kéo dài về lịch trình bàn giao đất dọc theo tuyến đường xây dựng đường sắt cao tốc. Đối với sân bay U-Tapao, các nhà chức trách đang cân nhắc khía cạnh kỹ thuật của đề xuất của hiệp đoàn do hãng hàng không Bangkok Airways và tập đoàn BTS dẫn đầu, được cho là đề xuất có giá thầu cao nhất. Dự án cảng biển nước sâu Laem Chabang đang chờ phán quyết của tòa án về đơn kháng cáo do một tập đoàn bị truất quyền đấu thầu trình lên. Các cuộc thảo luận giữa Airbus và Thai Airways về trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu vẫn chưa kết thúc. Trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao, chính phủ chắc chắn nóng lòng muốn thấy tất cả các dự án này khởi động càng sớm càng tốt, sao cho việc thi công có thể bắt đầu. Lịch trình được sửa đổi gần đây nhất dự kiến cả 5 dự án cơ sở hạ tầng lớn này sẽ được hoàn thành trong vòng 5 năm – từ nay đến năm 2025.
Sân bay U-Tapao mới, từng là căn cứ không quân của Mỹ trong Chiến tranh Đông Dương lần hai, dự kiến sẽ trở thành sân bay quốc tế thứ ba của Thái Lan khi cả sân bay Suvarnabhumi và Don Muang đều đang bị quá tải. Một khi hoàn thành vào năm 2025, sân bay U-Tapao dự kiến có thể tiếp nhận 30 triệu lượt khách mỗi năm trong vòng 5 năm. Sân bay này được thiết kế nằm ở trung tâm của một đô thị hàng không, nơi tập trung các ngành công nghiệp hàng không và máy bay chẳng hạn như với các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu, các nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay, các dịch vụ logistics và hoạt động kinh doanh có liên quan. Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu do Airbus và Thai Airways đề xuất sẽ phục vụ cho loại máy bay thân rộng A350 và A380 – không chỉ của Thai Airways mà còn của các hãng hàng không khác. Việc mở cửa trung tâm này là để dự phòng cho sự gia tăng mạnh mẽ trong ngành du lịch hàng không và nhu cầu máy bay ở châu Á. Tàu cao tốc sẽ kết nối 3 sân bay này, giảm thời gian di chuyển từ U-Tapao đến Bangkok xuống còn 45 phút.
Các phương thức giao thông hiệu quả hơn sẽ tạo ra các cộng đồng và khu đô thị mới, giải phóng mật độ dân số đông đúc và tình trạng giao thông tắc nghẽn ở Bangkok. Việc mở rộng hai cảng biển nước sâu sẽ tăng cường khả năng kết nối Thái Lan và các nền kinh tế mới nổi của các nước láng giềng với các thị trường toàn cầu. Mục tiêu bao trùm của các dự án này là tạo sự kết nối liền mạch, giảm chi phí logistics và kinh doanh tại EEC. Ngoài 5 dự án cơ sở hạ tầng này, chính phủ đã thành lập một trung tâm đổi mới ở EEC và triển khai các kế hoạch về một trung tâm kỹ thuật số và trung tâm y tế chuyên ngành. Trung tâm y tế này sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp S-Curve.
EEC nhìn từ góc độ khu vực
Chính phủ Thái Lan không hề giấu giếm tham vọng biến EEC thành một trung tâm thương mại, đầu tư và logistics của khu vực. Một trong những lợi thế lớn của dự án này là vị trí nằm ở giao điểm của mạng lưới các kết nối khu vực ngày càng gia tăng nối liền Thái Lan với các nền kinh tế mới nổi của tiểu vùng sông Mekong và ra bên ngoài, tới Trung Quốc và Ấn Độ. Mạng lưới này bao gồm các hành lang vận tải Bắc-Nam và Đông-Tây cũng như đường cao tốc Thái Lan-Myanmar-Ấn Độ theo dự kiến. Có một dự án ba bên khác gồm Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản về việc xây dựng một cảng biển nước sâu ở Dawei, bờ biển phía Đông Nam Myanmar, cách biên giới Thái Lan khoảng 150 km. Mặc dù có nhiều chậm trễ, kế hoạch này dự kiến kết nối Dawei với cảng biển nước sâu Laem Chabang của Thái Lan bằng đường bộ và đường sắt, từ đó kết nối biển Andaman và Ấn Độ Dương với vịnh Thái Lan, Biển Đông và Thái Bình Dương. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thái Lan đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong và tham gia cả sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Về phần mình, các đối tác Nhật Bản coi EEC là nền tảng để mở rộng chuỗi cung ứng khu vực theo mô hình “Thái Lan+1”, theo đó các doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách chuyển một số bộ phận sản xuất thâm dụng lao động sang các nước láng giềng trong khi duy trì hoạt động chính tại Thái Lan. Chính phủ Nhật Bản cũng coi Thái Lan là quốc gia ưu tiên trong Sáng kiến cơ sở hạ tầng chất lượng mà nước này đã đưa ra như một biện pháp đối phó với BRI.
Trong một diễn biến bất ngờ, phản ánh mối quan hệ ấm lên giữa hai nước, Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang tìm kiếm cơ sở hợp tác thay vì cạnh tranh trong việc đáp ứng các nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng ở châu Á. Tháng 10/2018, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Trung Quốc, hai bên đã công bố một thỏa thuận hợp tác gồm khoảng 50 dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba. Trong số các dự án sẽ được thực hiện ban đầu có hai dự án thuộc EEC. Đầu tiên là dự án đường sắt cao tốc kết nối 3 sân bay, và thứ hai là dự án thành phố thông minh tại một trong các khu công nghiệp tư nhân chính ở EEC. Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã nhất trí cùng tài trợ cho dự án đường sắt cao tốc. Đối với tập đoàn CP, kế hoạch tài trợ chung này sẽ giúp đảm bảo khả năng tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp và giảm thiểu các rủi ro thương mại đi kèm với dự án tại khu công nghiệp Chonburi thuộc thành phố Amata. Trong khi đó, chính quyền thành phố Yokohama và một công ty xây dựng Trung Quốc đang hợp tác trong một dự án xây dựng thành phố thông minh.
Các dự án đầu tư: Chất lượng quan trọng hơn số lượng
Nhiều phái đoàn doanh nghiệp cấp cao từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Pháp, Anh, Mỹ và Nga đã đến để tìm các cơ hội kinh doanh ở EEC, làm gia tăng đáng kể các kỳ vọng ở đây. Tiến sĩ Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Văn phòng EEC, ước tính rằng trong 5 năm tới, EEC sẽ thu hút được khoản đầu tư trung bình hàng năm khoảng 300 tỷ baht (xấp xỉ 9,6 tỷ USD), trong đó bao gồm các khoản đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Với mức đầu tư này, EEC sẽ đóng góp khoảng 2% GDP của nước này và nâng mức tăng trưởng GDP lên khoảng 5% mỗi năm, từ đó mang lại động lực mạnh mẽ nhằm giúp Thái Lan thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo số liệu mới nhất từ Cục đầu tư Thái Lan (BOI), các dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp S-Curve của EEC với số đơn xin cấp ưu đãi mà cục này đã phê duyệt đã lên tới hơn 125 tỷ baht (khoảng 4 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2019.
Với những xu hướng đầy hứa hẹn này, EEC dự kiến bắt đầu một chiến dịch đầu tư mạnh mẽ và vạch ra một cách tiếp cận có mục tiêu hơn. Thay vì chú trọng vào số lượng, trọng tâm sẽ là các dự án đầu tư chất lượng với mục tiêu tìm kiếm các công ty hàng đầu có các khoản đầu tư thực sự có ý nghĩa, trong các lĩnh vực về trình độ công nghệ và các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài các ưu đãi hào phóng mà BOI cung cấp, Văn phòng EEC có nhiều thời gian để đàm phán với các công ty để thảo luận về điều kiện và điều khoản đầu tư phù hợp cho cả hai bên trong phạm vi điều chỉnh của EEC.
Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là quyết định của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc về việc thành lập một trung tâm kỹ thuật số thông minh tại EEC để hỗ trợ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của tập đoàn này trong khu vực. Chính phủ đã sửa đổi các quy định hải quan để giúp khách hàng ở Thái Lan có thể mua và trả lại sản phẩm trong vòng 14 ngày mà không phải trả thuế. Về phần mình, Alibaba cam kết đào tạo nông dân và người bán hàng Thái Lan kinh doanh trong thế giới kỹ thuật số và cung cấp một nền tảng để xuất khẩu nông sản Thái Lan sang thị trường Trung Quốc.
Nguồn nhân lực – một thách thức lớn
Hệ thống giáo dục ở Thái Lan không theo kịp những đòi hỏi không ngừng thay đổi của thị trường việc làm và những tiến bộ về khoa học và công nghệ. Đối với EEC, đây là một vấn đề thực tế và sát sườn khi nhu cầu lao động lành nghề trong khu vực dự án nói riêng sẽ vượt quá 400.000 người trong 5 năm tới.
Trong 2 năm qua, những người phụ trách sáng kiến này đã thực hiện một số chương trình đổi mới để khởi động việc phát triển nguồn nhân lực. Những nỗ lực này bao gồm liên kết với các trường đại học, các trường dạy nghề, các thể chế nước ngoài và khu vực tư nhân. Họ còn đề xuất giảm thuế cho các công ty đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực.
Thúc đẩy nền kinh tế cơ sở và các cộng đồng địa phương
Bất chấp thành công to lớn của dự án vùng biển phía Đông, cần phải thừa nhận có một số thiếu sót khi nhắc tới tác động về xã hội và môi trường đối với các cộng đồng địa phương. Ở cấp quốc gia, vấn đề làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế cơ sở trong tiến trình phát triển của đất nước từ lâu đã là một thách thức nghiêm trọng. Mỗi chính quyền trong quá khứ đều phải đối phó với sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn trong nước và giữa các khu vực kinh tế.
Trong trường hợp của EEC, câu hỏi thường được đặt ra là liệu những người dân thường có thực sự được lợi từ các siêu dự án và tất cả các ngành công nghiệp S-Curve hay không? Mặc dù có sự đồng thuận chung ủng hộ động cơ tăng trưởng mới được những người ủng hộ EEC tán thành, nhưng cũng có một số lo ngại rất chính đáng trong dân chúng và các chính trị gia phe đối lập về sự tham gia của các cộng đồng địa phương và vấn đề chênh lệch kinh tế ngày càng tăng mà động cơ tăng trưởng trên sẽ mang lại. Về khía cạnh này, cần lưu ý rằng EEC là một khu vực phát triển đặc biệt chứ không phải một khu công nghiệp hay một đặc khu kinh tế giống như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực. Vì lý do đó, cần khuyến khích những người dân thường tham gia nhiều hơn trong việc định hướng cho EEC theo cách đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được lợi từ sự tăng trưởng và thịnh vượng. Như Tướng Prayut đã nhiều lần cho biết, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Để làm được điều này, chính phủ đã công bố một kế hoạch nhiều mũi nhọn để giải quyết sinh kế cho các cộng đồng địa phương trong EEC. Trong đó bao gồm các sáng kiến kết nối ngành nông nghiệp với các ngành công nghiệp mới như công nghệ sinh học và kinh tế sinh học, nhằm thúc đẩy du lịch địa phương và củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh, sao cho họ có thể tiến lên trên chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu. Các cơ hội việc làm mới sẽ thu hút thêm nhiều người, cả người Thái Lan lẫn người nước ngoài, tới làm việc và sinh sống tại EEC. Các kế hoạch phát triển đô thị tập trung vào việc xây dựng các thành phố mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
Kết luận
Ở nhiều khía cạnh, EEC và kế hoạch Thái Lan 4.0 đã có bước tiến dài từ khái niệm hóa cho đến thực hiện. Chính phủ đã vạch ra nhiều kế hoạch để nhân rộng mô hình EEC ở phía Nam và các khu vực khác của đất nước. Trong tương lai, Thái Lan một lần nữa nằm ở những giao lộ quan trọng, và con đường phía trước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu quá trình chuyển đổi kinh tế và chính trị của Thái Lan sẽ hội tụ hay phân rã.
Trong phân tích cuối cùng, việc phục hồi nền kinh tế Thái Lan để đáp ứng các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đòi hỏi phải đưa nền chính trị Thái Lan trở lại đúng hướng. Với cuộc bầu cử năm 2019, các động lực cho nền chính trị Thái Lan đã thay đổi, bước vào một địa hạt chưa từng được khai phá. Nền chính trị đảng phái là không thể tránh khỏi. Không chỉ kinh tế mà chính trị cũng cần phải được xử lý khéo léo và sáng suốt để đảm bảo rằng EEC trở thành một mục tiêu trong nghị trình quốc gia nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ.
Sihasak Phuangketkeow, cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, cố vấn cho Ủy ban Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC). Bài viết được đăng trên ISEAS
Minh Anh (gt)
Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, và trong thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài vốn sẽ tác động đến nền kinh tế của cả hai nước, Trung Quốc và Ấn Độ cần hợp tác chặt chẽ hơn thay vì dựng lên những rào cản mới đối với can dự kinh tế.
Các ngân hàng trung ương đã thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ sâu rộng để bù đắp cho những tổn thất mà cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã gây ra. Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp này có mang lại hiệu quả, trấn an thị trường và hỗ trợ nền kinh tế thực sự như mong muốn hay không.
Đại dịch COVID-19 và một cuộc chiến về giá đã đẩy các thị trường năng lượng thế giới rơi vào khủng hoảng. Trong lịch sử, thị trường dầu mỏ toàn cầu chưa bao giờ sụp đổ đột ngột như hiện nay.
Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi tác động từ tình trạng bất ổn địa chính trị cùng với sự bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19.
Sau 30 năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, Việt Nam đã bước vào thời kỳ phát triển tốt nhất trong lịch sử với triển vọng tương lai tươi sáng và lộ trình phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, không nên cho rằng Việt Nam có thể thách thức chuỗi sản xuất công nghiệp Trung Quốc cũng như đặt hai nước ở...
Ngày 3/2, tờ Thời báo Nhật Bản đã đăng bài viết của tác giả Ridvan Bari Urcosta, chuyên gia phân tích của tổ chức tư vấn chiến lược Geopolitical Futures, về các hậu quả địa chính trị mà chủng virus corona mới (nCov) có thể gây ra cho thế giới. Dưới đây là nội dung bài viết: (Viết giới thiệu ngắn thay...