08/06/2020
Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, và trong thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài vốn sẽ tác động đến nền kinh tế của cả hai nước, Trung Quốc và Ấn Độ cần hợp tác chặt chẽ hơn thay vì dựng lên những rào cản mới đối với can dự kinh tế.
Ngày 18/4, trong thời gian phong tỏa toàn quốc, Bộ Thương mại Ấn Độ tuyên bố rằng từ nay trở đi, tất cả các nhà đầu tư từ các nước có chung biên giới đất liền với Ấn Độ đều phải được chính phủ chấp thuận trước khi đầu tư vào một công ty của nước này. Họ không thể tiếp tục thông qua cái gọi là “lộ trình tự động” để đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực mà không cần xét duyệt trước.
Các khoản đầu tư từ Pakistan và Bangladesh vốn cần phải có sự phê duyệt của chính phủ. Ngoài ra, Ấn Độ hầu như không nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào từ Nepal, Bhutan hay Afghanistan, những nước mà Ấn Độ cũng có chung biên giới trên đất liền. Vì vậy, có thể thấy chỉ thị của Ấn Độ chủ yếu nhằm vào Trung Quốc một cách tương đối lộ liễu.
Bộ Thương mại giải thích rằng họ muốn ngăn chặn các vụ tiếp quản mang tính cơ hội đối với các công ty Ấn Độ do đại dịch COVID-19 hiện nay. Ấn Độ đưa ra lý do như vậy cũng là điều dễ hiểu. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán nước này đã giảm hơn 25% kể từ đầu năm, cho dù đã phục hồi từ mức thấp vào cuối tháng 3, trong khi giá cổ phiếu của một số công ty blue-chip cũng như các ngân hàng tư nhân, nhà sản xuất ô tô, chuỗi khách sạn và hàng trăm công ty vừa và nhỏ đã giảm hơn 50%. Nhiều doanh nghiệp sẽ trở thành những miếng mồi béo bở.
Ấn Độ cũng không phải là nước duy nhất đang cố gắng bảo vệ khu vực doanh nghiệp của họ khỏi các thương vụ sáp nhập mang tính trục lợi. Ý và Tây Ban Nha đã thắt chặt các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đức và Úc cũng đang lên kế hoạch ngăn chặn việc tiếp quản các công ty đang chịu sức ép nợ. Nhiều nước cũng sẽ đi theo xu hướng này, đặc biệt là nếu các công ty đó bị định giá thấp hơn nữa.
Vấn đề nảy sinh khi nhắm mục tiêu vào Trung Quốc
Tuy nhiên, động thái của Chính phủ Ấn Độ vẫn đặt ra nhiều vấn đề vì một số lý do. Trước hết, trên thực tế nó chỉ nhắm vào một nước, mà nước đó lại là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Rõ ràng Ấn Độ không quan tâm đến các vụ tiếp quản mang tính cơ hội của các công ty từ những nước không có chung biên giới trên đất liền với họ – như thể việc tiếp quản doanh nghiệp chỉ được quyết định dựa trên yếu tố địa lý.
Thứ hai, chỉ thị này áp dụng cho các dự án đầu tư từ Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, dù có thể không phải là các lĩnh vực chiến lược quan trọng của Ấn Độ. Chỉ thị cũng áp dụng cho các dự án đầu tư mới – tức là các dự án không liên quan đến việc mua cổ phần trong các công ty hiện có. Không có trường hợp nào được miễn trừ, ngay cả đối với các nhà đầu tư từ Hong Kong.
Thứ ba, nhiều khoản đầu tư vào Ấn Độ đến từ hiệp hội các nhà đầu tư hoặc từ các quỹ tài trợ. Nếu trong số này có cả các nhà đầu tư Trung Quốc – dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ - thì các dự án đầu tư cũng cần phải được phê duyệt. Nói cách khác, nhiều dự án đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư không phải là người Trung Quốc cũng phải được thẩm định kỹ lưỡng.
Các luật sư chỉ ra rằng chính phủ đã không định nghĩa thuật ngữ “chủ sở hữu được hưởng lợi” trong các quy định của mình, và trong nhiều trường hợp, khó có thể xác định chắc chắn mức độ hưởng lợi của chủ sở hữu, đặc biệt là khi một dự án đầu tư được xúc tiến qua các thực thể đa tầng phức tạp.
Khi nền kinh tế Ấn Độ đang gần như chững lại, hơn 100 triệu công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhiều công ty không thể mở rộng đầu tư và bộ máy tài chính của chính phủ đang bị quá tải, Ấn Độ rất cần được tiếp vốn từ bất cứ nguồn nào ở bên ngoài mà nước này có thể tiếp cận.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã quan tâm đến Ấn Độ khi nhận ra thị trường khổng lồ và tiềm năng phát triển tại đây. Mặc dù dữ liệu chính thức về các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ khá chắp vá vì không tính đến các dự án đầu tư thông qua các nước thứ ba như Mauritius hay Singapore, và phần lớn các dự án này đều thông qua các quỹ tài trợ có sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng một báo cáo gần đây của Viện Brookings chi nhánh Ấn Độ ước tính các dự án đầu tư hiện tại và dự kiến của Trung Quốc vào Ấn Độ có tổng giá trị lên tới hơn 26 tỷ USD. Đặc biệt là sau năm 2014, các dự án đầu tư của Trung Quốc đã tăng đột biến. Nghiên cứu của Viện Brookings ước tính 42% trong số đó là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và 25% vào cơ sở hạ tầng.
Các khoản đầu tư này không thuộc những lĩnh vực có thể được coi là nhạy cảm. Các công ty Trung Quốc ở Ấn Độ hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có xây dựng, thiết bị điện và vận tải, thép, đồ gia dụng và ô tô. Họ đang xây dựng các khu công nghiệp và nhà máy điện mặt trời, phát triển ngành bất động sản và lắp ráp điện thoại di động – 4 trong số 5 hãng điện thoại thông minh ở Ấn Độ là từ Trung Quốc. Một số hãng như Hoa Vi và Oppo cũng đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Tập trung vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ
Đặc biệt kể từ năm 2016, các công ty công nghệ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ. Alibaba có cổ phần trong Paytm, ứng dụng thanh toán lớn nhất của Ấn Độ. Một gã khổng lồ thương mại khác là Tencent đã đầu tư vào ứng dụng gọi xe lớn nhất ở Ấn Độ là Ola và nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Flipkart. Nhà sản xuất điện thoại Xiaomi đã đầu tư vào hơn 100 công ty khởi nghiệp.
Hơn một nửa số công ty khởi nghiệp được gọi là “kỳ lân” của Ấn Độ - các công ty có trị giá trên 1 tỷ USD – đều có sự tham gia của các nhà đầu tư Trung Quốc. Các công ty công nghệ Trung Quốc đang đặt cược lâu dài ở Ấn Độ. Họ không chỉ cung cấp số vốn kinh doanh lớn – nguồn đầu tư với quy mô lớn như vậy vốn không có sẵn ở địa phương - mà cả chuyên môn về công nghệ và tiếp thị. Đây đều là các công ty tư nhân, điều này phần nào giải thích tại sao phần lớn các khoản đầu tư này có thể né tránh quá trình thẩm định khắt khe ở Ấn Độ. Tuy nhiên, như nghiên cứu của Viện Brookings đã chỉ ra, ranh giới giữa các công ty tư nhân và nhà nước của Trung Quốc rất mờ nhạt. Các công ty tư nhân được cho là tuân theo chỉ thị của nhà nước và giám đốc điều hành của một vài công ty trong số này thậm chí còn nắm giữ các chức vụ trong chính quyền.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng đây chính là nguyên nhân gây quan ngại. Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, ByteDance và Tencent có hệ sinh thái riêng, trong đó bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội, cổng thanh toán và dịch vụ tin nhắn, và chúng đều có khả năng khai thác dữ liệu.
Người sử dụng các ứng dụng này tại Ấn Độ có thể không nhận thức được các dữ liệu của họ do ai kiểm soát và được sử dụng như thế nào. Mặc dù ứng dụng thanh toán Paytm cho biết tất cả dữ liệu người dùng đều được lưu trữ nội bộ và không được chia sẻ với các nhà đầu tư, kể cả Alibaba, nhưng các chính sách về dữ liệu của những công ty Ấn Độ khác nhận đầu tư của Trung Quốc – hoặc của bất kỳ nước nào khác – vẫn chưa rõ ràng.
Ấn Độ đã đưa ra một dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân mới trước Quốc hội vào tháng 12/2019. Theo dự luật này, mọi dữ liệu nhạy cảm – bao gồm dữ liệu về tình hình tài chính, sức khỏe, xu hướng tình dục và tín ngưỡng của người dân – có thể được xử lý ở bên ngoài nhưng phải được đưa về Ấn Độ để lưu trữ. Các dữ liệu quan trọng, bao gồm các dữ liệu liên quan đến các vấn đề quân sự hoặc an ninh quốc gia, không được phép đưa ra khỏi đất nước. Dự luật này là một bước tiến, mặc dù gần như chắc chắn nó sẽ trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trước khi được thông qua. Cho đến khi một dự luật bảo vệ dữ liệu rõ ràng ra đời, người ta có thể lập luận rằng việc Chính phủ Ấn Độ chỉ thẩm định một số loại hình đầu tư nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, là một bước đi thận trọng.
Tuy nhiên, điều đó cần được thực hiện đối với tất cả các dự án đầu tư, không chỉ từ Trung Quốc. Các ứng dụng và cổng thông tin do Mỹ sở hữu như Google, Facebook, WhatsApp, Amazon và eBay, cũng có lượng người dùng khổng lồ tại Ấn Độ.
Mấu chốt là không phân biệt đối xử
Nguyên tắc không phân biệt đối xử cần được áp dụng cho các chính sách sàng lọc đầu tư với mục đích ngăn chặn các vụ tiếp quản mang tính cơ hội. Lý tưởng nhất là chúng cần tập trung vào các lĩnh vực quan trọng chiến lược như viễn thông, ngân hàng, năng lượng và bảo hiểm chứ không phải được áp dụng cho mọi lĩnh vực.
Sẽ gần như không có ý nghĩa nếu Ấn Độ sàng lọc và từ đó cản trở các dự án đầu tư từ Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác vào các lĩnh vực như ô tô, khách sạn, khu công nghiệp, xây dựng hoặc hàng tiêu dùng – những lĩnh vực rất có thể sẽ chịu tác động của chính sách mà Chính phủ Ấn Độ đưa ra. Ấn Độ cần hoan nghênh và khuyến khích các khoản đầu tư như vậy bởi chúng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.
Ấn Độ có thể xem xét áp dụng chính sách tương tự như ở Ý và Tây Ban Nha, mà theo đó chỉ các nhà đầu tư nước ngoài muốn tăng cổ phần của họ lên hơn 10% tại các công ty sở tại mới phải xin chính phủ cấp phép. Trong trường hợp của Ý, điều này được áp dụng ngay cả đối với những công ty từ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và chỉ bao gồm một số lĩnh vực quan trọng.
Mặc dù Ấn Độ có quyền thẩm định bất kỳ dự án nào mà họ lựa chọn – điều này không vi phạm điều khoản nào của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), vốn không đặt ra các quy tắc quản lý FDI – nhưng họ lại đang chấp nhận một rủi ro chiến lược khi nhắm vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, mà Ấn Độ còn phụ thuộc vào nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng của Trung Quốc, trong đó có thiết bị viễn thông, thiết bị bán dẫn, kháng sinh và hoạt chất dược phẩm.
Các công ty công nghệ thông tin và dược phẩm của Ấn Độ cũng phải đối mặt với các rào cản phi thuế quan không công bằng khi tìm cách xuất khẩu sang Trung Quốc hay kinh doanh tại Trung Quốc – một vấn đề mà Ấn Độ muốn Trung Quốc giải quyết. Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ rơi vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất kể từ khi giành được độc lập, giờ không phải là lúc để nước này gia tăng các căng thẳng thương mại với nước láng giềng hùng mạnh về kinh tế của mình. Đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, và trong thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài vốn sẽ tác động đến nền kinh tế của cả hai nước, Trung Quốc và Ấn Độ cần hợp tác chặt chẽ hơn thay vì dựng lên những rào cản mới đối với can dự kinh tế.
Vikram Khanna, biên tập viên tờ The Straits Times. Bài viết được đăng trên The Straits Times.
Minh Anh (gt)
Các ngân hàng trung ương đã thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ sâu rộng để bù đắp cho những tổn thất mà cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã gây ra. Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp này có mang lại hiệu quả, trấn an thị trường và hỗ trợ nền kinh tế thực sự như mong muốn hay không.
Đại dịch COVID-19 và một cuộc chiến về giá đã đẩy các thị trường năng lượng thế giới rơi vào khủng hoảng. Trong lịch sử, thị trường dầu mỏ toàn cầu chưa bao giờ sụp đổ đột ngột như hiện nay.
Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu năm 2020 có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi tác động từ tình trạng bất ổn địa chính trị cùng với sự bùng phát đại dịch toàn cầu COVID-19.
Dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) được phát triển dựa trên khu vực theo mô hình kinh tế Thái Lan 4.0, là một dự án đầy tham vọng của Chính phủ Thái Lan nhằm tái cấu trúc và khôi phục nền kinh tế vốn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.
Sau 30 năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, Việt Nam đã bước vào thời kỳ phát triển tốt nhất trong lịch sử với triển vọng tương lai tươi sáng và lộ trình phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, không nên cho rằng Việt Nam có thể thách thức chuỗi sản xuất công nghiệp Trung Quốc cũng như đặt hai nước ở...
Ngày 3/2, tờ Thời báo Nhật Bản đã đăng bài viết của tác giả Ridvan Bari Urcosta, chuyên gia phân tích của tổ chức tư vấn chiến lược Geopolitical Futures, về các hậu quả địa chính trị mà chủng virus corona mới (nCov) có thể gây ra cho thế giới. Dưới đây là nội dung bài viết: (Viết giới thiệu ngắn thay...