Nhà kinh tế cấp cao thuộc CFR Kenneth Rogoff viết nền kinh tế toàn cầu “có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều”. Giá dầu thấp và các đồng tiền yếu đang giữ cho các nền kinh tế châu Âu và Nhật Bản khỏi chết chìm, nhưng Rogoff cảnh báo về “một nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, giá cả hàng hóa đang sụp đổ và sự bắt đầu của chu kỳ tăng lãi suất của FED”.

Barry Eichengreen thuộc trường Đại học California lập luận các nền kinh tế đang nổi lên như Brazil, Nam Phi, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ là những nguồn gốc gây lo ngại thực sự của năm 2016. Với những mức nợ ngắn hạn cao của họ, các nước này dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng tiền tệ, “có khả năng dẫn đến sự sụp đổ về kinh tế”.

Đối với Varun Sivaram thuộc CFR, những khoản đầu tư mới được công bố tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở Paris là lý do để lạc quan trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, khoản 20 tỉ USD dành riêng cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch “có thể tạo điều kiện mở ra các công nghệ đột phá”.

James Pethokoukis thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ viết trong khi đó ở Mỹ, tăng trưởng GDP và việc làm đều đặn đã bị kiềm chế bởi năng suất yếu kém. Không có gia tăng năng suất đem lại tiêu chuẩn sống cao hơn, Mỹ có thể phải đối mặt với hàng thập kỷ của “chủ nghĩa dân túy kinh tế thiếu lành mạnh”.

Rober Kahn thuộc CRF viết châu Âu tiếp tục phải đối mặt với rủi ro của các cuộc khủng hoảng nợ, nhưng rủi ro kinh tế nguy hiểm nhất đối với lục địa này trong năm 2016 là “thách thức theo chủ nghĩa dân túy ngày càng tăng ở cả cánh tả lẫn cánh hữu”, điều có thể tạo nên sự không chắc chắn về chính sách kinh tế và kiềm chế các nhà hoạch địch chính sách.

Điều tốt nhất mà người ta có thể nói về nền kinh tế toàn cầu khi năm 2016 bắt đầu là nó có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Ở châu Âu, chính quyền Syriza của Hy Lạp – gắn chặt với sự tư vấn của các nhà kinh tế Mỹ theo xu hướng tả khuynh – đã đùa cợt với việc đẩy nền kinh tế Hy Lạp vào vách đá. Tuy nhiên, tư cách thành viên của nước này trong Eurozone vẫn tồn tại, ngay dù nếu Chính phủ Hy Lạp không nhất thiết phải lãng phí cả thời gian quý báu lẫn hàng chục tỷ USD.

Châu Âu, giống như Nhật Bản, cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tồn tại nổi bật xung quanh việc dân số đang già hóa, khó khăn trong việc tiếp nhận người tị nạn và người nhập cư, và tăng trưởng năng suất chậm do thiếu cải cách cơ cấu. Năm 2016, giá dầu thấp và các đồng tiền yếu đang tiếp tục giữ cho cả hai nền kinh tế này trên con đường tăng trưởng dương – mặc dù không mạnh mẽ.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đã phải hứng chịu một sự sứt mẻ lớn về uy tín bởi việc xử lý sai lầm bong bóng thị trường chứng khoán sụp đổ, gây nghi ngờ về việc họ có thể xử lý tốt thế nào đối với việc chuyển đổi nền kinh tế đang diễn ra sang một nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn, nhưng bền vững hơn. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách làm dịu bớt bất kỳ nhận thức trước mắt nào về khủng hoảng, những thách thức trong năm 2016 vẫn rất khủng khiếp.

Giữa một nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, giá cả hàng hóa sụp đổ, và sự bắt đầu của chu kỳ tăng lãi suất của FED, nhiều nền kinh tế thị trường đang nổi lên đã trở nên hoàn toàn mong manh, đáng chú ý là Nga và Brazil. Cách đây 20 năm, với những tỷ giá hối đoái thiếu linh hoạt và nợ lớn bằng ngoại tệ, hình thức ép buộc mà các nước này giờ đây đang trải qua chắc chắn đã dẫn đến khủng hoảng tài chính. Giờ đây, với tỷ giá hối đoái linh hoạt và hầu hết nợ chính phủ là bằng đồng nội tệ, các nền kinh tế của họ mạnh mẽ hơn: họ đang phải hứng chịu những sự suy thoái sâu hơn, đúng vậy, nhưng không bằng lúc khởi đầu của “những thập kỷ mất mát”. Tuy nhiên, với vụ bê bối tham nhũng nhiều tỷ đôla của Brazil đang trở nên sâu sắc hiện nay và giá giầu giảm mạnh đang phá hoại sự bền vững tài chính của Nga, 2016 sẽ thử thách hơn nữa những nền kinh tế này.

Liệu nền kinh tế Mỹ có tiếp tục phục hồi ngay dù nếu tăng trưởng ở những nơi khác ảm đạm? Hiện nay, dường như là các nền kinh tế tiên tiến sẽ tiếp tục phục hồi từ khủng hoảng tài chính, mặc dù vẫn phải hứng chịu những tàn tích do những mức nợ cao và chấn thương hậu khủng hoảng, đặc biệt ở châu Âu. Tuy nhiên, 2016 hứa hẹn điều gì đó ngoài một năm yên ắng.

Theo Barry J. Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị thuộc trường Đại học California, 2016 sẽ là một năm khó khăn nữa đối với các thị trường đang nổi lên. Nhưng không giống như năm 2015, khi các nhà đầu tư bị gắn vào sự bất ổn định ở các thị trường Trung Quốc và sự phá giá vụng về của đồng nhân dân tệ, năm 2016, họ sẽ nhận ra rằng tình hình ở Trung Quốc nằm trong tầm kiểm soát và những vấn đề thực sự là ở những nơi khác.

Các cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ khi một nước có hai vấn đề xảy ra cùng một lúc: sự yếu kém về tài chính và sự yếu kém về chính trị. Trung Quốc có những sự yếu kém về tài chính, chắc chắn là, trong bảng quyết toán của các doanh nghiệp nhà nước, nợ chính quyền địa phương và hệ thống ngân hàng mờ ám. Nhưng hầu như không có lý do gì để nghi ngờ khả năng can thiệp của chính phủ nếu điều gì đó diễn ra thật sự nghiêm trọng, đặc biệt là với gần 3.500 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này. Khoản dự trữ này có thể được sử dụng để hỗ trợ tỷ giá nếu đồng nhân dân tệ cho thấy sự yếu kém quá mức. Trong tình hình cực kỳ nghiêm trọng, các nhà chức trách có thể viện đến những sự kiểm soát trực tiếp đối với các giao dịch tài chính, và họ không miễn cưỡng sử dụng chúng.

Tình hình là khác biệt ở các thị trường đang nổi lên khác như Brazil, Nam Phi, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như Trung Quốc, các nước này dễ bị tổn thương về tài chính. Các công ty của họ bị chất gánh nặng với những khoản nợ lớn ngắn hạn, chủ yếu là USD, những khoản nợ này trở nên ngày càng khó trả lãi khi đồng USD mạnh, và điều này có khả năng lặp lại trong năm 2016. Đến lượt nó, những lo ngại về sự vỡ nợ của công ty - điều hủy hoại các tài khoản tài chính hoặc một cách trực tiếp bằng việc thúc đẩy trợ cấp từ bên ngoài hoặc gián tiếp bằng việc làm giảm doanh thu từ thuế - có thể khiến các nhà đầu tư bỏ chạy. Bởi những nước này thiếu khả năng áp đặt sự kiểm soát đối với các giao dịch tài chính, kết quả có thể là một sự sụp đổ về tiền tệ, có khả năng dẫn đến sụp đổ kinh tế.

Để tránh hậu quả đó, một chính phủ mạnh có thể cắt giảm chi tiêu công để khôi phục lòng tin và cho phép ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhằm thu hút vốn quay trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, ở Brazil, chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff cho tới nay đã không thúc đẩy những biện pháp tài chính cần thiết, nhưng đầy đau đớn. Ngân hàng trung ương đã do dự tăng lãi suất chủ chốt của mình, Selic, vì lo sợ rằng điều đó có thể làm xói mòn sự ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền. Thay vào đó, nó đã dựa vào sự can thiệp thiếu bền vững vào thị trường ngoại hối.

Mỗi thị trường đang nổi lên không may mắn lại có điều không may mắn của riêng nó. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề là sự không chắc chắn chủ yếu mang tính địa chính trị tập trung vào cuộc xung đột ở Syria. Ở Thái Lan là sự chia rẽ giữa thành thị và nông thôn, tình trạng sức khỏe không chắc chắn của Nhà Vua, và một sự kế nhiệm thậm chí còn không chắc chắn hơn. Ở Nam Phi là giá cả hàng hóa thấp và sự hỗn loạn về lao động. Nhưng tất cả các nước này đều có điểm chung là sự không chắc chắn về năng lực phản ứng của các chính phủ.

Không ai có thể dự đoán với bất kỳ sự tin chắc nào khi nào cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ xảy ra. Nhưng sẽ dễ dàng hơn khi dự đoán địa điểm cuộc khủng hoảng xảy ra.

Trong năm 2015, các đại diện đến từ 195 quốc gia đã thành công trong việc thông qua “Thỏa thuận Paris”, thỏa thuận thiết lập một khuôn khổ hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bất chấp những sự phô trương ầm ĩ, các cam kết thực sự lại tương đối khiêm tốn. Về cơ bản, các quốc gia cam kết cập nhật định kỳ các kế hoạch hạn chế việc phát thải khí nhà kính (GHG) góp phần dẫn tới biến đổi khí hậu. Đây là một sự chuyển hướng lớn khỏi cách tiếp cận trước, vốn nhằm mục đích phân bổ các mục tiêu khí thải từ trên xuống và có ràng buộc về pháp lý chỉ cho các nước phát triển.

Điều không may là những cam kết tự nguyện được đưa ra trong năm 2015 gần như chắc chắn không đủ để hạn chế biến đổi khí hậu xuống các ngưỡng nhiệt độ có thể chấp nhận được. Hy vọng là bằng cách yêu cầu các quốc gia cập nhật các kế hoạch hành động của mình 5 năm một lần – lần cập nhập đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2020 – các quốc gia sẽ tăng dần các tham vọng của mình.

Michael Levi thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại cho rằng “chỉ thời gian mới có thể trả lời được” liệu chiến lược này có hiệu quả hay không.

Tất cả những điều này có nghĩa rằng các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Vào tháng 11/2016, các nhà ngoại giao sẽ tới Maroc để bổ sung các chi tiết cho những cam kết chung đã được nhất trí tại Paris, bao gồm các yêu cầu phải có sự minh bạch, nhất quán và xác minh về các nỗ lực giảm khí thải quốc gia.

Các công nghệ năng lượng sạch mới có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn để các quốc gia đệ trình các kế hoạch khí hậu ngày càng tham vọng. Cụ thể, hai tuyên bố được đưa ra bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Paris có thể thúc đẩy đổi mới. Thứ nhất, Bill Gates và 27 nhà đầu tư tỷ phú khác đã cam kết hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) cơ bản trong năng lượng sạch. Thứ hai, 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đã cam kết tăng gấp đôi tài trợ công cho R&D lên một mức chung là 20 tỷ USD tới năm 2020. Tới cuối năm 2016, các dòng vốn đầu tư đáng kể hỗ trợ R&D có thể giúp các công nghệ đột phá có nhiều khả năng xuất hiện hơn.

Các công ty năng lượng tái tạo đã phải chịu thiệt hại nặng nề trong năm 2015 do giá chứng khoán lao dốc. Nhưng lĩnh vực này – dựa trên các công nghệ khá hoàn thiện như tuốc-bin gió và pin năng lượng mặt trời – được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng trong năm 2016. Trung Quốc và Ấn Độ đã đặt ra những mục tiêu gây ấn tượng cho việc sử dụng năng lượng tái tạo, và Mỹ mới đây đã mở rộng tín dụng thuế hào phóng sẽ hỗ trợ năng lượng tái tạo phát triển bùng nổ trong nhiều năm. Nếu việc này giúp các công ty trên phục hồi trong năm 2016, đây là sẽ một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nền công nghiệp này đang đi đúng hướng để thách thức nền công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Theo James Pethokouski, Viện Kinh doanh Mỹ, nếu chúng ta có thể nhìn vào tương lai gần và lướt qua chỉ một con số thống kê về nền kinh tế Mỹ trong năm 2016, con số nào sẽ đem lại nhiều thông tin nhất? Tăng trưởng GDP? Tỷ lệ thất nghiệp? Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones?

Trên thực tế, chỉ dấu quan trọng nhất cho các triển vọng kinh tế dài hạn của Mỹ - mà ở đây là năng suất – vẫn tiếp tục yếu ớt. Trong 5 năm qua, tăng trưởng năng suất chỉ đạt mức trung bình 0,6%; đối lập với mức trung bình 2,2% thời hậu chiến. Hơn nữa, dự báo cho thấy điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong 12 tháng sắp tới.

Bất chấp tăng trưởng việc làm và GDP ổn định, một “trạng thái bình thường mới” chậm chạp kéo dài đối với năng suất sẽ là điều đáng báo động, đặc biệt khi xét tới các thách thức nhân khẩu học mà một xã hội đang già đi đã đem đến cho tăng trưởng. Điều này sẽ đồng nghĩa với các điều kiện sống cải thiện ở tốc độ chậm tới mức phần lớn người Mỹ sẽ cảm thấy họ không khấm khá hơn cha mẹ mình. Một vài năm tăng trưởng yếu ớt đã khiến một chủ nghĩa dân túy kinh tế không lành mạnh phát triển mạnh mẽ trong cử tri Mỹ. Hãy thử tưởng tượng một vài thập kỷ trì trệ có thể có tác động xói mòn đến mức nào.

Nhưng có lẽ bức tranh năng suất không thực sự quá u ám. Khó có thể điều hòa các con số chính thức ảm đạm với thời kỳ của các “unicorn” – các công ty công nghệ năng động có trị giá hơn 1 tỷ USD - và sự bùng nổi đổi mới kỳ diệu đang diễn ra tại Thung lũng Silicon và New York.

Giải thích “nghịch lý năng suất” rõ ràng này dẫn tới một vài hướng đi. Có thể những đổi mới này không thực sự có nhiều ý nghĩa. Xét cho cùng, ai có thể so sánh một ứng dụng điện tử với việc phát minh động cơ đốt trong? Hoặc có thể những gì đang diễn ra hiện nay là chúng ta thực sự kém cỏi trong việc đo lường các tác động của tiến bộ công nghệ, đặc biệt trong nền kinh tế số.

Một khả năng khác đơn giản là cần một khoảng thời gian dài đến phát bực để đổi mới có thể thúc đẩy năng suất. Chẳng hạn, các chủ nhà máy đã phải cần tới nhiều năm để tìm ra cách thức sử dụng hiệu quả các động cơ điện. Những tiến bộ mới đây trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, Bitcoin, máy bay không người lái, nền kinh tế chia sẻ và mạng lưới thiết bị kết nối Internet có thể có tác động biến đổi rộng rãi, cho dù các tác động của chúng đối với năng suất lớn hơn chưa được thấy rõ ngay lập tức.

Hiện nay, chúng ta có thể ngay lập tức tiếp cận tất cả tri thức chung của nhân loại với một thiết bị nhỏ bỏ túi. Dường như điều này cuối cùng nên khiến xã hội có năng suất cao hơn. Nếu các con số này xác nhận trực giác đó, điều này sẽ có tác dụng trấn an. Hy vọng rằng chúng sẽ làm như vậy trong năm 2016.

Robert Kahn thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại cho rằng năm 2016 có thể là một năm thú vị đối với châu Âu. Được hỗ trợ bởi giá dầu thấp, đồng euro yếu và chính sách nới lỏng định lượng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), tăng trưởng của Khu vực đồng euro được trông đợi sẽ đạt mức 1,5% với lạm phát khoảng 1% trong năm 2016. Nhưng nhiều thách thức về cơ cấu cơ bản vốn đang trì hoãn sự phục hồi của châu Âu – một liên minh tiền tệ chưa hoàn thiện, các ngưỡng nợ công khổng lồ, các thị trường vốn chưa hoàn thiện và các trở ngại về cơ cấu đối với toàn dụng lao động và tăng trưởng – tiếp tục là các yếu tố cản trở.

Tăng trưởng yếu kém tại các thị trường mới nổi, trong lịch sử là một thị trường quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của châu Âu, đem đến một nguy cơ khác. Cho tới nay ECB đã thực hiện hầu hết các công việc khó khăn để hỗ trợ phục hồi, nhưng nới lỏng định lượng có lợi tức giảm dần và các chính phủ sẽ cần phải làm nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng trong trường hợp xảy ra một cú sốc.

Trước bối cảnh này, nguy cơ kinh tế nguy hiểm nhất đối với châu Âu trong năm 2016 đến từ một thách thức dân túy ngày càng lớn bắt nguồn từ cả cánh tả lẫn cánh hữu. Những lực lượng này nhiều khả năng sẽ tạo ra sự không chắc chắn về chính sách kinh tế và hạn chế lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách. Trong những tháng vừa qua, các cuộc bầu cử tại Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã bộc lộ sự ủng hộ của dân chúng đối với các chính sách chống thắt lưng buộc bụng và sự hoài nghi về hội nhập lớn hơn với châu Âu. Trong khi đó, các chính phủ châu Âu trong nhiều trường hợp đã phản ứng bằng cách ra tín hiệu sẵn sàng bỏ qua các mục tiêu tài khóa, thứ sẽ hỗ trợ nhu cầu – nhưng làm gia tăng nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ có thể quay trở lại vùng ngoại vi của châu Âu.

Hy Lạp một lần nữa sẽ xuất hiện trên tin tức của năm 2016, khi chính phủ đối mặt với sự phản đối chính trị gia tăng về lương hưu, thuế và các biện pháp cơ cấu khác mà họ đã cam kết thực hiện như là một điều kiện để tiếp tục được cấp vốn. Thời điểm miễn trừ nợ mà các đối tác châu Âu đã hứa hẹn với Hy Lạp vẫn chưa rõ ràng, và dù trong trường hợp nào đi nữa, giảm bớt trả nợ trong tương lai (sau năm 2021) sẽ không đem lại một sự khuyến khích có ý nghĩa nào đối với tăng trưởng trong ngắn hạn. Tất cả những điều này cho thấy một kịch bản Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng euro lại có thể trở thành một vấn đề thúc đẩy thị trường.

Bên ngoài Khu vực đồng euro, một cuộc bỏ phiếu tại Anh về việc nước có nên rời khỏi Liên minh châu Âu hay không được cho là sẽ được tổ chức vào năm 2016, làm dấy lên những câu hỏi cơ bản về tương lai của châu Âu. Bất chấp kết quả như thế nào, thời kỳ trước thềm bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý nào nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng xấu tới đầu tư và tâm lý thị trường.

Nếu các thị trường châu Âu và toàn cầu vẫn ổn định, châu Âu sẽ tiếp tục đà phục hồi của mình. Nhưng bất kỳ một cú sốc nào, cho dù đó là “hạ cánh cứng” tại Trung Quốc, các vấn đề nợ tại châu Âu, hay những gián đoạn ở nơi khác, sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên các nhà hoạch định chính sách vào một thời điểm mà những hạn chế đối với khả năng hành động của họ là rất mạnh mẽ.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ)

Trần Quang (gt)