Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Một trong những đại trụ quan trọng của Cộng đồng ASEAN là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Theo tuyên bố Bali II, mục tiêu của AEC là “tạo ra một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nguồn vốn được tự do di chuyển, phát triển kinh tế công bằng, giảm nghèo đói và bất bình đẳng kinh tế - xã hội".

Tóm lại là AEC được xây dựng nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, gần ba tháng trước khi ra AEC chính thức ra đời, 12 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã kết thúc đàm phán Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có 4 thành viên ASEAN: Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Việc 4 thành viên ASEAN tham gia TPP, trong khi các thành viên còn lại không tham gia TPP có khả năng sẽ gây ra ba tác động đến tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN gồm: (i) Chệch hướng thương mại và đầu tư; (ii) Tăng khoảng cách giữa các quốc gia; (iii) Gây ra những nghi kỵ giữa các nhà lãnh đạo ASEAN.

Về vấn đề thứ nhất, thương mại và đầu tư có thể bị chệch hướng từ những nước không phải thành viên TPP sang những nước là thành viên TPP. Vì TPP mang lại lợi ích cho các nước thành viên, chẳng hạn hạ các rào cản thương mại và bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Mỹ, Nhật, Úc là các nước thành viên của TPP và đồng thời cũng là 1 trong 10 đối tác thương mại chính của ASEAN. Tổng thương mại của Mỹ, Nhật và Úc với ASEAN trong năm 2014 chiếm 20,2% , chỉ ít hơn một chút so với mức 24% tổng thương mại nội khối ASEAN. Về đầu tư, tổng vốn đầu tư của bốn nước thành viên TPP gồm Mỹ, Nhật, Úc và Canada vào ASEAN trong năm 2014 đạt 24,5% tổng FDI chảy vào ASEAN, cao hơn mức FDI nội khối các nước ASEAN là 17,9%.

Từ quan điểm của hội nhập khu vực, chệch hướng thương mại và đầu tư là một cú tấn công trực diện vào một trong những đặc điểm quan trọng nhất của AEC, đó là một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất.

Về vấn đề thứ hai, sự chênh lệch kinh tế giữa các nước ASEAN đã rất lớn ngay từ đầu. ASEAN gồm các nước thành viên với số dân lớn như Indonesia (252 triệu) và nhỏ như Brunei (413.000); GDP cao như Indonesia (984 tỷ USD) và thấp như Lào (12 tỷ USD); GDP bình quân đầu người cao như Singapore (56.000 USD) và thấp như Campuchia (1.000 USD); khối lượng hàng hóa thương mại quốc tế cao như Singapore (776 tỷ USD) và thấp như Lào (5 tỷ USD) và dòng vốn FDI chảy vào cao như Singapore (72 tỷ USD) và thấp như Brunei (568 triệu USD).

TPP sẽ có khả năng tiếp tục nới rộng khoảng cách đã tồn tại giữa các nước ASEAN vì các thành viên TPP thuộc Đông Nam Á có thể sẽ có những cải thiện trong phát triển kinh tế nhanh trong thời gian tới. Ngoài ra, TPP cũng có khả năng tăng khoảng cách trong quản lý kinh tế. Do TPP có tiêu chuẩn cao, các thành viên thuộc ASEAN sẽ buộc phải nâng cao năng lực quản lý kinh tế (cải thiện môi trường đầu tư, mô hình sản xuất, rà soát và cải thiện các quy định…) và phân bổ thêm nguồn lực để thực hiện việc này. Không giống như các nước ASEAN không phải thành viên TPP, họ không có động lực để làm việc này.

Một lý do để xây dựng AEC là nhằm tránh một số nước ASEAN theo đuổi chương trình nghị sự kinh tế riêng trên “cái giá” của các nước thành viên khác. Thay vì hành động riêng lẻ, các nước ASEAN đồng ý đàm phán chung với các nước khác và tăng cường liên kết thương mại và đầu tư với các nước ngoài ASEAN thông qua một cách tiếp cận thống nhất chặt chẽ.

Tuy nhiên, TPP đang “xói mòn” sự hòa hợp đó bằng cách tách ASEAN thành hai là thành viên TPP và không phải thành viên TPP. Sự chia rẽ này có thể sẽ làm sống lại nỗi lo cũ là một số thành viên ASEAN sẽ theo đuổi lợi ích kinh tế cá nhân bằng chi phí của tổng lợi ích kinh tế toàn khu vực.

Vấn đề cuối cùng, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á được tổ chức tại Jakarta tháng 4/2015, Thủ tướng Campuchia đã phát biểu: "Chúng ta nên xem xét lại một lần nữa... tại sao TPP không bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN. Mục đích và ý định thực sự là gì?”.

Bộ trưởng Tài chính Philippines cũng đã từng phát biểu trước đó: "Nếu có độ chậm trễ giữa việc tham gia một thỏa thuận chất lượng cao như TPP, có thể sẽ có sự bất bình, đặc biệt là khi chúng ta đang tiếp tục hội nhập”. Mối lo ngại ngày càng tăng giữa các nhà lãnh đạo ASEAN đang gửi một hồi chuông cảnh báo về kế hoạch hội nhập kinh tế Đông Nam Á đang gặp nguy hiểm.

Theo Asia News Network

Văn Cường (gt)