Tổng thống Mỹ Barack Obama là vị nguyên thủ quốc gia đa văn hóa đầu tiên của một nền dân chủ phương Tây; sinh ra và lớn lên ở Hawaii và được giáo dục ở Inđônêxia, ông cũng là tổng thống “Thái Bình Dương” đầu tiên. Trong những lần tham dự hội nghị từ Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Bali vào tháng 11/2011, ông đã nhấn mạnh những nhu cầu của Mỹ cần tiếp tục can dự với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tiếp tục là một cường quốc có thể đứng vững trong thế kỷ 21. Phả hệ toàn cầu, tiểu sử và tư cách chính trị của vị tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người có cha đến từ Kênia và mẹ từ Kansas, đã truyền cảm hứng cho nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên họ dường như chán nản và có phần thất vọng với những viễn cảnh tương lai của ông. Họ đều đã yêu cầu được biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012. Liệu ông đã làm đủ để giữ những cử tri tiến bộ, trẻ tuổi và độc lập trung thành với đảng của ông? Phải chăng phong cách lãnh đạo “điềm tĩnh” và thỏa hiệp của ông sẽ chỉ gây được thiện cảm cho một nhóm các cử tri đang thu hẹp lại? Phải chăng ông cần phải hiếu chiến hay “gây xúc động” nhiều hơn với phe đối lập để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới? Đây là một số trong những câu hỏi tôi đã gặp nhiều lần trong khi giảng bài ở các thủ đô của châu Âu. Vì Obama là “tổng thống toàn cầu đầu tiên” của Mỹ, ông vẫn được lòng dân từ bên ngoài nhiều hơn trong nước, tất nhiên là so với George W. Bush và có thể thậm chí cả Bill Clinton. Dựa trên các dữ liệu thăm dò dư luận phi đảng phái mới nhất, niềm an ủi duy nhất của ông dường như là phe Cộng hòa đối lập vẫn hay thay đổi và không chắc chắn về ứng cử viên của mình. Trong khi Mitt Romney vẫn là ứng cử viên khả dĩ nhất để cạnh tranh với Obama vào tháng 11/2012 (cả hai đang đều nhau về các con số), những người Cộng hòa dường như “nhanh chóng hẹn hò” mọi ứng viên khác trong cuộc bầu cử lựa chọn ứng cử viên của đảng trong khoảng một tháng và rồi “gạt bỏ” họ. Cuộc bầu cử bước ngoặt của ông Obama năm 2008, đã được đem tới nhờ một liên minh hùng mạnh các cử tri sắc tộc để giành được sự ủng hộ của 54% quần chúng cử tri và trùng với ngày kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Abraham Lincoln, không chỉ đã nâng cao vị thế của Mỹ, mà còn nâng cao tinh thần của thế giới. Với mọi công dân trên hành tinh này mà nền dân chủ và sức mạnh Mỹ tác động đến, việc ông tái đắc cử có thể có những tác động sâu rộng. 

Bước sang thế kỷ 21, những câu hỏi mở vang lên về việc Mỹ sẽ điều chỉnh như thế nào cho thích hợp với một thế giới đa cực đang nổi lên, nơi Mỹ có thể không còn là viên cảnh sát duy nhất, và vai trò của châu Á với Trung Quốc là nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cũng có những lo ngại về việc Mỹ sẽ phản ứng thế nào khi Nền hòa bình kiểu Mỹ, trật tự địa chính trị đã giữ cho sự chi phối của các cường quốc châu Âu và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong 50 năm qua, giảm bớt. Chính trong những khuôn khổ toàn cầu này mà cuộc bầu cử bước ngoặt của ông Obama năm 2008 và khả năng tái đắc cử tiềm tàng trong năm 2012 đem lại một dấu hiệu hàng đầu về những thay đổi sâu rộng đang diễn ra về mặt địa chính trị. Tuổi thơ và thời thanh niên được giáo dục ở Thái Bình Dương, đi tham quan khắp thế giới, và tuổi trưởng thành sau sự sụp đổ của Bức tường Béclin của Obama kết hợp với thời đại thay đổi và bằng nhiều cách thức đã chuẩn bị cho ông để giúp đưa nước Mỹ chuyển tiếp tới kỷ nguyên toàn cầu. Trọng tâm kinh tế đã chuyển sang phương Đông, trong khi sự trì trệ về kinh tế vẫn chưa biết đến kết thúc ở các thủ đô châu Âu. Cũng chính trong sự xoay tròn toàn cầu mang tính “bước ngoặt của thế kỷ” này mà vai trò đang nổi lên của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc châu Á hàng đầu và là nền dân chủ đông dân nhất thế giới trở thành trung tâm của sự chú ý. Khi Ấn Độ lại đi theo quá trình phương Tây hóa thông qua tự do hóa và những cải cách thị trường bắt đầu vào năm 1991, phương Tây lại đang tái khám phá phương Đông thông qua hàng hóa Trung Quốc, gia công cho nước ngoài, yôga, thuyết ăn chay, cà ri và trà sữa. Khi phương Đông trở nên thiên về vật chất hơn, phương Tây lại đang trở nên thiên về tinh thần hơn. Bản balát thời Victoria của Rudyard Kipling dường như có tiếng vang vọng mới: Ồ, phương Đông là phương Đông, và phương Tây là phương Tây, và cặp đôi này sẽ không bao giờ gặp nhau, Cho đến khi Đất và Trời hiện đứng trước tòa án vĩ đại của Chúa; Nhưng không có cả phương Đông lẫn phương Tây, không Ranh giới, không Dòng dõi, không Sự ra đời, Khi hai người hùng đối mặt với nhau, dù họ đến từ hai cực của trái đất! Như Joseph Nye của trường Havard đã nói gần đây: “sự trở lại của châu Á là trung tâm của các vấn đề thế giới là sự thay đổi quyền lựclớn của thế kỷ 21… Tới năm 2050, châu Á sẽ trên con đường trở về nơi họ đã từng ở 300 năm trước”. Sự chuyển hướng chiến lược về phía Ấn Độ của Mỹ, tổ chức buổi chiêu đãi cấp nhà nước đầu tiên, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ tới Ấn Độ, và quan hệ gần gũi của Obama với Thủ tướng Manmohan Singh báo hiệu sự nổi lên của Ấn Độ như là một cường quốc chủ yếu. Obama đã nói như vậy trong bài diễn văn tại quốc hội Ấn Độ vào tháng 11/2010 khi ông tuyên bố: “Và tôi lo rằng tôi có thể đã không được đứng trước các bạn hôm nay, với tư cách là Tổng thống Mỹ, nếu không phải vì Gandhi và bức thông điệp mà ông đã chia sẻ với Mỹ và thế giới”. 

Tăng trưởng tương đối của Ấn Độ đang bắt kịp với Trung Quốc, và như Mỹ, Ấn Độ là một nền dân chủ thịnh vượng. Những yếu tố này đem lại một cơ sở hợp lý cho một liên minh với Ấn Độ như là một đối trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Obama, Aroon Purie, biên tập viên kỳ cựu của tờ “Ấn Độ ngày nay” đã nói với Obama: “Tôi hy vọng ông giành được nhiều sự khen ngợi cho chuyến đi này hơn những gì ông nhận được cho tất cả những công việc tốt đẹp ông đã hoàn thành ở Mỹ”. Obama trả lời rằng: “Anh biết đấy, anh không bao giờ có thể làm một nhà tiên tri tại chính quê hương mình”. Như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố gần đây, chính sách ngoại giao của Mỹ đang chuyển sang ảnh hưởng đang lên của châu Á trên thế giới. Điều này nhiều khả năng sẽ trở thành một chủ đề tranh cử: Mỹ phải đổi mới để sánh kịp với sự tăng trưởng ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Các nhà cải cách tại một hội nghị công nghệ gần đây ở Mỹ đã lập luận rằng điều tốt nhất Mỹ lựa chọn là lịch sử nhập cư và tinh thần kinh doanh. Thêm vào lợi thế đó, chủ nghĩa đa văn hóa dường như gặp vật cản ở châu Âu, như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã nói gần đây. Nó có vẻ như đang phát triển mạnh ở Thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ lớn ở Mỹ, nơi được đại diện mạnh mẽ bởi những người nhập cư châu Á bao gồm nhiều người Mỹ gốc Ấn Độ. Một vài người Mỹ gốc Ấn Độ nổi bật đang gây quỹ cho Obama: Azita Raji, Shefali Radzan Duggal, Deven Parekh và Kavita Tankha. Một số lượng người Mỹ gốc Ấn Độ kỷ lục cũng đã chạy đua vào chức vụ chính trị trong năm 2010 với một số chiến thắng then chốt. Vinod Khosla, một nhà đầu tư năng lượng và là đồng sáng lập của công ty Sun Microsystems gần đây đã nói, ông tin tưởng vào “học thuyết thiên nga đen về đổi mới”, nơi những sự kiện hiếm có không tưởng có thể làm thay đổi thương trường như sự phát triển của Internet và các công cụ tìm kiếm như Google. Trong khi Obama đã lên nắm quyền như một vị tổng thống Internet vì việc tổ chức cơ sở và gây quỹ ông thực hiện trực tuyến, rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tới. Tuy nhiên, chắc chắn Obama là một nhân vật bước ngoặt nhờ vào phả hệ đa dạng, tiểu sử và lịch sử gia đình mà ông đã đem tới Nhà Trắng. Ông đã tìm cách giải phóng một số công cụ và công nghệ tiến bộ then chốt để phục hồi giấc mơ Mỹ, nhưng cuối cùng việc ông Obama tái đắc cử có thể phụ thuộc vào những chỉ số kinh tế then chốt tiến tới cuộc tổng tuyển cử: thất nghiệp (8,6% và đang giảm xuống), niềm tin của người tiêu dùng (56% và đang tăng lên), sự thiếu chắc chắn của thị trường (tuy anh đang xác định rõ nó), và khả năng lựa chọn một ứng cử viên thích hợp của Đảng Cộng hòa (dường như dễ thay đổi). Hy vọng là vĩnh cửu, nhưng thay đổi là dần dần. Có khả năng Obama sẽ nổi lên như là người thực dụng thận trọng và một người theo chủ nghĩa dân túy trong vòng bầu cử này, thay vì là một người nhìn xa trông rộng duy tâm, người đã từng phát biểu về việc biến đổi thế giới. 

Theo Atimes (14/12/2011)

Lê Sơn (gt)