Vào cuối tháng 1/2015, các quan chức Ấn Độ, Nepal, Bhutan và Bangladesh đã gặp nhau tại New Delhi để ký kết thỏa thuận kết nối đa phương thức. Các thỏa thuận tiểu khu vực như thế này đang ngày càng trở nên phổ biến ở châu Á sau khi Pakistan tuyên bố không tham gia các dự án kết nối đường sắt và đường bộ trong khu vực vốn đã được đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) ở Kathmandu (Nepal) tháng 11/2014. Trong tương lai, các dự án kết nối đường sắt và đường bộ cũng sẽ được xây dựng để liên kết giữa Ấn Độ với Myanmar - một "đầu cầu kết nối" với ASEAN. 

Trong khi các tiểu khu vực trong SAARC (loại trừ Pakistan) đang được kết nối, tầm quan trọng của "Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa lĩnh vực" (BIMSTEC) gồm Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan cũng đang gia tăng. Cho đến nay đã có ba cuộc họp thượng đỉnh của BIMSTEC được tổ chức tại Myanmar và cuộc họp BIMSTEC gần đây nhất cũng đã được tổ chức tại nước này hồi tháng 3/2014. Dường như BIMSTEC sẽ phát triển nhanh như một khu vực kinh tế, hơn là một SAARC bị tê liệt bởi những rắc rối nội bộ của Pakistan. 

GDP của Trung Quốc đã tăng đáng kể từ 176,6 tỷ USD năm 1979 khi nước này bắt đầu mở cửa nền kinh tế và đạt mức hơn 10 nghìn tỷ USD năm 2015. Sự tăng trưởng này gắn chặt với thương mại bởi năm 1979 Trung Quốc chỉ chiếm 0,7% thương mại hàng hóa thế giới nhưng đến nay đã là hơn 10%. Mở cửa nền kinh tế đã đem đến cho Trung Quốc nhiều lợi ích như tỷ lệ tăng trưởng hàng năm hơn 10% GDP trong 30 năm qua, tiếp cận với thị trường toàn cầu, một vị trí thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sẵn sàng tiếp cận nguồn năng lượng từ các nước đối tác thương mại như Indonesia, Malaysia và Myanmar. 

Mối quan hệ thương mại rộng lớn của Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN trị giá khoảng 350 nghìn tỷ USD, chiếm 14% thương mại hàng năm của ASEAN. Điều này đã vượt qua ảnh hưởng kinh tế của Mỹ. Thương mại ASEAN-Mỹ ở vị trí tương đối thấp, chỉ đạt 207 nghìn tỷ USD năm 2013. Mặc dù thỉnh thoảng Trung Quốc và các nước trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines xảy ra các xung đột, tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của họ đã đảm bảo rằng tất cả các bên nên tránh làm trầm trọng thêm vấn đề. 

Ngược lại, Ấn Độ bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1989 khi tổng GDP khoảng 300 tỷ USD. Mặc dù hiện nay, GDP của Ấn Độ là khoảng 2 nghìn tỷ USD và chiếm 2% thương mại hàng hóa toàn cầu, những con số này là tương đối thấp và nó phản ánh sự thiếu chủ động của New Delhi trong việc thúc đẩy thương mại. Để cải thiện điều này, Ấn Độ hiện cũng đang được chào đón thâm nhập vào mạng lưới thương mại khu vực phía Đông. Ngoài thỏa thuận chung với ASEAN, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận riêng với Thái Lan, Malaysia và Singapore. Ấn Độ cũng đã ký các thỏa thuận thương mại với Sri Lanka, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các thỏa thuận này đã đưa mối quan hệ thương mại của Ấn Độ từ 3,15 tỷ USD năm 1990 lên 80 tỷ USD năm 2012, chiếm khoảng 3% tổng thương mại của ASEAN. 

Ngoài những lợi ích về thương mại, triển vọng của chính sách "Hành động phía Đông" của Ấn Độ cũng được thúc đẩy bởi sự quan tâm chiến lược liên quan đến việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự. 

Ấn Độ là một thành viên của các nhóm chiến lược như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á. Ấn Độ cũng sẽ sớm được nâng cấp từ vai trò "quan sát viên" trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ấn Độ cũng đang trong quá trình nâng cấp quan hệ chiến lược với các nước như Việt Nam, Nhật Bản và Úc. Ví dụ, Ấn Độ đang có kế hoạch mua sắm các thiết bị quốc phòng của Nhật Bản và đã cung cấp thêm khoản tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam để mua các tàu hải quân Ấn Độ. Một trọng tâm hướng Đông cũng là cần thiết đối với Ấn Độ bởi New Delhi đã tham gia các nỗ lực để tiếp tục mở các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Điều này đã được nhắc lại trong "Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược Mỹ-Ấn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương" được ký kết trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 1 vừa qua. 

Bên cạnh đó, việc cải thiện quan hệ chính trị giữa Ấn Độ với Bangladesh và Myanmar gần đây đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các bang ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ - yếu tố quan trọng để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới và kết nối vật lý giữa Ấn Độ với phía Đông và các quốc gia ASEAN. 

Trong chuyến thăm Islamabat của tân Bí thư Đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar ngày 3/3 vừa qua, Ấn Độ và Pakistan cam kết sẽ nối lại các cuộc đàm phán cấp Bí thư Đối ngoại để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới. Tuy nhiên, nếu quan hệ chính trị giữa hai nước không được cải thiện đáng kể và nhanh chóng, các động lực để Ấn Độ mở rộng quan hệ kinh tế với Pakistan sẽ giảm, xuất phát từ các nhu cầu chiến lược và phát triển kinh tế ở phía Đông và được củng cố bởi các mạng lưới thương mại đang phát triển với khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Theo Hội đồng Ấn Độ về Quan hệ Toàn cầu (ICGR)

Trần Quang (gt)