Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố: “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh thông tin… và chúng ta đang thua”, miêu tả những nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại các phần tử cực đoan và can dự với dân chúng Arập trong quá trình thay đổi chưa từng thấy và mang tính lịch sử của năm nay ở Trung Đông. Bà đã đúng. Trong thập kỷ kể từ sự kiện 11/9/2001, hàng nghìn sinh mạng người Mỹ và hơn một nghìn tỉ đôla đã hao tổn trong các cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan, trong khi hàng triệu đôla đã được chi phí cho các chương trình ngoại giao nhân dân được nhằm vào thế giới Arập. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã có một bài phát biểu mang tính dấu mốc ở Cairô nhằm tìm kiếm “một sự khởi đầu mới giữa Mỹ và người Hồi giáo trên khắp thế giới”. Theo số liệu thăm dò ý kiến gần đây nhất ở Aicập, hai năm trở lại đây, những quan điểm không ủng hộ Mỹ đã vượt quá những quan điểm ủng hộ với tỉ lệ gần 4/1. Trừ một số ngoại lệ, Mỹ cũng không được lòng dân ở hầu hết các nước mà người Hồi giáo chiếm đa số từ Marốc đến Pakixtan. Lý do vì sao? Và có thể làm gì về điều đó? 

Cuộc chiến tranh thông tin quan trọng hơn cuộc chiến tranh súng đạn. Osama Bin Laden đã chết, nhưng cuộc chiến thực sự phải giành thắng lợi là chống lại những ý tưởng của ông ta. Trong một cuộc chiến như vậy, thông tin của quần chúng là chìa khóa. Như các sự kiện ở Tuynidi, Aicập, và các nơi khác cho thấy, dư luận quần chúng có thể định hình khu vực theo các cách đáng ngạc nhiên – các cách ảnh hưởng trực tiếp tới Mỹ, như giá xăng dầu tại trạm bơm đang cho thấy điều đó. Vì những lý do thực tế này, thậm chí ngoài những động cơ nhân đạo chung, Mỹ cần can dự với thế giới Arập một cách có hiệu quả hơn. 

Trong bài báo này, chúng tôi rút ra những kinh nghiệm làm việc của chúng tôi trong chính phủ và lĩnh vực báo chí để đề ra 7 cách trong đó Mỹ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh ý tưởng ở Trung Đông. Hàng trăm bài báo đã đề cập đến vấn đề này, nhưng bài báo này là khác thường bằng cách đề cập vấn đề này xuất phát từ quan điểm của một người thực hiện. Một người trong hai chúng tôi đã dành phần lớn trong 10 năm qua giải thích về các chính sách của phương Tây cho các cử tọa Trung Đông, kể cả trong 2 năm với tư cách người phát ngôn của Tony Blair cho các cử tọa Hồi giáo toàn cầu. Người kia đã và đang đưa tin về những vấn đề này cho nhật báo toàn Arập lớn nhất thế giới, Asharq Al-Awsat, và hiện là phóng viên tại Oasinhtơn của tờ báo đó. 

Một số quan chức và những người đưa ra ý kiến mà chúng tôi đã nói đến trong bài báo này, bao gồm cả các nhà cựu ngoại giao Mỹ, đã nói với chúng tôi rằng lý do căn bản khiến Mỹ không được lòng dân là bản chất của những chính sách của nước này, chứ không phải cách thức mà chúng được trình bày. Họ cho rằng ít người Arập tôn trọng Mỹ trong khi họ nhớ đến những bức ảnh về Abu Ghraib, biết được số người bị giam giữ tại Guantanamo, và có thể nhận thấy hòa bình vẫn chưa đạt được giữa Ixraen và Palextin. Hãy xem quan điểm của Jamal Khashooggi, tổng biên tập của Al-Waleed, đài truyền hình vệ tinh mới nhất của thế giới Arập: “Mỹ phải hiểu rằng cuộc xung đột Trung Đông là nguồn gốc của tất cả các vấn đề … vấn đề khác là sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Irắc và Ápganixtan”. Ngoài bất cứ những vấn đề nào khác, kinh nghiệm về thực dân hóa trong thế kỷ 20 làm cho sự hiện diện quân sự này đặc biệt gây tranh cãi: “Nó gây xúc phạm tới tâm trí của nhân dân chúng tôi, người Mỹ cho rằng chúng tôi giống như Nhật Bản hoặc Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tuy nhiên họ không có lịch sử mà chúng tôi có được”. 

Quan điểm này ngụ ý rằng ngoại giao nhân dân và chiến tranh thông tin không quan trọng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi việc thông tin với thế giới Arập nên là một quá trình hai chiều: nhằm gây ảnh hưởng đối với dư luận quần chúng Arập, đồng thời còn học được từ đó để có thể định hình cho chính các chính sách trong tương lai. 

Bảy nguyên tắc để đạt được sự tiến bộ 

1 - Đó không phải là về tôn giáo, thật ngớ ngẩn 

Bài phát biểu ngày 4/6/2009 của Tổng thống Obama ở Cairô là một thành công tuyệt vời. Nó đã nâng uy tín của Mỹ lên nhiều ở Trung Đông và vượt ra ngoài khu vực này. Và tuy nhiên, nó đã gây ra một sai lầm cơ bản. Bằng cách tập trung vào tôn giáo – từ “Islam” (Hồi giáo) được nhắc đến 26 lần và “Muslim” (người theo Hồi giáo) là 48 lần - nó đã tái nhấn mạnh đến một sự tách bạch sai lầm giữa Hồi giáo và phương Tây, một quan điểm cho rằng nguồn gốc chính gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Đông là tôn giáo. 

Những hành động thực dụng của chính phủ Mỹ đã tuân theo một mô thức tương tự - chẳng hạn, chỉ định Đại diện Đặc biệt cho các cộng đồng Hồi giáo. Việc lựa chọn một người gắn kết Mỹ với hơn một tỉ người Hồi giáo ở cả các nước người Hồi giáo chiếm đa số lẫn các nước đa số không phải là người Hồi giáo (như Niu Dilân và Canađa) cho thấy Mỹ coi người Hồi giáo là khác biệt chỉ dựa trên tôn giáo. Không có tôn giáo nào khác được dành cho vị trí này trong chính sách đối ngoại của Mỹ. 

Tất nhiên, có những điều tương tự trong thái độ giữa người dân ở một loạt các nước mà người Hồi giáo chiếm đa số từ Marốc đến Pakixtan, nhưng điều này không được chia sẻ bởi tất cả người Hồi giáo trên khắp thế giới: thái độ ở Inđônêxia và Malaixia, và quả thực ở Iran, vẫn phần nào khác. Người Hồi giáo Kosovar đã dựng một bức tượng Bill Clinton và đặt tên cho con cái của họ theo tên Tony Blair. Các sứ quán và các nhân viên văn phòng trong Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan tình báo của Mỹ quan tâm nhiều đến việc hiểu được những khác biệt giữa các nước Trung Đông (như đã được nêu bật trong các bức điện tín do WikiLeaks tiết lộ tháng 11/2010), nhưng những điều này không được phản ánh đầy đủ trong hoặc những tuyên bố công khai hoặc những nỗ lực mở rộng ảnh hưởng. Việc nhằm những nỗ lực vươn xa hơn vào người Hồi giáo loại trừ những công dân của các nước không phải là Hồi giáo, hoặc bản sắc ban đầu của họ không gắn với tôn giáo của họ. Ali Asani, giáo sư về Hồi giáo Inđônêxia và Tôn giáo và Văn hóa Hồi giáo thuộc trường Đại học Harvard, coi thuật ngữ “thế giới Hồi giáo” là “phi nhân đạo”: nó biến nhân loại đa dạng thành mẫu số chung duy nhất của các tín ngưỡng tôn giáo của họ. 

Tôn giáo cũng là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm, và dễ dàng bị đối xử sai. Irắc là một ví dụ tiêu biểu. Trong thời kỳ tiến tới cuộc xâm lược năm 2003, và thậm chí cho đến nay, các quan chức Mỹ nhắc đến người Irắc như người Sunni, Shiite, và Cuốc. Sunni và Shiite là hai nhóm tôn giáo trong khi Cuốc là nhóm sắc tộc, do đó đây là một sự kết hợp sai lầm của những phân chia tôn giáo và sắc tộc. Hơn nữa, khi Mỹ và các đồng minh của Mỹ dựa trên những cái mác đó để mở rộng ảnh hưởng của họ đối với người Irắc, nhiều người Irắc cảm thấy họ đang bị chia rẽ và chinh phục. Mặc dù các quan chức Mỹ nhanh chóng bác bỏ quan điểm này, trên thực tế đây là một chiến thuật được sử dụng trong các thời kỳ thực dân và vẫn còn sống động trong ký ức chung của nhiều người trong khu vực. Cuối cùng, sẽ là sai lầm nếu cho rằng những động cơ quan trọng nhất gây tức giận đối với Mỹ là tôn giáo. Sự tuyên truyền của Osama Bin Laden tập trung vào các chính sách của Mỹ nhiều hơn vào giáo lý thần học. Với tư cách là một nhà báo và chuyên gia về Al Qaeda, Peter Bergen nói với chúng tôi: “Đó là các hoạt động chính trị, thật ngu xuẩn”. 

2 - Hãy bỏ quan niệm“những người ôn hòa so với các phần tử cực đoan”

Cùng với việc giải quyết mang tính tôn giáo là sự tách bạch sai lầm nữa: giữa “những người ôn hòa” và “các phần tử cực đoan”. Cách thức mà những thuật ngữ này được sử dụng, thường không rõ “những người ôn hòa” là ôn hòa về cái gì. Đặt từ này trong bối cảnh khác, và nó có thể rõ ràng hơn: Một người Cơ Đốc giáo ôn hòa là gì? Có phải có nghĩa là một người nào đó bỏ phiếu cho các đảng phái chính trị theo xu hướng chủ đạo hay không, hoặc người nào đó chấp nhận hôn nhân đồng giới, hay chỉ là người nào đó bác bỏ việc sử dụng bạo lực chống lại các bệnh viện nạo thai? Thuật ngữ này khi được sử dụng về người Hồi giáo gây ra sự lẫn lộn tương tự. 

Điều đó cũng có hại cho các liên minh mà Mỹ muốn tạo dựng. Thuật ngữ “người Hồi giáo ôn hòa” có những hàm ý tiêu cực khi được dịch sang tiếng Arập, và do đó việc gán cho các nhà lãnh đạo cái mác như vậy là có vấn đề. Nó chuyển tải ý kiến về việc họ suy giảm lòng tin và không hết lòng vì tôn giáo của họ, do đó làm cho họ không hợp pháp trong con mắt người dân của mình. Hơn nữa, ôn hòa cũng có những hàm ý về thái độ thờ ơ và do đó không theo một tín ngưỡng nào đó. Chắc chắn, Mỹ không muốn có sự ủng hộ hay các liên minh “ôn hòa”, thay vì những liên minh được xây dựng trên những niềm tin mạnh mẽ và sự tin cậy vững chắc. 

Tác động của việc sử dụng ngôn từ này là người Hồi giáo bị cho là tội lỗi cho đến khi được gắn cái mác ôn hòa. Đường hướng này phần lớn ra đời trong tuyên bố của Tổng thống George W. Bush rằng “hoặc các anh đứng về phía chúng tôi, hoặc các anh đứng về phía các phần tử khủng bố”. Nhưng những người mà Mỹ nhằm vào để giành thắng lợi không phải là cực đoan cũng không phải ôn hòa - họ thường là đa số im lặng cung cấp sự sống cho bất cứ hệ tư tưởng nào sẽ biến thành hành động, hoặc tích cực hoặc tiêu cực. 

Do đó những cái mác về chủ nghĩa cực đoan hay ôn hòa là không đúng và không hữu ích. Thay vào đó, Mỹ cần sử dụng mô hình đối đầu với sự bất ổn định và tội ác. Chẳng hạn, Xômali gánh chịu tội ác có tổ chức và thiếu sự quản lý chính quyền khiến cho các băng nhóm tội phạm đi lại nhởn nhơ trên các đường phố Mogadishu . Al Qaeda đã lợi dụng tình hình khi các những tên trùm các băng nhóm tội phạm lôi kéo những người trẻ tuổi, tuyệt vọng bằng cách gắn cho họ nhãn hiệu tôn giáo thông qua các tổ chức như Al-Shabab, tổ chức nổi loạn chiến đấu ở Xômali. Khi các quan chức Mỹ nhắc lại nhãn hiệu tôn giáo này trong các tuyên bố công khai của họ - đề cập đến Al-Shabab chỉ như các phần tử cực đoan tôn giáo - họ vô tình hợp pháp hóa chúng. 

Hầu hết các quan chức trong chính quyền Obama thận trọng trong việc sử dụng những thuật ngữ gây tranh cãi này trong các cuộc nổi dậy ở Trung Đông được bắt đầu ở Tuynidi và Ai Cập vào đầu năm nay. Hơn nữa, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh một cách đúng đắn bản chất duy nhất của mỗi nước trong các tuyên bố chung. Tuy nhiên, trong khi xác định rõ những diễn biến trong khu vực đồng thời đề cập đến tổ chức ủng hộ Ixraen, ủng hộ hòa bình J Street, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Obama là Dennis Ross nói rằng “sự thay đổi ở Ai Cập đã gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực; Ai Cập là một trụ cột của việc theo đuổi hòa bình của Ixraen. Điều chúng ta không muốn nhất là thấy các phần tử cực đoan được hưởng lợi từ tình hình này”. Ross, là công cụ trong việc vạch chính sách đối với Trung Đông của Nhà Trắng, nêu lên vấn đề “chủ nghĩa cực đoan”, thay vì yêu cầu bất cứ ai lên cầm quyền ở Ai Cập phải tôn trọng các thỏa thuận quốc tế và đảm bảo hòa bình cho nhân dân của họ và người dân bên ngoài phạm vi nước họ. Việc rêu rao nhóm này hay nhóm khác là cực đoan sẽ chỉ làm cho họ xa lánh và khuyến khích những người ủng hộ họ mà thôi.

3- Can dự với giới truyền thông khu vực 

Vào thời điểm viết bài báo này, vẫn chưa có một thông báo cụ thể nào của Nhà Trắng, Cơ quan An ninh Quốc gia, hay Bộ Ngoại giao cho các nhà báo Arập về lập trường của Mỹ liên quan đến những thay đổi mạnh mẽ ở Trung Đông. Trong ngày nghỉ cuối tuần cuối cùng của tháng 1, đã chứng kiến sự khởi đầu của cuộc cách mạng ở Ai Cập, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã trả lời 6 cuộc phỏng vấn trên truyền hình với 6 kênh thời sự của Mỹ - nhưng không trả lời phỏng vấn một hãng truyền thông Arập hay châu Phi nào. Rất lâu sau việc này là ba cuộc phỏng vấn ngắn mà Hillary Clinton đã thực hiện với 3 ba đài truyền hình tiếng Arập, nhưng chúng phần lớn tập trung vào Iran . Như Joseph Nye lập luận, “các cơ quan báo chí nước ngoài phải là mục tiêu quan trọng nhất cho khía cạnh đầu tiên của nền ngoại giao nhân dân”. Trên thực tế, các cơ quan báo chí nước ngoài - cụ thể là các nhà báo Arập, Ápganixtan, và Pakixtan - thường bị lãng quên. 

Có một số ngoại lệ. Tổng thống Obama đã dành cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông với tư cách là tổng thống trên truyền hình cho một kênh tuyền hình Arập, Al-Arabiya. Sau khi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak thoái vị, Ngoại Hillary Clinton đã có một cuộc phỏng vấn với Masrawy.com, một trong những cổng thông tin trên mạng nổi tiếng nhất ở Ai Cập: 7000 câu hỏi được thu thập trên mạng và từ Quảng trường Tahrir. Mỹ đã làm một việc lớn sau năm 2001 bằng cách thành lập các trung tâm truyền thông ở Đubai, Luân Đôn, và Brúcxen để hợp tác với các phương tiện truyền thông tại địa bàn, với những phát thanh viên thành thạo tiếng Arập. Các chiến dịch mềm dẻo hơn của Mỹ, nhằm thúc đẩy những giá trị Mỹ hoặc chứng tỏ rằng Mỹ đối xử tốt với các công dân Hồi giáo của mình, dành cho họ vị trí và cũng sử dụng họ. Và việc Mỹ sử dụng các phương tiện truyền thông mới - từ việc đánh đi những tin nhắn SMS ngay lập tức về bài phát biểu tại Cairô của Tổng thống Obama tới việc tích cực trên mạng twitter và YouTube - là ví dụ. Nhưng không có gì trong số những việc này thay thế cho điều mà Arập thực sự muốn thấy: các nhà hoạch định chính sách can dự với họ trực tiếp công khai về các chính sách của Mỹ với thái độ chân thành và công khai minh bạch. Điều này đặc biệt thích hợp với làn sóng nổi dậy trong thế giới Arập làm nổi bật lên sự tách rời giữa dư luận quần chúng và giới quan chức ở nhiều nơi trong khu vực. Đối với các vấn đề mà ở đó Mỹ đang áp dụng các chính sách mà nước này biết rằng sẽ không hợp với các cử tọa Trung Đông, nước này ít nhất cần tìm cách giải thích lý do hợp lý đằng sau các chính sách đó, hoặc giúp đỡ những người khác, như các nhà báo Arập, làm như vậy. 

Phần lớn các buổi thông báo tình hình cấp cao tại Nhà Trắng đề cập đến những vấn đề khu vực và giải thích những sắc thái của chính sách của Mỹ chỉ công khai với báo chí Mỹ - loại trừ các nhà báo từ khu vực này. Khi Mỹ làm việc với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2010 nhằm chấm dứt phần lớn những Nghị quyết về Irắc theo Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc, những nghị quyết xử lý các biện pháp trừng phạt được áp đặt dưới chế độ của Saddam Hussein, thì các nhà báo Mỹ là những người đã được thông báo về những nỗ lực này - trong khi các nhà báo Arập, chính những người sẽ giải thích cho các độc giả Arập về những diễn biến này và sự tác động tích cực của nó đối với Irắc, đã bị loại ra. 

Mỹ cũng có thể được hưởng lợi từ sự can thiệp không chính thức hơn với các chủ bút báo chí và truyền hình, để những người định hình dư luận đó có thể hiểu rõ hơn quan điểm của Mỹ về các vấn đề then chốt trong khu vực về lâu dài – không chỉ các cuộc phỏng vấn nhanh mà tác động của nó chỉ kéo dài chừng nào một tiêu điểm đưa tin vẫn còn thích hợp. Hiểu rõ về nhu cầu thực tế hơn của giới truyền thông khu vực cũng sẽ có tác dụng: chẳng hạn, chú ý nhiều hơn đến hạn chót và các múi giờ trong khu vực. Lời bác bỏ được đưa ra vào 4 giờ chiều giờ Oasinhtơn đối với một sự kiện diễn ra vào 8 giờ sáng giờ Bâyrút có nghĩa là tất cả giới đưa tin trong khu vực đã dành ngày hôm đó đưa tin về một sự kiện mà không có ý kiến hay phản ứng nào của Mỹ. 

Chúng tôi đưa ra những điểm này với sự đề cập cụ thể tới giới truyền thông Arập, nhưng những hoàn cảnh tương tự cũng có ở Ápganixtan. Mỹ có một số lượng nhỏ binh lính và các quan chức có thể giao tiếp có hiệu quả bằng tiếng Dari và Pashto, nhưng họ hiếm khi xuất hiện trên truyền hình Ápganixtan để thông tin trực tiếp với dân chúng Ápganixtan (chưa có một người Ápganixtan nào trong số người quen của chúng tôi nhìn thấy điều này diễn ra). Đó là một điều đáng tiếc: một bản báo cáo vào cuối năm 2010 do Tổ chức Open Society Foundations đưa ra đã nêu bật lên sự “thiếu lòng tin” giữa dân chúng Ápganixtan và cộng đồng quốc tế, được thể hiện mạnh mẽ bằng các cuộc nổi loạn chống người nước ngoài sau hành động đốt kinh Côran của Pastor Terry Jones ở Florida vào tháng 3/2011. Tayeb Jawad, cựu đại sứ Ápganixtan tại Mỹ, đã nói với chúng tôi rằng sự lo ngại của dân chúng Ápganixtan về các vấn đề như việc rút dần theo kế hoạch các lực lượng Mỹ vào tháng 7 năm nay, và triển vọng về các cuộc đàm phán với Taliban, cần được đề cập với “một tuyên bố công khai rõ ràng … được đưa ra cho người dân ở Cabun, chứ không phải Brúcxen hay Oasinhtơn”. 

4- Đừng “thất bản” trong dịch thuật 

Đại sứ Ronald Neumann đã phục vụ ở Irắc và Ápganixtan. Hiện là Chủ tịch của Học viện Ngoại giao Mỹ, ông đã thương lượng với các tộc trưởng ở Fallujah năm 2004, ngay trước khi Lính thủy đánh bộ tiến hành các hoạt động ở đó (một sự kiện được biết đến như là trận chiến Fallujah thứ hai). Bản thân là một người biết nói tiếng Arập, tuy nhiên ông đã mượn một người phiên dịch từ Tư lệnh quân đoàn Lính thủy đánh bộ để đảm bảo rằng không có sai sót nào. Nhưng khi ông nghe người phiên dịch dịch lại những gì ông đã nói, ông nhận thấy rằng những phần quan trọng của thông điệp bị bỏ sót. Ông đã phải ba lần ngắt lời để chỉnh sửa lời dịch. Được phỏng vấn cho bài viết này, ông đã nói với chúng tôi, “tôi không biết chúng tôi đã làm hại bao nhiêu người vì chúng tôi cho rằng chúng tôi đã nói với họ điều mà họ đã không nghe được”. 

Nếu ông này không phải là người biết tiếng Arập, thì ông không bao giờ có thể biết rằng thông điệp của ông bị dịch sai. Năm 2003 ở Basra, một lữ đoàn trưởng người Anh, tìm cách thiết lập mối quan hệ làm việc với người Irắc trong hội đồng thành phố mới được thành lập, đã bối rối rằng họ dường như muốn nêu lên vấn đề tôn giáo, khi ông đơn thuần muốn khẳng định với họ rằng binh lính Anh “đã đến Basra với thiện ý”. Ông không biết rằng người phiên dịch đã dịch lời của ông là “chúng tôi đã mang đến một tôn giáo tốt đẹp”. Ông may mắn rằng hội đồng thành phố không coi tuyên bố lẫn lộn này là một nỗ lực cải đạo của họ sang Cơ Đốc giáo. 

Như Neumann đã nhận xét, những người phiên dịch thường không thông thạo cả tiếng Arập lẫn tiếng Anh. Nhiều nhà ngoại giao hoặc binh lính Mỹ được đào tạo sử dụng làm phiên dịch cũng vậy (tóm tắt trước cho họ những gì mà anh sẽ nói, sử dụng những câu ngắn gọn không có biệt ngữ, và luôn phải dừng lại). May mắn, Mỹ đã có một số quan chức có khả năng nói trên truyền hình và đài phát thanh và trả lời các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Arập, đặc biệt sau năm 2001. Điều này tạo ra những cơ hội để họ làm sáng tỏ những vấn đề đã gây ra sự phản đối các chính sách và cách ứng xử của Mỹ do hiểu nhầm. Ana Escrogima, một người phát ngôn Bộ ngoại giao ở Đubai từ năm 2007 đến năm 2010, giải thích: “Tôi sẽ không thể làm được việc theo cách mà tôi đã làm nếu không biết tiếng Arập. Chỉ có kỹ năng ngôn ngữ để hiểu được giới truyền thông và các sắc thái trong tuyên bố của các nhân vật chính trị, các học giả và những người đưa ra ý kiến – để theo dõi về cơ bản các cuộc đối thoại đang diễn ra ở tất cả các cấp – và điều đó đem lại cách thức khiến tôi có thể giải quyết được các vấn đề … người ta cũng phải lắng nghe và học cách lắng nghe, như tỏ ý tôn trọng trong khi lắng nghe. Việc thiết lập kiểu quan hệ tốt đó, thậm chí trước khi nói ra một từ về chính sách, tạo ra sự cởi mở cho thông điệp”.

Số người có khả năng về ngôn ngữ như vậy là rất ít trong Bộ Ngoại giao. Số người này cũng rất ít trong cộng đồng truyền thông và tư vấn. Kết quả là việc hoạch định chính sách bị ảnh hưởng nhiều bởi các nguồn tiếng Anh và những người nói tiếng Anh, gần như tất cả số họ thuộc về giới tinh hoa có học thức tốt. Quá thường xuyên, các sứ quán biết được một nhóm nào đó các thành viên nổi tiếng trong xã hội và sẽ can dự với nhóm lựa chọn đó, mà không mất thời gian để mở ra những khả năng có những người đối thoại mới. Điều này có những ảnh hưởng đáng lo ngại không chỉ đối với các mối quan hệ của Mỹ ở nhiều nước, mà còn hạn chế thu thập tin tức chính xác và đầy đủ về một đất nước nào đó. 

Tác phẩm Người Mỹ xấu xí , được viết năm 1958, đã yêu cầu các độc giả “suy nghĩ, một lát, về cái giá mà chúng ta phải trả mỗi khi một đại diện chính thức của Mỹ yêu cầu người bản địa nói tiếng Anh, hoặc là sẽ không được lắng nghe”. Khi nào là lần cuối cùng một nhà lãnh đạo chính trị từ Trung Đông hay Ápganixtan không nói tiếng Anh mà vẫn nhận được sự chú ý thiện cảm ở Oasinhtơn hay Luân Đôn? Không có gì ngạc nhiên sự được lòng dân của trào lưu chính thống và sự bất mãn của người nghèo vẫn còn gây ra vấn đề rắc rối cho các nhà hoạch định chính sách ở cả hai thủ đô. 

5- Kiên trì và nhất quán 

Bài phát biểu tại Cairô năm 2009 của Tổng thống Obama về một “Sự khởi đầu mới” là một thành công lớn tiêu biểu, thể hiện một số lập trường có nguyên tắc. Nhưng việc thực thi các nguyên tắc đó là không nhất quán, thậm chí đi đến chỗ hủy bỏ trên thực tế đề nghị đóng cửa trại giam Guantanamo . Lý do việc Mỹ đang nhận được sự ủng hộ quá tồi tệ ở phần lớn thế giới Hồi giáo có thể thậm chí là bài phát biểu ở Cairô đã làm dấy lên những hy vọng – mà không có những thành công về chính sách mà các cử tọa của nó trông đợi sẽ theo sau. Theo tổ chức Gallup, tỉ lệ ủng hộ Mỹ ở Angiêri, chẳng hạn, năm 2008 là 25%, đã lên đến 43% vào cuối năm 2009, chỉ để giảm xuống 30% vào cuối năm 2010. Mô thức này đã được Gallup lưu ý ở tất cả các nước Trung Đông và Bắc Phi nơi nó tiến hành thăm dò. Shadi Hamid thuộc Trung tâm Brookings Doha nói với chúng tôi rằng “bài phát biểu dường như hứa hẹn rất nhiều, nhưng thực hiện rất ít trong những tháng tiếp theo… điều một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề của Mỹ: lời lẽ hoa mỹ thường rất hay, nhưng chính sách tiếp theo thậm chí chưa bao giờ đi liền với lời lẽ hoa mỹ đó”. 

Mỹ đã phải đối mặt với một thách thức về chính sách vào mùa Xuân năm nay khi các cuộc nổi dậy của dân chúng ở Tuynidi, Ai Cập, và các nơi khác đã đẩy các chính phủ độc đoán, mà cũng là các đồng minh của Mỹ, ra khỏi vị trí nắm quyền. Dân chúng Mỹ nói chung ủng hộ những người biểu tình, đặc biệt khi các cuộc biểu tình hòa bình của họ trong một số trường hợp được ứng phó bằng bạo lực. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ thận trọng hơn, chẳng hạn gia tăng giọng điệu về Ai Cập chỉ sau khi Tổng thống Mubarak từ chức. 

Điều này là có thể hiểu được: Mỹ bảo vệ các đồng minh của mình và những lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, Mỹ là quốc gia duy nhất mà người dân Mỹ và nhân dân các nước khác trên khắp thế giới mong muốn thúc đẩy các giá trị chung. Một số nhà ngoại giao và các quan chức Mỹ chỉ rõ cho chúng tôi rằng các cường quốc nước ngoài khác có ảnh hưởng trong khu vực, như Pháp hoặc Trung Quốc, không được lấy làm chuẩn mực tương tự như Mỹ và không bị soi xét theo cách tương tự. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng không công bằng. Mỹ đã đề ra những chuẩn mực cao hơn cho chính mình; vì các quan chức Mỹ lên tiếng ủng hộ tự do và nhân quyền và Mỹ tuyên bố có các chính sách “dựa trên giá trị”, đến lượt mình họ phải thực sự ủng hộ những giá trị này. Nếu không, những khẩu hiệu của họ sẽ không được lắng nghe. 

Tuy nhiên, có một con đường ở giữa, và có những dấu hiệu vào mùa Xuân này cho thấy Mỹ muốn theo đuổi con đường đó. Nó đòi hỏi hạn chế những mong muốn mà nhiều người đã bộc lộ ở Trung Đông – nhằm làm giảm hình ảnh của một nước Mỹ vô song. Một số cựu đại sứ đã cho rằng một nhiệm vụ của các nhà thông tin Mỹ cần phải là giải thích rõ ràng và nhiều lần rằng chế độ của Mỹ không được cai trị bởi một người, như nhiều nước Arập là như vậy, mà thay vào đó có nhiều trung tâm quyền lực cạnh tranh. 

Các quan chức Mỹ cũng cần xem xét những thông điệp hoặc được đưa ra một cách khác đối với Trung Đông hoặc được hiểu theo cách khác. Một ví dụ có liên quan đến việc Mỹ kết thúc các hoạt động quân sự của mình và rút quân khỏi Irắc vào cuối năm 2011. Trong khi các quan chức Mỹ giải thích cho một cử tọa Mỹ rằng họ có ý định tuân thủ thời gian biểu do Thỏa thuận về Quy chế Lực lượng đề ra, các quan chức này đã không thông tin có hiệu quả cho các cử tọa Irắc và Arập. Đường lối chính sách là rút tất cả binh lính trừ phi chính phủ Irắc yêu cầu Mỹ ở lại (chính sách này được khẳng định mà không đề cập lý do tại sao Mỹ muốn duy trì sự có mặt quân sự nếu được yêu cầu). Điều này ngay lập tức dẫn đến những nghi ngờ rằng Mỹ có thể quyết định duy trì sự có mặt quân sự sau năm 2011. Thay vào đó, một nỗ lực cần được thực hiện để lý giải những lợi ích của Mỹ về việc ở lại hay ra đi và việc này có liên quan như thế nào đến những lợi ích của Irắc trong việc duy trì sự ổn định hoặc ủng hộ các hoạt động tình báo. 

Việc thực hiện một đường hướng nhất quán và kiên trì có thể góp phần xua tan nỗi lo lắng của người phương Tây ở Trung Đông: học thuyết mưu đồ. Các nhà ngoại giao Mỹ lưu ý rằng những học thuyết mưu đồ sẽ đổ lỗi cho Mỹ về mọi việc tồi tệ diễn ra. (Nếu đây là sự an ủi nào đó, thì Anh cũng như vậy: ở Iran cho đến hiện nay, người Iran buộc tội Anh là nước hậu thuẫn bí mật cho các giáo chủ. Ở Ápganixtan, người Pashtun nói rằng Anh bí mật bảo trợ cho việc buôn bán ma túy. Tất cả những chuyện này, dù hiện nay chúng dường như có thể không có cơ sở thế nào đi nữa, thường có đôi chút sự thật lịch sử). Những học thuyết mưu đồ không phải là duy nhất đối với Trung Đông. Như các công trình nghiên cứu xã hội học cho thấy, các học thuyết này có xu hướng phát triển trong những người bị căng thẳng, và những người thiếu tin tưởng vào các nguồn tin chính thức. Chúng phổ biến ở Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và đôi lúc vào những thời điểm căng thẳng sắc tộc cao độ vào những năm 1960. 

Phản ứng mà các nhà chức trách nhận thấy đã phát huy tác dụng tốt nhất là duy trì danh tiếng cho về sự công khai và nói rõ sự thật. Edward R. Murrow, cựu giám đốc Cơ quan Thông tin Mỹ, đã giải thích trong một cuộc điều trần tháng 5/1963 trước một ủy ban quốc hội: “Các truyền thống Mỹ và đạo lý Mỹ đòi hỏi chúng ta phải trung thực, nhưng lý do quan trọng nhất là sự thật là sự tuyên truyền tốt nhất và dối trá là sự tuyên truyền tồi tệ nhất. Để có sức thuyết phục chúng ta phải được tin tưởng; để được tin tưởng chúng ta phải đáng tin cậy; để đáng tin cậy chúng ta phải chân thật. Chỉ đơn giản vậy thôi”.

6- Không né tránh vấn đề 

Vào đầu năm 2011, các nước Arập đã làm việc để đưa ra một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án hoạt động định cư của Ixraen. Nghị quyết này được đề ra phù hợp với các chính sách mà Mỹ đã công khai ủng hộ trước đây. Tuy nhiên, chính quyền Obama đã nhanh chóng phủ quyết nghị quyết này. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng “chúng tôi không coi hành động tại Liên Hợp Quốc hoặc bất cứ diễn đàn nào khác là có ích trong việc mang lại kết quả mong muốn” về một giải pháp hai nước. Đây là một đường lối chính sách chủ yếu đã được các quan chức Mỹ nhắc lại hàng ngày trong suốt một tuần tranh luận sôi nổi về lập trường gây tranh cãi của Mỹ.

Đây là một sai lầm. Các quan chức Mỹ ít nhất cần thời gian để giải thích về chính sách của họ. Thay vào đó, họ từ chối can dự vào một cuộc thảo luận về những chi tiết trong nghị quyết này, giới hạn lập trường của họ ở việc nhắc lại theo nghĩa đen một số đường lối chính sách được gửi đến cho các nhà báo qua thư điện tử hoặc từ diễn đàn của người phát ngôn. Với một vấn đề gây tranh cãi như vậy, việc làm này là chưa đủ.

Do không tự mình giải thích, Mỹ có nguy cơ như là tìm cách lảng tránh. Trong bài xã luận ngày 23/1/2011, báo The National , nhật báo tiếng Anh hàng đầu có trụ sở ở Abu Dhabi, đã nêu lên câu hỏi sau: “Có phải chính sách của Mỹ đã thay đổi … hay nước này không nói đúng sự thật về chính sách của mình?” Vế sau của câu hỏi thường được đồng tình trong thế giới Arập. 

Trên thực tế, sẽ là tốt hơn nếu giải thích về chính sách cho dù điều đó gây khó chịu. Đây là đường hướng của Alastair Campbell, với tư cách là phụ trách truyền thông của Tony Blair, khi được Blair trao nhiệm vụ sau sự kiện 11/9/2001 về việc đưa tiếng nói của Anh lên làn sóng phát thanh Arập: “Khi Công đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1997 ở Anh, chúng tôi đã làm được điều đó bằng cách chìa tay cho các cử tọa có truyền thống nghi ngờ hoặc thù địch thực sự. Và điều đó có nghĩa là giải quyết những lo ngại trước mắt của họ, và nếu chúng tôi không thể thuyết phục được họ, thì cũng ít nhất đảm bảo rằng họ biết chúng tôi phải nói gì. Sự kiện 11/9/2001 đã làm thay đổi rất nhiều, và một điều làm cho tôi hiểu rõ là tất cả các nền dân chủ chính ở phương Tây đã làm một công việc kém cỏi làm sao trong khi tiến tới một cuộc đối thoại thực sự với Hồi giáo và về Hồi giáo. Điều đó có nghĩa là các đối thủ của chúng tôi có thể dễ dàng lôi kéo những lập luận thù địch chống lại chúng tôi và ủng hộ những học thuyết mưu đồ”. 

Campbell muốn người Anh xuất hiện trên truyền hình toàn Arập, trong đó có kênh truyền hình gây tranh cãi Al-Jazeera, đã nói một cách thẳng thắn: “Chìa khóa cho phương tiện thông tin chiến lược là nói rõ về những thông điệp của bạn và thông tin cho họ một cách rõ ràng và khéo léo, đồng thời hiểu rằng phải mất thời gian để gây ấn tượng cho một điểm hoặc một lập luận quan trọng. Đây là một phần của thế giới vốn nghi ngờ Anh và Mỹ, hoặc thậm chí thù địch, và Bin Laden và những người ủng hộ hắn đang chi phối phương tiện truyền thông vệ tinh Arập trong một phạm vi rộng lớn mà không có bất ai từ các chính phủ phương Tây ở đó để bác bỏ hắn. Chúng ta cần có người của chúng ta biết nói tiếng Arập, trên các phương tiện truyền thông Arập, giải quyết những vấn đề gây tranh cãi – những vấn đề làm cho người dân tức giận – cho dù điều đó có nghĩa là bản thân những vấn đề này sẽ phần nào trở nên nóng bỏng”. 

Trong khi can dự với các tổ chức phi chính phủ hoặc các nhà báo viết về chính trị, các quan chức Mỹ không thể hy vọng tránh được các cuộc thảo luận về các vấn đề chính sách. Các chức danh then chốt đã được bổ nhiệm để giải quyết sự bất mãn từ bên ngoài với các chính sách của Mỹ, chẳng hạn, Thứ trưởng phụ trách Ngoại giao nhân dân và Đại diện đặc biệt về các Cộng đồng Hồi giáo. Tuy nhiên, phạm vi trách nhiệm của các chức vụ này rõ ràng loại trừ việc vạch quyết định về những quan tâm chính sách của cùng các cử tọa mà họ muốn nói với. Họ thường là các quan chức chủ yếu, và thường là các quan chức duy nhất, được phái đi nói chuyện với các tổ chức xã hội dân sự thường có những nghi ngờ về Mỹ xuất phát từ một góc độ chính sách cụ thể. Do đó, việc không giải quyết các vấn đề trực tiếp thường làm giảm tác động của những nỗ lực nghiêm chỉnh mà các quan chức ngoại giao nhân dân của Mỹ thực hiện và làm cho các đồng minh tiềm tàng hoặc những người ủng hộ xa lánh ở bất cứ nước nào.

7- Làm việc thông qua các đồng minh

Việc đưa các nhà ngoại giao lên truyền hình là một việc đúng đắn phải làm; nhưng đây không phải là cách duy nhất, hoặc thậm chí tốt nhất, để thay đổi dư luận của nhân dân. Cách tốt nhất mà dư luận có thể được thay đổi trong các xã hội Trung Đông là thông qua các cuộc tranh luận trong nước của họ - tất nhiên được chỉ đạo bởi những người hình thành dư luận của chính họ. Hầu hết các chuyên gia mà chúng tôi nói chuyện để chuẩn bị cho bài viết này đều cho rằng ưu tiên đầu tiên của họ sẽ là tìm kiếm, theo lời của Đại sứ Neumann, “người nào có tín nhiệm với các cử tọa địa phương và cách nào là tốt nhất để giành được sự hiểu biết từ phía họ?” Những người đó có thể là các chủ bút, các nhà báo, các nhà viết kịch, các nhà thơ, hoặc (rõ ràng nhất, có thể) các nhà chính trị được các cử tọa coi là đồng cảm.

Mỹ không thể mong muốn người dân Trung Đông nhắc lại các quan điểm của mình và ủng hộ các chính sách của mình một cách không dè dặt. Mỹ không thể đặt điều cho họ được. Mặc dù, điều này có nghĩa là khả năng của chính phủ Mỹ khuyến khích các xu hướng dân chủ và tự do trong xã hội Arập là rất hạn chế. Ở Cairô vào tháng 1/2011, cả những người biểu tình chống chính phủ lẫn ủng hộ chính phủ đều cho rằng phía bên kia được Mỹ ủng hộ; theo Stephen Grand thuộc Viện Brookings, như thể Mỹ có khả năng biến mọi thứ mà mình chạm đến thành vàng (như vua Midas của Hy Lạp vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên). Mặc dù vậy điều mà Mỹ có thể làm là khuyến khích các chính phủ khác đóng một vai trò trong việc khuyến khích dân chủ và chủ nghĩa tự do. Vì một lẽ, điều này có nghĩa là liên minh châu Âu đang ngày càng can dự với khu vực.

Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ có thể cảm thấy an tâm từ những thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong các mối quan hệ công chúng. Đã từng không được tin cậy trong hầu hết thế giới Arập do sự tức giận còn lại từ thời Đế chế Ottoman và kỷ nguyên Mustafa Kemal Ataturk, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một sự cải thiện chưa từng thấy trong các mối quan hệ Arập – Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất phát từ việc bãi bỏ những hạn chế thị thực đối với việc xuất khẩu các vở opera dài kỳ lồng tiếng Arập, Thổ Nhĩ Kỳ đã thâm nhập vào các gia đình và tâm trí của hàng triệu người Arập. Điều này đi đôi với một chính sách đối ngoại được nhằm đảm bảo cho vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực như một quốc gia có ảnh hưởng lớn và là bạn bè của tất cả các bên. Trong khi liên minh có tính lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ với Ixraen tiếp tục là một khía cạnh có ý nghĩa trong chính sách đối ngoại của nước này, sự chỉ trích công khai của Ankara về các cuộc chiến tranh ở dải Gaza và Libăng đã giành được nhiều sự ủng hộ.

Tất nhiên, Mỹ không thể làm theo chính xác cùng một chính sách đối ngoại, và vị trí địa lý và dân số đa số là người Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là nước này đã có những lợi thế nhất định mà Mỹ sẽ không bao giờ có được. Tuy nhiên, một bài học có thể được học từ Cố vấn Trưởng Ibrahim Kalin của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, cũng là Quan chức chủ yếu của nền Ngoại giao Nhân dân. Kalin giải thích rằng “chúng tôi có một khả năng ngày càng tăng về quyền lực mềm … chính sách của chúng tôi vừa có nguyên tắc vừa mang tính thực tế, đồng thời nói thêm rằng “trao quyền lẫn nhau” là then chốt. Điều này có nghĩa là nhân dân khu vực này biết rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các quan hệ kinh tế, thì phải tăng cường cả buôn bán lẫn các doanh nghiệp địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ; điều tương tự áp dụng đối với việc tạo dựng sự ủng hộ chính trị hoặc viện trợ. 

Mỹ vẫn có tầm quan trọng duy nhất 

Bài báo này đã hoàn toàn nói về Mỹ. Đó là vì khả năng không gì sánh được của nước này về việc gây ảnh hưởng đối với Trung Đông dù tốt hay xấu (mặc dù vị thế duy nhất này là không được đảm bảo, đặc biệt với những thay đổi đang lan rộng trong khu vực). Ngoài các chương trình viện trợ và hợp tác quân sự, có một câu hỏi ở đây về sự lãnh đạo có đạo đức. Vì chừng nào Mỹ, nước dân chủ tự do hàng đầu thế giới, vẫn chưa được lòng dân, nước này vẫn có một tác động gây nhụt chí đối với những người ở bên trong Trung Đông ủng hộ dân chủ và những giá trị tự do. Có một nhu cầu cấp thiết bắt buộc phải hàn gắn sự thiếu lòng tin trong các mối quan hệ của Mỹ với nhân dân khu vực. Nếu họ không thấy người Mỹ đang bảo vệ hoặc giải thích về các chính sách của chính Mỹ, thì họ ít có khả năng hơn bộc bạch chính mình. Mỹ - chính phủ và nhân dân nước này - vì vậy phải tìm kiếm tiếng nói của mình ở Trung Đông, và hãy lắng nghe. Nếu Mỹ bắt đầu bằng cách tuân theo 7 nguyên tắc này, thì Mỹ có thể đi theo hướng đó./. 

  Theo The Washington Quarterly (Số hè 2011)

 Vũ Hiền (gt)