Tóm tắt

• Quân đội Thái Lan đã lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chính vào ngày 22/5/2014. Bài viết này đưa ra câu hỏi rằng liệu cuộc đảo chính này có khác với các cuộc đảo chính trước đó về bản chất của chế độ mà nó hiện đã thiết lập hay không.

• Nhiều khía cạnh của các chính sách của chính quyền quân sự hiện tại quả thực khác với các khía cạnh của các cuộc đảo chính trước đó. Các khía cạnh này bao gồm sự hiện diện của quân đội ở khắp nơi, sự trấn áp thẳng tay đối với bất đồng chính kiến, sự tập trung hóa quyền lực, sự kiểm duyệt trên diện rộng, và lịch trình không chắc chắn trước khi một Hiến pháp mới được thông qua và bầu cử được tiến hành.

• Trọng tâm của các chính sách của chính quyền quân sự nhằm vào việc phá hủy bộ máy chính trị được thiết lập dưới thời Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra. Các biện pháp mà Thaksin thực hiện trong năm 2001-2006 đã đe dọa giới tinh hoa truyền thống, vốn chiếm ưu thế dưới thời “chính thể quan liêu”. Chúng cũng đe dọa sức ảnh hưởng của phe bảo hoàng mà Duncan McCargo gọi là “nền quân chủ mạng lưới”. Ông đã nỗ lực để hiện đại hóa hệ thống chính trị Thái Lan bằng cách tạo dựng một chính thể mạnh mẽ do Thủ tướng lãnh đạo và phớt lờ các thành trì quyền lực truyền thống của giới tinh hoa.

• Cả “chính thể quan liêu” lẫn “nền quân chủ mạng lưới” đều bao hàm một nhà nước yếu kém, cùng với quan niệm rằng sự cân bằng tổng hợp các lực lượng làm cản trở sự nổi lên của một chính phủ mạnh mẽ ở Thái Lan, như đã xảy ra ở một số quốc gia nhất định của Đông Á.

• Để chống lại các biện pháp của Thaksin, và để loại bỏ cái được xem là cơ sở quyền lực của ông (sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri từ các khu vực tương đối nghèo ở các khu vực phía Đông Bắc và phía Bắc), chính quyền quân sự đã bám chặt vào quyền lực của nó tới một mức độ lớn hơn so với các cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra trước đó.

• Đồng thời, sức ảnh hưởng của nền quân chủ mạng lưới đã dựa vào việc nó là một đối trọng giữa các phe phái, một vai trò mà việc củng cố chế độ quân sự hiện nay có thể làm xói mòn.

Mở đầu

Tình hình chính trị ở Thái Lan hiện nay thu hút nhiều sự chú ý, cả nói chung lẫn từ phía các học giả. Chúng ta nên cố gắng hiểu được bản chất và bối cảnh của cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra vào ngày 22/5/2014.

Những câu hỏi được đặt ra trong bài viết này bao gồm: Có phải cuộc đảo chính hiện nay chỉ đơn thuần là một sự tiếp nối các cuộc đảo chính quân sự đã đánh dấu lịch sử chính trị của Thái Lan (đây là cuộc đảo chính thứ 19 kể từ khi nền quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1932, 12 cuộc đảo chính trong số đó đã thành công), hay phải chăng nó là một điều gì đó mới mẻ? Phải chăng nó là một sự trở lại của “chính thể quan liêu” được Riggs xác định vào những năm 1960, hay phải chăng chính thể quan liêu đã thay đổi về cơ bản?

Tóm lại, tôi (tác giả bài viết) cho rằng chúng ta thực tế đang chứng kiến một điều gì đó khá mới lạ. Bản chất của chính thể quan liêu truyền thống là duy trì một nhà nước yếu kém nhưng hoạt động đúng chức năng, trong khi các chính sách của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra lại nỗ lực biến Thái Lan thành một đất nước hiện đại và mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong nỗ lực nhằm tiêu diệt các lực lượng ủng hộ Thaksin, quân đội đã đảm đương vai trò của một nhà nước mạnh mẽ. Do đó, quyền lực hiện nay của quân đội kéo theo những sự thay đổi sâu sắc về cơ cấu và bao phủ một phạm vi lớn hơn trước đây.

Tuy vậy, chúng ta nên tiếp cận chủ đề này một cách thận trọng. Cuộc đảo chính này chỉ mới xảy ra vài tháng trước. Thủ lĩnh của cuộc đảo chính, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã trở thành Thủ tướng, có một nội các được bổ nhiệm, và có lộ trình cho một hiến pháp mới, hội đồng lập pháp, và bầu cử. Nhưng vẫn còn quá sớm để biết được những ý định về dài hạn của những người lãnh đạo đảo chính, và họ định duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn trong bao lâu. Bởi chính phủ bị các nhân vật trong quân đội không có thành tích kinh nghiệm hành chính chi phối (thực tế, tất cả các vị trí quan trọng trong nội các đều do quân đội nắm giữ), còn quá sớm để đánh giá khả năng hay mức độ đoàn kết của họ. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng thủ lĩnh đảo chính và cũng là Thủ tướng rất bảo thủ và ông là nhân vật bảo hoàng mạnh mẽ, và chúng ta biết rằng chính phủ đã cam kết xóa bỏ cơ sở ảnh hưởng chính trị của Thaksin. Nhưng Tướng Prayuth và chính phủ của ông sẽ làm thế nào để đối phó với nhiều lực lượng rất chia rẽ trong xã hội Thái Lan, và liệu ông có thể tạo ra một môi trường kinh tế đem lại cả phát triển kinh tế lẫn giải quyết một số sự bất bình đẳng rõ ràng vốn là nền tảng của sự phân hóa xã hội ở Thái Lan hay không, thì vẫn còn phải chờ xem.

Trong một chừng mực rất đáng chú ý, những người lãnh đạo đảo chính đã trấn áp thẳng tay bất kỳ hình thức chỉ trích nào. Việc này đã được thực hiện theo một số cách thức: bằng việc áp đặt tình trạng thiết quân luật trên khắp cả nước cùng với một sự hiện diện quân sự đông đảo; đóng cửa hoặc kiểm duyệt các tờ báo và các kênh truyền hình; triệu tập các nhân vật đối lập và các nhà phê bình tiềm tàng để phỏng vấn (và đôi khi là bắt giữ họ); kiểm soát truyền thông xã hội, và theo nhiều cách thức khác nữa. Các tuyên bố trên truyền hình hàng tuần của Prayuth thường bao hàm những lời đe dọa và cảnh báo úp mở, chẳng hạn như: “Chúng tôi biết những người chống đối chúng tôi là ai, nhưng chúng tôi mong muốn sẽ không phải sử dụng đến vũ lực”. Ngoài ra, chính quyền quân sự còn tiếp tục sử dụng các đạo luật về tội khi quân để đàn áp bất đồng chính kiến.

Do đó, việc xác định mức độ bất đồng chính kiến hay thậm chí là tìm tài liệu về một đánh giá khách quan về những thành tựu hay những điều còn thiếu sót của chính phủ quả là một điều khó khăn. Điều tệ hơn là người Thái bây giờ rất cẩn trọng về những gì mà họ nói. Đầu tiên, tôi sẽ chỉ ra một số khía cạnh về phạm vi và bản chất của các chính sách của chính quyền quân sự, nhưng tôi cũng hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý đến hai vấn đề bối cảnh quan trọng.

Một là tầm quan trọng của Hiến pháp năm 1997. Hiến pháp này đã bị hủy bỏ trong cuộc đảo chính hồi năm 2006 và được thay thế bằng một hiến pháp mới vào năm 2007. Hiến pháp năm 1997 đến lượt nó là một kết quả trực tiếp của cuộc đảo chính quân sự năm 1992, mà đã dẫn đến đổ máu và một sự tìm kiếm cơ cấu chính trị ổn định trong tuyệt vọng. Hiến pháp này đã đem lại một vai trò được tăng cường cho các đảng phái chính trị và cho cả Thủ tướng. Các thành viên nội các lúc này phải được bầu lên, trong khi vai trò của phe đối lập đã bị thu nhỏ. Các biện pháp như vậy, một cách không có chủ đích, đã trực tiếp dẫn đến sự nổi lên của Thaksin và Đảng người Thái yêu người Thái của ông. Như một nhà bình luận đã phát biểu hồi năm 2003: “Các cơ chế hiến pháp đã đóng một vai trò trong sự nổi lên của Đảng người Thái yêu người Thái, đặc biệt là trong việc cho phép Thaksin duy trì một sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đảng của ông, liên minh Hạ viện, và nội các của ông”. Với sức mạnh này, Thaksin có thể gia tăng sự kiểm soát của ông đối với Thượng viện độc lập trên danh nghĩa và bộ máy tư pháp.

Vấn đề ở đây là Hiến pháp năm 1997 đã đưa một lực lượng mới vào các hoạt động chính trị của Thái Lan, và do đó đe dọa cơ chế “kiểm tra và cân bằng” – và nhà nước yếu kém được tạo ra – vốn là đặc điểm của chính thể quan liêu trước đây. Chúng ta có thể nói thêm rằng cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 cũng đã đem lại một cơ hội để Thaksin đưa ra các chính sách phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng dân mà IMF áp đặt do Chính quyền Chuan Leekpai ban hành.

Vấn đề bối cảnh thứ hai là bản chất nhân khẩu học. Liên quan đến thu nhập quốc dân theo đầu người của nước này, Thái Lan luôn có tỷ lệ dân số rất cao ở các vùng nông thôn, và đặc biệt là khu vực Đông Bắc vẫn duy trì xấp xỉ 30% tổng dân số. Bất chấp những sự cải thiện đáng kể ở các chỉ số kinh tế và xã hội, khu vực Đông Bắc vẫn tụt lại sau các khu vực khác gần như ở mọi khía cạnh. Vào năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đầu người của khu vực Đông Bắc vẫn chưa bằng 1/8 GDP trên đầu người của Bangkok. Bất kể những sự tăng lên trong thu nhập tuyệt đối và bất kể sự giảm bớt đói nghèo nào đạt được ở đất nước này trong những thập kỷ gần đây, những sự bất bình đẳng lớn vẫn còn đó và ở một số khu vực thực tế đã gia tăng. Có một sự tương quan giữa sự ủng hộ của cử tri của một khu vực dành cho Thaksin và bất lợi kinh tế tương đối của nó. Do đó, so với tất cả các tỉnh khác của Thái Lan, Nong Bua Lamphu, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Bắc trồng lúa gạo, có mức thu nhập theo đầu người thấp nhất, và tỉnh này cũng ghi nhận tỷ lệ số phiếu cao nhất dành cho các đảng ủng hộ Thaksin, cả trong năm 2005 lẫn năm 2011.

8% dân số Thái Lan nữa sống ở các tỉnh phía Bắc. Do đó, khu vực phía Bắc và Đông Bắc chiếm gần 40% tổng dân số của Thái Lan. Tác động bầu cử của khu vực phía Bắc và Đông Bắc do đó khá đáng kể. Do vậy, khu vực Đông Bắc đã bầu lên 136/400 thành viên quốc hội trong năm 2005. Trong cuộc bầu cử năm 2005, Đảng người Thái yêu người Thái của Thaksin đã giành được không ít hơn 126 ghế, nhiều ghế giành được với đại đa số phiếu. Đảng Dân chủ chỉ giành được 2 ghế ở các khu vực đó. Đây là cơ sở lịch sử của thế tiến thoái lưỡng nan của Thaksin mà những người chống đối ông đã phải đối mặt: một đại đa số và dường như không thể lay chuyển được, đại diện cho các khu vực nghèo nàn nhất và thôn dã nhất của đất nước này.

Trong bài viết này, trước tiên tôi sẽ lưu ý một số chính sách hiện nay của chính quyền quân sự, thu hút sự chú ý đến mức độ kiểm soát chặt chẽ của quân đội và đến chừng mực mà các chính sách này tác động đến tất cả khía cạnh của xã hội Thái Lan. Thứ hai, tôi sẽ tiến hành một phân tích về các chính sách này và lập luận rằng chúng đánh dấu một sự chuyển hướng theo kiểu Nhà nước Thái Lan mà đang được thiết lập.

Ảnh hưởng của quân đội

Thứ nhất, và rõ ràng nhất, là mức độ quân đội chi phối chính phủ và hầu hết các cơ quan chính phủ. Cuộc đảo chính ngày 22/5 đã được lãnh đạo bởi Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Prayuth Chan-ocha, người đã được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời vào ngày 21/8 bởi Hội đồng Lập pháp Quốc gia do sự bổ nhiệm của chính quyền quân sự, Hội đồng vì Hòa bình và Trật tự Quốc gia. Nội các của Prayuth đã được công bố vào ngày 30/8, và 11 trong số 32 bộ trưởng nội các, đảm nhận 34 vị trí, là các nhân vật trong quân đội. Các vị trí này bao gồm gần như tất cả các vị trí then chốt: tư pháp, nội vụ, đối ngoại, quốc phòng, lao động, phát triển xã hội, thương mại, và tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, một số vị trí quan trọng đã thuộc về các viên chức quan liêu cấp cao nổi bật trong các phong trào chống Thaksin. Chẳng hạn, Bộ trưởng Tài chính Sommai Phasee, là một nhân vật dân sự, người là một thành viên của chính phủ được lập nên sau cuộc đảo chính năm 2006. Một nhân vật dân sự khác, Pridiyathorn Devakula là Phó Thủ tướng đặc trách chiến lược kinh tế. Ông từng là Thống đốc ngân hàng trung ương Thái Lan, và đã giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính sau cuộc đảo chính quân sự trước đó vào năm 2006.

Dân chủ đấu với ổn định

Một đề tài chính trong các thông báo từ chính quyền quân sự, và trong các thông điệp được phát trên truyền hình hàng tuần của Tướng Prayuth, là sự cần thiết phải có ổn định và trật tự. Điều này sẽ đạt được nhờ vào sự cai trị mạnh mẽ cho đến khi các tiến trình dân chủ chẳng hạn như bầu cử có thể lại được đưa vào. Việc phỉ báng hệ thống chính trị của Thaksin là công khai. Để cho thấy một tư tưởng như vậy, việc trích dẫn một trong số các bài phát biểu được phát trên truyền hình của Prayuth là điều thích đáng: “Nhiều người vẫn cố gắng gây bất ổn cho tình hình hiện nay bằng cách sử dụng các từ ngữ ‘dân chủ’ và ‘bầu cử’. Những người này không hiểu rằng một nền dân chủ không đầy đủ là không an toàn và nó không tạo ra sự tin tưởng trong cộng đồng toàn cầu… sự phân bổ thu nhập là không công bằng, trong khi tham nhũng, các hoạt động phi pháp, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và môi trường lại được khuyến khích, và công chúng sẽ được bảo rằng những điều này là tốt, là đúng đắn, và có lợi cho họ”.

Ở đây tôi sẽ chỉ lưu ý sự ngờ vực của Prayuth về “dân chủ” và “bầu cử” dưới thời hệ thống cũ, và sự tin tưởng của ông rằng công chúng có thể bị làm cho mê muội bởi việc được bảo rằng các chính sách phi lý là “tốt”. Ở đây, nói tóm lại, là phe áo vàng lo sợ một nhóm cử tri dốt nát đang bị các chính trị gia có ý đồ xấu lừa bịp. Prayuth tiếp tục với điều mà tôi xem là một dấu hiệu cho thấy sẽ mất một khoảng thời gian dài trước khi ông nghĩ rằng công chúng Thái Lan có thể đưa ra những quyết định sáng suốt thông qua hòm phiếu. Ông lo sợ rằng “sau khi chính quyền quân sự giải quyết các vấn đề nào đó… một số nhân vật có ảnh hưởng sẽ quay trở lại để lại lợi dụng những người khác. Họ sẽ sử dụng sức ép xã hội và những người bị lầm đường lạc lối có thu nhập thấp. Những người làm điều sai trái này sử dụng toàn thể công chúng như một con tin. Điều này phải chấm dứt… Nếu chúng ta để nền dân chủ cũ tiếp tục tồn tại, nó sẽ gây tổn hại lớn cho quốc gia và làm chậm lại sự phát triển của đất nước”. Chúng ta có thể lưu ý rằng Prayuth lại một lần nữa lập luận rõ ràng rằng chính những người có “thu nhập thấp” là những người dễ bị tổn thương trước những người làm điều sai trái. Nói cách khác, ông coi đói nghèo đồng nghĩa với dốt nát và dốt nát đồng nghĩa với dễ bị tổn thương trước các chính sách dân túy.

Có mặt ở khắp nơi

Trong một chừng mực hoàn toàn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các cuộc đảo chính của Thái Lan, người ta có thể cảm nhận được sự hiện hữu của chế độ quân sự hiện nay trên khắp đất nước và trong rất nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và chính trị của Thái Lan. Bối cảnh cho sự hiện diện khắp mọi nơi của chính quyền quân sự bao gồm tình trạng thiết quân luật, các thông điệp được phát trên truyền hình hàng tuần của Tướng Prayuth (bắt buộc phải chiếu trên tất cả các kênh truyền hình), và các biện pháp cụ thể đang tác động đến các khía cạnh của đời sống Thái Lan. Một biện pháp được quảng cáo sớm và rầm rộ là việc chi trả 92 tỷ baht còn nợ cho hơn 800.000 nông dân theo các chính sách của

Chính quyền Yingluck Shinawatra trước đây.

Một số biện pháp nhắm đến việc đạt được trật tự xã hội chẳng hạn như các biện pháp được lòng dân nhưng ở cấp độ thấp chống lại các thủ đoạn làm tiền của cánh xe ôm được dẫn dắt theo nhóm, nạn gian lận taxi ở các sân bay, và những người bán hàng rong ở các bờ biển. Ít được ưa chuộng hơn là một sự kiểm soát chặt chẽ đối với nạn cờ bạc, ngay cả ở cấp độ làng xã. Một sự kiểm soát chặt chẽ như vậy, dĩ nhiên, đem lại lý do cho các cuộc tuần tra của quân đội và một sự hiện diện mạnh mẽ của quân đội trên khắp cả nước.

Các biện pháp khác dường như nhắm đến việc giành được sự ủng hộ từ công chúng bình thường và có thể khá kỳ lạ. Chính quyền quân sự đã buộc các công ty truyền hình phải chiếu các trận đấu bóng đá World Cup trên các kênh truyền hình chiếu miễn phí, và sẽ cung cấp 20.000 vé miễn phí cho một trận đấu bóng đá với Colombia trong tháng 12. Các biện pháp như vậy, dưới một chính sách tổng thể nhằm đem “hạnh phúc” trở lại cho người dân Thái Lan, cũng bao gồm các buổi hòa nhạc và cắt tóc miễn phí của quân đội, và đối với một số người dường như cho thấy một thái độ hạ mình đối với toàn thể công chúng.

Chúng ta cũng nên lưu ý đến bản chất dài hạn của nhiều chính sách của chính quyền quân sự. Một ví dụ nổi bật ở đây là các cải cách trường học đã được đề xuất, mà không chỉ đơn thuần là các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả giáo dục, mà còn là các biện pháp có tính quy chuẩn nhằm đưa các môn giảng dạy liên quan đến đạo đức, trách nhiệm xã hội, và lòng yêu nước vào trường học. Chính quyền quân sự đã đưa ra một lịch trình kéo dài 15 tháng trong đó chính quyền sẽ đưa ra các cải cách chính trị và kinh tế trước khi kêu gọi một cuộc bầu cử. Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi rằng thời gian quân đội nắm quyền kiểm soát sẽ kéo dài hơn, và rằng hiến pháp được xem xét lại theo đó cuộc bầu cử sẽ được tổ chức sẽ củng cố ảnh hưởng của quân đội thông qua việc nó kiểm soát các thể chế chủ chốt.

Các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu

Một thành phần khác trong các chính sách của chính quyền quân sự là việc kiểm soát các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu. Có 56 doanh nghiệp như vậy, và chúng gồm cả một số doanh nghiệp thương mại lớn nhất của đất nước, chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và hãng hàng không Thai Airways. Tổng khối lượng tài sản của hai doanh nghiệp này lên tới khoảng 360 tỷ USD. Nhiều người tin rằng Thaksin đã sử dụng ảnh hưởng của mình để bổ nhiệm nhiều vị trí trong các doanh nghiệp này cho những người ủng hộ chính trị của ông. Điều này trái với truyền thống lâu dài kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước của giới tinh hoa bảo hoàng truyền thống, vốn luôn duy trì các mối liên kết mạnh mẽ với quân đội. Thaksin đã giám sát một biện pháp tư nhân hóa, tăng khả năng thanh toán qua việc bán cổ phần cho công chúng. Do đó, việc chế độ quân sự loại bỏ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực ở khu vực nhà nước được bổ nhiệm dưới thời các chính quyền ủng hộ Thaksin là biện pháp mấu chốt để giảm bớt ảnh hưởng ủng hộ Thaksin. Trong số các thay đổi như vậy là việc đệ đơn từ chức của chủ tịch PTT, chủ tịch Ngân hàng Krung Thai, và những người đứng đầu Văn phòng Sổ xố Chính phủ và các sân bay của Thái Lan.

Tập trung hóa

Một đặc điểm khác của các chính sách của chính quyền quân sự là sự tập trung hóa quyền lực ở Bangkok và một sự tăng cường kiểm soát hành chính và tài chính của Bangkok đối với các khu vực cấp tỉnh. Việc này không chỉ bắt nguồn từ thực tế là sự cai trị của quân đội được tập trung hóa, mà còn từ các biện pháp nhằm giảm bớt quyền lực của các quan chức cấp tỉnh. Cassey Lee lưu ý rằng: “Một đặc điểm chính của sự cai trị của quân đội là việc tập trung hóa quyền lực vạch quyết định”.

Những lý do cho việc tập trung hóa chủ yếu nằm ở niềm tin rằng Thaksin và các đảng phái ủng hộ Thaksin đã tăng cường cơ sở quyền lực ở các tỉnh thông qua việc bổ nhiệm các đồng minh chính trị vào các vị trí chủ chốt, ở tất cả các cấp từ tỉnh trưởng trở xuống. Chẳng hạn, Quỹ làng xã và các biện pháp theo chủ nghĩa dân túy khác đã chuyển các quỹ của trung ương đến các làng xã và các tỉnh, và do đó đã tăng cường sự ủng hộ chính trị dành cho Thaksin và dẫn đến việc bầu cử các ứng cử viên địa phương ủng hộ Thaksin. Kết quả là, chính quyền quân sự đã có một số bước đi để thay đổi tình hình. Biện pháp ban đầu là thuyên chuyển 13 tỉnh trưởng, chủ yếu từ các khu vực ở phía Bắc và Đông Bắc, mà ở đó sự ủng hộ Thaksin rất mạnh mẽ. Một ví dụ đó là việc thuyên chuyển Wichien Puttiwinyu, tỉnh trưởng của Chiang Mai, quê hương của Thaksin.

Một sắc lệnh ban đầu khác đã đình chỉ việc bầu tất cả quan chức và quản lý địa phương khi nhiệm kỳ của họ kết thúc. Ở Bangkok, khi một vị trí bị bỏ trống, một ủy ban được Bộ Nội vụ dựng lên sẽ chọn ra các nhân vật thay thế. Ở các tỉnh, các ủy ban tuyển chọn của tỉnh sẽ được thiết lập, cũng dưới sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, để chọn ra các nhân vật thay thế.

Một bước đi đáng chú ý nữa là sự cắt giảm mạnh trong các khoản phân bổ ngân sách trung ương cho các chính quyền địa phương. Đối với năm tài khóa 2015, tổng trợ cấp ngân sách cho các chính quyền địa phương sẽ bị cắt giảm từ 61 tỷ baht xuống còn 37 tỷ baht. Điều này, dĩ nhiên, làm nghèo đi đáng kể các khu vực mà ở đó các chính quyền địa phương có thể thực hiện các chính sách “dân túy” và các biện pháp giành phiếu bầu. Do đó, đến cuối tháng 7/2014, chính quyền quân sự đã bãi bỏ nhiều bộ máy được điều khiển ở địa phương do các Chính quyền Thaksin và Yingluck tạo ra. Chúng bao gồm Quỹ làng xã, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa, và Quỹ Phát triển Đô thị Khu vực. Chúng ta có thể lưu ý đến đặc điểm phát triển của một số bộ máy này, trái ngược với các sáng kiến từ thiện và viện trợ có tính chất truyền thống hơn được nêu ở trên. Cục Ngân sách đã lưu ý rõ ràng rằng: “Các chương trình dân túy như các khoản trợ cấp dành cho người già và người tàn tật, và bữa ăn trưa và sữa dành cho học sinh, có thể phải chuyển khỏi các ngân sách của chính quyền địa phương và được tài trợ từ các nguồn khác”.

Một biện pháp tập trung hóa khác có liên quan là giảm bớt vai trò của lực lượng cảnh sát. Tập trung hóa không chỉ bao gồm việc giảm bớt quyền lực của cảnh sát ở các khu vực cấp tỉnh, mà còn mở rộng quyền lực của quân đội so với cảnh sát ở Bangkok. Bản thân Thaksin cũng từng ở trong lực lượng cảnh sát trong 13 năm trước khi dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh của mình, và cảnh sát được nhiều người xem là một nguồn ủng hộ đối với Thaksin và các đảng chính trị ủng hộ Thaksin. Lực lượng cảnh sát nằm dưới quyền chỉ huy của văn phòng thủ tướng, và điều này đã cho phép cả Thaksin lẫn Yingluck Shinawatra bổ nhiệm các nhân vật trung thành. Một người trong số đó là em rể của Thaksin, người đã được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng quốc gia hồi năm 2011. Là một phần của các chính sách của chính quyền quân sự nhằm phi chính trị hóa lực lượng cảnh sát, một số quan chức cảnh sát hàng đầu đã bị thuyên chuyển, cả ở Bangkok lẫn ở các tỉnh. Chẳng hạn, không lâu sau cuộc đảo chính, một số quan chức cảnh sát cấp cao nhất ở Chiang Mai, gồm cả cảnh sát trưởng của tỉnh này, đã bị điều chuyển.

Bất đồng chính kiến

Hầu hết các nhà bình luận về các chính sách của chính quyền quân sự đã lưu ý mức độ khác thường mà các nhà chức trách đã nỗ lực để kiểm soát bất đồng chính kiến. Điều này có quan hệ chặt chẽ với bản chất có mặt ở khắp mọi nơi của chế độ mà tôi đã lưu ý trước đó.
Tình trạng thiết quân luật đã cho phép chính phủ mở rộng các biện pháp chẳng hạn như nghiêm cấm các cuộc hội họp về tập hợp phản kháng từ 5 người trở lên ở trên khắp cả nước. Ngoài ra, chính quyền còn thực hiện công tác kiểm soát và kiểm duyệt, hay đe dọa kiểm duyệt, đối với các tờ báo và kênh truyền hình, và một số tờ báo, đài phát thanh, và kênh truyền hình, đã bị đóng cửa.

Chính phủ cũng kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông xã hội. Ban đầu, chính quyền đã nỗ lực chặn Facebook và cũng kêu gọi các cuộc gặp gỡ với Facebook và Tweeter. Các cuộc gặp gỡ này đã không thành công, nhưng chính quyền quân sự cho biết rằng những người đăng tải các bình luận chống đảo chính lên truyền thông xã hội sẽ bị theo dõi. Một số trang web, chẳng hạn như Theo dõi Nhân quyền, đã bị chặn.

Một lập trường được đưa ra công khai về sự nhạy cảm của chính quyền quân sự đối với bất đồng chính kiến là việc một sự kiện mới đây do Tổ chức Ân xá Quốc tế và các nhóm khác tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Bangkok tổ chức đã bị hủy bỏ vào phút chót. Cảnh sát đã đến để yêu cầu hủy bỏ sự kiện, có tiêu đề “Tiếp cận công lý ở Thái Lan: Hiện nay là không thể”, yêu cầu những người tổ chức phải “tuân theo chính sách của Hội đồng vì Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO)”.

Chính quyền quân sự cũng đã triệu tập nhiều người, hầu hết là các cựu chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội, để chất vấn và cảnh cáo. Con số hiện giờ ước tính khoảng hơn 600 người, và một số họ đã bị giam giữ tới hơn 1 tuần. Tầm với của chính quyền quân sự cũng đã vươn ra nước ngoài. Học giả nổi tiếng chống đối chế độ quân sự, Pavin Chachavalpongpun, đã bị thu hồi hộ chiếu Thái Lan của ông. Tiến sĩ Pavin quả quyết rằng chính quyền quân sự đã chỉ thị cho Tổng lãnh sự Thái Lan tại Osaka phải “thảo luận” về quan điểm của Tiến sĩ Pavin với Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại trường Đại học Kyoto, nơi ông làm việc.

Phân tích các chính sách của chính quyền quân sự

Tôi đã phác thảo nhiều khía cạnh khác nhau của các chính sách của chính quyền quân sự kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014. Bây giờ, cho phép tôi chuyển sang một phân tích về các chính sách này bằng cách đặt ra hai câu hỏi: Có phải sự tiếp quản của quân đội hiện nay thể hiện một điều gì đó khác biệt trong lịch sử chính trị hiện đại của Thái Lan, hay phải chăng nó là một trong một chuỗi dài các cuộc đảo chính quân sự tương tự; và các chính sách của chính quyền quân sự có thể hiện một “sự trở lại chính thể quan liêu” hay không? Câu hỏi thứ hai mới đây đã được Puangthong Pawakapan đưa ra trong mục ISEAS Perspective (Viện nghiên cứu Đông Nam Á), mà ở đó bà đã viết rằng: “Người ta có thể cho rằng Thái Lan đã quay trở lại một chính thể quan liêu, mà ở đó quân đội, các viên chức quan liêu và các nhóm lợi ích kinh doanh nắm quyền kiểm soát đối với các đại diện được bầu lên”. Tạp chí The Economist mới đây đã cho rằng: “Sự nhất trí giữa các quan sát viên dày dạn nhất đó là khoảng thời gian mới đây nhất quân đội nắm quyền sẽ qua đi giống như sự cai trị gần đây nhất của quân đội, vốn đã nhanh chóng được tiếp nối bằng sự cai trị dân sự và các cuộc bầu cử mới”.

Theo quan điểm của tôi, bản chất của chính thể quan liêu, như đã được Riggs miêu tả trong những năm 1960, là nó thể hiện một sự pha trộn các nhóm quyền lực thường cạnh tranh với nhau, nhưng với một nhóm phức hợp quân đội-bộ máy quan liêu chi phối. Chính thể này dựa vào một sự cân bằng các thế lực mang tính đa nguyên. Các nhóm này bao gồm quân đội, giới tinh hoa bảo hoàng, và các viên chức quan liêu cấp cao. Các thành phần khác trong xã hội Thái Lan, bao gồm cảnh sát, các nhóm lợi ích kinh doanh, và các đại diện được bầu lên trong quốc hội, tất cả góp phần vào hệ thống kiểm tra và cân bằng làm cơ sở cho chính thể quan liêu.

Bản chất của chính thể quan liêu này là nó tạo ra một “nhà nước yếu kém”. Ở đây tôi sử dụng thuật ngữ của Somboon Siriprachai. Somboon đặc biệt quan tâm đến việc hiểu được một mặt là các đường lối phát triển và thành tích tăng trưởng khác biệt của Thái Lan, và mặt khác là các nước công nghiệp mới (NIC) của Đông Á-Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Ông đã nhấn mạnh rằng các nước NIC rất đáng chú ý vì các hệ thống nhà nước mạnh mẽ và các mục tiêu chính sách thống nhất của họ. Trong khi tình trạng tham nhũng và trục lợi chắc chắn phổ biến ở một số nước này, một khả năng lãnh đạo mạnh mẽ của nhà nước cùng với mục tiêu công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế là đặc điểm chính. Quả thực, trục lợi có thể được biến thành lợi thế trong chừng mực mà nó kích thích các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế. Trái lại, Thái Lan bị chia rẽ bởi các bè phái và những lợi ích cạnh tranh của các nhóm quyền lực khác nhau. Nhà nước yếu kém nổi lên không phù hợp với các chính sách dài hạn của kiểu nhà nước mà các nước NIC Đông Á theo đuổi.

Nhà nước yếu kém của Thái Lan đã tồn tại cho đến khi bắt đầu thế kỷ hiện tại. Tiếp sau sự chấm dứt của chế độ quân sự Suchinda tồn tại ngắn ngủi vào năm 1992 và sự trở lại của một quốc hội được bầu lên vào tháng 9/1992, một loạt kế tiếp nhau các chính phủ liên minh bất ổn đã đảm bảo chắc rằng Nhà nước Thái Lan vẫn yếu kém. Do đó, Thái Lan có thể vẫn được coi là một chính thể quan liêu thậm chí trong một thời kỳ các quốc hội được bầu lên. Ảnh hưởng của quân đội, các viên chức quan liêu cấp cao, và giới tinh hoa truyền thống vẫn mạnh mẽ. Suy nghĩ đôi chút về thuật ngữ của Riggs, quả thực là một số học giả đã chỉ trích khái niệm về một chính thể quan liêu bởi nó cho thấy một bức tranh tĩnh lặng về xã hội Thái Lan và bởi nó phớt lờ sự phát triển của các lực lượng xã hội mới.

Duncan McCargo lập luận rằng thuật ngữ này phớt lờ một trong những lực lượng quan trọng nhất trong chính thể Thái Lan: nền quân chủ, và các nhóm quyền lực quân chủ và bảo hoàng khác nhau. Ông thích sử dụng thuật ngữ “nền quân chủ mạng lưới” để miêu tả chính thể Thái Lan hơn. Điểm mấu chốt ở đây là vai trò của nền quân chủ mạng lưới được tăng cường trong nhà nước yếu kém này. Như McCargo lưu ý, dưới thời một nền quân chủ lập hiến, rất khó để nhà vua, hoặc là đích thân hoặc thông qua các thể chế như Hội đồng cơ mật, sử dụng ảnh hưởng một cách công khai. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo chính trị dường như đánh mất tính hợp pháp, có thể là thông qua một cuộc đảo chính quân sự không được lòng người dân, hoặc các chính phủ được bầu lên thiếu khả năng và tham nhũng, khi đó nhà vua có thể đứng trên hết thảy các hoạt động chính trị và sử dụng một ảnh hưởng thực sự. Do đó, nền quân chủ mạng lưới và nhà nước yếu kém có mối liên hệ với nhau; nền quân chủ mạng lưới đòi hỏi phải có một nhà nước yếu kém. Quả thực, “hoàng cung có một mức độ quyền lợi được đảm bảo bất di bất dịch trong việc bảo vệ một trật tự chính trị có phần hoạt động không đúng chức năng, một trật tự chính trị chỉ cho phép nhà vua can thiệp ở mức độ thích hợp để duy trì uy tín của hoàng gia”.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và Hiến pháp năm 1997 đã đem lại một nền tảng để thay đổi, điều đã đi cùng với sự nổi lên của Thaksin Shinawatra và Đảng người Thái yêu người Thái. Như chúng ta đã biết, Đảng người Thái yêu người Thái đã giành được một thắng lợi bầu cử lớn vào năm 2001, với việc Thaksin trở thành Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ của mình.
Nhiều nhà bình luận đã tập trung vào các khía cạnh tiêu cực của chế độ Thaksin như dùng tiền để mua phiếu bầu, nạn tham nhũng, lạm dụng nhân quyền, gia đình trị, và vân vân… Tuy nhiên, Akira Suehiro chỉ ra một đặc điểm cơ bản hơn của các hoạt động chính trị của Thái Lan đã thách thức những vai trò hiện tại của giới tinh hoa truyền thống. Đó là nỗ lực của Thaksin nhằm hiện đại hóa các hoạt động chính trị của Thái Lan và, trong khi làm như vậy, tạo ra một nhà nước mạnh mẽ thay vì một nhà nước yếu kém. Theo lời lẽ của Suehiro, các cải cách của Thaksin, trước cuộc đảo chính, dường như đã “biến Thái Lan từ một chính thể quan liêu truyền thống thành một nhà nước hiện đại”.

Các biện pháp của Thaksin liên quan đến một vai trò bị giảm bớt đối với sức ảnh hưởng quan liêu truyền thống như vậy bằng cách tập trung quyền lực vào tay Thủ tướng. Chẳng hạn, các vai trò hoạch định chính sách của NESDB (Ủy ban Phát triển Kinh tế-Xã hội Quốc gia Thái Lan) và Bộ Tài chính đã bị thu hẹp lại. Quả thực, một lần nữa trích dẫn lại lời của Suehiro, “toàn bộ cơ cấu hoạch định chính sách dưới thời Chính quyền Thaksin cho thấy sự tập trung quyền lực vào tay Thủ tướng đang gia tăng cùng với việc loại bỏ ảnh hưởng quan liêu trong tiến trình hoạch định chính sách. Thaksin rõ ràng có ý định thay thế chính thể quan liêu Thái Lan bằng hoạt động chính trị do Thủ tướng lãnh đạo”. Là một phần của những sự thay đổi cơ bản này, các phân bổ ngân sách cho các lực lượng vũ trang đã bị cắt giảm theo các điều kiện tương đối. Dĩ nhiên, điều này đã gây ra sự phản đối từ phía quân đội.

Ngoài ra, cách thức sử dụng quyền lực của Thaksin và sự chú trọng của ông vào hiệu suất và việc quản lý kinh doanh được nhiều người xem là một thách thức trực tiếp đối với các truyền thống của Thái Lan, và cũng là một mối đe dọa đối với nhà vua. Chắc chắn dưới thời Thaksin, người ta ít chú trọng hơn đến sự ủng hộ của nhà vua đối với “nền kinh tế đầy đủ”, và chú trọng nhiều hơn đến việc tối đa hóa tăng trưởng và trở nên cạnh tranh.

Do đó, Thaksin đã nỗ lực tạo ra một nhà nước mạnh mẽ với quyền lực được tập trung xung quanh Thủ tướng được bầu lên. Dĩ nhiên, các chính sách dân túy của Chính quyền Thaksin đầu tiên được nhiều người nhìn nhận là các biện pháp nhằm đảm bảo thắng lợi bầu cử tiếp tục.
Thắng lợi áp đảo của Thaksin trong cuộc bầu cử năm 2005 đã ghi dấu sự bắt đầu của một thời kỳ chia rẽ trong xã hội Thái Lan – các cuộc biểu tình của phe Áo vàng, diễn ra tiếp sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006, phong trào sau đó của phe Áo đỏ và các cuộc xung đột đẫm máu trong năm 2010, thắng lợi bầu cử của Yingluck Shinawatra và đảng Vì nước Thái (Puea Thai) vào năm 2011, và cuộc đảo chính hồi tháng 5/1014.

Rất có thể nguyên nhân trực tiếp của các cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và 2014 nằm ở thách thức của Thaksin đối với chính thể quan liêu/chế độ quân chủ theo hệ thống. Nhà nước yếu kém đã được biến đổi thành một nhà nước mạnh mẽ và các yếu tố của quyền lực và ảnh hưởng của giới tinh hoa truyền thống đã bị xem là không quan trọng.

Được xem xét trong bối cảnh này, một số đặc điểm chính của chế độ hiện nay có thể giải thích được. Đầu tiên và trên hết, nhà nước mạnh mẽ mà Thaksin tạo ra đòi hỏi phải có một chính phủ độc tài mạnh mẽ để ứng phó. Đây là lý do tại sao thời gian áp đặt tình trạng thiết quân luật lại kéo dài, và thời gian dài dự tính để tạo ra một Hiến pháp mới và các cuộc bầu cử cuối cùng theo Hiến pháp này. Chính bởi vì chính quyền quân sự cầm quyền thấy rõ mối đe dọa đối với chính thể quan liêu truyền thống mà chính thể do Thủ tướng lãnh đạo của Thaksin dựa trên sự ủng hộ của cử tri tạo ra, mà các đặc điểm của các chính sách của chính quyền quân sự chẳng hạn như việc trấn áp thẳng tay bất đồng chính kiến, việc kết tội các đối thủ đặc biệt là những người có quan hệ với gia đình Thaksin, và các nỗ lực nhằm cải cách các cơ sở quyền lực của Thaksin ở các tỉnh, trong giới cảnh sát, và trong các doanh nghiệp nhà nước, là có thể giải thích được. Quả thực, dường như sự trấn áp đối với bất đồng chính kiến ở khắp nơi có thể được xem không hoàn toàn là chứng hoang tưởng hay một nỗ lực nhằm loại bỏ sự phản đối của phe áo đỏ, mà là một nỗ lực cơ bản hơn nhằm đưa tính hợp pháp vào chế độ này. Trong các thời kỳ trước của lịch sử Thái Lan, sự bất mãn lan rộng được xem là một lý do có thể chấp nhận được cho sự thay đổi chính trị. Việc không có bất đồng chính kiến đưa đến tính hợp pháp theo con mắt của chính quyền quân sự.

Do đó, một chính phủ độc tài mạnh mẽ đang được tạo ra lần đầu tiên kể từ ít nhất là thời chế độ Sarit của cuối những năm 1950. Sự cần thiết phải có một chiến lược dài hạn nảy sinh ra chính bởi vì các nhà lãnh đạo đảo chính đang nỗ lực để xóa bỏ thách thức mà Thaksin đặt ra. Và điều này không thể được thực hiện bằng cách quay trở lại một chính thể quan liêu của nhà nước yếu kém. Thực tế, chính thể quan liêu truyền thống dường như sẽ bị loại bỏ và được thay thế bằng một chế độ độc tài có ý định kiểm soát đất nước trong một thời gian dài. Nếu phân tích này là đúng, nó nêu lên một sự phản ánh nữa và cũng là cuối cùng. Chúng ta đã lưu ý, theo McCargo, rằng nền quân chủ mạng lưới đòi hỏi phải có một nhà nước yếu kém vì tính hợp pháp của nó. Trong một nhà nước yếu kém, nền quân chủ lập hiến có thể đứng trên hết thảy các hoạt động chính trị đảng phái và tiết chế ảnh hưởng phi lý và không được lòng dân của quân đội. Do đó, một chính thể mạnh mẽ do quân đội lãnh đạo dường như sẽ làm suy yếu nền quân chủ mạng lưới, điều thật mỉa mai vì quan điểm bảo hoàng mạnh mẽ của quân đội và các lực lượng chống Thaksin.

Nhưng có lẽ chúng ta nên cân nhắc điều này: nhà vua đã 86 tuổi; Prem Tinsulanind, Chủ tịch của Hội đồng cơ mật và là người dường như vẫn có sức ảnh hưởng lớn, đã 94 tuổi. Sự kế vị hiện ra lù lù trong tư tưởng của người Thái Lan, và người ta thường quả quyết rằng một trong những nguyên nhân của cuộc đảo chính là để đảm bảo rằng Thaksin và các đồng minh của ông không còn quyền lực khi việc kế vị diễn ra. Nhưng nhiều người cũng cho rằng nhà vua tiếp theo, thái tử hiện nay, ủng hộ Thaksin theo một số cách thức. Nếu đúng như vậy, khi đó chính nền quân chủ mạng lưới dường như có thể là một thách thức đối với các lợi ích truyền thống của giới tinh hoa. Do đó, nhà nước mạnh mẽ do chính quyền quân sự hiện nay tạo ra đánh dấu một sự chuyển hướng rất cơ bản trong các hoạt động chính trị của Thái Lan – sự kết thúc của chính thể quan liêu truyền thống, sự sụp đổ của chính thể dựa trên bầu cử, do Thủ tướng lãnh đạo của Thaksin, và có lẽ là cả việc giảm bớt sức ảnh hưởng của nền quân chủ mạng lưới./.

Theo Viện nghiên cứu Đông Nam Á