Châu Á đang đối mặt với thực tế mới. Những thập kỷ qua, nhiều nền kinh tế khu vực đã bùng nổ. Châu lục này hiện chiếm khoảng 40% GDP của thế giới, so với mức 25% trong thập niên 90, và đóng góp 70% tăng trưởng toàn cầu.

Hơn nữa, Châu Á đã đạt thành tựu chưa có tiền lệ về giảm nghèo và cải thiện các chỉ số phát triển. Tỷ lệ đói nghèo giảm từ 55% năm 1990 xuống 21% năm 2010, trong khi chất lượng giáo dục và y tế được cải thiện đáng kể. Trong tiến trình này, đời sống của hàng trăm triệu người được nâng cao. Hướng về tương lai, Châu Á được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 5%, dẫn đầu so với các châu lục khác.

Tuy nhiên hiện tại, Châu Á đang đối mặt với bối cảnh kinh tế mới nhiều thách thức. Cùng với sự trì trệ của các nền kinh tế lớn, xu hướng phòng ngừa rủi ro tại các thị trường tài chính và sự chấm dứt của chu kỳ tăng giá hàng hóa cơ bản, động lực tăng trưởng của kinh tế Châu Á đang suy giảm.

Cùng thời điểm này, Trung Quốc đang theo đuổi mô hình tăng trưởng bền vững với tốc độ chậm hơn. Xét mối liên hệ tăng trưởng giữa Trung Quốc với thế giới, nhất là các nước Châu Á, hệ lụy từ chính sách mới của Trung Quốc là rất đáng kể. Thực tế, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực, nhất là các nước Đông Á và ASEAN. Nghiên cứu của IMF sẽ được công bố trong Báo cáo triển vọng kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy mức độ chịu tác động của kinh tế Châu Á đối với Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vài thập kỷ qua. Như vậy, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với sự suy giảm tăng trưởng trên khắp Châu Á.

Những thành tựu của Châu Á trong các thập kỷ vừa qua bắt nguồn từ nỗ lực của người dân khu vực cũng như các chính sách hiệu quả, bao gồm cải thiện các khuôn khổ tiền tệ và tỷ giá, tăng tỷ lệ dự trữ, tăng cường giám sát và điều tiết khu vực tài chính. Đây là những nhân tố giúp thu hút luồng vốn FDI khổng lồ vào khu vực.

Cùng với sự mở rộng thương mại, tại khu vực đã hình thành mạng lưới cung ứng giúp Châu Á trở thành trung tâm sản xuất và đồng thời là trung tâm xuất khẩu dịch vụ. Thời gian gần đây, nhờ các chính sách hiệu quả và dự trữ ngoại tệ dồi dào, các nước Châu Á nhanh chóng phục hồi từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nước trong khu vực cũng hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và điều kiện cung cấp tài chính thuận lợi.

Khi xem xét thực tiễn mà Châu Á hiện đối mặt, không thể bỏ qua thách thức dài hạn và căn bản về cơ cấu. Dân số tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đang già hóa nhanh chóng, thậm chí suy giảm, gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và tạo sức ép về cân bằng tài chính.

Một thách thức khác là bất bình đẳng thu nhập. Trong khi bất bình đẳng được cải thiện tại Malaysia, Thái Lan và Philippines, tình trạng này đang trở nên gay gắt hơn tại nhiều nước, nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như các nước Đông Á khác. Nhiều nền kinh tế đang nổi và đang phát triển đối mặt với tình trạng thiếu hụt hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông. Đồng thời, nhiều nước, nhất là các đảo quốc Thái Bình Dương, tỏ ra dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi bối cảnh đặt ra yêu cầu có những hành động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong khi mỗi nước cần có các chính sách đặc thù, những khuyến nghị dưới đây có thể tỏ ra hữu ích đối với hầu hết các nền kinh tế.

Thứ nhất, do lạm phát tại hầu hết các nước hiện ở mức thấp, nên theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng nhằm đối mặt với các rủi ro về suy giảm tăng trưởng.

Thứ hai, cần có chính sách tỷ giá linh hoạt và chính sách vĩ mô thận trọng, có định hướng khi xem xét các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Thứ ba, các nước cần phát triển hệ thống tài chính có khả năng điều chuyển luồng tiết kiệm nội địa và khu vực cho nhu cầu phát triển, ví dụ như giải quyết bất cập về hạ tầng cơ sở.

Thứ tư, tiến hành cải cách cơ cấu, được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa, nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi và tái cân bằng kinh tế, song song với thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo.

Tin tốt là Châu Á, như đã thể hiện qua thực tiễn tăng trưởng tốt gần đây, có thể ứng phó với thách thức và tiếp tục phát huy những thành tựu quan trong của hai thập kỷ qua. Châu Á có nguồn lực và có con người, có tính tự cường và có nhiều cơ hội cho liên kết thương mại và tài chính hu vực.

Cần bảo đảm rằng Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và bao trùm để duy trì vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu.

Chang-yong Rhee, Trưởng Ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Bài viết được đăng trên The Korea Herald.

Văn Cường (gt)