Ông Kerry nổi tiếng ở Thượng viện với tinh thần làm việc, có quan hệ gần gũi với những nghị sỹ kỳ cựu của đảng Cộng hòa nên việc bỏ phiếu thông qua vị trí của ông tại Thượng viện chỉ là vấn đề thủ tục. Nhiều thách thức đang chờ đợi Kerry trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama từ việc xử lý mối quan hệ tốt với cường quốc số hai thế giới là Trung Quốc đến các vấn đề cấp bách như cuộc khủng hoảng ở Xyri và vấn đề hạt nhân của Iran. Có thể nói, John Kerry đã có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại khi ông là thành viên kỳ cựu và hiện giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước khi được bổ nhiệm. Chưa kể đến việc trải qua kỳ tranh cử tổng thống khó khăn năm 2004 dù ông thất bại trước cựu Tổng thống George W. Bush. Trải nghiệm tại chiến trường Việt Nam thời trẻ cũng đem đến cho ông nhiều suy nghĩ về những thách thức trong chính sách đối ngoại của Mỹ những năm sắp tới.Giống như Hillary Clinton, Kerry làm việc miệt mài, kiên nhẫn và thực dụng. Dù về cá nhân, lúc đầu ông không có quan hệ gần gũi với Obama như bà Susan Rice nhưng Kerry chắc chắn sẽ tạo được uy tín và quan hệ thân thiết của mình trong nội các an ninh của vị tổng tư lệnh của nước Mỹ. Ông có kinh nghiệm với các vấn đề đối ngoại phức tạp hàng ngày và có tầm nhìn xa với các vấn đề lớn từ biến đổi khí hậu đến hòa bình ở Trung Đông và phát triển toàn cầu. Sau khi được bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện, thách thức của Kerry là giúp Tổng thống Obama vượt qua những thách thức cấp bách về đối ngoại trong 4 năm phía trước. Chúng có thể khó khăn hơn những vấn đề tổng thống phải đối mặt trong nhiệm kỳ đầu tiên. Có thể kể đến một số vấn đề sau: 

Thứ nhất, cuộc chiến ở Xyri cho thấy cuộc xung đột này mang lại chết chóc và phức tạp hơn nhiều so với ở Libi. Hiện vẫn chưa rõ nước Mỹ phải can thiệp ở mức độ nào để giải quyết mớ bòng bong này nhất là khi xét tầm quan trọng của Xyri trong khu vực Đại Trung Đông. Mô hình can thiệp giống Libi có thể không phù hợp đối với quốc gia đông dân hơn nhiều này.

Thứ hai, lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc thông qua chính sách “Trở lại châu Á” đã đúng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama khi Bắc Kinh tỏ ra quá quyết đoán. Tuy nhiên, hiện đến lúc phải bảo đảm rằng lập trường cứng rắn này không dẫn đến thêm một cuộc chiến tranh lạnh nữa.

Thứ ba, Tổng thống Vladimir Putin đã trở lại Điện Cremli, tìm cách để hợp tác trở lại với Putin sẽ khó khăn hơn nhiều so với thành công đầu tiên trong hàn gắn quan hệ Mỹ-Nga với cựu Tổng thống Dmitry Medvedev. 

Thứ tư, đối với Irắc, quân đội Mỹ có thể đã thanh thản rút về nước vì người Irắc đã lập ra được một nhà nước mạnh. Nhưng ở Ápganixtan, Mỹ cần phải tìm cách ở lại vì việc một nhà nước Ápganixtan yếu tự tồn tại được vẫn là điều còn nhiều nghi vấn.

Thứ năm, khi nói đến vấn đề ngân sách, những người tiền nhiệm của Kerry như Colin Powell, Condoleezza Rice và Hillary Clinton đều không gặp phải bất kỳ khó khăn nào. Họ đã điều hành ngành ngoại giao trong điều kiện chi tiêu ngân sách luôn tăng. Trong khi đó, Kerry sẽ phải bảo vệ những nhiệm vụ quan trọng của ngành khi ngân sách bị cắt giảm. Trên tất cả, đó là khả năng xảy ra một cuộc chiến với Iran. Tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran (có hoặc không có sự tham gia của Ixraen) sẽ là một quyết định khó khăn hơn nhiều so với các quyết định tăng gấp ba quân ở Ápganixtan, sử dụng vũ lực lật đổ Gaddafi hay rút quân khỏi Irắc. Là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, dù cứng rắn nhưng biết trước hết về sự kinh hoàng của chiến tranh, John Kerry sẽ là một cố vấn quan trọng cho Tổng thống Obama đối với quyết định có tấn công Iran hay không trong 1 hoặc 2 năm tới.

Tuần trăng mật với các đồng nghiệp tại Thượng viện có thể đã chấm dứt, sự nghiệp chính trị của Kerry có thể sẽ dữ dội hơn và rủi ro cao hơn. Hãy chờ xem John Kerry sẽ vượt qua những thách thức này như thế nào để trở thành cố vấn đắc lực của Obama trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai. 

Tác giả Michael O'Hanlon là chuyên gia cấp cao Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ). Bài viết được đăng trên tờ “Nước Mỹ Ngày nay” (ngày 21/12)

Viết Tuấn (gt)