Vị trí chiến lược 

Để thấy vị trí chiến lược của Inđônêxia vào thời điểm hiện nay, trước tiên chúng ta phải xem xét Trung Quốc. Trung Quốc đang xây dựng một tàu sân bay. Hiện tại, một tàu sân bay không có tàu tuần tiễu, tàu khu trục, tàu ngầm, hệ thống chống tên lửa, khả năng dẫn đường nhằm vào mục tiêu bằng vệ tinh, tiếp nhiên liệu giữa đại dương và hàng nghìn thứ khác thì sẽ chỉ là một con tàu dễ bị đánh chìm. Tuy nhiên, tàu sân bay đó có thể là một phần của một cái gì đó lớn lao hơn trong những thập kỷ, không phải năm, sắp tới. 

Khi nhìn vào bản đồ bờ biển mới thấy Trung Quốc bị kiềm chế như thế nào. Ở phía Bắc, nơi Hoàng Hải và biển Hoa Đông cung cấp con đường tiếp cận đến Thượng Hải và Thanh Đảo (căn cứ của Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc), con đường tiếp cận Thái Bình Dương bị chặn bởi Nhật Bản - Okinawa - Đài Loan và những đảo giữa Okinawa và Nhật Bản. Các căn cứ ở đây không phải là điểm quan trọng. Điểm quan trọng đó là các hạm đội hải quân hay tàu thương mại của Trung Quốc phải đi qua các điểm chặn có thể bị Mỹ kiểm soát kéo dài hàng trăm dặm về phía Đông. Tình hình Biển Đông thậm chí còn xấu hơn đối với Trung Quốc. Biển Đông bị bao bọc hoàn toàn bởi đường nối Đài Loan - Philíppin - Inđônêxia - Xinhgapo, và còn xấu hơn khi tính đến sự hợp tác về hải quân đang nổi lên giữa Mỹ và Việt Nam, nước không yêu thích gì Trung Quốc. 

Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng việc xây dựng các cảng ở Pakixtan và Mianma. Trung Quốc nói rằng các cảng này là để sử dụng cho mục đích thương mại. Với cơ sở hạ tầng nối với Trung Quốc còn mong manh và việc kiểm soát các tuyến đường biển không được bảo đảm, các cảng biệt lập xa xôi này không mấy hữu dụng. Các cảng này chỉ có thể hoạt động trong thời bình, còn trong chiến tranh thì không, mà hải quân thì được xây dựng cho thời chiến. 

Vấn đề lớn nhất của Trung Quốc không phải là việc nước này thiếu tàu sân bay mà chính là việc thiếu khả năng đổ bộ. Dù là Trung Quốc có thể vượt eo biển đến Đài Loan, thì Trung Quốc cũng không có điều kiện để cung cấp một lực lượng lớn cần thiết để chế ngự Đài Loan. Trung Quốc có thể phá thế bị bao vây bằng việc chiếm Nhật Bản, Okinawa hay Đài Loan, nhưng điều này sẽ không xảy ra. 

Điều có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ cố gắng giành chỗ đứng về kinh tế ở Philíppin hoặc Inđônêxia và sử dụng đòn bảy kinh tế đó để hỗ trợ cho sự thay đổi chính trị ở những nước này. Một sự thay đổi trong bầu không khí chính trị không tự nó cho phép hải quân Trung Quốc đi vào Thái Bình Dương hay loại bỏ khả năng của Mỹ trong việc phong toả các tàu thương mại của Trung Quốc. Mỹ không cần các căn cứ trên bộ để kiểm soát các các tuyến đường đi qua hai nước Philíppin và Inđônêxia. 

Đúng hơn, cái có thể làm thay đổi cuộc chơi là nếu Trung Quốc, nhờ đạt được sự thân thiện về kinh tế với một trong hai nước trên, được trao những đặc quyền về đóng quân, cho phép Trung Quốc bố trí máy bay và tên lửa trên các quần đảo này, giao chiến với hải quân Mỹ ở ngoài hàng rào được hình thành bởi các quần đảo này và đẩy lui hải quân Mỹ để có đường đi lại tự do. 

Bây giờ, điều này trở nên phức tạp hơn nhiều khi xem xét đến các biện pháp đối phó của Mỹ. Trung Quốc đã có nhiều tên lửa chống tàu trên bờ biển phía Đông của mình. Điểm yếu của các tên lửa này là thông tin tình báo và việc do thám. Để có thể sử dụng những tên lửa đó, Trung Quốc phải có khái niệm chung về mục tiêu của các tên lửa đó ở chỗ nào, và các tàu thuyền thì di chuyển rất nhiều. Sự do thám đó phải đến từ các máy bay có thể sống sót (loại máy bay không bị tiêu diệt khi tiếp cận hạm đội hải quân của Mỹ) và các tài sản trên vũ trụ, cùng với đó là những cấu trúc thông tin phức tạp cần thiết để phối hợp những con mắt đó với các tên lửa. 

Mỹ có xu hướng thổi phồng sức mạnh của các đối thủ. Đây có thể là một yếu tố tích cực vì nó làm cho Mỹ cố gắng hơn. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đánh giá khả năng của Liên Xô vượt so với thực tế. Có rất nhiều kịch bản khủng khiếp về khả năng của Trung Quốc được tính toán, nhưng chúng ta nghi ngờ rằng đa số các khả năng đó được thổi phồng. Tham vọng của Trung Quốc lớn hơn khả năng của nước này. Tuy nhiên, bạn phải chuẩn bị cho điều xấu nhất và hy vọng những điều tốt nhất. Chiến lược ở Thái Bình Dương của Mỹ phải trên cơ sở là làm thế nào để đảm bảo rằng không để Inđônêxia hay Philíppin thất vọng và trở thành đồng minh của Trung Quốc. 

Một tiêu điểm của lịch sử 

Tất nhiên, Inđônêxia còn một yếu tố quan trọng khác. Inđônêxia là nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới, và cũng là một nước đã chứa chấp và đánh bại một nhóm khủng bố thánh chiến Hồi giáo lớn. Khi Al Qaeda sụp đổ, phong trào thánh chiến Hồi giáo này có thể cam chịu. Mỹ vẫn quan tâm đến cuộc chiến chống khủng bố và do đó phải quan tâm đến sự ổn định của Inđônêxia và khả năng của nước này trong việc triệt tiêu Hồi giáo cực đoan nằm trong biên giới của nó, đặc biệt là ngăn chặn sự nổi lên của Al Qaeda có căn cứ ở Inđônêxia nhưng có khả năng hoạt động liên lục địa. 

Do đó, Inđônêxia trở thành trọng điểm địa chính trị của 3 lực lượng: Trung Quốc, Hồi giáo và Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên Inđônêxia trở thành tiêu điểm của lịch sử. Năm 1941, Nhật Bản tấn công vào Trân Châu Cảng nhằm làm tê liệt hạm đội của Mỹ và làm thuận tiện cho việc chiếm giữ khu vực khi đó được gọi là Ấn Độ và khu vực phụ cận phía Đông của Hà Lan vì nguồn cung dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác của khu vực này. Trong cuộc chiến tranh tài nguyên thực sự lần thứ nhất - Chiến tranh thế giới II - Inđônêxia là một điểm then chốt. Tương tự, trong Chiến tranh Lạnh, khả năng Inđônêxia thành một nước cộng sản đã đe dọa Mỹ tới mức nước này cuối cùng ủng hộ việc loại bỏ Tổng thống Sukarno. Inđônêxia đã quan trọng trong quá khứ và giờ nó cũng quan trọng. 

Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo một Inđônêxia ổn định. Nếu mối đe dọa, dù nhỏ, nằm ở Trung Quốc, thì giải pháp như thế nào. Lương ở Trung Quốc đang tăng và các sản phẩm của Trung Quốc đang trở nên ít cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Trung Quốc muốn chuyển nền kinh tế từ nước xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chi phí thấp sang là nhà sản xuất các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, vụ tai nạn tàu cao tốc gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này còn lâu mới đạt được mục tiêu đó. 

Không nghi ngờ gì, Trung Quốc đang mất dần lợi thế xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp cấp thấp. Một lý do các nhà đầu tư phương Tây thích Trung Quốc vì chỉ với một mình Trung Quốc và một hệ thống các mối quan hệ duy nhất, họ có thể xây dựng các cơ sở sản xuất có thể cung cấp cho họ các sản phẩm. Tất cả các nước khác, ngoại trừ Ấn Độ, đều có những vấn đề riêng và chỉ có thể xử lý được một phần nhỏ khả năng sản xuất của Trung Quốc. Inđônêxia, với gần một phần tư tỷ người vẫn trong tình trạng lương thấp, có thể xử lý được nhiều hơn. 

Rủi ro chính trị cơ bản đã giảm đi trong vài năm qua. Nếu rủi ro chính trị tiếp tục giảm, Inđônêxia sẽ trở thành một sự thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc vào thời điểm mà các công ty phương Tây đang tìm kiếm các sự thay thế. Điều này có thể tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của Inđônêxia và giúp ổn định chế độ hơn. Chế độ chính trị ở Inđônêxia ổn định hơn sẽ triệt tiêu sự hấp dẫn tương ứng của Trung Quốc và những cơ hội cho Trung Quốc hoặc sự hư hỏng của người Hồi giáo - dù là trong trường hợp sau sự thịnh vượng là không đủ để loại trừ nó. 

Khi chúng ta nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy tầm quan trọng của Inđônêxia. Khi chúng ta nhìn vào các số liệu kinh tế cơ bản, chúng ta thấy điểm mạnh và điểm yếu của Inđônêxia. Khi chúng ta xem xét vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề hiện tại của nước này, chúng ta thấy những cơ hội của Inđônêxia./. 

Theo Stratfor (2/8)

Hương trà (gt)