Cuộc đọ sức giành các nguồn tài nguyên ngoài khơi đã gia tăng ở Đông Á, và tình trạng căng thẳng Nhật-Trung dường như là mối quan tâm đặc biệt. Do hiệp ước liên minh của mình với Nhật Bản, Mỹ cũng bị cuốn vào cuộc xung đột này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã, lần đầu tiên cho đến nay, mô tả về tình hình xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) là: “không phải hòa bình cũng chẳng phải chiến tranh, mà là một ‘vùng xám’ nào đó”. Tình hình này đang xuất hiện trong bối cảnh một sự cải thiện về “chất” và “lượng” trong các mối quan hệ Mỹ-Trung, khi GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của cả hai nước chiếm gần 1/3 GDP của thế giới.

An ninh và ổn định ở Đông Bắc Á liên quan đến một sự cân bằng giữa sự răn đe lẫn nhau của liên minh quân sự Nhật-Mỹ và các khả năng quân sự của cá nhân Nga và Trung Quốc. Hai nhân tố về mặt lý thuyết có thể làm xói mòn sự ổn định này, cụ thể là những sự thay đổi trong tiềm lực quân sự của bất kỳ thành phần nào trong 3 thành phần này (Nhật-Mỹ, Trung Quốc và Nga), và một sự trầm trọng thêm của các xung đột khu vực mà trong đó họ có thể bị dính líu vào một cách không chủ tâm. Nhân tố đầu tiên bao hàm, trên hết, một sự gia tăng rõ rệt trong sức mạnh quân sự của Trung Quốc, cũng như là một liên minh Nhật-Mỹ được củng cố để đáp lại, và các cuộc diễn tập quân sự được tăng cường (phần lớn mang tính biểu tượng) và việc xây dựng quân đội ở vùng Viễn Đông của Nga. Nhân tố thứ hai này liên quan đến một tranh chấp về các lớp trầm tích dầu lửa ngoài khơi ở Biển Đông và ở biển Hoa Đông. Mỹ có thể bị kéo vào tranh chấp này, do nước này cam kết bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc, theo hiệp ước an ninh năm 1960.

Phản ứng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tại Nhật Bản, sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc lần đầu tiên được nhìn nhận với thái độ ghen tị và sợ hãi về vị thế kinh tế của nước này. Hiện nay, đang có những mối quan ngại về an ninh quân sự của nước này. Sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng trên mọi lĩnh vực. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới về GDP, vượt qua Nhật Bản, nước đã nắm giữ vị thế này trong suốt 40 năm. Đã qua rồi những ngày tháng khi tổng GDP của Mỹ và Nhật Bản chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay, tổng GDP của Mỹ và Trung Quốc chiếm hơn 30% GDP toàn cầu (lần lượt là 17,7% và 12,7%). Cả hai nước đã bỏ lại phần còn lại của thế giới ở xa phía sau, và trong khi đó Nhật Bản có GDP lớn thứ 3 thế giới, ở mức 6,1% trong một tình thế khác biệt.

Sự gia tăng sức mạnh quốc gia tạo ra sự thúc giục phải giải quyết các vấn đề đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế và, trên hết, đối thoại, bằng vũ lực. Mặc dù Trung Quốc rõ ràng quan tâm đến hòa bình và ổn định, mà không có hai điều này thì sự phát triển hơn nữa của Trung Quốc là không thể có được, nước này cũng bị ảnh hưởng bởi sự thúc giục tương tự. Trong những năm gần đây, các đòi hỏi của Bắc Kinh rằng các nước khác phải tôn trọng “các lợi ích sống còn” của mình đã trở nên cứng rắn hơn.

Rất ít người ở Nhật Bản tin là sự đảm bảo của Trung Quốc rằng chi tiêu quân sự được tăng cường của nước này không đặt ra mối đe dọa nào và rằng đó chỉ đơn thuần là sự suy đoán về phía Mỹ và Nhật Bản để biện minh cho những sự chuẩn bị quân sự của chính họ. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi tờ Yomiuri (một tờ báo của Nhật Bản), 82% số người được hỏi ở Nhật Bản xem Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự, nhiều hơn so với Triều Tiên (79%). Tờ báo này cũng đưa tin rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, mà đã gia tăng theo từng năm tới 12,2% là một trong số những sự kiện đáng chú ý nhất của năm 2014.

Các con số này không gây ngạc nhiên, dựa trên các tin tức về các tàu tuần tra của Trung Quốc xâm phạm các vùng lãnh hải, về việc đánh bắt trộm san hô ở vùng kinh tế của Nhật Bản và về việc máy bay của hai nước này bay sát nhau ở một khoảng cách nguy hiểm. Tất cả những điều này đang diễn ra trong bối cảnh sự dính líu thực tế của Bắc Kinh trong các cuộc xung đột lãnh thổ gay gắt, cụ thể là với Việt Nam và Philippines về việc hạ đặt một giàn khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông và với Nhật Bản về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) có tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Việc Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) từ các chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9/2012 với giá 2 tỷ 50 triệu yên (khoảng 26 triệu USD theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm đó) đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Các xuất bản phẩm của Tân Hoa Xã và các phóng viên của báo này đã cho thấy một mối đe dọa được che đậy một cách sơ sài nhằm vào Nhật Bản. Họ nhấn mạnh rằng “các hành động đơn phương” của Chính phủ Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư “mà Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi” không chỉ “đe dọa chính nền tảng của các mối quan hệ song phương, mà thậm chí còn phá hủy sự ổn định ở Đông Á”.

Tuyên bố của Bắc Kinh rằng tranh chấp với Nhật Bản ảnh hưởng đến “các lợi ích sống còn” của nó đã thêm dầu vào lửa. Trước đó, chỉ có Đài Loan rơi vào tình thế này, và Bắc Kinh đã không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Quan điểm bài Nhật đang lan rộng trong xã hội Trung Quốc và đã ăn sâu bám rễ vào các thực tế đáng buồn trong quá khứ, mà một cách không có chủ đích buộc người Nhật Bản phải tin rằng các ý định trả đũa của Trung Quốc không chỉ là một sự bịp bợm. Một cuộc khảo sát của các nhà khoa học chính trị hàng đầu tại 11 quốc gia Đông Á, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thực hiện, đã cho thấy có nhiều người hơn ở Trung Quốc xem việc “trả thù cho quá khứ” là nguyên nhân thích đáng cho chiến tranh, so với ở Nhật Bản.

Việc thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, được Bắc Kinh thông báo hồi tháng 11/2013, đã châm ngòi cho một sự đáp trả mạnh mẽ. ADIZ mới của Trung Quốc bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku (Điếu Ngư) và bãi ngầm Iodo (còn gọi là đá ngầm Socotra) mà Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền. Các chuyến bay của Không quân Trung Quốc đến biên giới Nhật Bản đã diễn ra thường xuyên hơn, và đã bị các máy bay của Nhật Bản ngăn chặn. Từ năm 2008 đến 2013, số lượng các chuyến bay như vậy đã gia tăng từ 31 lên 415 chuyến. Số liệu thống kê của máy bay Nga cũng đi theo một thể thức tương tự: số lượng các chuyến bay đã gia tăng từ 193 lên 359 (gấp 1,9 lần). Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã vượt xa Nga về chỉ số này.

Các dữ liệu từ Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản phù hợp với nhận thức của Nhật Bản về “mối đe dọa tiềm tàng Trung Quốc”. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2009, luận điểm “mối đe dọa Trung Quốc” đã bị bác bỏ ở Nhật Bản ở mức độ cao nhất. Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001-2006) rất thích nhắc đi nhắc lại điều này, rằng Trung Quốc là một cơ hội chứ không phải là một mối đe dọa. Hiện nay, “cơ hội” này ở Nhật Bản được nhìn nhận là khả năng đối đầu quân sự trực tiếp.

Hiến pháp Nhật Bản

Mối đe dọa Trung Quốc, dù có thực hay là được giả định, tạo ra một vấn đề an ninh lớn ở Đông Á cho thập kỷ tới, có nghĩa là, sự biến đổi của Nhật Bản thành một trung tâm sức mạnh quân sự tự lực mạnh mẽ. Cho đến giờ, việc Nhật Bản từ chối một vai trò quân sự độc lập, được đưa vào Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, đã là một trong những nhân tố chính tăng cường hòa bình, an ninh, và ổn định ở Đông Á.

Nhiều điều đã thay đổi theo năm tháng. Cục Phòng vệ Nhật Bản, cơ quan từng giữ một vị trí khiêm tốn trong hệ thống của nhà nước, đã chính thức trở thành Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Hội đồng An ninh Quốc gia, mô phỏng theo nguyên bản của Mỹ về cơ cấu và chức năng, đã bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2014. Ngân sách quân sự mà Bộ Quốc phòng đề nghị cho năm 2015 lên đến 4900 tỷ yên (khoảng 41 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện nay). Ngân sách quốc phòng đã không tăng kể từ năm 1997 (4940 tỷ yên), và trên thực tế còn bị cắt giảm. Từ năm 2013, chi phí này đã tăng lên do “nhân tố Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nền tảng pháp lý nhà nước của chính sách quốc phòng Nhật Bản cho đến giờ vẫn không thay đổi: Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản. Mô hình chính trị “chủ nghĩa hòa bình” của nó là cốt lõi của chính sách đối ngoại của nước này với các tình cảm chống chiến tranh mạnh mẽ vẫn được duy trì bất chấp các thế hệ đang thay đổi. Chủ nghĩa thực dụng của giới tinh hoa Nhật Bản và việc hiểu rằng đua tranh với Trung Quốc trong một cuộc chạy đua vũ trang sẽ là tự sát, đặc biệt là bởi ngân sách quân sự của Trung Quốc (theo các số liệu chính thức, 132 tỷ USD trong năm 2014) với một sự tăng trưởng hàng năm hơn 10%, cũng có một tác động. Ngân sách của Nhật Bản phải đối mặt với một món nợ khổng lồ ở trong nước (8.300 tỷ USD), nhiều hơn gấp đôi GDP, có thể không chịu được cuộc cạnh tranh này.

Có những rào cản khác mà Trung Quốc không phải đối mặt. Cơ cấu quyền lực dân chủ buộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền phải giao tiếp với cử tri, phải lo lắng về kết quả bầu cử trong tương lai và phải tạo dựng một liên minh với một đảng khác (Komeito) nhằm duy trì quyền lực. Việc tạo dựng liên minh này không có chiều hướng dẫn đến một sự gia tăng mạnh trong chi tiêu quân sự, cũng không dẫn tới việc xem xét lại Hiến pháp.

Trong bối cảnh “Chiến tranh Lạnh” với Trung Quốc, ảnh hưởng của các nhân tố trên đang trở nên yếu đi. Nắm được lợi thế này, đảng cầm quyền đang nỗ lực “thúc đẩy một sự vi phạm” các khái niệm đã có từ lâu đó bằng cách thêm tính ngữ “chủ động” vào từ ngữ “chủ nghĩa hòa bình”, mà hoàn toàn không phù hợp với khái niệm chủ nghĩa hòa bình. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đưa ra một số lời giải thích trong bài phát biểu của ông tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 1/2/2014. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của từ ngữ mà chính phủ của Abe có trong tâm trí vượt hẳn ra khỏi các ý tưởng chung về việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu, về việc tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và giải trừ quân bị và về việc đấu tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân mà ông Fumio Kishida đã nói đến.

Khái niệm chủ nghĩa hòa bình chủ động đề cập đến một vấn đề cơ bản là liệu Hiến pháp Nhật Bản có cho phép thực hiện quyền can dự “phòng vệ tập thể” hay không. Vào ngày 1/7/2014, Nội các của Nhật Bản đã thông qua một nghị quyết về việc diễn giải lại Hiến pháp, mà không ngăn cấm quyền thực hiện “phòng vệ tập thể”. Sự diễn giải lại này tiến xa hơn so với khái niệm chính sách định hướng phòng thủ riêng biệt của Nhật Bản được thiết lập trước đó. Phòng vệ tập thể hàm ý rằng binh sỹ Nhật Bản cũng sẽ phải “chiến đấu và hi sinh” bên ngoài Nhật Bản, nếu điều đó được cho là cần thiết vì sự an toàn của quốc gia và công dân của Nhật Bản. Nghị quyết quy định chặt chẽ một cách chi tiết những trường hợp như vậy.

Mỹ trở lại Châu Á

Truyền thống của Nhật Bản không ủng hộ việc thay đổi từ một cực này sang một cực khác. Chính sách an ninh hiện đại của Nhật Bản dựa vào 4 trụ cột: củng cố liên minh toàn diện với Mỹ; tăng cường các khả năng phòng thủ của chính mình thông qua một sự diễn giải mở rộng Hiến pháp; phát triển các mối quan hệ quân sự và chính trị với các đối tác tiềm năng để “kiềm chế” Trung Quốc; củng cố sự hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc. Cả 4 lĩnh vực này đều gặp phải những vấn đề riêng.

Đường hướng đầu tiên là rõ ràng. Hiện có khoảng 37.000 lính Mỹ và hơn 130 cơ sở quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Vấn đề cắt giảm hoặc rút bớt binh sỹ Mỹ từ lâu đã bị lãng quên. Vấn đề nói đến liên quan đến việc tái triển khai khỏi căn cứ Okinawa, nơi mà 3/4 căn cứ và cơ sở của Mỹ hiện đang tập trung tại đây. Nhưng sự chú trọng vào liên minh chiến lược Mỹ-Nhật, mà vẫn còn định hướng vào việc chống lại Trung Quốc, đang ngày càng mâu thuẫn với sự phụ thuộc lẫn nhau đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự đan xen các lợi ích này là đặc biệt đáng chú ý trong nền kinh tế. Năm 2013, trao đổi hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên tới 562,2 tỷ USD, và trong 9 tháng đầu năm 2014 – con số là 425,7 tỷ USD. Chỉ số tương tự về thương mại Nhật-Mỹ thấp hơn gần 3 lần: lần lượt là 203,8 và 153,3 tỷ USD. 723.000 sinh viên Trung Quốc đã học tập ở các trường đại học của Mỹ trong năm 2012. Trái ngược với những năm 1920, khi thanh niên Trung Quốc tới Moskva để học về đấu tranh giai cấp, con cái của các đảng viên cộng sản ngày nay lại ưa chuộng các trường đại học của Mỹ. Năm 2011-2012, số sinh viên Trung Quốc đã chiếm đến hơn 25% toàn bộ số du học sinh theo học ở các thể chế giáo dục đại học của Mỹ.

Nhật Bản hi vọng rằng đường hướng mới của Barack Obama – đánh dấu sự “trở lại” châu Á của Mỹ hoặc một sự hiện diện được tăng cường của Mỹ ở châu Á sẽ là một sự lựa chọn thực tế thay cho sự tăng trưởng nhanh chóng của một thế giới định hướng Trung Quốc, mà Nhật Bản hoàn toàn không muốn là một phần trong đó. Tại trung tâm của đường hướng này là khái niệm về một khu vực thương mại tự do được gọi là Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kể từ năm 2008, Mỹ đã thương lượng việc tham gia thỏa thuận này và đã tích cực cổ vũ Nhật Bản tham gia. Dường như Mỹ và Nhật Bản tìm cách để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách áp dụng các đòn bẩy kinh tế, các quy định hải quan, và các chuẩn mực đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nhưng từ giữa năm 2013, chính sách “kiềm chế” của Trung Quốc đã bắt đầu biến mất khi dự án TPP được thực hiện. Các cuộc đàm phán trong tháng 11/2012 về việc thiết lập một khu vực thương mại tự do khác – Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – đã cho thấy một sự mơ hồ rõ ràng trong quá trình hội nhập khu vực. Khu vực này, với thị trường khổng lồ của Trung Quốc ở trung tâm, đưa nhiều quốc gia liên quan đến TPP đến với nhau, gồm cả Nhật Bản. Ngoài ra, từ giữa năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu biểu lộ một sự quan tâm đáng kể đến TPP. Tâm lý ở Mỹ cũng đã thay đổi. Một tạp chí có ảnh hưởng của Mỹ đã bắt đầu lập luận rằng việc dung nạp Trung Quốc vào dự án TPP là nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.

Cuộc thảo luận sôi nổi tại phiên họp APEC mới đây nhất ở Indonesia về ý tưởng tạo ra một Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) hồi tháng 11/2014 trái ngược hẳn với nỗ lực đã thất bại nhằm ký kết một hiệp định cuối cùng về TPP ở Singapore hồi tháng 2 cùng năm. Thị trường khổng lồ này chiếm tới 80% khối lượng hàng xuất khẩu, 60% khối lượng hàng nhập khẩu và 70% đầu tư trực tiếp của Nhật Bản. Tờ báo Asahi có ảnh hưởng (của Nhật Bản) không thấy vấn đề gì trong sự tồn tại của các tiến trình hội nhập song song. Hơn nữa, theo quan điểm của báo này, TPP có thể tạo nên cốt lõi của FTAAP.

Sự xoay trục của Nga sang phía Đông

Sự xoay trục của Nga sang phía Đông hay chính sách đối ngoại “Thay thế phương Tây” của nước này làm dấy lên vấn đề về những nguyên tắc cơ bản của chiến lược chính sách đối ngoại của nước này. Các mối quan hệ với Trung Quốc đang nhanh chóng có được sức đà, biến Trung Quốc từ “một trong những đối tác quan trọng nhất” của Nga thành đối tác chính của nước này. Điều này chắc chắn tạo ra cảm tưởng về việc thiết lập một liên hiệp hay một điều gì đó gần như thế. Về mặt chiến thuật, đó có thể là một điều tốt, nhưng về mặt chiến lược, việc này chứa đầy những hậu quả nghiêm trọng và làm sống lại “bóng ma” của những năm 1950. Đây không phải là một điều gì đó mà Trung Quốc cần. Các lợi ích của Trung Quốc đang trở nên mang tính toàn cầu hơn, và nước này thiết tha tránh tạo ra cảm giác về một liên minh với Moskva.

Các quá trình hội nhập khu vực song song (TPP và FTAAP) đang đi cùng một chiều hướng, cụ thể là hướng tới một thị trường khổng lồ bao gồm một số lượng lớn các bên tham gia khu vực khác nhau và định hướng khác nhau, gồm cả Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, và sẽ ngăn cản sự hình thành của một sự chi phối kinh tế và chính trị khu vực của G-2 (Washington-Bắc Kinh). Mô hình này không thích hợp với bất cứ nước nào, kể cả Nhật Bản và Nga.

Một cách ngấm ngầm, lôgích này đã định hình các mối quan hệ Nga-Nhật trong vài năm qua, nhưng các sự kiện của Ukraine đã làm cản trở quá trình này. Việc Nhật Bản tham gia các biện pháp trừng phạt phần lớn là bị ép buộc. Nước này không thể phớt lờ tư cách thành viên của mình trong G-7, liên minh với Mỹ, và mối quan hệ thân thiết của nước này với châu Âu. Tuy nhiên, Tokyo đã nỗ lực giảm bớt các hành động của mình nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mà hầu như không có hiệu quả thực tế. Đặc biệt, chúng bao gồm sự kiểm soát được tăng cường đối với xuất khẩu vũ khí; việc cung cấp công nghệ quân sự, hàng hóa thông thường, các dịch vụ định hướng quân sự và các khoản cho vay dài hạn cho các ngân hàng của Nga; từ chối cấp visa cho các cá nhân nào đó…

Hầu hết các biện pháp trừng phạt liên quan đến các hoạt động gần như không được tiến hành trong thực tế. Nhưng nếu tác động về kinh tế của các biện pháp trừng phạt này là không đáng kể, tác động về chính trị là đủ gây đau đớn. Để giảm nhẹ tác động này, phía Nhật Bản đã đề xướng hai cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe – một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Milan và một cuộc gặp dài ở Bắc Kinh như là một phần của APEC. Trong “giai đoạn các biện pháp trừng phạt”, các tàu chiến của Nhật Bản đã có một chuyến thăm xã giao đến Vladivostok. Hiện giờ, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir đến Nhật Bản trong năm 2015 đang ở trong chương trình nghị sự. Thủ tướng Shinzo Abe đã phát biểu vào ngày 11/11/2014 sau 1 tiếng rưỡi trò chuyện với Putin, lưu ý rằng đó là cuộc gặp gỡ thứ 10 của họ: “Tôi hi vọng rằng chuyến thăm này sẽ diễn ra vào năm tới tại thời điểm thích hợp nhất”. Cuộc gặp gỡ thứ 11 của họ sẽ diễn ra khi nào và như thế nào và “thời điểm thích hợp nhất” sẽ là khi nào là một điều gì đó mà chúng ta sẽ được biết trong tương lai gần.

Do cuộc đối đầu hiện nay của Nga với phương Tây, Nhật Bản theo bản chất không thể chọn theo phe nào. Bởi sự miễn cưỡng của Nhật Bản trong việc đối đầu với Nga, khát khao của nước này muốn thúc đẩy một giải pháp thỏa hiệp cho cuộc tranh chấp giữa phương Tây và Nga càng sớm càng tốt và, vô cùng quan trọng, để ngăn chặn các nước khác “nhét tiền đầy ví” từ cuộc xung đột này, các mối quan hệ có thể được xây dựng theo một khuôn khổ đặc biệt. Khuôn khổ này có thể đem lại một nền tảng cho các biện pháp trừng phạt được giảm thiểu và tối đa hóa đối thoại và tương tác ở các khu vực không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt. Theo khía cạnh này, Nhật Bản ở vào vị trí tốt hơn so với Pháp hoặc Đức, các nước mà ngoài các mối quan hệ với Mỹ và G-7 còn có các cam kết trong Liên minh châu Âu (EU), mà nguyên tắc đồng thuận của liên minh này đòi hỏi phải làm cho các lợi ích của họ hòa hợp với lợi ích của các nước khác.

Bất chấp một mối quan hệ rất mật thiết với Mỹ, Israel đã không tham gia các biện pháp trừng phạt bởi vì Israel đã tìm cách thuyết phục đồng minh chính của mình và các nước khác rằng nước này không thể chịu được một sự xa xỉ như vậy, đối mặt với một môi trường thù địch và dễ bùng nổ. Tokyo có thể làm theo và thuyết phục các đối tác của mình rằng bất chấp sự độc lập kinh tế của nước này với Nga, các mối quan hệ tốt đẹp hay chí ít là thông thường với Moskva là một đòi hỏi địa chính trị cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay.

Các xu hướng đa chiều trong hoạt động chính trị của thế giới và ở khu vực là rõ ràng. Sự phát triển kinh tế của khu vực này đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập, sự hình thành các thị trường chung và các lợi ích chung, nhưng việc làm hài hòa các lợi ích mà dường như thúc đẩy chiều hướng xung đột do các tranh chấp về lãnh thổ và tranh chấp khác và phát triển tài nguyên, rõ ràng đã gặp phải những trở ngại và thậm chí có thể bị trì hoãn. Sự cách biệt đang nổi lên trong tiềm lực kinh tế đã biến thành các khía cạnh sức mạnh khác, khiến cho việc tìm ra những thỏa hiệp có thể cũng chấp nhận được thậm chí còn khó khăn hơn. Các nỗ lực này bị cản trở bởi thực tế rằng việc làm hài hòa các lợi ích quốc gia ở khu vực với một mức độ hội nhập chính trị ở mức thấp là cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, có một điều là rõ ràng: chìa khóa cho việc giải quyết các bất đồng địa chính trị, nếu có, thì đó là hội nhập kinh tế./.

Theo “Russian Council

Mỹ Anh (gt)