Trong bối cảnh vụ kiện Philippines-Trung Quốc về Biển Đông đang dần đến hồi kết khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có thể sẽ ra phán quyết cuối cùng vào tháng 5/2016, Philippines đang tích cực vận động cộng đồng quốc tế và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết cuối cùng của tòa. Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN diễn ra vào giữa tháng 2/2016 tại California (Mỹ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ phán quyết của PCA. Ngoại trưởng Philippines sau đó khẳng định Philippines đang kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa và nhấn mạnh thêm rằng “nếu Trung Quốc không đáp ứng lời kêu gọi tập thể thì Trung Quốc đang coi mình đứng trên cả luật pháp.”

Những nỗ lực của Philippines vận động cộng đồng quốc tế và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA cho thấy Philippines khá vững tin về phán quyết cuối cùng của tòa . Điều này xuất phát từ ít nhất ba lý do sau:

Thứ nhất, Philipines đã chuẩn bị rất kỹ cho vụ kiện. Về thủ tục, việc Philippines lựa chọn kiện Trung Quốc qua tòa trọng tài là một biện pháp hòa bình và qua đó khẳng định vị thế bình đẳng với Trung Quốc trước pháp luật quốc tế. Philippines chứng tỏ nước này đang thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Điều 287 của UNCLOS quy định rõ khi ký hay phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hay ở bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn, dưới hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước, bao gồm: (i) Tòa án công lý của Liên hiệp quốc (ICJ), (ii) Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), (iii) Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, và (iv) Tòa án trọng tài đặc biệt.

Điều 287 cũng quy định nếu hai quốc gia tranh chấp không thống nhất về phương pháp giải quyết tranh chấp thì tranh chấp sẽ được giải quyết bằng Tòa trọng tài theo Phụ lục VII.

Ngoài ra, thực tiễn xét xử của tòa án quốc tế cho thấy sự vắng mặt (từ chối tham gia vụ kiện) của bên bị đơn không loại trừ thẩm quyền xét xử và không ảnh hưởng đến phán quyết của tòa. Trong vụ kiện Nicaragua-Mỹ (1984-1986), Tòa án Công lý quốc tế đã xử Nicaragua thắng dù Mỹ không tham gia và không chấp nhận. Do đó, Trung Quốc quyết định không tham gia vào vụ kiện không làm mất đi thẩm quyền của PCA và cũng không ảnh hưởng đến phán quyết của tòa.

Về nội dung, Philippines đã khéo lách qua khe cửa hẹp khi không đề cập tới các vấn đề trong tuyên bố bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc, bao gồm: các tranh chấp về phân định biển, tranh chấp về danh nghĩa lịch sử và vịnh lịch sử, tranh chấp về việc thực thi luật pháp liên quan đến nghề cá và nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế, tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự và các tranh chấp đang được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét. Thay vào đó, Philippines chủ yếu tập trung vào việc giải thích Công ước, bao gồm: (i) yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” không phù hợp với UNCLOS và vì thế là vô hiệu; (ii) theo UNCLOS, một số thực thể mà cả Philippines và Trung Quốc yêu sách hưởng quy chế là đảo, đảo đá, bãi nửa nổi nửa chìm hoặc bãi chìm; (iii) Trung Quốc đã vi phạm Công ước vì đã can thiệp vào việc Philippines thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do trên biển mà nước này được hưởng theo Công ước, và các hoạt động xây dựng đảo và đánh bắt cá gây tổn hại đến môi trường biển.

Các điểm mà Philippines nêu ra hoàn toàn có căn cứ. Ví dụ, Philippines thách thức “đường chín đoạn” của Trung Quốc là có cơ sở vì đường này không phù hợp với bất cứ đường giới hạn các vùng biển nào được quy định trong UNCLOS. “Đường chín đoạn” không phải là nội thủy theo quy định tại Điều 8 (UNCLOS). Các tàu nước ngoài, bao gồm cả tàu chiến vẫn thực hiện quyền đi lại trên vùng nước nằm trong “đường chín đoạn” từ khi nó xuất hiện trên bản đồ do Cộng hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948. Đường này cũng không phải là lãnh hải theo Điều 3 và 4 của UNCLOS. Chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng UNCLOS nhưng ranh giới ngoài của “đường chín đoạn” không có giới hạn rõ ràng về địa lý, không phải là một đường trong đó mỗi điểm trên đường đó cách điểm gần nhất của đường cơ sở của Trung Quốc một khoảng cách là 12 hải lý, không xác định được độ dày của các đoạn đứt khúc. Đoạn 2, 3 và 8 (xem trong bản đồ minh họa phía dưới) không chỉ gần với bờ biển của các nước khác mà còn nằm cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn dặm.

“Đường chín đoạn” cũng không phải là thể hiện yêu sách với các vùng nước quần đảo theo Điều 46-49 của UNCLOS. Do chế độ pháp lý của “các vùng nước quần đảo” được phát triển trong giai đoạn hội nghị lần thứ III của UNCLOS (từ năm 1973 – 1982) và bản đồ thể hiện “đường chín đoạn” xuất bản lần đầu năm 1948, nên khó có thể chứng minh được vùng nước bên trong “đường chín đoạn” đó có được quy chế pháp lý của các vùng nước quần đảo. Hơn nữa, Cộng Hòa Trung Hoa đã không thực thi chủ quyền và quyền tài phán của mình đối toàn bộ các vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” này, tàu và máy bay nước ngoài vẫn tiếp tục được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng nước nằm trong đường này, thay cho quyền đi qua không gây hại và quyền được qua lại các tuyến hàng hải và hàng không đã được ấn định của vùng nước quần đảo.

Ngoài ra, Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với việc sử dụng các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật tại vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn” nhưng không yêu sách danh nghĩa lịch sử đối với vùng biển này. Điều này có thể thấy thông qua việc Trung Quốc cho phép đi lại và bay trong khu vực đường chín đoạn và phản đối các quốc gia khác đánh bắt cá và thăm dò dầu khí trong khu vực này. Hơn nữa, UNCLOS chỉ giải quyết các quyền đối với tài nguyên biển chứ không đề cập đến quyền lịch sử mà Trung Quốc yêu sách.

Bên cạnh đó, Philippines có lý khi thách thức quy chế pháp lý của các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Đặc biệt, việc Bắc Kinh biến các thực thể đó thành các đảo nhân tạo cũng không tạo ra các vùng biển. Các thực thể đó không phải là đảo mà chỉ là “đá” hoặc chỉ là “bãi lúc chìm lúc nổi”, và theo Điều 121 (3) của UNCLOS, đá chỉ có 12 hải lý lãnh hải, không được hưởng quy chế về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc bồi đắp hay tôn tạo các đá cũng sẽ không ảnh hưởng đến bản chất pháp lý của chúng.

Thứ hai, những thắng lợi ban đầu khi Tòa Trọng tài tuyên bố có thẩm quyền giải quyết vụ kiện và bác bỏ các lập luận trong tài liệu lập trường ngày 7/12/2014 của Trung Quốc (Position Paper) đã tạo cơ sở cho sự vững tin của Manila, bao gồm:

(i) Tòa đã bác bỏ các lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp giữa các bên thực chất là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và do đó, không thuộc thẩm quyền của Tòa;

(ii) Tòa cũng bác bỏ lập luận của Trung Quốc là tranh chấp này thực chất là tranh chấp về phân định ranh giới trên biển trên biển giữa hai nước và do đó, bị loại trừ khỏi thẩm quyền của Tòa bởi tuyên bố bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc. Ngược lại, Tòa quyết định rằng tất cả các nội dung mà Philippines yêu cầu giải quyết trong đơn kiện đều phản ánh loại tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước giữa hai quốc gia;

(iii) Toà cho rằng một số điểm đệ trình của Philippines đưa ra không rơi vào các hạn chế tại Điều 297 và các ngoại lệ tại Điều 298 đối với thẩm quyền của Toà;

(iv) Tòa bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông 2002 (DOC) là một thỏa thuận mà theo đấy, các bên sẽ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông chỉ duy nhất bằng con đường đàm phán. Trái lại, Tòa quyết định rằng DOC chỉ là một tuyên bố chính trị, không có giá trị pháp lý, vì thế không phù hợp với những điều khoản trong Công ước liên quan đến các hình thức giải quyết tranh chấp do các bên tự thỏa thuận;

(v) Tòa đồng thời quyết định rằng những thỏa thuận và tuyên bố chung khác giữa Philippines và Trung Quốc không cản trở và không loại trừ việc Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc dựa theo cơ chế của Công ước. Hơn nữa, Tòa quyết định rằng Philippines đã đáp ứng quy định của Công ước về việc trao đổi quan điểm để việc giải quyết tranh chấp và các nỗ lực đàm phán với Trung Quốc của Philippines.

Theo đó, Tòa đi đến kết luận có thẩm quyền đối với các vấn đề được nêu ra trong bảy điểm mà Philippines đệ trình. Tòa tiếp tục xem xét thẩm quyền đối với các vấn đề còn lại sau phiên điều trần thứ hai của Philippines diễn ra từ 24-30/11/2015.

Thứ ba, Philippines nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng quốc tế rằng đây là biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và đóng góp vào việc duy trì một trật tự ổn định dựa trên luật lệ ở khu vực và trên thế giới. Ví dụ, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh "ủng hộ nỗ lực của Philippines nhằm giải quyết các xung đột chủ quyền bằng pháp lý." Gần đây nhất, Tuyên bố chung Đối thoại chiến lược Mỹ-Philippines diễn ra tại Washington DC từ ngày 17-18/3/2016 khẳng định Mỹ ủng hộ vụ kiện của Philippines và ủng hộ phán quyết của PCA sắp tới: “Đoàn đại biểu từ Mỹ và Philippines tái khẳng định rằng các nước nên làm rõ yêu sách biển ở Biển Đông theo UNCLOS và giải quyết hoặc quản lý hòa bình tranh chấp, bao gồm thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình như tòa trọng tài. Cả Mỹ và Philippines đều khẳng định rằng phán quyết của tòa trọng tài sẽ có hiệu lực pháp lý với cả Trung Quốc và Philippines.”Tại Brussel, Liên minh châu Âu ngày 11/3/2016 ra Tuyên bố hối thúc các bên yêu sách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, làm rõ cơ sở của yêu sách theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS và các thủ tục trọng tài. Các nước Châu Âu đơn lẻ như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, v.v cũng đều bày tỏ ủng hộ đối với biện pháp hòa bình của Philippines.

Trong khi đó, các nước ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand và các nước Đông Nam Á cũng có phát biểu ngoại giao về vụ kiện của Philippines. Bằng hình thức công khai hoặc ngụ ý đều thể hiện sự ủng hộ dành cho Philippines. Ví dụ, Cựu Ngoại trưởng Philippines Charles Jose hoan nghênh việc Việt Nam ngày 11/12/2014 gửi bản lập trường về vụ kiện lên PCA và cho rằng tuyên bố của Việt Nam rất hữu ích, khẳng định là Tòa có thẩm quyền và yêu sách của Philippines là xác đáng. Thậm chí, một nước vốn ngả theo Trung Quốc như Thái Lan cũng khẳng định rằng Philippines có quyền kiện Trung Quốc lên tòa án Luật Biển của Liên Hợp Quốc.

Tóm lại, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cộng với những chiến thắng ban đầu từ quyết định có thẩm quyền xét xử vụ kiện của tòa và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, Philippines có lý do để vững tin về phán quyết cuối cùng của PCA. Mặc dù Bắc Kinh từ chối tham gia và quyết không chấp nhận kết quả của vụ kiện nhưng phán quyết của PCA sẽ có hiệu lực pháp lý ít nhất là trên thực tế đối với Trung Quốc. Do vậy, Trung Quốc phải có cách lý giải về yêu sách ở Biển Đông không những phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn đảm bảo lợi ích của các bên yêu sách khác để chứng tỏ Trung Quốc là một “nước lớn mới nổi có trách nhiệm” đúng nghĩa./.

Quách Thị Huyền (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao)

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.