Thuật ngữ “cường quốc mới nổi” thừa nhận vị thế đang lên cao – trước hết là kinh tế nhưng cũng bao hàm cả yếu tố chính trị và chiến lược – của một nhóm quốc gia nhất định. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các nước này, đều từng được xếp hạng (và trong một số trường hợp vẫn còn) là một phần của “thế giới thứ ba” hoặc các nước Nam (các nước đang phát triển). Indonesia thuộc về nhóm này. Là nước đông dân thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, Indonesia cũng là nước có đông dân theo đạo Hồi nhất và là nền dân chủ lớn thứ 3 thế giới. Kinh tế của Indonesia hiện đứng thứ 16 thế giới (mặc dù một dự đoán gần đây xếp nước này thứ 10), công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company đã dự báo rằng quốc đảo này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030.

Kể từ khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ năm 1998, Indonesia đã tổ chức 3 kỳ bầu cử trực tiếp, và cả ba đều được đánh giá là tự do và công bằng. Giai đoạn 2000-2010, tăng trưởng kinh tế Indonesia đã vượt tất cả các nền kinh tế mới nổi khác, trừ Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí vượt trên các thành viên còn lại của khối BRICS như Nga, Brazil và Nam Phi. Nhưng câu chuyện Indonesia cho thấy đất nước này đi theo một con đường dẫn đến vị thế cường quốc mới nổi khác với các quốc gia khác, con đường này không dựa quá nhiều vào sức mạnh quân sự hay nguồn tài nguyên kinh tế, mà nó dựa vào khả năng một đất nước phát triển dựa trên mối tương quan tích cực và đúng đắn của ba nhân tố: dân chủ, phát triển và ổn định, đồng thời theo đuổi một chính sách đối ngoại kiềm chế đối với láng giềng và can dự chủ động với thế giới. Indonesia giành được vị thế đang lên trên trường quốc tế theo một cách rất khác so với các nước mới nổi khác trong thế giới đang phát triển, bao gồm cả các nước BRICS. Có hai điều làm Indonesia khác biệt, đầu tiên là trong khi sự nổi lên của các nước BRICS có liên quan trước tiên tới tăng trưởng kinh tế và chi phí quân sự, Indonesia bước chân vào nhóm cường quốc mới nổi nhờ quá trình dân chủ hóa và can dự khu vực. Mỗi nước BRICS đều là một cường quốc quân sự, một số ở tầm khu vực còn Nga và Trung Quốc ở tầm thế giới. Kể cả những cường quốc mới nổi không thuộc BRICS như Hàn Quốc, Nigeria và Saudi Arabia chỉ có được ảnh hưởng đối với khu vực về kinh tế và quân sự trước khi có những đóng góp về chính trị và ngoại giao được thế giới công nhận. Indonesia đôi khi còn được so sánh với một số nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch, hoặc với Australia và Canada, được gọi với cái tên “cường quốc bậc trung”. Nhưng đây là các nước phương Tây giàu có, và một số nước như Thụy Điển và Australia còn có sức mạnh quân sự đáng kể. Ngược lại, Indonesia vẫn chỉ là một quốc gia yếu về quân sự và kinh tế, nhất là khi so sánh với một số nước láng giềng. Dẫu vậy, quốc gia “vạn đảo” vẫn có được vị thế lãnh đạo có lợi thế so sánh và tầm ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ cường quốc mới nổi nào trong thế giới đang phát triển. Đối với một đất nước không phải mạnh nhất về quân sự cũng như kinh tế ngay trong khu vực của mình (thậm chí một nước Singapore bé nhỏ cũng có số điểm cao hơn trên cả hai phương diện này), nhưng Indonesia lại làm được nhiều hơn trên phương diện trung gian hòa giải và thúc đẩy hỗ trợ đối với các cuộc xung đột ở châu Á, nhiều hơn so với các cường quốc khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Điểm khác biệt thứ hai liên quan tới vị thế của một cường quốc mới nổi nằm ngay trong khu vực Đông Nam Á.

Câu chuyện Indonesia cho thấy rằng chìa khóa để bước vào ngưỡng cửa của một nước được thế giới thừa nhận và có vị thế toàn cầu chính là xuất phát từ chỗ có mối quan hệ tốt với các nước trong khu vực. Ngoại trưởng Marty Natalegawa rất thích mô tả Indonesia như một “cường quốc khu vực có lợi ích và mối quan tâm mang tính toàn cầu”. Chúng ta có thể biến đổi sự mô tả này khác đi một chút để nói rằng Indonesia theo đuổi một “con đường mang tính khu vực nhằm hướng tới vị thế toàn cầu”. Theo Natalegawa, nhiều cường quốc mới nổi đã vấp phải “sự thiếu hụt lòng tin” đối với nước láng giềng. Indonesia thì khác. Thực tế có thể chứng minh cho điều này. Quan hệ giữa các cường quốc như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi và Brazil với các nước láng giềng nhìn chung đều cho thấy có những xung đột và thiếu lòng tin. Ngược lại, Indonesia được thế giới rộng rãi công nhận như một người “anh cả” trong khu vực và có được quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước láng giềng. Như vậy, một đặc điểm nổi bật của Indonesia là mặc dù không có được sức mạnh kinh tế và quân sự nổi trội trong khu vực, Indonesia vẫn được tôn trọng và trông chờ đóng vai trò hòa giải và cầu nối thúc đẩy trong các cuộc xung đột và khủng hoảng khu vực. Một số ý kiến cho rằng cần mở cửa cho Indonesia gia nhập BRICS, nhưng giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Jakarta lại không mấy thích thú với ý kiến này. Cựu Ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirajuda (2001-2009) đã nói: “Chúng tôi không quan tâm lắm tới ý kiến đó… Indonesia có lối chơi riêng trong ASEAN và Đông Á”. Ông chỉ ra rằng trong khi nhóm BRICS đang suy giảm thì Indonesia lại có tăng trưởng nhanh hơn mặc dù không thuộc nhóm này. Ông nhấn mạnh Indonesia đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vào năm 2030, rằng việc trở thành một phần của khu vực Đông Á, trung tâm động lực của thế giới thế kỷ 21, mới là điều quan trọng.

Quản lý mối quan hệ với các nước lớn

Indonesia không tự xem mình là một cường quốc tầm cỡ toàn cầu nhưng lại chú trọng gây ảnh hưởng nhờ mối quan hệ với các nước lớn khác thông qua vai trò ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (giờ đây được mở rộng ra thành Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm bao hàm cả Ấn Độ). Sở dĩ có cách tiếp cận này là do khu vực này hiện nay là nơi chứa đựng những chủ thể có sức mạnh vật chất lớn nhất trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Nhưng làm cách nào để Jakarta có thể tiếp cận được các mối quan hệ chiến lược trong khu vực này? Hiển nhiên, Indonesia không thể làm được nếu chỉ là một cá thể đơn độc, nhưng với tư cách một chủ thể đa phương tầm cỡ khu vực, Indonesia tạo ra cho mình một lợi thế mà các cường quốc khác không thể có được. Chủ nghĩa đa phương sẽ không có kết quả nếu nó chỉ đơn thuần chú trọng các nước lớn, điều đó sẽ gạt ra ASEAN ngoài lề, kéo theo cả Indonesia. Cách tiếp cận được Indonesia ưa thích hơn trong vấn đề này là thế “cân bằng động”. Sáng kiến “cân bằng động” là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận dựa trên khu vực của Indonesia đối với trật tự thế giới, dù thuật ngữ này mới được đưa ra song thường xuyên được Tổng thống Susilo B. Yudhoyono và Ngoại trưởng Natalegawa đề cập tới. Trong một phát biểu tại Tokyo tháng 12/2013, Natalegawa đã mô tả sáng kiến này bằng từ “động”, bởi vì sự thay đổi là một biểu hiện thường xuyên và hiển nhiên trong khu vực, do vậy, kiến trúc của khu vực phải thường xuyên thích ứng. “Cân bằng”, bởi vì một trạng thái biến đổi thường xuyên như thế cho thấy tình trạng hỗn loạn hay sự bất ổn kéo dài là không phổ biến trong một hệ thống đa cực khuếch tán; hay ngược lại, một trật tự được áp đặt bởi sự vượt trội của một cường quốc đơn lẻ. Thay vào đó, các nước trong khu vực phát triển những chuẩn mực và nguyên tắc, quy tắc ứng xử đối với trường hợp cụ thể, khung pháp lý, để xây dựng một tinh thần đối tác và hợp tác nhằm đề cập các vấn đề có cùng lợi ích”. Ông Natalegawa nói rằng sáng kiến này ra đời xuất phát từ những căng thẳng giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với những căng thẳng như vậy, cách tiếp cận trên không chỉ phủ nhận thế độc tôn của bất kỳ một cường quốc nào trong khu vực, cho dù là Mỹ hay Trung Quốc, sáng kiến này còn xuất phát từ cách tiếp cận cân bằng quyền lực truyền thống. Không giống như các nhà hoạch định chính sách của láng giềng Singapore, Indonesia không thích sử dụng thuật ngữ thăng bằng; cân bằng mới là thuật ngữ được Indonesia ưa chuộng hơn. Mục đích không phải để tạo ra trật tự thông qua phát triển quân đội, liên minh và chạy đua vũ trang, mà là để giữ ASEAN đứng ở trung gian giống như “nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng”.

Dân chủ và chính sách đối ngoại

Bất kỳ một nghiên cứu nào nhằm tìm hiểu và giải thích chính sách đối ngoại của Indonesia và vai trò của nước này trên thế giới đều phải đánh giá cao tác động của quá trình dân chủ hóa ở đây. Indonesia cũng cho thấy một ví dụ quan trọng và được tái khẳng định về việc dân chủ hóa có thể tác động và định hình lại chính sách đối ngoại như thế nào. Như Natalegawa đã đề cập, tác động của dân chủ lên chính sách đối ngoại của Indonesia được thể hiện cả ở hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, việc hoạch định chính sách đối ngoại giờ đây trở nên “khuếch tán” hơn, có thêm nhiều chủ thể tham gia chính sách đối ngoại, có thêm sự tham gia và trong quá trình hoạch định, thậm chí kể cả tham gia triển khai. Giờ đây các nhà hoạch định đã thấy rằng trong giai đoạn thẩm thấu chính sách, việc có được sự ủng hộ của công chúng, chính sách được phản hồi và đón nhận là những vấn đề rất quan trọng. Như vậy về tổng thể, hệ thống này trở nên mở hơn rất nhiều. Về nội dung, tác động của quá trình dân chủ hóa có thể được thấy thông qua sự ủng hộ của Indonesia đối với dân chủ và nhân quyền, kể cả việc ủng hộ và công nhận dân chủ và nhân quyền trong Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và Hiến chương ASEAN. Indonesia là nước ủng hộ mạnh mẽ Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền và là nước khởi xướng Diễn đàn Dân chủ Bali (BDF). Ketut Erawan, Giám đốc điều hành Viện Dân chủ và Hòa bình thuộc trường Đại học Udayana tại Bali – tổ chức được giao triển khai các chương trình của BDF, cho biết dân chủ có hai chức năng chính trong chính sách đối ngoại: “Dân chủ có thể là công cụ và cũng có thể thúc đẩy thay đổi bản sắc”. Giá trị dân chủ của một quốc gia có thể được sử dụng để đề cập những thách thức trong chính sách đối ngoại và an ninh. Đối với Indonesia, điều này trở nên quan trọng trong việc thuyết phục Liên hợp quốc xóa bỏ những biện pháp trừng phạt đối với lực lượng vũ trang của Indonesia vì những vi phạm nhân quyền dưới thời Suharto, theo đó đã giúp bình thường hóa quan hệ quốc phòng với Mỹ và cho phép Indonesia mua vũ khí giúp hiện đại hóa quân đội. Dân chủ có thể thu hút thêm nhiều hỗ trợ phát triển quốc tế và sự ủng hộ đối với các chương trình kinh tế, đồng thời, trở thành một “quốc gia dân chủ” đã giúp làm thay đổi đáng kể hình ảnh của Indonesia trên thế giới. Dân chủ đã làm cho thế giới chấp nhận Indonesia, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt là các nước phát triển.

Những thách thức trong tương lai của Indonesia

Tại sao Indonesia lại quan trọng đối với thế giới? Tại sao cả thế giới lại quan tâm tới Indonesia? Chắc chắn là từ những yếu tố quan trọng như diện tích lớn, dân số đông, vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế. Cũng không kém phần quan trọng là xã hội Indonesia có truyền thống khoan dung tôn giáo và đa dạng sắc tộc (cho dù gần đây có những biểu hiện gia tăng sự thiếu khoan dung). Ngoài ra, bản chất và mục đích của hệ thống chính trị Indonesia cũng quan trọng. Chính sách đối ngoại và vị thế quốc tế mà nhà nước Indonesia hoạch định – việc tham gia các định chế quốc tế, trong ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương, có vai trò lớn trong định hình cách nhìn nhận của thế giới đối với Indonesia và tầm quan trọng của nước này trên trường quốc tế và khu vực. Mặc dù có những hứa hẹn và thành công, Indonesia đối mặt với những thách thức trong việc hiện thực hóa vai trò như một cường quốc mới nổi, nhất là trong cách tiếp cận “cân bằng động”. Trước hết, môi trường bên ngoài của Indonesia trở nên ngày càng phức tạp và đầy thử thách, cảm giác lạc quan thời kỳ hậu “Chiến tranh Lạnh” đã chấm dứt, những hành động độc đoán của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông đã làm dấy lên nỗi lo ngại ở các nước châu Á, bao gồm cả Jakarta. Giờ đây Indonesia chấp nhận rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông có chồng lấn lên vành đai quần đảo Natuna, theo đó tạo tiền đề cho một mối quan hệ xung đột với Trung Quốc. Trong khi Indonesia tiếp tục nhấn mạnh vai trò của mình như một trung gian hòa giải và thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, một hành động làm tồi tệ thêm tình hình ở Natuna có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới vai trò này.

Một thách thức khác đối với vị thế của Indonesia với tư cách là trung gian hòa giải ở khu vực đến từ chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã theo đuổi việc thắt chặt quan hệ quân sự với Indonesia một cách cẩn trọng một phần bởi vì có khá nhiều nước khác muốn tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, ngoài ra, Chính quyền Tổng thống Obama đã cẩn thận không áp đặt chủ ý của mình lên ASEAN và trong các diễn đàn do ASEAN khởi xướng, nơi Indonesia đóng vai trò quan trọng; Washington cũng tiếp tục tôn trọng nguyên tắc trung tâm của ASEAN, nhưng nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, nó sẽ là một thử thách đối với lập trường của Indonesia. Do vậy, điều này phụ thuộc vào khả năng của Jakarta trong việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), vốn dĩ không có gì đảm bảo chắc chắn. Nếu Indonesia không thể làm được điều đó, thì người ta sẽ đặt dấu hỏi đối với tính hiện thực của chính sách “triệu người bạn, không kẻ thù” của Chính quyền Susilo, vốn đã được các nhà phê bình cho là “chỉ có ở trong mơ”.

Thách thức thứ ba liên quan tới năng lực và tầm lãnh đạo của chính sách đối ngoại. Ngoại trưởng Natalegawa đã phải thừa nhận đối với thách thức này và nói để xua bớt lo lắng: “Tôi e rằng một số động cơ của chúng tôi chưa nổ máy”. Với quá trình dân chủ hóa, sự tham gia của nhiều loại chủ thể trong nước trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, thông tin xã hội trực tuyến và nền báo chí 24/24, ông nói ông chỉ có rất ít thời gian để suy nghĩ và phải làm quen với việc hoạch định chính sách trong khi di chuyển. Bộ Ngoại giao Indonesia cần nhiều hơn ở các nhà ngoại giao; họ cần có chuyên môn sâu rộng hơn về các vấn đề xuyên quốc gia phức tạp đang ngày càng tác động tới đất nước và khu vực. Thách thức tiếp theo, vai trò cường quốc mới nổi của Indonesia bị tác động bởi chính trị nội bộ. Cho đến giờ, uy tín của đất nước chủ yếu dựa trên khả năng tạo ra sự tiến bộ trên ba mặt trận: dân chủ, phát triển và ổn định. Trên thực tế, Indonesia là một ví dụ điển hình của sự kết hợp tốt ba yếu tố này, trong khi ở các nước khác thì ba yếu tố này lại xung đột với nhau. Nhưng không nên cho rằng các yếu tố này là điều đương nhiên, rất có thể Indonesia dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới sẽ gia tăng thêm sức mạnh, hoặc có thể sẽ trở nên kém chủ động, hướng nội nhiều hơn và chính trị nội bộ có thể rẽ theo hướng độc đoán hơn.

Có rất nhiều thách thức bên trong có khả năng làm chệch hướng những thành tựu gần đây của Indonesia, bao gồm sức mạnh dân chủ, thành tích kinh tế, ổn định nội bộ và vai trò quốc tế. Tham nhũng vẫn là một vấn nạn lớn, cho dù gần đây việc giám sát và số vụ được đưa ra xét xử tăng lên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột ở những khu vực như Papua và nguy cơ tấn công khủng bố. Thách thức thứ năm là phong cách lãnh đạo. Các nước phương Tây không quen với cách tiếp cận bình dân và không thiên vị của Indonesia thường cảm thấy khó chịu vì quốc đảo thường từ chối lên tiếng mạnh mẽ, rõ ràng và có xu hướng theo đuổi quan điểm cân bằng đối với những vấn đề gây tranh cãi như can thiệp nhân đạo. Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói: “Để đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu, đôi khi bạn cần phải chọn phe”, điều này ám chỉ cách tiếp cận quá cẩn trọng của Indonesia đối với can thiệp quân sự của phương Tây tại Libya. Theo quan điểm này, cách tiếp cận trung tính của Indonesia đôi khi có thể gây nên tình trạng bó cứng trong quản trị toàn cầu. Một vấn đề có liên quan là sự lãnh đạo của Tổng thống, về việc vai trò lãnh đạo của người đứng đầu quốc gia có thể làm thay đổi chính sách đối ngoại của Indonesia. Chỉ có thể hy vọng rằng một số vị tổng thống chủ động hơn trong đối ngoại, không chỉ do bị chi phối bởi những vấn đề trong nước (như từng xảy ra ngay sau sự sụp đổ của Suharto), mà còn là vấn đề mối quan tâm cá nhân. So với Tổng thống Susilo, liệu Tổng thống Jokowi có quan tâm nhiều tới đối ngoại và thúc đẩy hình ảnh Indonesia ra thế giới hay không? Điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào nhóm cố vấn, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao.

Tác giả kết luận rằng câu chuyện Indonesia tránh được sụp đổ và xây dựng lại đất nước là một ví dụ điển hình trong thế kỷ 21. Nhìn lại chặng đường đi qua của quốc gia “vạn đảo” dưới nhiều góc độ khác nhau cho thấy một điều rằng nếu như có quá ít kỳ vọng đối với Indonesia vào năm 1999, thì ngược lại giờ đây lại có quá nhiều. Có khả năng Indonesia không đạt được những kỳ tích nào khác nhưng cũng có đủ lý do để tin rằng sự lãnh đạo của Indonesia sẽ tiếp tục được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ nếu như nền dân chủ ở nước này tiếp tục tiến bộ cùng với sự phát triển và ổn định. Trên hết, chính những nhân tố bên trong này sẽ quyết định vị thế khu vực và quốc tế của một cường quốc mới nổi.

Theo “Stratfor

Lê Sơn (gt)