Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ đã đưa ra cái mà các tờ US Today, New York Times và Washington Times gọi là một bức tranh kinh tế màu hồng. Ông tuyên bố rằng kinh tế Mỹ “đang tăng trưởng và tạo ra việc làm với tốc độ nhanh hơn kể từ năm 1999. Tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta hiện ở mức thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính”. Cảm giác tin tưởng này có được là nhờ những con số kinh tế mạnh mẽ. Quả thực, Mỹ đã có tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt là 5% và 2,6% trong quý III và IV/2014 so với cùng kì một năm trước đó. Trong cả năm 2014, tăng trưởng kinh tế Mỹ, dù về bản chất được kiểm soát, đang phản ánh những đóng góp tích cực từ khu vực chi tiêu và đầu tư tư nhân ở trong nước. Tuy nhiên, những dấu hiệu lo ngại vẫn còn đó. Trong khi kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và đồng USD mạnh đã làm giảm nhu cầu xuất khẩu của Mỹ, nhập khẩu lại tăng mạnh do hàng hóa nước ngoài trở nên rẻ hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 5,6% vào cuối năm 2014 từ mức cao 9,9% cuối năm 2009 và 7,9% cuối năm 2012. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm cao hơn vẫn chưa chuyển thành thu nhập cao hơn. Trong Thông điệp Liên bang, ông Obama cũng nhắc đến cuộc cách mạng khí đá phiến và giá dầu giảm mạnh, bình luận rằng "nhờ giá khí đốt thấp hơn và tiêu chuẩn xăng cao hơn, các gia đình điển hình của Mỹ trong năm nay sẽ tiết kiệm được 750 USD tiền xăng". Quả thực, đây là một sự tích cực khi Mỹ đã trải qua sự thay đổi cấu trúc từ nước nhập khẩu ròng sang nước sản xuất dầu khí lớn. Trong khi việc giảm giá gây tổn thất cho ngành dầu mỏ, nó cũng giảm đáng kể chi phí hoạt động kinh doanh tại Mỹ và tạo ra khoản tiết kiệm bổ sung cho thu nhập của người tiêu dùng Mỹ. Nhu cầu hàng tiêu dùng lớn hơn sẽ thúc đẩy nhập khẩu từ Đông Nam Á.

Những tác động từ sự phục hồi kinh tế Mỹ đến các nền kinh tế Đông Nam Á là càng đáng kể hơn khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại quanh mức 7-7,5%, đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn tăng trưởng cao hồi những năm 1990 và đầu 2000. Đông Nam Á về tổng thể vẫn phụ thuộc vào thị trường Mỹ để xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với một số nước, như Campuchia, Philippines và Việt Nam, Mỹ là một thị trường quan trọng khi nhập hơn 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của họ. Chỉ Brunei, Myanmar và Singapore có cán cân thương mại bất lợi với Mỹ. Quan trọng hơn, Mỹ đầu tư vào Đông Nam Á nhiều hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại. FDI của Mỹ vào Đông Nam Á trong năm 2012 là 190 tỷ USD, so với mức 51,4 tỷ USD và 28,4 tỷ USD lần lượt của Trung Quốc và Ấn Độ. Một nền kinh tế khởi sắc sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư Mỹ hơn nữa vào Đông Nam Á.

Ngoài ra, một nền kinh tế Mỹ vững mạnh hơn cũng sẽ bổ sung động lực cho Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, những nước ASEAN đang đàm phán với Mỹ về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm vượt qua những nghi ngại và nhận thêm sự ủng hộ từ trong nước với thỏa thuận thương mại lớn này.

Quyền đàm phán nhanh để sớm kết thúc đàm phán TPP

TPP là một trong những trọng tâm của chiến lược tái cân bằng của Chính quyền Obama. Thỏa thuận thương mại tự do "tiêu chuẩn vàng" này sẽ giúp củng cố các mối liên kết giữa Mỹ với khu vực, và giúp Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam có quyền tiếp cận ưu đãi thị trường Mỹ. Dù sự quan tâm vẫn duy trì mức cao trong 12 nước tham gia đàm phán, vẫn thiếu tiến triển đáng chú ý trong TPP. Câu hỏi đặt ra là liệu Chính quyền Obama có thể đưa ra văn bản đàm phán cuối cùng để Thượng viện, đặc biệt khi giờ đây do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua hay không, Về vấn đề này, Tổng thống Obama đã yêu cầu gia hạn quyền xúc tiến thương mại (TPA), được biết đến rộng rãi hơn là quyền đàm phán nhanh, qua đó nhấn mạnh thêm tầm quan trọng và vì thế là một dấu hiệu đảm bảo rằng Chính quyền Obama vẫn duy trì cam kết với TPP.

TPA, đã hết hạn vào ngày 30/6/2007, sẽ cho các nước tham gia đàm phán cảm giác được đảm bảo cần thiết và cho phép họ đưa ra những nhượng bộ khó khăn về chính trị bởi biết rằng nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua. Các nhà kinh tế thương mại như Jagdish Bhagwati coi TPA là điều kiện tiên quyết trong đàm phán thương mại của Mỹ và lưu ý rằng các nước sẽ lưỡng lự thông qua thỏa thuận thương mại với Mỹ, đặc biệt khi Quốc hội có thể đơn phương sửa đổi các FTA.

Hiện Tổng thống Obama đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ lớn hơn chính từ hàng ngũ của mình so với đảng Cộng hòa. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orin Hatch và Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan đã bày tỏ dấu hiệu ủng hộ TPA, trong khi ở phía bên kia, thượng nghị sĩ Elisabeth Warren và hạ nghị sĩ Rosa DeLauro của đảng Dân chủ lại quyết tâm ngăn chặn nó. Thượng nghị sĩ Warren cho rằng "hiệp định thương mại là một trong những lựa chọn kém đang đẩy tầng lớp trung lưu Mỹ xuống hố sâu".

Vị thế thương lượng của Mỹ sẽ bị suy yếu và các bên đàm phán buộc phải nắm bắt cơ hội của mình khi Quốc hội Mỹ thảo luận về những điều khoản đã thoả thuận, một khi những người hoài nghi trong đảng Dân chủ thành công trong việc ngăn cản TPA. Các bên đàm phán sẽ không muốn trải nghiệm sự đau đớn của Hàn Quốc là kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn mà không có TPA. Đây là một kịch bản thực sự rất xấu cho những nước như Malaysia, nơi giới lãnh đạo chính trị đã đặt vận mệnh chính trị của mình vào TPP.

Giá trị chiến lược của TPP với Mỹ là rõ ràng. Nếu thành công, nó sẽ tăng số lượng quốc gia ASEAN có FTA với Mỹ từ 1 (Singapore) lên 4. Từ quan điểm của khu vực, quan hệ kinh tế thắt chặt sẽ giúp thúc đẩy kinh tế khu vực bằng cách đa dạng hóa các mối liên kết và củng cố quan hệ thương mại với Mỹ.
TPP không chỉ là một thỏa thuận thương mại. Nó còn là bài thử đối với sự khả tín và vị thế ngoại giao của Mỹ ở Đông Á. Nếu thất bại, Mỹ sẽ lại bỏ lỡ cơ hội để nâng cấp quan hệ với các đối tác châu Á. Với kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 127 tỷ USD trong năm 2014, nhóm 4 nước đàm phán thuộc ASEAN sẽ rất trông đợi TPA sớm được Quốc hội Mỹ thông qua.

“Đảo chiều” và sắp xếp lại TPP

“Đảo chiều” xu hướng thuê ngoài là một hiện tượng đang nổi lên ở Mỹ khi được xem là điềm báo trước cho triển vọng việc làm tốt hơn cho người lao động Mỹ. Tổng thống Obama đã ủng hộ sự đảo chiều này để giải quyết thách thức thất nghiệp: “Hơn một nửa giới chủ sản xuất cho biết họ chủ động đưa việc làm trở lại Mỹ từ Trung Quốc. Hãy cho thêm một lí do để thực hiện điều đó”. Trong khi số công ty Mỹ thực hiện chính sách đảo chiều còn tương đối thấp, khoảng 100, xu thế chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ đang nổi lên. Một số công ty “đã đảo chiều” gồm General Electronics, Caterpillar, Google và Lenovo.

Một lí do chính khiến số lượng cơ sở sản xuất Mỹ giảm ở Trung Quốc chính là mức lương tăng lên tại đây. Theo Báo cáo Lương Toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế, mức lương thực tế ở châu Á đã tăng trung bình 5,8% trong giai đoạn 2011-2013. Tỷ lệ này là cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình 1,8% của toàn thế giới trong cùng thời kì.

Mức lương tăng cũng bởi các vấn đề lao động, mà theo đó làm tăng chi phí sản xuất. Mỹ và các công ty nước ngoài khác cũng đối mặt với những vụ đình công lao động mà kết quả thường là tăng lương. Chẳng hạn như sau vụ đình công tại Trung Sơn vào năm 2010, Honda đã tăng 47% lương cho công nhân Trung Quốc. Tập đoàn Công nghệ Foxconn, một nhà thầu phụ của Apple, và nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác cũng tăng gấp đôi lương cho công nhân tại nhà máy ở Thâm Quyến sau một loạt vụ tự tử tại đây. Ngoài ra, các chi phí sản xuất khác, gồm tiền thuê trụ sở, chi phí điện, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang tăng trong nền kinh tế Trung Quốc. Hệ quả là Trung Quốc đang mất dần vị thế là nơi có chi phí sản xuất thấp.

Đảo chiều xu hướng thuê ngoài sẽ tác động đến Đông Nam Á theo hai cách. Trước hết, trong khi đánh giá lại hình mẫu kinh tế của mình ở Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ làm tương tự với hoạt động của mình ở Đông Nam Á. Điều này là bởi các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là các nước phát triển hơn, cũng đang chịu áp lực tăng lương tương tự, một yếu tố sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của họ so với các nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ và Sri Lanka. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), với tổng dân số khoảng 635 triệu người, sẽ hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia bởi sự hiệu quả chi phí cũng như với quy mô của các nền kinh tế trong khu vực. Theo Tholons, một công ty về toàn cầu hóa dịch vụ và tư vấn đầu tư, “‘thương hiệu thuê ngoài’ ngày càng trưởng thành của Đông Nam Á, môi trường kinh tế vĩ mô đang cải thiện và thị trường nội địa mở rộng, sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà cung cấp dịch vụ lớn với khu vực, và hệ quả là xu hướng tăng lên của các điểm cung cấp dịch vụ Đông Nam Á chủ chốt”.

Thứ hai, các nền kinh tế Đông Nam Á về bản chất là kết nối với Trung Quốc và tác động của việc giảm quy mô sản xuất của Mỹ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phản chiếu trong cả khu vực. Tuy nhiên, tác động phụ này có thể được ngăn chặn nếu như các nguồn cung ASEAN tiếp tục kết nối với chuỗi cung ứng mà giờ đây đang vượt qua Trung Quốc và được kết nối thẳng tới các công ty ở Mỹ. Tác động chiến lược của hoạt động đảo chiều vượt ra ngoài kinh tế và thương mại. Nếu được thực hiện trên quy mô lớn, đảo chiều xu hướng thuê ngoài sẽ có khả năng sắp xếp lại dòng thương mại trong khu vực bằng cách củng cố quan hệ kinh tế và thương mại ASEAN-Mỹ. Thương mại của khu vực với Mỹ sẽ được phản ánh qua thống kê kim ngạch thương mại song phương, thay vì xuất hiện trong hồ sơ của Trung Quốc.

Về mặt chiến lược, hoạt động đảo chiều này cùng mối liên kết trực tiếp giữa các nhà cung ứng Đông Nam Á và các nhà sản xuất Mỹ sẽ làm giảm sự phụ thuộc của ASEAN vào Trung Quốc. Với quy mô hiện tại, đảo chiều xu hướng thuê ngoài dự kiến sẽ không tác động đáng kể đến các nền kinh tế Đông Nam Á. Hiện tác động lớn hơn đối với khu vực đang đến từ việc gặt hái lợi ích từ chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc khi nhiều doanh nghiệp Mỹ xoay sang các nước Đông Nam Á có chi phí thấp như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan như là một điểm đến FDI thay thế cho Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải duy trì lộ trình bởi hoạt động đảo chiều sẽ ngày càng bị cuốn vào một xu thế lớn hơn.

Hàn gắn những rạn nứt trong hệ thống đồng minh

Tổng thống Barack Obama cũng tập trung nhấn mạnh đến nhiều vấn đề quốc tế chiến lược như ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) phát triển ở Syria và Iraq, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhắc đến “châu Á-Thái Bình Dương”, Obama kêu gọi “hiện đại hóa các mối quan hệ đồng minh trong khi đảm bảo rằng các quốc gia khác tuân thủ luật pháp, trong giao thương, trong giải quyết tranh chấp biển, và trong tham gia giải quyết những thách thức quốc tế chung như không phổ biến vũ khí hạt nhân và cứu trợ thảm họa”.

Việc chỉ một lần nhắc đến “Châu Á-Thái Bình Dương” trong Thông điệp Liên bang là một bằng chứng cho thấy sự ổn định tương đối của khu vực này so với những nơi khác trên thế giới. Việc ông Obama kêu gọi “hiện đại hóa” quan hệ đồng minh không phải là lập trường mới song nó vẫn gây bực tức ở Bắc Kinh do Trung Quốc coi các mối liên kết đồng minh an ninh do Mỹ cầm đầu là một tàn tích Chiến tranh Lạnh nhằm vào Trung Quốc. Nếu đồng minh Mỹ-Nhật có thể là bất cứ dấu hiệu nào, Mỹ quả thực đã thành công trong việc thổi hơi thở mới cho cấu trúc an ninh Chiến tranh Lạnh. Thực tế là Mỹ đang đem lại điều tốt đẹp chung không thể thay thế cho an ninh khu vực. Không có chiếc ô an ninh của Mỹ, các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ chạy đua vũ trang và gây tác động bất ổn trong khu vực.

Cấu trúc đồng minh “hiện đại hóa” là một cách tiếp cận thực tế vượt qua định nghĩa về Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sự hồi sinh đáng kể nhất trong quan hệ chiến lược của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương phần lớn là với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Việc triển khai luân phiên lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Darwin là một trong những diễn biến chiến lược quan trọng có tác động trực tiếp đến an ninh Đông Nam Á. Khoảng cách địa lí gần gũi giữa Darwin với khu vực đang cho Mỹ một lựa chọn mà có thể được sử dụng để phô diễn sức mạnh một cách hạn chế ở Đông Nam Á. Việc cập nhật quan hệ đồng minh cũng củng cố cán cân sức mạnh trong khu vực và tái khẳng định cam kết của Mỹ với an ninh khu vực. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh hiện nay ở Đông Nam Á là khác biệt.

Giờ đây dấu ấn quân sự Mỹ ở Đông Nam Á ít rõ ràng hơn. Washington đã rút quân khỏi Philippines vào năm 1991 và nay đang áp dụng cách tiếp cận “nơi ở chứ không phải căn cứ” để thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh trong cả khu vực. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện chiến lược mạnh mẽ trong khu vực dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, Mỹ đã đàm phán xong Hiệp định hợp tác phòng thủ tăng cường (EDCA) với Philippines vào tháng 4/2014 cho Mỹ quyền tiếp cận lớn hơn các căn cứ quân sự của Philippines. Washington cũng duy trì quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền chặt với Singapore, với điểm nhấn là Hiệp định khung chiến lược về một quan hệ đối tác hợp tác chặt chẽ hơn trong phòng thủ và an ninh (SFA) được kí kết năm 2005. Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ với Malaysia cũng được cải thiện và trở nên rõ ràng hơn trong vài năm qua.

Tuy nhiên, quan hệ với Thái Lan giờ đây lại xuất hiện nhiều thách thức. Sau cuộc đảo chính quân sự ở Bangkok, có thể nhận thấy sự lạnh nhạt đáng kể trong quan hệ chiến lược song phương. Phát biểu trong một hội thảo công khai ở Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, Trợ lí Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã đưa ra một số bình luận chỉ trích cuộc đảo chính, làm trầm trọng hơn tranh cãi ngoại giao giữa hai đồng minh lâu đời này. Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã phản ứng khi nói Russel đã “gây thương tổn cho người Thái”. Một nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Thái Lan, Kavi Chongkittavorn, đã phải than phiền rằng “cảm thấy bị cường quốc phương Tây bỏ rơi sau vụ đảo chính ngày 22/5, Thái Lan và Trung Quốc đã nhanh chóng củng cố quan hệ, đặc biệt trong hợp tác quốc phòng”.

Mỹ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ với hình thức quản lý đất nước thông qua Quốc hội bằng cách hạn chế số lính tham gia tập trận Hổ mang Vàng năm nay xuống còn 3.600 người, thay vì 4.300 người như năm ngoái. Quan hệ Mỹ-Thái trắc trở đã cho thấy tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng các mối quan hệ chính trị. Trong một khu vực mà gần như không phải đối phó với mối đe dọa an ninh bên ngoài tức thì, quan hệ chiến lược và quan hệ đối tác quân sự được định hướng bởi nhu cầu cấp bách và lợi ích chính trị. Malaysia là một trường hợp điển hình. Quan hệ chính trị được cải thiện giữa Kuala Lumpur và Washington đã cho phép một sự hợp tác an ninh cởi mở và có thể nhận thấy hơn, được thể hiện với việc Malaysia cũng tham gia tập trận Hổ mang Vàng. Tương tự như vậy, quan hệ chính trị trắc trở giữa Bangkok và Washington cũng gây tác động tiêu cực trong quan hệ quân sự song phương.

Kết luận

Mỹ là một đối tác quan trọng của ASEAN và đem lại điều tốt đẹp chung cho an ninh khu vực trong gần 70 năm qua. Đây là mối quan hệ năng động được duy trì trong suốt những giai đoạn khó khăn nhất và có nhiều điểm sáng. TPP nhiều khả năng sẽ thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam trong khi tạo ra động lực kinh tế cho cả 12 nước tham gia đàm phán. Những lí do này khiến việc thông qua quyền xúc tiến thương mại tại Quốc hội Mỹ được theo dõi sát sao.

Trong khi đó, tin tức về sự phục hồi của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 không thể xuất hiện vào một thời điểm nào phù hợp hơn khi mà khu vực Đông Nam Á đang đặt kì vọng vào sự tăng trưởng của Mỹ để bù đắp sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Sự phục hồi của Mỹ sẽ xoa dịu những lo ngại mất mát liên quan đến hoạt động “đảo chiều”. Tác động tiêu cực của hoạt động đảo chiều đến các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ không đáng kể nếu như việc điều chuyển chỉ giới hạn trong đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc. Trên thực tế, nó thậm chí có thể là kết quả tốt đẹp cho Đông Nam Á khi hoạt động đảo chiều tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất và lắp ráp Mỹ, thay vì thông qua hệ thống lắp ráp Trung Quốc. Về tổng thể, những diễn biến này góp phần vào chiến lược tái cân bằng và quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ với khu vực. Nhược điểm duy nhất chính là mối quan hệ ngày càng xấu giữa Mỹ với Thái Lan, qua đó nhấn mạnh rằng quan hệ quân sự thường phản chiếu từ quan hệ chính trị./.

Theo “Eurasia Review

Anh Thư (gt)