Khi Trung Quốc trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu, nước này đang bắt đầu thể hiện quyền lực của mình ở châu Á với tư cách là một thế lực quân sự. Điều đó khiến các nước láng giềng ở khu vực và Mỹ lo ngại. Và họ có lý do đúng. 


Trung Quốc và các nước láng giềng bất đồng về việc ai là sở hữu hàng trăm hòn đảo trên các vùng biển ở Đông Á, và quan trọng hơn là các khu vực rộng lớn xung quanh các hòn đảo này vốn có tiềm năng về dầu khí và tài nguyên. 


Ở Biển Đông, nơi nhiều quốc gia khác nhau có tuyên bố chủ quyền, mùa hè vừa qua một chiếc tàu lặn do Trung Quốc chế tạo đã lập kỷ lục khi lặn sâu hơn hai dặm (3,2km) để khảo sát đáy biển và cắm một lá cờ Trung Quốc xuống đáy. Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở đảo Hải
Nam . Các tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt nhiều tàu đánh cá của Việt Nam , giam giữ ngư dân vì đánh cá ở vùng biển có tranh chấp. 


Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản đã va chạm với nhau xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) không có người ở do Nhật Bản nắm giữ và xung quanh các động thái hải quân của mỗi nước ở Eo biển Miyako. 


Và ở Hoàng Hải, Trung Quốc phản đối kịch liệt kế hoạch tổ chức tập trận hải quân Mỹ - Hàn, khiến Mỹ phải tạm dừng kế hoạch này cho dù vẫn khẳng định sẽ thực hiện trong tương lai. 


Toàn bộ tình hình này đã đặt Oasinhtơn trong tình trạng phải cảnh giác. Hồi đầu năm nay, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard cho rằng "khả năng của quân đội Trung Quốc đã liên tục gia tăng" và "dường như nhằm mục đích thách thức sự tự do hành động của chúng ta ở khu vực." 


Trung Quốc nói rằng họ đang hành động để giành lại chủ quyền đối với các hòn đảo và vùng biển mà họ cho rằng một thời thuộc về họ, bị nước ngoài lấy mất khi đất nước đang ở thế yếu. (Các nước láng giềng phản đối các tuyên bố này). Trung Quốc muốn Mỹ, cường quốc xa xôi đã điều chỉnh cân bằng sức mạnh ở châu Á kể từ Thế chiến thứ Hai, đứng ngoài cuộc. 


Trong chuyến đi 10 ngày mới đây tới Trung Quốc và Thái Bình Dương, tôi nghe được các quan chức và học giả Trung Quốc phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á bằng lời lẽ dường như tái sinh từ Chiến tranh Lạnh. 


Liu Gunjin, một cố vấn cho Bộ Thương mại Trung Quốc nói: "Chúng tôi thấy Chính quyền Obama đang thiết lập các mối quan hệ gần gũi với các nước khác nhằm chống lại Trung Quốc. Tôi cho rằng nó sẽ gây ra bất ổn." Lời lẽ của họ đều giống như thế. 


Hay như Fan Gang, một kinh tế gia hàng đầu ở Bắc Kinh, nguyên là quan chức trong chính phủ, nói: "Đột nhiên, Mỹ hành xử một cách hiếu chiến đối với Trung Quốc." 


Và, trong tình thế ngày càng giống như sắp sửa động binh thời Chiến tranh Lạnh, hay tệ hơn là các cuộc đối đầu quân sự hồi cuối thế kỷ 19, các nước nhỏ hơn ở Đông Á đang cố định hình điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của họ. 


Một số nước, như Việt
Nam và Xinhgapo, đã đề nghị Mỹ duy trì một lực lượng quân sự lớn ở châu Á để cân bằng với Trung Quốc. Vừa qua, Thủ tướng Xingapo Lý Hiển Long nói trên tờ Wall Street Journal rằng "Mỹ đóng một vai trò ở châu Á mà Trung Quốc không thể thay thế." 


Hôm 24/9, Tổng thống Obama đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Liên Hợp Quốc. Các cận sự cho biết ông sẽ tái khẳng định lập trường của Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. 


Một số nhà quan sát về Trung Quốc cho rằng thái độ hiếu chiến mới của Bắc Kinh trong khu vực là bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc, với xu hướng diều hâu, đã có được ảnh hưởng mới trong chính sách đối ngoại. Một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với tôi một cách không ngoại giao lắm rằng: "Quân đội có lợi ích riêng của họ. Căng thẳng càng gia tăng, họ càng có nhiều ngân sách." 


Lúc này, Trung Quốc dường như đang thử thách các nước láng giềng của mình và Mỹ để xem họ có thể tranh thủ được gì vào thời điểm mà Chính quyền Obama phải tập trung toàn lực cho Ápganixtan. Nhưng chính sách đối ngoại đó có thể trở thành phản tác dụng. Chính vì sự hung hăng của Trung Quốc, quan hệ của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt
Nam hầu như đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay. 


Hiện có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang có thái độ mềm mỏng hơn, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Trước cuộc gặp với ông Obama hôm 22/9, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói với các phóng viên rằng "lợi ích chung của chúng tôi vượt lên trên những khác biệt." Và Trung Quốc đã đồng ý thảo luận việc khởi động lại các quan hệ quân sự với Mỹ, vốn bị đình lại sau khi Mỹ thông báo bán 6,4 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan vào tháng Giêng. 


Tuy nhiên, về lâu dài, thái độ hiếu chiến mới của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục. Những nguyên nhân đằng sau, từ sức mạnh kinh tế đang lên, nhu cầu ngày càng lớn về dầu lửa và tài nguyên, những thù hận lịch sử đã ăn sâu với các nước đế quốc bên ngoài, và chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ, tất cả vẫn còn đó. 


Và khi người Trung Quốc nhìn vào Mỹ (như họ đang làm) và thấy một cường quốc kinh tế đang xuống, một chính phủ đang đi đến đổ vỡ, họ tự hỏi rằng Mỹ có đủ tiền để duy trì một hạm đội lớn và tốn kém tuần tra ngoài khơi của họ trong bao lâu nữa. 


Lần cuối cùng một cường quốc kinh tế mới nổi lên ở châu Á và đạt được vị thế của một cường quốc quân sự là trường hợp Nhật Bản vào thế kỷ 19. Câu chuyện đã trở nên tệ hại cho Nhật Bản, Trung Quốc và tất cả các nước khác. 


 

Kiểm soát tác động của sự nổi lên của Trung Quốc trở thành cường quốc, và với nó là việc Mỹ mất thế gần như độc tôn về quân sự ở Thái Bình Dương là một trong những thách thức lớn đối với Mỹ trong thời đại của chúng ta. Kết cục của tiến trình này sẽ quyết định liệu thế kỷ 21 của Đông Á sẽ là hòa bình hay chiến tranh. 

 

Nguồn: Los Angeles Times; TTXVN