“Hãy ở lại với chúng tôi! Hãy ở lại với chúng tôi!” Không phải lúc nào bạn cũng nghe thấy một đám đông người Đức hô vang bằng tiếng Hà Lan. Những người Đức thuộc tầng lớp trung lưu chắc chắn không phải đang tươi cười cùng với bọn trẻ, vẫy những lá cờ EU màu xanh và vàng vào một chiều Chủ nhật tại một quảng trường ở Berlin. Nhưng họ đã ở trên các bậc thang của nhà hát thành phố hôm 26/2: khoảng 1.000-2.000 người Đức hô vang “Hãy ở lại với chúng tôi!”, một thông điệp rằng họ không muốn người Hà Lan rời bỏ EU. Một trong số những người biểu tình, Christoph Klopp, nói: “Nếu người Hà Lan rời bỏ, điều đó sẽ khiến chúng tôi đau lòng”. Ông nói với một phóng viên rằng kể từ khi những cuộc mít tinh này bắt đầu vào mùa Đông năm 2016, cứ mỗi Chủ nhật hàng tuần chúng lại tăng khoảng gấp đôi về quy mô.

Có điều gì đó mới mẻ đang diễn ra ở một vài nước châu Âu: chậm mà chắc, người dân đang đổ xô ra các đường phố hay lên mạng Internet, hay cả 2, trong một nỗ lực phản đối các thông điệp chống chủ nghĩa toàn cầu, hoài nghi về châu Âu và chống người nhập cư của những người cực hữu theo chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Hoạt động này không phải đang diễn ra trong một khoảng trống chính trị. Trong những tháng gần đây, những người cánh tả theo chủ nghĩa dân túy đã không thể giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử liên tiếp ở châu Âu: đầu tiên là ở Áo, sau đó là ở Hà Lan và cuối cùng là ở Pháp.

Khi các nhóm ủng hộ châu Âu có được động lực, câu hỏi là liệu họ sẽ có khả năng khôi phục cuộc tranh luận công khai, đưa ra những cải cách rất cần thiết ở nước họ và châu Âu, và thực hiện các thỏa hiệp cần thiết để thúc đẩy hội nhập được hay không.

Một tầm nhìn tích cực đối với châu Âu

Pulse of Europe (Nhịp đập của châu Âu), cuộc mít tinh mà Klopp tham dự hàng tuần tại Berlin, thúc đẩy một tầm nhìn tích cực và rộng mở đối với châu Âu nhằm mang lại tiếng nói cho “đa số những người tin vào ý tưởng cơ bản của Liên minh châu Âu (EU)”. Kể từ khi một cặp đôi ở Frankfurt khởi động Pulse of Europe hồi tháng 1/2017, các cuộc mít tinh đã lan rộng đến hơn 100 thành phố ở Đức, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và các nước thành viên khác của EU. Đến giữa tháng 4, phong trào đã hiện diện ở 13 nước châu Âu và có gần 90.000 lượt “thích” trên Facebook.

Hoạt động dân sự này, do các tình nguyện viên điều hành, không giới hạn ở các nước EU. Đầu năm 2016, các sinh viên Thụy Sỹ từ Đại học Fribourg đã thành lập một phong trào tự do cấp tiến, Operation Libero, để đấu tranh chống lại các đòi hỏi của những người theo chủ nghĩa dân túy về biên giới và các quy định chặt chẽ hơn về nhập cư và Hồi giáo. Các sinh viên này đã thu được những thành công đáng kể, 2 lần đánh bại phe cực hữu trong các cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc nhạy cảm.

Kinh nghiệm này cũng đã truyền cảm hứng cho những người châu Âu khác thành lập các chiến dịch mở và theo chủ nghĩa thế giới. Một số chiến dịch ít hiệu quả hoặc không có hiệu quả, các chiến dịch khác lại phát triển. Một số chiến dịch tập trung vào các vấn đề cụ thể, các chiến dịch khác lại có những mục đích chính trị rộng lớn hơn. Nhưng tất cả đều tìm cách mang lại tiếng nói cho những người dân cảm thấy rằng dự án châu Âu đang bị đe dọa bởi những lời kêu gọi từ các cường quốc châu Âu là phải tái quốc gia hóa hay các nước thành viên phải ra khỏi liên minh. Ở Hà Lan, một vài nhóm công dân ủng hộ EU đã trở nên tích cực trong những tháng gần đây. Ở Anh, những người tổ chức sáng kiến Hãy ôm một người Anh hồi năm 2016, vốn khuyến khích người dân châu Âu ôm người dân Anh và thúc giục người Anh bỏ phiếu ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016 tại Anh, lên kế hoạch xây dựng một dự án mới liên châu Âu nhằm thúc đẩy sự gắn bó châu Âu.

Một số chính trị gia nhận ra rằng việc chống lại chủ nghĩa dân túy bằng một cách tiếp cận tích cực, theo chủ nghĩa thế giới có tiềm năng về bầu cử. Alexander Van der Bellen, một giáo sư kinh tế học về hưu đắc cử Tổng thống Áo hồi tháng 12/2016, đã dựa nhiều vào những người ủng hộ là dân thường. Macron của nước Pháp, người không thuộc một đảng chính trị có uy tín nào (mặc dù ông đã làm một bộ trưởng trong chính phủ của đảng Xã hội), cũng có được sự ủng hộ trên mọi lĩnh vực.

Giống như Van der Bellen, Macron là một người châu Âu vững tin đã đối mặt với một đối thủ chính theo chủ nghĩa dân túy hoài nghi châu Âu. Jean-Louis Bourlanges, từng là một thành viên người Pháp chủ trương ôn hòa của Nghị viện châu Âu, đã nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đối với những người muốn châu Âu cởi mở và nhìn về phía trước, Macron là sự lựa chọn duy nhất”. Ông nói số còn lại của giai cấp chính trị bao gồm hoặc những người theo chủ nghĩa dân túy chống châu Âu hoặc “những người châu Âu lãnh đạm” không mâu thuẫn quá nhiều với những người theo chủ nghĩa dân tộc vì sợ mất phiếu bầu. “Không ai thực sự đáp trả những người theo chủ nghĩa dân túy cho đến khi Macron xuất hiện”.

Từ các cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sỹ…

Nhận định rằng đã đến lúc đáp lại những người theo chủ nghĩa dân túy và ủng hộ EU và các nền dân chủ của nó là động lực chính của nhiều sáng kiến bất ngờ xuất hiện trên toàn châu Âu. Nhưng thú vị là lực đẩy đầu tiên lại đến từ một nước không thuộc EU: Thụy Sỹ. Đây là một trong những quốc gia toàn cầu hóa nhiều nhất trên thế giới. Đó cũng là một đất nước mà ở đó phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy chống lại toàn cầu hóa bắt đầu sớm hơn là ở phần lớn các nước xung quanh.

Đảng nhân dân Thụy Sỹ (SVP) cực hữu là đảng lớn nhất trong Quốc hội kể từ giữa những năm 1990. Năm 2014, SVP đã giành chiến thắng sít sao trong một cuộc trưng cầu dân ý kêu gọi khôi phục các hạn ngạch đối với người nhập cư. Có 50,3% cử tri bỏ phiếu tán thành; tỷ lệ người tham gia cuộc trưng cầu là 56%, cao theo các tiêu chuẩn của Thụy Sỹ. Nhưng kết quả này đã đẩy Thụy Sỹ vào rắc rối chính trị với EU. Người Thụy Sỹ tham gia thị trường chung EU và phải chấp nhận quyền tự do đi lại và các quy định về thị trường từ Brussels. Các hạn ngạch đã vi phạm tất cả những thỏa thuận song phương giữa Bern và Brussels. Flavia Kleiner, một sinh viên đến từ Fribourg, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi và các bạn tôi đã theo dõi cuộc trưng cầu dân ý này và kết quả của nó trong sự hoài nghi. Chúng tôi tự hỏi: Nước Thụy Sỹ cởi mở, bao dung của chúng tôi đã đi đâu mất rồi? Phải chăng sẽ chẳng còn ai ủng hộ nó nữa? Chiến dịch vận động bị SVP chi phối hoàn toàn. Bạn hầu như không nghe thấy bất kỳ lập luận nào khác”.

Sau đó, một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi khác được tuyên bố sẽ diễn ra vào tháng 2/2016. Lần này, SVP đề xuất tự động trục xuất tất cả những người nước ngoài bị kết án là phạm tội. Trước đó vài tháng, Kleiner đã gặp gỡ các nhà hoạch định chiến lược từ các đảng chính thống để đề nghị sự giúp đỡ của các sinh viên phản đối kế hoạch này. Tất cả những người có mặt đều nhất trí rằng các trường hợp tự động trục xuất sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, vốn đòi hỏi một thẩm phán phải xét xử từng trường hợp trục xuất. Nhưng rồi một quan chức đảng đã nói: “Chúng tôi hết tiền rồi. Chúng tôi sẽ cho qua cuộc trưng cầu dân ý lần này”. Một quan chức của một đảng khác lập luận rằng họ không thể giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý lần này: “Các bạn muốn chúng tôi bảo vệ những tội phạm nước ngoài hay sao?!” Cuộc gặp gỡ diễn ra như vậy. Cuối cùng, Kleiner đứng lên và nói: “Tôi là người ít tuổi nhất trong phòng này, và là người ít kinh nghiệm nhất. Nhưng tôi thấy chán ghét. Tôi không muốn sống ở một đất nước làm những việc này. Đây không phải là đất nước Thụy Sỹ của tôi. Nếu các ông không đấu tranh, chúng tôi sẽ đấu tranh”.

Và vì vậy mà Operation Libero đã ra đời. Các sinh viên không có tiền. Nhưng họ có thời gian và máy tính. Đó là công việc khó khăn. Họ bắt đầu đăng tải các bài viết mang tính chất công kích trên Internet, giống như SVP. Bất chợt lại có người phản đối những lời lẽ huênh hoang chống lại người nước ngoài, người Hồi giáo và nhóm được gọi là tả khuynh. Các sinh viên đã tham gia nhiều cuộc tranh luận nhất có thể. Họ mở các cuộc đàm thoại trên đường phố và viết bài cho các báo.

Mọi người đã để ý. Kleiner nhanh chóng được mời lên truyền hình để tham gia một cuộc tranh luận. Vẻ ngoài trẻ trung, tươi tắn và thông điệp tích cực của cô trái ngược theo hướng có lợi với vị chính trị gia của SVP nhiều tuổi hơn, mặc bộ vét màu xám là đối thủ của cô. Kleiner nói: “Khi chúng tôi bắt đầu chiến dịch, các cuộc thăm dò dư luận dự đoán một chiến thắng dễ dàng dành cho SVP, khoảng 65%. Đó là 6 tuần trước cuộc trưng cầu dân ý. Sau khi chúng tôi tham gia, sự ủng hộ dành cho SVP giảm dần. Sự ủng hộ dành cho chúng tôi tăng lên”.

Cuối cùng, các sinh viên đã chiến thắng. Đó là một chiến thắng thuyết phục: 58,9% cử tri phản đối đề xuất trong cuộc trưng cầu dân ý. Khi kết quả được công bố, một bộ trưởng chính phủ đã ôm Kleiner trên sân khấu và cảm ơn các sinh viên. Một bức ảnh các sinh viên đang vui mừng – với Kleiner nở nụ cười rộng đến tận mang tai – được lan truyền rất nhanh.
Operation Libero không vận động cho mọi vấn đề mà người Thụy Sỹ bỏ phiếu. Kleiner nói: “Bạn phải lựa chọn kỹ các mục tiêu của mình. Có một lập luận tốt và nói với những người có cùng mục đích là chưa đủ. Bạn cần phải thuyết phục mọi người trên phố. Bạn phải nhúng tay vào chàm, dùng các mánh khóe mà đối phương sử dụng. Họ có các bài viết mang tính chất công kích ư? Bạn cũng cần các bài viết mang tính chất công kích. Họ có trang nhất của các tờ báo cỡ nhỏ miễn phí như 20Minuten ư? Bạn đến đó nhanh hơn”.

Cô nói những khẩu hiệu đơn giản và những tương tác nhanh trên mạng là cực kỳ quan trọng. Nhưng làm thế nào bạn giải thích bằng ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu rằng theo luật pháp quốc tế, một thẩm phán cần phải được can dự vào các trường hợp trục xuất tội phạm nước ngoài, và tại sao điều này lại quan trọng? Các sinh viên đã có lúc bàn về vấn đề này. Cuối cùng, họ quyết định sử dụng cách diễn đạt rằng “thật tồi tệ khi đưa thẩm phán ra khỏi các quyết định trục xuất”. Một hôm, Kleiner nghe lỏm được 2 phụ nữ trong một quán cà phê tranh luận về vấn đề này bằng chính những từ ngữ này. Cô đã sử dụng chúng trong một cuộc tranh luận trên truyền hình mấy ngày trước đó. Khi đó Kleiner biết rằng thời điểm đã đến và chiến thắng đã ở trong tầm với.

Tháng 2/2017, các sinh viên lại trở nên tích cực. Lần này, họ ủng hộ một đề xuất trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm nới lỏng các thủ tục để những người nhập cư thế hệ thứ 3 trở thành công dân Thụy Sỹ. Đây là một vấn đề nhạy cảm. Nhưng một lần nữa, các sinh viên đã xoay chiều dư luận – lần này với sự giúp đỡ của các tổ chức và phong trào khác. Họ làm một video về 2 cô gái, Vania và Vanja: những người bạn trông giống nhau cùng sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng ở Thụy Sỹ. Nhưng một người có thể bỏ phiếu, và người kia thì không, vì bố mẹ cô sinh ra là người Thụy Sỹ nhưng ông bà cô thì không. Những tấm áp phích hình Vania và Vanja được dựng lên trên khắp đất nước Thụy Sỹ. Dòng chú thích ghi: “Không có sự khác biệt. Chúng tôi đều là người Thụy Sỹ. Chấm hết”. Hơn 60% cử tri đã nhất trí và bỏ phiếu để đơn giản hóa các thủ tục quốc tịch.

… đến các cuộc bầu cử ở Hà Lan

Khi một tờ báo Hà Lan cho đăng một bài viết về Operation Libero đầu năm 2016, phản ứng là rất lớn. Bạn đọc muốn biết liệu tờ báo này có biết được các sáng kiến tương tự ở Hà Lan hay không. Phải mất 1 năm 7 người bạn ở Amsterdam, dưới sức nóng của cuộc vận động bầu cử Quốc hội Hà Lan hồi tháng 2/2017, mới quyết định cố gắng bắt chước các sinh viên Thụy Sỹ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng Đảng Vì tự do (PVV) cực hữu có thể trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Hà Lan. Thủ tướng theo đường lối tự do trung hữu của Hà Lan, Mark Rutte, đã tiến xa hơn về phía cánh hữu bằng việc cho đăng một quảng cáo yêu cầu những người nhập cư “hành động bình thường” hoặc rời khỏi đất nước này. Một trong những người khởi xướng Operatie Libero Nederland, nghệ sĩ Esther Polak, đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cô và những người bạn của mình một tối đã quyết định rằng “chúng ta phải làm gì đó. Rất nhiều người không nhất trí về điều này, chúng ta phải đem lại tiếng nói cho họ”.

Ai đó đã nhắc đến các sinh viên Thụy Sỹ. Họ đã liên lạc với Kleiner, người mà lời khuyên chính của cô dành cho những người Amsterdam là đưa ra một câu chuyện khác, nhưng không bao giờ được sỉ nhục hay cô lập những người theo chủ nghĩa dân túy. Kleiner nói: “Hãy lôi kéo họ vào những cuộc thảo luận”. Trang mạng của Operatie Libero Nederland, được lập ra 3 tuần trước cuộc bầu cử ngày 15/3, tuyên bố mục tiêu của phong trào: “Chống lại những người theo chủ nghĩa dân túy bằng sự thật”.

Cuối cùng, phe cực hữu đã không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hà Lan. Những điều đáng nghi ngờ là Libero đã giành được ưu thế trong cuộc bầu cử. Đã quá muộn: 1 tuần trước cuộc bỏ phiếu, những người tổ chức vẫn đang tìm kiếm các chuyên gia châu Âu sẵn sàng tham gia tình nguyện. Nhưng họ không phải là những người duy nhất cho rằng các chính trị gia như Geert Wilders của PVV và Rutte đã vượt quá giới hạn và rằng tình trạng phân cực phải được chấm dứt. Vài tuần trước cuộc bỏ phiếu, một vài sáng kiến tương tự đã ra đời.

Một là No Nexit, phong trào phản đối khả năng Hà Lan ra khỏi EU, một ý tưởng bị PVV giễu cợt. Hai chị em sáng lập phong trào này đã lo lắng trước thực tế rằng một số rất ít người – đảng của Wilders kiểm soát khoảng 1/6 số phiếu trong các cuộc thăm dò dư luận – có thể đưa việc Hà Lan ra khỏi EU vào nghị trình. Đa số người Hà Lan muốn ở lại EU. Căn cứ vào hơn 20 cuộc trưng cầu dân ý Eurobarometer (một loạt cuộc khảo sát dư luận được thực hiện định kỳ nhân danh Ủy ban châu Âu từ năm 1973 – ND) liên tiếp nhau, Viện Notre Europe (viện nghiên cứu châu Âu do Jacques Delors thành lập – ND) đã dứt khoát đưa Hà Lan vào danh mục các nước ủng hộ châu Âu. Nhưng kể từ cuộc bỏ phiếu cho Brexit ở Anh, Wilders và các chính trị gia khác thuộc phe cực hữu liên tục đưa chủ đề này ra. No Nexit muốn làm cho các cử tri trẻ tuổi nhận thức được những hậu quả của việc Hà Lan ra khỏi EU và muốn giữ Hà Lan ở lại EU.

Nỗi lo sợ bị loại trừ

Thực tế rằng những nhóm này, nghiệp dư hay không, xuất hiện có nghĩa là những tuyên bố chính của các đảng theo chủ nghĩa dân túy cuối cùng cũng bị thách thức. Jan-Werner Müller, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Princeton từng có bài viết gây ảnh hưởng lớn mang tựa đề “Chủ nghĩa dân túy là gì?” vào năm 2016, nói rằng những người theo chủ nghĩa dân túy, dù ở Thụy Sỹ, Hà Lan, Pháp hay một nơi nào khác, đều có nhiều nét địa phương đặc thù. Nhưng tất cả đều có một điểm chung: họ đều tuyên bố rằng họ, và chỉ có họ, là đại diện của nhân dân. Những người không nhất trí không được xem là một phần của nhân dân. Họ bị coi là những kẻ phản bội và phải bị loại trừ. Theo Müller, cách tốt nhất để chống lại những người theo chủ nghĩa dân túy là để những người khác làm rõ rằng họ cũng là một phần của nhân dân. “Tôi ngạc nhiên là lập luận này lại hiếm khi được sử dụng đến thế. Ở nhiều nước, những người theo chủ nghĩa dân túy chỉ chiếm 20% hoặc 30% sự ủng hộ, không hơn… Xin lỗi, đó không phải là ‘nhân dân’”.

Sự thừa nhận này rằng sự loại trừ có thể đang lờ mờ hiện ra phần nào thúc đẩy nhiều nhà hoạt động mới. Với một tỉ lệ lớn phiếu trắng, một thiểu số những người theo chủ nghĩa dân túy có thể trở thành đa số. SVP của Thụy Sỹ đã đạt được các hạn ngạch nhập cư của họ theo cách này. Brexit chỉ do một số lượng nhỏ cử tri quyết định. Katharina Moser, một thanh niên người Áo từng tổ chức các dự án châu Âu với mục đích cổ vũ tinh thần châu Âu, nói: “Phần lớn mọi người bị những giai đoạn đen tối này với các cuộc tấn công và các cuộc khủng hoảng làm cho choáng đến mức họ không muốn nghe về chính trị mà tập yoga và tập trung vào bản thân mình”. Một trong các dự án của cô, Route 28 (Tuyến đường 28), đưa người dân ở Vienna đến nhà của những người từ các nước thành viên EU khác.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn và phản ứng dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy sau đó đã biến đổi bối cảnh chính trị ở Áo. Trong nhiều thập kỷ, cuộc tranh giành chính trị chủ yếu là giữa các đảng cánh tả và cánh hữu. Moser nói trong một cuộc phỏng vấn: “Giờ đây, đó ngày càng là một cuộc đấu giữa những người muốn một xã hội cởi mở và những người muốn khép nó lại. Những người muốn xã hội khép kín lớn tiếng hơn và thu hút sự chú ý”.

Đảng chính trị lớn nhất ở Áo là Đảng tự do Áo (FPÖ) cực hữu, nắm giữ khoảng 30% số phiếu trong các cuộc thăm dò dư luận. Cũng như ở Pháp và Hà Lan, các đảng chính thống ở Áo đang đảm nhiệm phần nào phát ngôn của FPÖ. Nhiều người thích coi chiến thắng của Van der Bellen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là một bước ngoặt. Có lẽ là như vậy. Nhưng Moser làm việc trong cùng một tòa nhà văn phòng lớn tại Vienna với 400 người khác. Phần lớn họ là những nghệ sỹ hoặc những doanh nhân phóng khoáng không thích chủ nghĩa dân tộc, chứ chưa nói đến triển vọng Áo rời khỏi EU. Cô nói: “Tuy nhiên trong số 400 người đó, tôi là người duy nhất đang làm việc với châu Âu”.

Moser lấy cảm hứng nào đó từ Vincent-Immanuel Herr và Martin Speer, 2 thanh niên người Đức khuyến khích sự trao đổi liên văn hóa giữa những người châu Âu bằng việc xé bỏ các rào cản và biên giới thay vì tạo ra chúng. Một trong số các dự án được ưa thích nhất của Herr và Speer là FreeInterrail, một phiếu đi tàu châu Âu miễn phí cho mọi công dân châu Âu bước sang tuổi 18. Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu hiện đang thảo luận việc thực thi kế hoạch này. Nhưng cả 2 người đã phải mất vài năm để khiến các chính trị gia chào đón dự án của họ.

Khi nhắc đến Pulse of Europe, nó chỉ mất có vài tuần. Tại cuộc mít tinh lần thứ 3 hoặc thứ 4, cả thị trưởng Frankfurt và vị phó của ông đều nhiệt tình tán thành thông điệp của phong trào. Giờ đây, các chính trị gia toàn quốc đều làm như vậy. Frank-Walter Steinmeier đã ca ngợi nhóm này trong bài phát biểu đầu tiên của ông với tư cách là Tổng thống Đức hồi tháng 3. Một trong những người tổ chức, luật sư tại Frankfurt Stephanie Hartung, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Nó đã lôi kéo tất cả mọi người, trong đó có chúng tôi. Cuộc biểu tình của chúng tôi hôm 15/1 là cuộc biểu tình đầu tiên mà tôi tham gia trong đời. Nhưng tôi cảm thấy đó là điều đúng đắn nên làm. Nhiều người cảm thấy như vậy”.

Ý tưởng về các cuộc biểu tình đến từ một đồng nghiệp của Hartung, Daniel Röder, và vợ anh, Sabina. Họ gửi thư điện tử đến bạn bè và đồng nghiệp hỏi xem có ai muốn tham gia hay không. Sáng kiến bắt đầu chỉ với 8 người. Hartung nói: “Báo chí và các show truyền hình đầy rẫy những câu chuyện tiêu cực về châu Âu và người tị nạn. Phe cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc, có lẽ có 10% số phiếu, chiếm ưu thế trong mọi cuộc tranh luận. Nhưng chúng tôi biết nhiều người Đức không nhất trí. Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm lịch sử đối với châu Âu. Chúng tôi không muốn nó tan rã. Chúng tôi muốn thể hiện điều đó”.

Ngày nay công dân đổ ra các đường phố, và không chỉ ở châu Âu. Họ cảm thấy các chính trị gia chưa lắng nghe họ một cách đầy đủ. Đầu năm 2017, người dân Romania đã phản đối việc chính phủ của họ bỏ qua tham nhũng. Năm 2016 tại Ba Lan, các đám đông lớn đã biểu tình chống lại một dự luật chống phá thai khắt khe. Ở nhiều thành phố trên khắp thế giới, người dân cố gắng sửa chữa các chính sách của chính phủ. Điều khác biệt về các cuộc mít tinh của Pulse of Europe là hàng chục nghìn người Đức tập hợp vào Chủ nhật hàng tuần không chống lại một điều gì đó – họ ủng hộ một điều gì đó. Họ muốn chứng tỏ rằng năm 2017, năm của những cuộc bầu cử trên toàn châu Âu, không chỉ đầy rẫy các nguy cơ mà còn đầy rẫy các cơ hội. Pulse of Europe là một hình thức biểu hiện của những người từ chối theo thuyết định mệnh mà đòi hỏi một triển vọng châu Âu. Một người tham dự cuộc mít tinh ngày Chủ nhật tại Freiburg nói: “Thật dễ chịu khi nhìn thấy người dân với một thông điệp tích cực. Bạn về nhà tươi cười hớn hở”.

Đâu là nơi tiếp theo cho hoạt động ủng hộ châu Âu?

Hoạt động tích cực này có kéo dài hay không, và nếu có, nó sẽ dẫn đến điều gì? Polak thú nhận rằng cô không biết. “Sẽ thật tuyệt nếu một số bạn trẻ tham gia, và dần dần tiếp quản. Khi bạn có một công việc và một gia đình, điều đó thực sự nặng nề”. Hartung, người làm việc cho Pulse of Europe đến 2 giờ sáng, đồng ý với điều đó. “Chúng tôi bị choáng. Nhưng âm hưởng to lớn của các cuộc mít tinh của chúng tôi có ý nghĩa chính trị, vì vậy chúng tôi nhất định sẽ tiếp tục. Chúng tôi có thể thay đổi cuộc tranh luận về chính trị… Có rất nhiều thứ phải làm”.

Có lẽ sự nổi lên của các lực lượng chính trị ủng hộ châu Âu chỉ là vấn đề về thời gian. Các vấn đề châu Âu đã đi vào các cuộc tranh luận quốc gia trong những năm gần đây. Người dân Hà Lan biết về Hy Lạp nhiều hơn trước, do cuộc khủng hoảng Khu vực đồng euro. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha am hiểu về chính trị Đức hơn trước. Những người theo chủ nghĩa dân túy có thể thu hút cuộc tranh luận này về châu Âu trước tiên, nhanh chóng chi phối (hay độc quyền) chính trường ở một vài nước. Nhà khoa học chính trị tại Frankfurt Sandra Eckert lập luận trên báo Frankfurter Allgemeine rằng đây là tình trạng mất cân bằng, nó phải được điều chỉnh. Eckert cho rằng xu hướng này sẽ không biến mất: theo một cách nào đó, đây là một phần của nền dân chủ châu Âu đang phát triển.

Chỉ có thời gian sẽ cho biết liệu bà có đúng hay không. Sau khi Van der Bellen giành chiến thắng vào năm 2016 tại Áo và Wilders không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hà Lan năm 2017, các nhà hoạt động ủng hộ châu Âu thấy rằng họ có lý do để lạc quan. Nhưng biểu tình vào ngày Chủ nhật là một việc; nổi lên như một lực lượng chính trị lớn lại là việc khác. Nếu họ có thể làm vậy, thì phải chăng các nhóm ủng hộ châu Âu có khả năng sẽ là các chính trị gia khôn ngoan?

Một vài đảng Xanh ở châu Âu đã trưởng thành từ các phong trào xã hội dân sự; đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chống nhập cư bắt đầu từ một nhóm các giáo sư hoài nghi về châu Âu. Vấn đề đối với các nhóm mới theo chủ nghĩa thế giới, ủng hộ châu Âu là các đảng chính thống, mà chịu trách nhiệm về các chính sách châu Âu trong nhiều thập kỷ, được cho là truyền tải thông điệp châu Âu – nhưng lại không làm công việc của mình. Vậy nên rất có khả năng các nhà hoạt động sẽ gây ảnh hưởng đến các đảng hiện hành hay khuyến khích các chính trị gia vận động dựa trên liên danh ủng hộ châu Âu hơn trước và theo gương Macron và Van der Bellen. Cả 2 đều chứng tỏ rằng sự nổi lên trở lại của tiếng nói ủng hộ châu Âu có thể, nếu được quản lý tốt, là một lực lượng cần được tính đến.

Caroline de Gruyter là tác giả, nhà báo tại Oslo, Na Uy. Bà phụ trách về các vấn đề Châu Âu cho tờ NRC Handelsblad, một tờ báo hàng đầu của Hà Lan. Bà cũng thường xuyên viết phân tích cho Carnegie Europe. Bài viết được đăng trên Carnegie Europe.

Văn Cường (gt)