Biển Đông từ lâu đã chiếm vị trí quan trọng đối với sự phát triển của các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, bởi vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên phong phú của nó. Ngày nay, khi giao thương phát triển, đặc biệt là trên biển, sự phụ thuộc của các quốc gia vào các tuyến đường biển đi qua Biển Đông ngày một lớn hơn. Chính vì vậy, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông nóng lên trong những năm gần đây đã khiến các nước trong và ngoài khu vực hết sức lo ngại bởi những tác động trực tiếp và gián tiếp của nó đối với an ninh, thịnh vượng của khu vực. Biển Đông dần trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, từ giới hoạch định chính sách, học giả, báo chí đến tầng lớp nhân dân ở nhiều nước. Nhờ sự quan tâm và đánh giá khách quan từ nhiều góc độ, vấn đề Biển Đông từ chỗ thường bị nhìn nhận hạn hẹp dưới góc độ là tranh chấp lãnh thổ/ biển giữa một số quốc gia Châu Á đã được xem xét một cách đúng đắn hơn trong mối tương quan với nhiều vấn đề then chốt khác như vai trò của luật pháp quốc tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và hòa bình, ổn định chung của khu vực v.v...

Để có thể bảo vệ tốt chủ quyền đất nước trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu, bên cạnh nỗ lực của nhà nước, đóng góp của các nhà nghiên cứu Việt Nam là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, thời gian qua các học giả Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã cho ra đời nhiều công trình khoa học giúp khẳng định vững chắc hơn các cơ sở lịch sử và pháp lý của yêu sách Việt Nam, nhận định sâu sắc tình hình tranh chấp, động cơ và chính sách của các bên, đồng thời đưa ra các kiến nghị/ giải pháp mới nhằm tháo gỡ tình thế vướng mắc hiện nay. Một số công trình có giá trị tham khảo cao, là tư liệu nghiên cứu rất quý giá. Việc tập hợp và xuất bản các công trình đó là một việc làm thiết thực để độc giả có cái nhìn đúng đắn về các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Cuốn sách “Tìm kiếm Giải pháp vì Hòa bình và Công lý ở Biển Đông” do Học viện Ngoại giao biên soạn là một nỗ lực như vậy. Với 16 bài viết được chọn lọc và kết cấu khá hợp lý thành bốn chương, cuốn sách giới thiệu với độc giả các vấn đề chính yếu liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Nếu Chương I tập trung phân tích lợi ích và chính sách của các bên trong và ngoài tranh chấp, thì Chương II phác họa phần nào thực trạng tranh chấp thông qua việc phân tích vai trò và hành động của các bên trong những diễn biến gần đây. Chương III đi sâu vào một số khía cạnh pháp lý quan trọng, cũng là những vấn đề tranh cãi nhất của tranh chấp như vấn đề thụ đắc lãnh thổ, quyền lịch sử, và các cơ chế giải quyết tranh chấp. Với nhận định tranh chấp khó có thể được giải quyết triệt để trong tương lai gần, các bài viết của Chương IV hướng đến các biện pháp quản lý tranh chấp và những đề xuất để tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Xuyên suốt trong cuốn sách, các tác giả đã sử dụng nhiều bằng chứng, lập luận thuyết phục về lịch sử, khoa học, pháp lý và chính trị để chứng minh một thực tiễn rằng: chìa khóa cho tranh chấp Biển Đông đó là các bên cần khẳng định và thực hiện yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng các nguyên tắc công bằng, không sử dụng vũ lực. Việt Nam sở hữu nhiều bằng chứng thuyết phục để khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông và sẽ vẫn theo đuổi con đường hòa bình để dàn xếp tranh chấp.

Tuy cuốn sách tuyển tập chưa thể bao quát hết các mảng chủ đề liên quan đến Biển Đông, cũng như giới thiệu đầy đủ các học giả Việt Nam hiện đang nghiên cứu về lĩnh vực này, nhưng đây là một ấn phẩm đáng tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và những độc giả quan tâm. Cuốn sách cũng là một nỗ lực nhằm khuyến khích các học giả Việt Nam trong nước cũng như trên toàn thế giới, mới cũng như cũ, tiếp tục công việc và đam mê của mình, để không chỉ đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ đất nước mà còn phấn đấu vì một Biển Đông hòa bình, ổn định chung của nhân loại, như chính truyền thống nhân văn từ bao đời nay của nhân dân Việt Nam.

 

Đại sứ Lê Công Phụng  

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao

Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ 

Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông

 

Cuốn sách là một công trình nghiêm túc mang tính thời sự cao, đáp ứng mối quan tâm sâu sắc của dư luận rộng rãi ở trong và ngoài nước về một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của thế giới hiện nay; đó là những hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ về biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông, đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực cũng như tự do hàng hải và hàng không trên một trong những tuyến giao thương quan trọng hàng đầu thế giới. Ưu điểm nổi bật của cuốn sách này thể hiện trên mấy mặt. Một là tính tổng thể, đề cập tới mọi khía cạnh lịch sử, thực tế, pháp lý trong sự đối sánh với luật pháp và thông lệ quốc tế; hai là, tính khoa học khách quan; ba là tính xây dựng, đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể nhằm tìm ra những biện pháp tạm thời và lâu dài trên hai cơ sở cơ bản thể hiện trong đầu đề của cuốn sách là “hòa bình và công lý”. Chắc chắn rằng cuốn sách này sẽ tranh thủ được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc; đồng thời là một đóng góp đáng ghi nhận vào cuộc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, cho xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.” - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan

Lập luận chặt chẽ, bằng chứng thuyết phục - các tác giả trong cuốn Tìm kiếm Giải pháp vì Hòa bình và Công lý ở Biển Đông đã cố gắng  cung cấp nhiều thông tin đa chiều trên các lĩnh vực chính trị, pháp lý, kinh tế, quân sự… có liên quan đến Biển Đông; đặc biệt là những luận cứ  chứng minh và bảo vệ  các quyền và lợi ích chimh đáng của Việt Nam trong Biển Đông ; đồng thời chỉ ra được ván cờ chính trị phức tạp, đan xen lợi ích của nhiều nước ở Biển Đông. Tuy tương lai hòa bình của vùng biển này phụ thuộc nhiều vào cách ứng xử của Trung Quốc, một quốc gia đang nuôi tham vọng đôc chiếm Biển Đông để  từng bước thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, song những nỗ lực phấn đấu của ASEAN cũng như sự quan tâm có trách nhiệm của các cường quốc bên ngoài khu vực mới là nhân tố quan trọng, không thể thiếu để  duy trì một trật tự ổn định trên Biển Đông…” -  TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ


Mục lục sách*

LỜI GIỚI THIỆU

DANH SÁCH CÁC TỪ VIẾT TẮT

Phần I: LỢI ÍCH VÀ CHÍNH SÁCH CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN Ở BIỂN ĐÔNG

1. CHÍNH SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

TS. Đỗ Thanh Hải

ThS. Nguyễn Thùy Linh

2. VAI TRÒ CỦA ASEAN TRONG QUẢN LÝ TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG

TS. Hà Anh Tuấn

3. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CÁCH NHÌN NHẬN LỢI ÍCH VÀ CHÍNH SÁCH CỦA MỸ Ở BIỂN ĐÔNG TỪ SAU ARF 2010

ThS. Nguyễn Minh Ngọc

4. LỢI ÍCH VÀ CHÍNH SÁCH CỦA NHẬT BẢN, NGA, ẤN ĐỘ VÀ ÚC Ở BIỂN ĐÔNG

ThS. Nguyễn Minh Ngọc

5. TƯƠNG TÁC TRONG TAM GIÁC CHIẾN LƯỢC TRUNG QUỐC - ASEAN - MỸ Ở BIỂN ĐÔNG

TS. Trần Trường Thủy

Phần II: DIỄN BIẾN TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

6. BIỂN ĐÔNG - BA GIAI ĐOẠN, BỐN THÁCH THỨC, HAI CÁCH TIẾP CẬN KHU VỰC VÀ MỘT NIỀM TIN

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao

7. MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG

Nguyễn Thị Thanh Hà

Nguyễn Đăng Thắng

8. YÊU SÁCH ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC: CÁC CÁCH DIỄN GIẢI, HÀNH ĐỘNG THỰC THI YÊU SÁCH VÀ PHẢN ỨNG CỦA CÁC BÊN

TS. Trần Trường Thủy

Phần III: CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TRONG TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

9. VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ TRONG LUẬT PHÁP VÀ TẬP QUÁN QUỐC TẾ

Vũ Phi Hoàng

10. QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM VỀ CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA VÀ CÁC VÙNG BIỂN Ở BIỂN ĐÔNG

PGS. TS. Nguyễn Hồng Thao

11. TẠI SAO “QUYỀN LỊCH SỬ” BỊ CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN 1982 ĐƯA VÀO LỊCH SỬ?

TS. Nguyễn Thị Lan Anh

12. MỘT VÀI KHÍA CẠNH PHÁP LÝ TRONG VỤ KIỆN GIỮA PHILIPPINES VÀ TRUNG QUỐC TRƯỚC TÒA TRỌNG TÀI THEO PHỤ LỤC VII CÔNG ƯỢC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN

TS. Phạm Lan Dung

NCS. Nguyễn Ngọc Lan

Phần IV: CÁC CƠ CHẾ HỢP TÁC VÀ QUẢN LÝ TRANH CHẤP TRÊN BIỂN ĐÔNG

13. HỢP TÁC TẠI BIỂN ĐÔNG: TỪ QUẢN LÝ TRANH CHẤP ĐẾN QUẢN TRỊ ĐẠI DƯƠNG

TS. Nguyễn Đăng Thắng

14. CHỦ TRƯƠNG “GÁC TRANH CHẤP, CÙNG KHAI THÁC” CỦA TRUNG QUỐC

TS. Dương Danh Huy

TS. Phạm Thanh Vân

15. THỰC TRẠNG XÂY DỰNG THỂ CHẾ KHU VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN TẠI BIỂN ĐÔNG

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi

TS. Vũ Hải Đăng

16. XÂY DỰNG MỘT MẠNG LƯỚI SONG PHƯƠNG CÁC KHU VỰC BẢO TỒN BIỂN GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC: GIẢI PHÁP THAY THẾ CHO LỆNH CẤM ĐÁNH BẮT CÁ ĐƠN PHƯƠNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG?

TS. Vũ Hải Đăng

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Phụ lục 1: BẢN ĐỒ CÁC ĐƯỜNG CƠ SỞ Ở BIỂN ĐÔNG

Phụ lục 2: BẢN ĐỒ CÁC ĐƯỜNG PHÂN ĐỊNH BIỂN Ở BIỂN ĐÔNG

Phụ lục 3: BẢN ĐỒ CÁC KHU VỰC KHAI THÁC CHUNG Ở BIỂN ĐÔNG

Phụ lục 4: BẢN ĐỒ CÁC YÊU SÁCH Ở BIỂN ĐÔNG

Phụ lục 5: BẢN ĐỒ THỰC TRẠNG TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG

Phụ lục 6: DANH MỤC CÁC THỰC THỂ TRONG QUẦN ĐẢO HOÀNG SA (PARACEL ISLANDS)

Phụ lục 7: DANH MỤC CÁC THỰC THỂ TRONG QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA (SPRATLY ISLANDS)

Nghiên cứu Biển Đông


Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả chứ không phản ánh quan điểm của các cơ quan, tổ chức nơi tác giả đang công tác, cũng như quan điểm của chủ biên và Nhà xuất bản.  

Trong cuốn sách tuyển tập này, nhóm biên soạn đã giữ nguyên cách viết tiếng Anh đối với hầu hết các tên riêng, tên quốc gia, tên địa danh v.v... (trừ những tên thông dụng đã có từ Hán Việt hoặc phiên âm tiếng Việt tương ứng) để phục vụ mục đích tra cứu các tài liệu gốc.

Nhóm biên soạn chân thành cảm ơn đồng chí Vũ Quang Tiệp, Hoàng Thị Lan cán bộ Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã hỗ trợ trong quá trình biên tập cuốn sách này.