Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam từ lâu đời. Với vị trí chiến lược trọng yếu trên Biển Đông nên từ đầu thế kỷ 20, nhiều nước đã và đang tìm mọi cách tranh chấp hai quần đảo này. Để có thể bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo của đất nước trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu, bên cạnh nỗ lực của nhà nước, đóng góp của các nhà nghiên cứu Việt Nam là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, thời gian qua các học giả Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đã cho ra đời nhiều công trình khoa học giúp khẳng định vững chắc hơn các cơ sở lịch sử và pháp lý của yêu sách Việt Nam, đồng thời đưa ra các kiến nghị, giải pháp mới nhằm tháo gỡ tình thế vướng mắc hiện nay. Việc tập hợp và xuất bản các công trình đó là một việc làm thiết thực để độc giả có cái nhìn đúng đắn về các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Cuốn sách “Tìm kiếm Giải pháp vì Hòa bình và Công lý ở Biển Đông” dày 472 trang, do Học viện Ngoại giao biên soạn là một nỗ lực như vậy. Với 16 bài viết được chọn lọc và kết cấu khá hợp lý thành bốn chương, cuốn sách giới thiệu với độc giả các vấn đề chính yếu liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Phần 1 của cuốn sách đề cập về lợi ích và chính sách của các bên liên quan ở Biển Đông. Trước tiên là Trung Quốc, quốc gia lớn nhất và mạnh nhất trong số các bên tranh chấp. Trong đó tập trung làm rõ một số câu hỏi như Trung Quốc đã có những điều chỉnh gì trong xử lý tranh chấp ở Biển Đông thời gian qua; hành động của Trung Quốc bắt nguồn từ những thay đổi trong tư duy chiến lược hay chỉ là phản ứng nhất thời trước hành động của nước khác và những chuyển biến trong môi trường  chiến lược…Tiếp đến là Mỹ, cường quốc biển với vai trò “người bảo vệ” toàn cầu. Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng với Mỹ về các mặt an ninh - quân sự, kinh tế cũng như ảnh hưởng địa chính trị. Tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton tại ARF 2010 cho thấy Mỹ đã nâng cao mức độ xác định lợi ích ở Biển Đông, từ lợi ích cơ bản thành lợi ích quốc gia. Các tác giả đã tập trung làm rõ những điều chỉnh chính sách của Mỹ ở Biển Đông từ sau ARF 2010 cũng như các bước triển khai cụ thể. Với ASEAN, tổ chức khu vực này đã tích cực can dự vào quá trình quản lý xung đột, xong kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Các tác giả đã đề xuất ba hướng hành động rất cụ thể giúp ASEAN thúc đẩy vai trò của khối trong việc quản lý xung đột ở Biển Đông. Với ba bên liên quan như trên, một tam giác chiến lược Trung Quốc – ASEAN – Mỹ đã hình thành ở Biển Đông và tương tác giữa các cạnh trong tam giác này trong vấn đề Biển Đông đều có động lực riêng. Theo TS. Trần Trường Thủy, tam giác này ở thời điểm hiện tại bị mất cân bằng khi Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên biển và trên các diễn đàn ngoại giao, trong khi Mỹ đang tìm kiếm cách thức để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và một ASEAN dễ bị phân hóa. Tuy nhiên, khi Trung Quốc phải quan tâm đến các lợi ích khác trong quan hệ Mỹ, ASEAN bên cạnh lợi ích biển cụ thể ở Biển Đông, Trung Quốc có thể điều chỉnh cách tiếp cận đồng bộ hơn ở Biển Đông. Do đó, Việt Nam và các nước ASEAN có thể có nhiều cơ hội và dư địa hơn để khai thác các nhân t ASEAN, Mỹ…để tác động lên chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, phần 1 cũng tập trung phân tích lợi ích của bốn nước Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Úc ở Biển Đông, những thay đổi trong chính sách của các nước này thời gian qua và đánh giá tác động của các nước này đối với tranh chấp Biển Đông.

Phần 2 tập trung vào các diễn biến của tranh chấp Biển Đông. PGS. TS Nguyễn Hồng Thao đã chia tranh chấp làm ba giai đoạn gắn liền với những hướng giải quyết đã được đưa ra. Và theo ông, có bốn trở ngại chính đang cản trở việc giải quyết tranh chấp là chủ quyền, đường lưỡi bò, quy chế đảo và chủ nghĩa dân tộc ở các nước. Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp và các bên chưa thể có một giải pháp hữu hiệu thì Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) là một biện pháp khống chế nguy cơ xung đột. Các tác giả đã đề ra một bản phác thảo sơ bộ về COC ở Biển Đông. Trong đó tập trung làm rõ các nội hàm bao gồm: mục tiêu và định hướng chung của COC, phạm vi áp dụng, nội dung chính, các chủ thể và đối tượng thực hiện COC ở Biển Đông. COC sẽ không chỉ điều chỉnh hành vi ứng xử của các bên trực tiếp liên quan đến tranh chấp, mà phải điều chỉnh hành  vi ứng xử của tất cả các bên tham gia sử dụng vùng biển này. Bên cạnh đó, nói đến tranh chấp Biển Đông, người ta cũng không thể không nhắc đến yêu sách đường lưỡi bò đầy tranh cãi của Trung Quốc. Phần này của cuốn sách đề cập đôi nét về nguồn gốc, một số cách giải thích phổ biến về đường lưỡi bò, cũng như các hoạt động thực thi yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc kể từ năm 2009. Theo TS. Trần Trường Thủy, dường như Trung Quốc đã làm rõ yêu sách đường lưỡi bò của mình bằng việc kết hợp khái niệm quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định theo UNCLOS 1982 và khái niệm về “quyền lịch sử” để yêu sách tất cả các tài nguyên sinh vật và vi sinh vật trong vùng đường lưỡi bò.

Phần 3 của cuốn sách tập trung vào một khía cạnh tương đối kỹ thuật trong tranh chấp Biển Đông: Các vấn đề pháp lý. Tác giả Vũ Phi Hoàng nêu ra một số vấn đề về chủ quyền lãnh thổ trong luật pháp và tập quán quốc tế, sau đó xem xét hành động và yêu sách của một số nước trong khu vực đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Cho đến đầu thế kỷ 20, hàng loạt tài liệu và bản đ chính thức và bán chính thức của Trung Quốc đều vẽ đảo Hải nam là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Tác giả đã dùng các sự kiện lịch sử, sách báo tài liệu, văn kiện chính thức của Trung Quốc…để phản bác tám lập điểm chính mà Trung Quốc thường đưa ra để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy các lập luận của Trung Quốc đưa hoàn toàn không có cơ sở thực tế và không phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Về quan điểm của Việt Nam đối với chủ quyền của Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, PGS. TS Nguyễn Hồng Thao đã phân tích dưới ba khía cạnh: (i) chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa; (ii) các vùng biển xung quanh các đảo này; (iii) giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và cuối cùng đi đến kết luận rằng: Lập trường của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông dựa vào ba điểm: (i) chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo; (ii) phù hợp với UNCLOS trong việc xác định và phân định các vùng biển quanh đảo; và (iii) phản đối đường chín đoạn – trở ngại chính cho việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các phương thức hòa bình. Phần 3 của cuốn sách cũng giúp trả lời cho câu hỏi mà nhiều người đang băn khoăn là trong bối cảnh luật biển quốc tế đã quy định rõ ràng về phạm vi và giới hạn quyền của các quốc gia ven biển tại UNCLOS năm 1982 thì các quyền lịch sử có có còn được coi là một cơ sở pháp lý cho yêu sách vùng biển hay không. Theo TS. Nguyễn Thị Lan Anh, quyền lịch sử không phải là một cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách các vùng biển trong Biển Đông. Một yêu sách quyền lịch sử chiếm đến hơn 80% diện tích của Biển Đông, mà không dựa trên các cơ sở pháp lý, không được thừa nhận bởi các quốc gia hữu quan, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển là đi ngược lại quy định của pháp luật quốc tế. Phần 3 cũng đề cập tới một số khía cạnh pháp lý trong vụ kiện trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS giữa Philippines và Trung Quốc, cung cấp cho độc giả những thông tin chung về vụ kiện trong bối cảnh tòa trọng tài có thể đưa ra pháp quyết vào giữa năm nay. Một phán quyết có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tranh chấp Biển Đông mà còn đối với sự phát triển của luật biển.

Ba phần đầu của cuốn sách giúp độc giả phần nào hình dung về bức tranh tổng thể, phức tạp của tranh chấp Biển Đông, đan xen nhiều vấn đề về chủ quyền, pháp lý…,liên quan đến lợi ích không chỉ các nước trong khu vực mà còn các cường quốc bên ngoài khu vực. Có thể thấy rằng, tranh chấp ở Biển Đông sẽ không thể được giải quyết một sớm một chiều. Và hợp tác có lẽ là phương thức duy nhất hiện tại giúp quản lý căng thẳng và giảm thiểu nguy cơ xung đột ngày càng hiện hữu trên các vùng biển. Đây là điều mà phần bốn của cuốn sách hướng tới: Các cơ chế hợp tác và quản lý tranh chấp. Theo TS. Nguyễn Đăng Thắng, hai cách tiếp cận chính về vấn đề hợp tác trên Biển Đông hiện nay là hoạt động ngoại giao kênh 1 và tạm gác lại tranh chấp để khai thác chung có hạn chế là giới hạn về phạm vi địa lý hoặc về đối tượng. Tác giả đề xuất về một cách tiếp cận toàn diện hơn đó là quản trị đại dương. Theo đó, hợp tác không phải để quản lý các tranh chấp lãnh thổ, mà để sử dụng bền vững đại dương. Ở phần bốn này, các tác giả cũng đánh giá về việc xây dựng một thể chế liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường biển tại khu vực Biển Đông, thông qua phân tích một số cơ chế, thỏa thuận khu vực tiêu biểu như Hội thảo về Quản lý xung đột tiềm tàng trên Biển Đông, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông…Bên cạnh đó, các tác giả cũng giúp người đọc hiểu thêm về nội hàm trong chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Trên thực tế, khái niệm “gác tranh chấp cùng khai thác kiểu Trung Quốc” có một số điều bất cập khiến nó không có tính công bằng hay thỏa hiệp như trong nhiều trường hợp gác tranh chấp, cùng khai thác trong khu vực và trên thế giới. TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Thanh Vân đã nêu một số đề xuất cụ thể để đảm bảo yếu tố công bằng trong “gác tranh chấp, cùng khai thác” như xác định khu vực tranh chấp một cách hợp lý, xác định thế nào là gác tranh chấp và khu vực nào có thể cùng khai thác. Trong khi đó, TS. Vũ Hải Đăng đề xuất về việc thành lập một mạng lưới song phương bảo tồn biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực Tây bắc của Biển Đông. Theo đó, mạng lưới này giúp hai nước có cơ hội hợp tác thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực trong lĩnh vực biển, mà không ảnh hưởng tới các yêu sách về lãnh thổ và chủ quyền của mỗi bên. Điều này cũng phù hợp với chính sách hợp tác cùng phát triển của Việt nam và gợi ý “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc kể từ năm 1999 thường xuyên ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực Tây Bắc của Biển Đông.

Xuyên suốt trong cuốn sách, các tác giả đã sử dụng nhiều bằng chứng, lập luận thuyết phục về lịch sử, khoa học, pháp lý và chính trị để chứng minh một thực tiễn rằng: chìa khóa cho tranh chấp Biển Đông đó là các bên cần khẳng định và thực hiện yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tê và tôn trọng các nguyên tắc công bằng, không sử dụng vũ lực. Việt Nam sở hữu nhiều bằng chứng thuyết phục để khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông và sẽ vẫn theo đuổi con đường hòa bình để dàn xếp tranh chấp. Tuy cuốn sách tuyển tập chưa thể bao quát hết các mảng chủ đề liên quan đến Biển Đông, cũng như giới thiệu đầy đủ các học giả Việt Nam hiện đang nghiên cứu về lĩnh vực này, nhưng đây là một ấn phẩm đáng tham khảo đối với các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và những độc giả quan tâm. Chúng tôi xin mượn lời nhận xét của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan để thay cho lời kết, “Cuốn sách là một công trình nghiêm túc mang tính thời sự cao, đáp ứng mối quan tâm sâu sắc của dư luận rộng rãi ở trong và ngoài nước về một trong những vấn đề nóng bỏng nhất của thế giới hiện nay; đó là những hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ về biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông, đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực cũng như tự do hàng hải và hàng không trên một trong những tuyến giao thương quan trọng hàng đầu thế giới. Ưu điểm nổi bật của cuốn sách này thể hiện trên mấy mặt. Một là tính tổng thể, đề cập tới mọi khía cạnh lịch sử, thực tế, pháp lý trong sự đối sánh với luật pháp và thông lệ quốc tế; hai là, tính khoa học khách quan; ba là tính xây dựng, đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể nhằm tìm ra những biện pháp tạm thời và lâu dài trên hai cơ sở cơ bản thể hiện trong đầu đề của cuốn sách là “hòa bình và công lý”. Chắc chắn rằng cuốn sách này sẽ tranh thủ được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc; đồng thời là một đóng góp đáng ghi nhận vào cuộc đấu tranh ngoại giao để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, cho xu thế hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.”

Mọi thông tin về việc đặt mua cuốn sách này, xin mời các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân liên hệ: , Điện thoại: ;  Email: 

Chương trình Nghiên cứu Biển Đông