Nhìn chung, Malaysia là một địa điểm mà cơ hội đầu tư và rủi ro đầu tư cùng tồn tại. Trung Quốc đầu tư vào Malaysia đương nhiên là vì coi trọng nhiều cơ hội đầu tư của quốc gia này, nhưng cũng phải đánh giá một cách khá lý trí những cơ hội đó. Tuy quan hệ Trung Quốc-Malaysia về tổng thể là tốt, các nhà lãnh đạo đất nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau và bối cảnh lớn “Vành đai và Con đường”… có thể thúc đẩy việc thực hiện các dự án đầu tư, nhưng nếu trước khi đầu tư mà thiếu sự hiểu biết cần thiết đối với tình hình chủng tộc, môi trường chính trị và chính sách kinh tế của Malaysia thì chắc chắn sẽ dẫn tới sự thiếu phối hợp chính sách, chưa đủ sự kết nối đầu tư, sẽ gây ra tổn thất. Việc phòng ngừa và giải quyết những rủi ro này cũng phụ thuộc vào sự phối hợp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ở cấp độ quy tắc hợp tác, xây dựng quy tắc bao gồm cả về mặt pháp lý để định hướng và ràng buộc đối với đầu tư.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đầu tư vào Malaysia

Đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia những năm gần đây tăng vọt. Trong bối cảnh Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường”, các doanh nghiệp Trung Quốc, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đều đang tiến vào các nước ASEAN với quy mô lớn, khiến Trung Quốc nhanh chóng trở thành nhà đầu tư quan trọng nhất của ASEAN. Trong năm 2016 và 2017, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước ASEAN lần lượt chiếm 9,2% và 10,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAN (tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN năm 2017 là 137 tỷ USD). Năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai vào ASEAN, chỉ sau Nhật Bản, hơn nữa đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, có tác dụng lâu bền đối với sự phát triển của khu vực này.

Trong số các quốc gia ASEAN mà Trung Quốc đầu tư, Malaysia là một điểm sáng lớn hơn. Năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Mỹ, trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Malaysia. Năm 2017, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này. Ngoài ngành sản xuất chế tạo, đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia chủ yếu là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, cần nhiều vốn.

Một số ví dụ về việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Malaysia cho thấy đầu tư của Trung Quốc có thể thúc đẩy hiệu qủa phát triển kinh tế ở Đông Nam Á. Mức độ Trung Quốc thúc đẩy xây dựng “Vành đai và Con đường” càng lớn, thì lợi ích mà khu vực này thu được càng lớn. Phải nói rằng phần lớn điều mà sáng kiến “Vành đai và Con đường” hiện nay mang lại là một mô hình hợp tác khu vực khá linh hoạt, nhấn mạnh cùng tạo thuận lợi cho nhau và cùng hưởng lợi.

Đầu tư vào Malaysia đứng trước cơ hội và rủi ro

Nhìn chung, Malaysia hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc và trên thực tế Malaysia cũng thực sự rất cần nguồn vốn của Trung Quốc để lấp khoảng trống trong đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này. Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Malaysia, điều đó thể hiện thái độ tích cực của Trung Quốc và cũng chứng minh một số thành tựu quan trọng mà Trung Quốc đã giành được. Tuy nhiên, một số dự án đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia gặp trắc trở lớn, một số trong đó trên thực tế đã gặp phải khó khăn không dễ khắc phục, gây ra thiệt hại lớn.

Một trong những dự án có hiệu quả đầu tư tốt là dự án mở rộng cảng Kuantan. Cảng này nằm cách thành phố Kuantan 25 km về phía Bắc thuộc bang Pahang, là cảng đầu tiên ở bờ biển phía Đông Malaysia có thể cho phép tàu thuyền ra vào quanh năm. Cảng này hướng ra Biển Đông, là một điểm nút quan trọng của tuyến đường biển gần nhất giữa Trung Quốc và Malaysia. Cảng Kuantan được điều hành bởi Công ty Kuantan Port Consortium thuộc sở hữu tư nhân, trong đó Tập đoàn cảng khẩu biển quốc tế Vịnh Bắc Bộ của Trung Quốc chiếm 40% cổ phần. Năm 2013, dự án mở rộng cảng biển này bắt đầu thông qua việc huy động vốn trong nội bộ ngân hàng để sửa chữa lại cầu cảng mới và các cơ sở hạ tầng khác với diện tích 30 km2. Cùng với việc hoàn thành dần dần dự án mở rộng, cảng Kuantan đã được nâng cấp từ một cảng nhỏ trước kia thành cảng nước sâu, tàu chở hàng container của cảng Huệ Châu của Trung Quốc sẽ cập cảng Kuantan, Kuantan dựa vào mạng lưới logistic của cảng Huệ Châu mà được nâng cấp thành một trong những cảng quan trọng nhất trong khu vực.

Năm 2015, hai chỉ số chủ yếu là lượng hàng hóa thông qua cảng biển và thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cảng Kuatan tăng mạnh, lượng hàng hóa thông qua cảng biển này lần đầu tiên lên tới 40 triệu tấn, tăng gấp đôi, trong đó 90% của lượng tăng hàng hóa đến từ Trung Quốc; hoàn thành xếp dỡ hơn 140.000 container, tốc độ tăng trưởng lên tới hai con số. Ngoài việc xây dựng khá thuận lợi, cảng Kuantan còn có ý nghĩa quan trọng vượt trên ý nghĩa của nó, bởi vì dự án cảng Kuantan có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của khu công nghiệp Kuantan giữa Trung Quốc và Malaysia. Khu công nghiệp này nằm ở bờ biển phía Đông bán đảo Mã Lai, gần Kuantan, do Trung Quốc và Malaysia cùng khai thác, là một trong những kế hoạch “hai nước, hai khu công nghiệp” nổi tiếng nhất. Việc thúc đẩy thuận lợi dự án mở rộng cảng Kuantan sẽ hỗ trợ tốt hơn cho kế hoạch “hai nước hai khu công nghiệp”. Cần phải nói rằng việc mở rộng cảng Kuantan là một dự án khá thành công khi Trung Quốc đầu tư vào Malaysia.

Ngược lại, dự án đường sắt bờ biển phía Đông đã gặp nhiều trắc trở. Dự án này có thời điểm bị ép phải đình chỉ, tuy đã được khôi phục, nhưng dự báo lợi nhuận sẽ giảm mạnh. Nếu đơn thuần xem xét từ khía cạnh đầu tư thương mại thì khó khẳng định là thành công. Dự án này ban đầu do Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia dưới thời Najib Razak ký kết, Trung Quốc cung cấp khoản vay trị giá 55 tỷ ringgit (khoảng 89 tỷ nhân dân tệ hoặc 12,9 tỷ USD), là dự án đường sắt lớn nhất ở Đông Nam Á hiện nay, cũng là dự án mang tính cột mốc lớn nhất để sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tiến ra biển.

Tuyến đường sắt ở bờ biển phía Đông kết nối một số thành phố trọng điểm của Malaysia với tổng chiều dài 688,3 km, ban đầu dự định xây dựng trong khoảng 5 đến 6 năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới lên nắm quyền ở Malaysia vào tháng 5/2018, họ đã tuyên bố phải đình chỉ và đánh giá lại một số dự án đầu tư của Trung Quốc, trong đó bao gồm dự án đường sắt này. Tháng 4/2019, Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad xác nhận Trung Quốc và Malaysia đã ký hợp đồng bổ sung về tuyến đường sắt bờ biển phía Đông, giá trị của công trình này từ giảm 65,5 tỷ ringgit xuống còn 44 tỷ ringgit. Trung Quốc đã có sự nhượng bộ tương đối lớn để khôi phục dự án này, chuyên gia đánh giá lợi nhuận của dự án này là rất nhỏ. Trung Quốc đã xem xét đến mối quan hệ hai nước và tầm quan trọng của tuyến đường sắt phía Đông trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” mới đưa ra quyết định dựa trên tình hình chung.

Dự án thuộc Country Garden ở bang Johor cũng đang gặp khó khăn. Forest City là một dự án bất động sản quy mô lớn do Công ty Country Garden Holdings Ltd của Trung Quốc và Công ty Esplanade Danga 88 Sdn Bhd của Malaysia hợp tác khai thác, hai bên cùng thành lập Công ty liên doanh Country Garden Pacificview sdn.Bhd (CGPV). Dự án này có diện tích khoảng 20 km2, do Công ty Country Garden Holdings Ltd đầu tư 100 tỷ USD. Dự án không những có thể tạo cơ hội việc làm, cải thiện kinh tế địa phương, mà còn giúp thúc đẩy phát triển ngành du lịch, thậm chí là ngành dịch vụ và ngành tài chính công nghệ cao. Đã có khoảng 11.000 căn hộ được bán. Forest City khi đó được coi là dự án hàng đầu ở bang Johor, thậm chí có trực tiếp ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-Malaysia.

Tuy nhiên, từ năm 2018, Forest City nhanh chóng trở thành một dự án gây tranh cãi. Mahathir Mohamed, lãnh đạo phe đối lập khi đó, đã công khai chỉ trích dự án này, cho rằng sẽ dẫn đến một lượng lớn dân nhập cư từ Trung Quốc tràn vào Malaysia. Sau khi được bầu làm thủ tướng mới và trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc, Mahathir Mohamed tiếp tục khẳng định lại lập trường cơ bản của cá nhân ông đối với dự án Forest City, đó là về tổng thể vẫn phản đối dự án này, bởi vì sợ rất nhiều dân tị nạn ở trong dự án bất động sản cao cấp này, hơn nữa hiện nay và trong tương lai cũng không thể cấp thẻ xanh (thẻ cư trú lâu dài) cho các khách mua các căn hộ của dự án này. Trên cơ sở tình hình đó, khách hàng ở Trung Quốc đã dừng mua bất động sản của dự án này. Với tình hình hiện nay, người dân địa phương không thể mua được; người Trung Quốc cũng không mua được, khả năng dự án còn dang dở là rất lớn.

Hệ lụy do sự thay đổi đảng cầm quyền

Ba ví dụ đầu tư ở trên đem lại cho mọi người một cảm giác rõ rệt rằng rủi ro đầu tư của Trung Quốc và Malaysia đã tăng mạnh và đều là do tác động của cuộc bầu cử năm 2018. Trước cuộc bầu cử năm 2018, các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia nhìn chung thuận lợi, nhưng cùng với chính phủ mới lên nắm quyền, tình hình đầu tư trở nên phức tạp, trong đó một số dự án bị đánh giá lại trong khi những dự án khác bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc. Trong cuộc bầu cử năm 2018, phe đối lập, Liên minh Hy vọng (PH), do Mahathir Mohamad đã giành được 113/222 ghế tại Hạ viện, thắng cử với đa số ghế. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1957, thời điểm Malaysia giành được độc lập, đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) mất quyền kiểm soát Quốc hội, cũng là lần đầu tiên sau 60 năm Malaysia thực hiện thay đổi đảng cầm quyền.

22 năm cầm quyền trước đây của Mahathir Mohamad chính là thời kỳ mà quan hệ kinh tế Trung Quốc-Malaysia được tăng cường mạnh mẽ, có thể nói chính những nỗ lực của ông đã khiến Malaysia trở thành một trong những bên hưởng lợi nhất từ đầu tư của Trung Quốc vào châu Á, vì vậy lẽ ra triển vọng đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia là rất sáng sủa. Tuy nhiên, một loạt những thay đổi lớn đã sớm xuất hiện và sự chú ý của các phương tiện truyền thông tập trung nhiều hơn vào những dự án đầu tư có quy mô lớn của Trung Quốc bị hủy bỏ hoặc đình chỉ.

Theo các quan chức Malaysia, lý do quan trọng nhất khiến chính phủ mới hủy bỏ hoặc đình chỉ rất nhiều dự án đầu tư lớn của Trung Quốc, là vì cho rằng nó có thể gây ra khoản nợ lớn cho chính phủ nước này. Nhưng lý do đó có công bằng hay không thì giữa chính phủ mới và cũ của Malaysia cũng như Trung Quốc lại có quan điểm khác nhau.

Theo quan điểm của Trung Quốc, trên thực tế rất nhiều dự án ở Malaysia đều do các tổ chức tư nhân của Trung Quốc và Malaysia tài trợ vốn chẳng hạn như dự án Forest City thuộc Country Garden, không liên quan đến nợ của chính phủ. Cho dù là dự án liên quan đến nợ chính phủ, Trung Quốc cũng hiếm khi yêu cầu Chính phủ Malaysia bảo lãnh. Hơn nữa, trước khi thay đổi đảng cầm quyền, theo thống kê của chính phủ, mức nợ của Malaysia không cao. Cựu Thủ tướng Najib Razak nhiều lần cho biết ngoài những dự án không có trong sổ sách, tỷ lệ nợ của Chính phủ Malaysia/GDP luôn duy trì ở mức dưới 55% mà nước này tự đặt ra.

Tuy nhiên, sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng cho biết tính đến cuối năm 2018, quy mô nợ phải trả và nợ do chính phủ bảo lãnh của Chính phủ liên bang Malaysia đã tương đương với 80,3% GDP; nếu xóa bỏ những dự án ngoài sổ sách, tỷ lệ nợ so với GDP là 65,4%. Con số nợ này cao hơn nhiều so với mức mà cựu Thủ tướng Najib Razak tiết lộ. Về số liệu này, Najib Razak chỉ trích chính phủ mới tuyên bố quy mô nợ của nước này tăng lên 1.000 tỷ ringgit nhưng lại không đưa ra chi tiết cụ thể, điều này sẽ gây rối loạn thị trường tài chính, khiến các tổ chức xếp hạng tín dụng phải cảnh giác và tác động đến lòng tin của nhà đầu tư đối với hệ thống của Malaysia. Nhưng chính phủ mới lại cho rằng một số thống kê tài chính của chính phủ cũ có thể bị làm giả.

Ngoài những đánh giá về mặt nợ, một lý do quan trọng khác mà chính phủ mới đưa ra là đầu tư của Trung Quốc có thể đem theo dân nhập cư, từ đó mở rộng quy mô cộng đồng người Hoa ở Malaysia và cuối cùng có tác động lớn đến xã hội và bầu cử Malaysia. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng Mahathir Mohamad coi dự án Forest City là một chương trình nghị sự bị chính trị hóa để đảm bảo đảng Đoàn kết bản địa Malaysia (PPBM) giành được nhiều phiếu bầu hơn trong cuộc bầu cử. Một khâu quan trọng trong sách lược tranh cử của phe đối lập khi đó chính là phải thu hút phiếu bầu ở bang Johor. Người Mã Lai ở nông thôn luôn bảo thủ vẫn giữ cảnh giác với người Malaysia gốc Hoa. Việc gắn dự án bất động sản mà doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư với người gốc Hoa ở Malaysia tạo ra bầu không khí dư luận về “Thuyết mối đe dọa từ người Hoa” từ đó đương nhiên là giành được phiếu bầu của cử tri một cách thuận lợi.

Bối cảnh lớn chính trị và kinh tế trong nước Malaysia

Ngoài những thay đổi lớn gần đây kể từ cuộc bầu cử năm 2018, bối cảnh chính trị và chính sách kinh tế của Malaysia cũng là những nhân tố tác động không thể xem nhẹ. Cuộc đọ sức quyền lực giữa hoàng gia và chính phủ, tranh cãi giữa chính phủ trung ương và chính quyền địa phương xung quanh khu vực tài chính và va chạm giữa chính phủ với các nhóm lợi ích trong xã hội, tiếp tục có tác động sâu sắc đến sự phát triển chính trị và kinh tế của Malaysia, từ đó tác động lớn đến đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia.

Về bối cảnh chính trị, nổi bất nhất là mâu thuẫn giữa chính phủ liên bang và chính quyền các bang ngày càng sâu sắc hơn. Malaysia là một nhà nước liên bang, về nguyên tắc chính quyền các bang có quyền lực nhất định, nhưng trên thực tế quyền lực tập trung vào trung ương, phần lớn quyền lực đều nằm trong tay chính phủ liên bang. Đặc biệt là kể từ khi thực hiện “chính sách kinh tế mới” vào thập niên 70 của thế kỷ 20 đến nay, chính phủ liên bang đã tăng cường kiểm soát quyền lực hơn nữa về ngân sách và hệ thống dịch vụ công, chính quyền các bang đã không có quyền tự thu tự chi tiền thuế, chỉ có thể dựa vào bán đất đai để đổi lấy một số quỹ.

Các bang cũng có một số nguồn lực chính trị đặc biệt có thể được sử dụng để chống lại chính phủ liên bang. Hiến pháp Malaysia quy định thủ tướng sẽ được bầu thông qua cuộc bầu cử toàn dân, nhưng người đó chỉ là lãnh đạo của cơ quan hành chính. Đồng thời, Hiến pháp Malaysia cũng quy định các tiểu vương và người đứng đầu ở 4 bang căn cứ vào chế độ quân chủ (không qua bầu cử) trong Hội đồng quân chủ Malaysia (hội đồng gồm 9 tiểu vương và các thống đốc tại 4 bang khác) để lựa chọn nguyên thủ quốc gia (Quốc vương) có nhiệm kỳ 5 năm. Nguyên thủ quốc gia là người hoạch định quyết sách cao nhất đại diện cho nhà nước, lập pháp và hành chính, cũng là lãnh tụ Hồi giáo và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Malaysia. Ngoài ra, nguyên thủ quốc gia cũng là lãnh tụ Hồi giáo của các bang trực thuộc và bang Malacca, Penang, Sabah, Sarawak và vùng trực thuộc liên bang, hơn nữa ông phải lắng nghe kiến nghị của Hội đồng Hồi giáo ở một số bang khi đảm nhiệm chức vụ này.

Như vậy, Malaysia đã hình thành sự giằng co giữa thủ tướng đại diện cho liên bang và nguyên thủ cao nhất đại diện cho các bang và mang màu sắc tôn giáo. Trước kia, UMNO với quyền lực lớn thực sự kiểm soát chính quyền trên thực tế, khi đó có một số mâu thuẫn bị kiềm chế, PH khởi xướng dân chủ và đa nguyên rõ ràng là chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình, do đó tạo ra cục diện giằng co về quyền lực chính trị và chia rẽ về lợi ích kinh tế giữa chính quyền liên bang với các bang.

Về chính sách kinh tế, vấn đề nổi bật nhất là “chính sách kinh tế mới” gây tranh cãi. Từ khi Malaysia giành độc lập vào năm 1957 đến nay, chính phủ luôn đóng vai trò tích cực trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để xóa đói giảm nghèo, thực hiện sự phát triển cân bằng giữa các dân tộc, Chính phủ Malaysia đã thực hiện “chính sách kinh tế mới” vào năm 1971. Mặc dù Chính phủ Malaysia từng nhiều lần tuyên bố rằng phải cắt giảm cường độ của “chính sách kinh tế mới”, khiến cho thị trường tự do và cơ chế công bằng đóng vai trò lớn hơn, nhưng trên thực tế, những năm gần đây “chính sách kinh tế mới” với nội dung cốt lõi là ưu tiên người Mã Lai và quyền lực kinh tế của chính phủ là trên hết không ngừng được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, thậm chí đã trở thành một công cụ chính trị trong cuộc đọ sức giữa các đảng phái.

Cụ thể, một nội dung quan trọng trong “chính sách kinh tế mới” là thành lập mô hình “doanh nghiệp liên kết với chính phủ”, cho phép các doanh nghiệp lớn của nhà nước đại diện cho lợi ích của người Mã Lai tiến vào lĩnh vực kinh tế quan trọng. Trên thực tế, Mahathir Mohamad rất quan tâm đến các hoạt động như vậy, ông từng thành lập một số lượng lớn các doanh nghiệp có quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo thông qua các biện pháp như trợ cấp của chính phủ, can dự hành chính. Mô hình này đã chiếm lĩnh các lĩnh vực kinh tế quan trọng bao gồm tài nguyên thiên nhiên, hành chính công, xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, chứng khoán tài chính…, còn thông qua thu hút những nhân tài ưu tú để tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Tuy Liên minh hy vọng (PH) khi tranh cử đề xuất phải cải cách mô hình doanh nghiệp nhà nước này, thúc đẩy kinh tế tự do, nhưng hiện nay, những doanh nghiệp theo mô hình nhà nước này không những không yếu đi mà còn tăng cường quan hệ với chính phủ.

Đến nay, ngày càng có nhiều ví dụ chứng tỏ lý do vì sao cả chính phủ mới và cũ đều không thể tách rời doanh nghiệp nhà nước kiểu này. Căn bản là vì những doanh nghiệp này đóng vai trò là công cụ của các chính đảng. Do những doanh nghiệp nhà nước này tập trung các nguồn lực, được sử dụng để phân phối các loại trợ cấp cho các đảng viên ở các khu vực then chốt, giành được hợp đồng dự án, giấy phép kinh doanh… Quyền lực chính trị này dựa vào “sự liên kết với chính phủ” để trục lợi, các tập đoàn doanh nghiệp dựa vào “sự liên kết với chính phủ” để giành lợi ích không chính đáng do ưu thế về thương mại, những điều đó không những có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Malaysia, mà còn ảnh hưởng đến đầu tư của nước ngoài, bao gồm Trung Quốc.

Về tổng thể, Malaysia cần đầu tư của Trung Quốc, nhưng nó cũng có thể trở thành vật hy sinh trong cuộc đọ sức chính trị ở quốc gia này. Từ nửa cuối năm 2018, chính phủ mới đã lần đầu tiên đánh giá lại, sau đó tạm đình chỉ, thậm chí là quyết định xóa bỏ một số dự án đầu tư của Trung Quốc, tiếp đó lại khôi phục một phần của dự án đó, cho thấy tâm lý phức tạp, thậm chí ở trong tình trạng khó xử của Chính phủ Malaysia.

Một mặt, Malaysia rất cần đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là trong một số dự án quan trọng, địa vị của Trung Quốc dường như là không thể thay thế được; mặt khác, cục diện chính trị ở Malaysia phức tạp, để làm suy yếu ảnh hưởng của chính phủ tiền nhiệm, chính phủ mới đã quyết định hủy bỏ hoặc tạm đình chỉ các dự án như tuyến đường sắt bờ biển phía Đông… Ngay cả trong dự án đầu tư của tư nhân như Country Garden, chính phủ mới cũng không ngần ngại can thiệp vào thị trường bằng những quyết định khá thô bạo, cũng là sự phản ánh cạnh tranh giữa các lực lượng chính trị ở Malaysia. Có lý do tin rằng Malaysia cần sự đầu tư của Trung Quốc, nhưng nếu môi trường chính trị của Malaysia có sự thay đổi, tổn thất tiềm ẩn của đầu tư Trung Quốc có thể rất lớn.

Những khía cạnh cần chú ý trong sự sắp xếp thể chế

Sách lược đầu tư của Trung Quốc cần quan tâm đến nhu cầu chính trị của Malaysia

Từ những ví dụ trên, có thể thấy chỉ có đầu tư phù hợp với nhu cầu chính trị ở địa phương thì lợi ích kinh tế của dự án mới có thể được đảm bảo. Lý do khu công nghiệp Kuantan và cảng Kuantan thành công, dự án đường sắt ven bờ biển phía Đông bị xem xét lại, dự án Country Garden rơi vào khó khăn, ngoài chịu ảnh hưởng của cuộc bầu cử ở Malaysia, về bản chất là sự khác nhau về mức độ phù hợp giữa những dự án này với nhu cầu chính trị của Malaysia

Khu công nghiệp Kuantan đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho khu vực phía Đông Malaysia, dự án đường sắt bờ biển phía Đông đi qua 3 bang đông dân của nước này, kết nối các thành phố và nông thôn lạc hậu về kinh tế. Hiệu quả đầu tư đó cho dù là dưới thời UMNO hay PH đều sẽ được hoan nghênh. Ngoài ra, sau khi UMNO mất chính quyền, họ đã tăng cường hợp tác với các đảng Hồi giáo, tăng cường kiểm soát nghị viện ở các bang bờ biển phía Đông và giành được thắng lợi ở một số bang trong cuộc bầu cử bổ sung, điều này đã tạo thành sức ép đối với Chính quyền Mahathir Mohamad ở những vùng này.

Chính phủ mới của Malaysia ngay lập tức ý thức được nhiệm vụ cấp bách nhất của họ ở những vùng này là phải chấn hưng nền kinh tế đã rơi vào khó khăn, đảm bảo tính hợp pháp và tính bền vững khi cầm quyền. Do đó, dự án tuyến đường sắt bờ biển phía Đông từng bị tạm đình chỉ vì yêu cầu chính trị của Malaysia, đã được khôi phục, nhưng các điều kiện được đưa ra rất không công bằng cho phía Trung Quốc.

Ngược lại, mặc dù dự án Country Garden cũng dựa trên nền tảng của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thậm chí chính phủ tiền nhiệm của Malaysia cũng ủng hộ dự án này, nhưng cuối cùng vẫn tồn tại khiếm khuyết về mặt chính trị. Thứ nhất, do người Mã Lai ở địa phương hoàn toàn không thể mua nổi bất động sản với giá quá cao của dự án này, khiến đa số bất động sản được bán cho những người giàu ở nước ngoài (Trung Quốc) đến ở, hơn nữa dự án này cho thấy một xu hướng vận hành bằng vốn của nước ngoài, người Mã Lai ở địa phương cho rằng họ không được hưởng lợi. Thứ hai, Malaysia lâu nay tồn tại mâu thuẫn sắc tộc và sự hoài nghi đối với mức độ trung thành của người Mã Lai gốc Hoa, bất kỳ nỗ lực nhiệt tình quá mức để thiết lập quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đều có thể gây ra sự phản đối mạnh mẽ, đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho dự án Counry Garden bị Mahathir Mohamad chỉ trích công khai.

Đầu tư của Trung Quốc nên tránh những khu vực nhạy cảm trong mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương

Mối quan hệ giữa chính quyền liên bang và mỗi bang rất quan trọng và nó sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa tiểu vương đứng đầu bang Johor và chính phủ liên bang là điển hình. Mối quan hệ giữa tiểu vương bang Johor, bang lớn thứ hai của Malaysia, với chính quyền trung ương đã phức tạp hơn do chính quyền liên bang năm 2006 bắt đầu xây dựng đặc khu kinh tế Iskandar với diện tích 9.300 ha, làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng vốn có giữa người Mã Lai với người không thuộc chủng tộc Mã Lai, giữa chính quyền trung ương với địa phương và cuối cùng thể hiện ở dự án Forest City. Mặc dù bang Johor có thể hưởng lợi từ dự án này, nhưng tiểu vương bang Johor lại cho rằng dự án đã xâm phạm quyền sử dụng và quyền mua bán đất đai do chính quyền bang kiểm soát về mặt truyền thống, tác động đến thu ngân sách của chính quyền bang.

Do đó, mặc dù tiểu vương của bang Johor rất ủng hộ Country Garden, nhưng dự án này đã chạm đến nỗi đau của chính phủ liên bang mới. Chính phủ mới lo ngại bang Johor tiếp giáp Singapore, dự án Forest City sẽ làm gia tăng hiệu ứng phụ thuộc vào đặc khu kinh tế Iskandar, từ đó có thể khiến trọng tâm kinh tế của cả nước chuyển dịch về phía Nam. Hơn nữa, một khi Forest City hoàn thành, sẽ đem theo những người nhập cư mới, đặc biệt là những người nhập cư mới đến từ Trung Quốc, đó cũng là điều mà chính phủ mới phải loại bỏ. Mặc dù Chính phủ Malaysia nhận thức được cần phân phối công bằng nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển cân bằng kinh tế xã hội giữa tất cả các bang, nhưng về mặt truyền thống vẫn phải giữ thái độ cảnh giác nhất định đối với việc trọng tâm kinh tế nước này chuyển dịch về phía Nam. Điều này cũng cho thấy Malaysia thiếu một sự sắp xếp cơ chế mang tính gắn kết và có thẩm quyền.

Đầu tư của Trung Quốc phải dựa vào đánh giá ý nghĩa địa chính trị

Một nguyên nhân quan trọng khác tác động đến đầu tư của Trung Quốc ở Malaysia chính là ý nghĩa địa chính trị của các dự án đầu tư. Ý nghĩa địa chính trị của tuyến đường sắt bờ biển phía Đông là sau khi được xây dựng, tuyến đường sắt này sẽ kết nối chặt chẽ hơn với Malaysia sau khi tuyến đường sắt xuyên Á hoàn thành, thậm chí toàn bộ Đông Nam Á, có thể kết nối cảng Kuantan ở bờ biển phía Đông với tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan sẽ làm tăng đáng kể năng lực thương mại quốc tế của Malaysia, nâng cao địa vị của Malaysia trong ASEAN.

Ngoài ra, Malaysia có mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020, nhưng vẫn không thể tự mình đưa ra bất kỳ dự án vĩ đại có tầm nhìn toàn cầu, càng muốn cùng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, hợp tác cùng xây dựng. Trong quy hoạch ban đầu, Malaysia đã xem xét phải kết nối dự án này với tuyến đường sắt Trung Quốc-Thái Lan, xây dựng tuyến đường vận chuyển trên đất liền từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến Malaysia. Tuyến đường sắt này có thể là trung tâm của tuyến đường sắt xuyên Á, sau khi hoàn thành sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến Malaysia, thậm chí toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Từ góc độ đó, dự án tuyến đường sắt bờ biển phía Đông phù hợp với triển vọng địa chính trị và mục tiêu phát triển quốc gia trong tương lai của Mahathir Mohamad.

Đầu tư của Trung Quốc cần tăng cường sự hiểu biết về các quy tắc

Xây dựng quy tắc và tăng cường định hướng mang tính quy tắc là xu hướng phát triển. Bàn bạc về quy tắc hợp tác khu vực và quốc tế kiểu mới trong tương lai là điều phải làm. Trung Quốc luôn nhấn mạnh cùng tạo thuận lợi cho nhau và cùng có lợi, nhưng điều này không có nghĩa là loại bỏ thiết lập quy tắc và bố cục cơ chế. Quản lý quy tắc và quản lý mối quan hệ cần là điều phải bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn, quy tắc có thể khiến thông tin minh bạch hơn, sẽ giảm bớt chi phí giao dịch, cũng có thể giảm bớt tính khó lường của hệ thống và tăng cường tính dự báo về hành vi quốc tế của một quốc gia.

Trước khi Trung Quốc thực hiện một số dự án đầu tư ở Malaysia, nếu có các quy tắc khá chi tiết, thì điều quan trọng là phải đưa ra quy định rõ ràng về bồi thường khi không thực hiện được. Trung Quốc, Malaysia và các nước ASEAN phải thiết lập một số bố cục cơ chế phù hợp, để thể chế hóa, hợp pháp hóa nhận thức chung giữa hai bên, thiết lập mối quan hệ đối tác trong thể chế hợp tác với nền tảng là nguyên tắc và quy tắc, cùng thúc đẩy xây dựng một cơ chế hợp tác đa dạng trên cơ sở nguyên tắc cởi mở, minh bạch, bền vững về tài chính…, mới có thể đảm bảo lợi ích của cả hai bên không bị thiệt hại.

Triệu Hồng [Zhao Hong], Giáo sư tại Viện nghiên cứu quốc tế Nam Dương thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc). Bài viết được đăng trên IPP Review.

Kim Nguyên (gt)