____________________

 

Giống như hầu hết các quốc gia khác ở Đông Nam Á, Phi-líp-pin nhìn nhận những phát triển gần đây tại hai bờ eo biển Đài loan không những đáng khích lệ mà còn rất hứa hẹn. Đáng khích lệ bởi vì cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều nghiêng về chiều hướng không muốn tiếp tục chính sách đối đầu vốn chiếm nổi trội trong quan hệ giữa hai bờ eo biển trong suốt tám năm cầm quyền của nhà cựu lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển. Rất hứa hẹn vì các tổ chức bán chính thức như Hiệp hội các quan hệ hai bờ eo biển Đài loan đóng tại Trung quốc (ARATS) và Quỹ Trao đổi giữa hai bờ eo biển Đài loan (SEF) đã nối lại đàm phán. Do vị trí địa lý gần với vùng eo biển này, dường như Phi-líp-pin đang được hưởng lợi ích lập tức từ mối quan hệ đang được cải thiện này.

Bài viết này xin đưa ra một cách đánh giá của Phi-líp-pin đối với tình hình hai bên bờ eo biển trong bối cảnh có những biến động gần đây nhất của khu vực và trên thế giới. Bài viết cũng nhấn mạnh tới những cơ hội mới có thể tạo nên những cục diện mới về kinh tế, chính trị và an ninh của Đông Á dựa trên việc Trung Quốc và Đài Loan lựa chọn xu hướng định hình mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Bài viết sẽ tập trung vào hai cơ hội và lập luận rằng có khả năng mối quan hệ hai bờ eo biển (i) biến đổi từ một điểm nóng tiềm năng trở thành một chất xúc tác cho ổn định khu vực và (ii) biến đổi từ một vật cản thành một nền tảng cho hội nhập khu vực. Bài viết cũng đồng thời đưa ra một số kiến nghị cho các nhà hoạch định chính sách.

Từ một điểm nóng tiềm tàng trở thành một chất xúc tác cho ổn định khu vực

Chính sách “ba không” của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu (không độc lập, không thống nhất và không sử dụng vũ lực) đã tạo nên một khuôn khổ mới dường như có thể chấp nhận được không chỉ đối với Bắc Kinh và Đài Bắc mà còn đối với cả các đối tác khác trong khu vực. Nếu được quản lý một cách hợp lý, môi trường địa chính trị tích cực đang xuất hiện trong khu vực này có thể cuối cùng sẽ làm cho khu vực eo biển từ một điểm nóng tiềm năng trở thành một chất xúc tác cho ổn định khu vực. Do vậy, lợi ích an ninh của Đông Nam Á là duy trì động lực hiện nay bằng việc ủng hộ các biện pháp xây dựng lòng tin và các hoạt động khác giúp cho sự chuyển biến này có thể trở thành hiện thực.

Sự gặp nhau giữa quan điểm thực dụng của Đài Bắc và chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh tạo nên sự mở đầu để từ đó hai bên đặt nền tảng cho mối giao lưu mang tính xây dựng hơn và tạo dựng nên những mối quan hệ thực chất tuy không chính thức. Việc Đài Bắc tập trung vào ngoại giao kinh tế và hợp tác, việc nối lại các chuyến bay giữa hai bờ eo biển và quyết định mở cửa biên giới đón thêm khách du lịch từ đại lục chỉ là một số trong nhiều biện pháp tích cực theo hướng đi đúng. Còn có nhiều đề nghị khác theo hướng này như việc thiết lập các văn phòng thường trú điều phối các mối liên lạc và điều hành các giao lưu đang ngày càng phát triển giữa hai bên.

Hơn nữa, việc Đài Loan quyết tâm trợ giúp Trung Quốc sau vụ động đất tàn phá tỉnh Tứ Xuyên ngày 12/5/2008 tạo nên một bước ngoặt thực sự trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển. Những nỗ lực trợ giúp do chính phủ điều hành từ Đài Loan nhằm tới được các nạn nhân của trận động đất ở đại lục thông qua nhiều hình thức cứu trợ đã gieo mầm cho sự thiện chí không chỉ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, mà quan trọng hơn là giữa nhân dân hai bên.

Đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc đại lục hành xử ra sao và đáp lại các cử chỉ có tính xây dựng của Đài Loan như thế nào có một ý nghĩa quan trọng cho thấy chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất là gì và việc họ tiếp tục sử dụng “quyền lực mềm” trong khu vực sẽ như thế nào.

Cần nhìn nhận rằng các nước Đông Nam Á vẫn đang tìm hiểu động cơ và mục đích đằng sau “chiến dịch lấy lòng” của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trung Quốc rất hiểu rằng các nước láng giềng của họ trong khu vực sẽ quan sát mọi động thái của họ, khả năng thể hiện bề sâu, ý nghĩa và sự chân thành của chính sách “trỗi dậy hòa bình” và “quyền lực mềm” của Trung Quốc trong quan hệ với một Đài Loan hợp tác sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của các nước Đông Nam Á vào những tuyên bố chính sách của Trung Quốc trong tương lai.

Và bất kỳ một sự không nhất quán nào trong hành động của Trung Quốc cũng sẽ hoặc là đẩy các nước Đông Nam Á vào chính sách phòng thủ chiến lược - một chính sách nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Nhật Bản - với những mục tiêu cân bằng lực lượng ở cường độ thấp, hoặc là hùa theo Trung Quốc bất chấp những nghi ngại và sự mất lòng tin. Điều đó không phải là để nói rằng các nước Đông Nam Á tìm cách đưa Trung Quốc và Mỹ vào thế được ăn cả ngã về không. Thay vào đó, mục tiêu trước nhất của họ là lôi kéo Trung Quốc tiếp tục các bước đi tích cực mà họ đã thực hiện trong những năm vừa qua.

Thách thức đối với Trung Quốc là việc tránh gây ra những nhân tố bất ổn định mới và tránh sự cám dỗ của việc mở rộng ảnh hưởng ra xung quanh, nhất là tại thời điểm khi cả Mỹ và Nhật Bản đều quá bị tập trung vào các vấn đề kinh tế trong nước và không quan tâm đến các nền kinh tế năng động của khu vực Đông Á. Trung Quốc nhận ra một sự thật là Mỹ tiếp tục có ưu thế tại Đông Nam Á, thậm chí ngay cả khi Mỹ phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Cảm nhận về sự bất ổn định chỉ làm cho các nước Đông Nam Á né tránh những cam kết về một hướng đi chiến lược và điều này tạo ra khả năng cho phép họ có được những không gian lựa chọn chính sách rộng rãi nhất.

Rõ ràng là Trung Quốc cần nhất quán và nắm lấy cơ hội thể hiện quyết tâm trở thành một chủ thể toàn cầu có trách nhiệm hơn, một đối tác đáng tin cậy hơn của các nước Đông Nam Á, và một quốc gia đáng nể trọng hơn trong cộng đồng quốc tế.

Từ một vật cản trở thành một nền tảng cho hội nhập khu vực

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa qua đã đưa ra ba kịch bản về mối quan hệ trong tương lai giữa Trung Quốc và thế giới trong vòng khoảng 20 năm tới. Ba kịch bản này là: (1) Các quan hệ khu vực: Điều này xảy ra trong môi trường toàn cầu với bối cảnh sự phát triển thương mại bị chủ nghĩa bảo hộ cản trở. Trung Quốc ngày càng hướng tới khu vực châu Á, coi đây là động lực cho thương mại và đầu tư, một sự hỗ trợ trong con đường cải cách và phát triển kinh tế; (2) Con đường tơ lụa mới: Điều này miêu tả một nước Trung Quốc thành công trên con đường phát triển cân bằng. Thành công này đạt được nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh và tập trung của nền kinh tế toàn cầu, với trọng tâm là sự hội nhập thương mại và thông thương xuyên biên giới. Điều này được hỗ trợ bởi các nhân tố trong nước Trung Quốc như nền tài chính được điều hành tốt, các cải cách luật pháp và hành chính, và sự xuất hiện mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và thị trường nội địa; (3) Các cam kết chưa được thực hiện: Đây là tình huống khi Trung quốc vật lộn để thực hiện các cuộc cải cách khó khăn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội và sinh thái. Hội nhập kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra xong bị hạn chế bởi các lo ngại về an ninh.[1]

Kịch bản thứ ba đặc biệt phù hợp với chủ đề mà chúng ta đang thảo luận ở đây. Thực sự là chúng ta đang chứng kiến một sự sắp xếp lại trật tự thế giới toàn cầu trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á được coi như một chủ thể và một động lực quan trọng. Một biểu hiện của sự sắp xếp lại này là tiến trình chủ động hội nhập khu vực được thúc đẩy bởi các tiến trình như ASEAN+3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và các khu vực phát triển tiểu khu vực, như việc thông qua Hiến chương ASEAN của 10 nước Đông Nam Á.

Vấn đề Đài Loan tiếp tục là một trở ngại cho tiến trình hội nhập Đông Á. Đây là biểu tượng của kịch bản “các cam kết chưa được thực hiện”, khi sự hội nhập kinh tế vẫn còn bị ngăn cản bởi các lo ngại về an ninh và chính trị.

Do vậy, theo dõi sự phát triển của tình hình eo biển Đài Loan trong bối cảnh hội nhập khu vực sẽ khiến các nước Đông Nam Á không chỉ là những nhà quan sát viên thụ động mà còn là những người ủng hộ năng động cho xu hướng hiện nay của mối quan hệ giữa hai bờ eo biển. Tất nhiên cần tôn trọng quan điểm cho rằng vấn đề Đài Loan về cơ bản là vấn đề “nội bộ” của các bên có liên quan. Nói cách khác, Bắc Kinh và Đài Bắc có thể là những người đem lại những tin tốt lành gần đây nhất cho tương lai của hội nhập khu vực tại Đông Á.

Một số kiến nghị

Báo cáo tháng 9/2008 có tên “Thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa hai bờ eo biển Đài Loan” do Chương trình An ninh Quốc tế và Diễn đàn Thái Bình Dương soạn thảo với sự hỗ trợ của CSIS có trụ  sở  tại  Oa-xinh-tơn đưa ra một số kiến nghị sau:

Đối với Trung Quốc đại lục:

  •   Bằng việc phát triển chính sách của mình đối với Đài Loan, Trung Quốc cần đáp ứng với một thái độ sẵn sàng trước những mong muốn và nhu cầu của người dân Đài Loan. Bắc Kinh cần tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế và trao đổi văn hóa với Đài Loan. Cần đạt được những thỏa thuận về vận tải hàng hóa đường biển và hàng không trực tiếp qua eo biển cũng như các chuyến bay chở hành khách bằng hàng không trực tiếp cần trở thành thường xuyên hơn.
  • Đại lục cần đáp lại một cách tích cực  mong muốn có vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế của nhân dân Đài Loan, bao gồm cả việc tham gia các tổ chức quốc tế theo những phương cách không động chạm tới vấn đề chủ quyền. Cần đạt được một thỏa ước ngầm trong khi chờ các cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề vai trò quốc tế.
  • Về quân sự, đại lục cần xem xét sự cắt giảm triển khai tên lửa hướng tới Đài Loan trong thời gian tới như một cử chỉ thân thiện. Một kế hoạch cần được xây dựng nhằm khởi động sự trao đổi quân sự giữa hai bên nhằm tìm kiếm những thỏa thuận về an ninh và những phương cách khác làm giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin và mở rộng hợp tác.

Đối với Đài Loan:

  • Đài Bắc cần tiếp tục tham gia hợp tác một cách xây dựng với Trung Quốc đại lục nhằm mở rộng giao lưu và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau.
  • Người đứng đầu chính quyền Đài Loan cần tiếp tục tìm kiếm sự thống nhất rộng rãi ở Đài Loan về bối cảnh chính trị của quan hệ giữa hai bờ eo biển theo hướng ủng hộ quan hệ với đại lục và hướng tới hòa giải
  • Đài Loan cần có quan điểm thực tế và mềm dẻo đối với việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế.  Cách nhìn nhận việc Đài Bắc xử lý như thế nào mong muốn lâu nay của người dân Đài Loan được tham gia Liên Hợp quốc sẽ ảnh hưởng tới quan điểm và chính sách của Trung quốc đối với vấn đề vai trò quốc tế của Đài Loan; Vị trí thành viên Liên Hợp Quốc và các vấn đề tương tự cần được xử lý một cách cẩn trọng và tính đến các mục tiêu lâu dài của Đài Loan.[2]

Xin phép cho tôi nêu thêm một số quan điểm cá nhân:

Thứ nhất, Tại Diễn đàn Đông Á vừa qua tại Lào, các đại biểu chia sẻ quan điểm rằng trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước Đông Á cần hợp tác cùng nhau tái xây dựng hệ thống tài chính toàn cầu theo các thuật ngữ và quy tắc châu Á. Điều này cho thấy một cơ hội nữa cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Đài Loan, cùng các trung tâm tài chính khác trong khu vực.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của các thành phố và các mối giao lưu giữa nhân dân với nhân dân trong việc xây dựng nên các mối liên hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Các thành phố kết nghĩa hoặc đối tác có thể không khuếch trương và ít nhạy cảm hơn nhằm đảm bảo rằng thái độ hiện nay của Đài Loan đối với Trung Quốc sẽ không chấm dứt đồng thời với sự kết thúc nhiệm kỳ của người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu.

Thứ ba, Trung Quốc và Đài Loan, cùng với sự hợp tác của các nước láng giềng Đông Á, nên nghĩ tới những phương thức sáng tạo nhằm phá bỏ các trở ngại khiến cho các quốc gia trong cộng đồng Đông Á xa cách lẫn nhau. Các cam kết giữa các quốc gia cần được sự cổ súy của các sáng kiến do khu vực tư nhân thực hiện. Thí dụ như có thể tính đến sức mạnh và nghệ thuật của âm nhạc có thể đưa con người lại với nhau và tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Bất kỳ điều gì mà chúng ta có thể nghĩ tới chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội hiện đang có.

Ronald A. Rodriguez[3] , Giám đốc Viện Châu Á - Trung tâm Chính sách quản lý AIM (Phi-líp-pin).  

 

Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 4 (75), tháng 12/2008,


www:nghiencuubiendong.vn 



[1] Nguồn: WEF- China and the World: Những kịch bản cho tới 2025.

[2] Xem Bonnie Glaser và Brad Gloserman, Promoting Confidence Building across the Taiwan Strait: A Report of the CSIS International Security Program and Pacific Forum CSIS, 9/2008, trang 21-22.

[3] Giám đốc Viện Châu Á - Trung tâm Chính sách quản lý AIM (Phi-líp-pin).  Phát biểu tại Hội thảo thường niên về Quan hệ Trung Quốc - Đông Nam Á và vấn đề Đài Loan năm 2008, Khách sạn Shangri La, Bắc Hải, Trung Quốc, 23-24/10/2008. Bài được đăng với sự đồng ý của tác giả.