Những điểm chính

- Việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chỉ tập trung vào thuế quan mà bỏ qua các hàng rào phi thuế quan sẽ hạn chế ảnh hưởng của hiệp định này đối với thương mại châu Á.

- 16 nước thương thảo RCEP khó có thể đạt được sự đồng thuận để thông qua hiệp định này cho đến khi bầu cử ở các nước Ấn Độ, Úc và Indonesia hoàn tất trong năm 2019.

- Ấn Độ cương quyết thương thảo RCEP đến cùng cho dù những yêu cầu của Ấn Độ có thể khiến việc thỏa thuận hiệp định này tiếp tục bị trì hoãn thêm một thời gian nữa.

- Dù có những hạn chế nhưng RCEP vẫn tạo cơ hội cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cải thiện thương mại nội khối.

- Trung Quốc muốn hiệp định nhanh chóng được thông qua để có thể thâm nhập các thị trường khu vực, thay thế cho những thị trường Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột thương mại với Mỹ.

Ý tưởng tạo khu vực thương mại lớn nhất thế giới vẫn dậm chân tại chỗ vì sự bất đồng của các nước thành viên. RCEP là sáng kiến của ASEAN và 6 đối tác thương mại tự do của hiệp hội này là Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Phạm vi hợp tác mà hiệp định này vạch ra khá tham vọng, với một thị trường chung khoảng 3,6 tỷ người và lượng hàng hóa, dịch vụ bằng 1/3 tổng lượng hàng hóa, dịch vụ của thế giới. Thế nhưng, 25 vòng đàm phán kéo dài suốt 6 năm qua vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các nước tham gia đàm phán. Giờ đây, những trở ngại kéo dài dẫn tới nguy cơ khiến hiệp định này không được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN dự kiến được tiến hành vào tháng 11/2019 ở Thái Lan.

Ấn Độ luôn tách mình ra khỏi các cuộc thương lượng RCEP. Lo ngại hiệp định có thể làm trầm trọng thêm tình hình thâm hụt thương mại với Trung Quốc, vốn là vấn đề nhạy cảm về chính trị, Ấn Độ tỏ ra rất cứng rắn khi thảo luận về mức thuế quan nước này sẽ giảm. New Delhi cương quyết như vậy để chặn trước làn sóng hàng Trung Quốc sẽ tràn vào nước này, cản trở nỗ lực xây dựng một nền tảng sản xuất mang tính cạnh trạnh theo chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi. Thế nhưng, Ấn Độ cũng hy vọng hiệp định sẽ tạo cơ hội cho họ tiến bước vào những thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, một điểm đến đầy tiềm năng cho Ấn Độ xuất khẩu các dịch vụ của mình.

Còn với các nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Singapore và Philippines, RCEP sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại nội khối bằng cách giảm bớt hàng rào thuế quan. Điều này sẽ ngày càng quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương ngày càng gia tăng và cuộc xung đột Mỹ-Trung đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nước Đông Nam Á. Và đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong số các nước hiện đang thương thảo hiệp định này, RCEP sẽ giúp Trung Quốc thắt chặt các liên kết thương mại trong khu vực, tạo vùng đệm hỗ trợ họ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đồng thời tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các cường quốc trong khu vực như Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Cả ASEAN và Trung Quốc đều chia sẻ mối lo ngại của Ấn Độ về vấn đề chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng và đều nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng chốt được thỏa thuận trong năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Thái Lan. Thế nhưng, nếu RCEP không giải quyết được vấn đề hàng rào phi thuế quan cản trở tiến trình hội nhập chuỗi cung ứng thì hiệp định này sẽ khó mà tạo ra những ảnh hưởng mang tính đột phá, cho dù có được thông qua đi nữa.

RCEP – phản ứng trước chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ

Khi các cuộc thảo luận không chính thức về RCEP bắt đầu vào năm 2012, tình hình địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi. Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama đã thúc đẩy việc ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định thương mại đó, không bao gồm Trung Quốc, phù hợp với chính sách xoay trục sang châu Á của Obama nhằm chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ những cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan sang châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, sự chuyển hướng này là nguyên tắc cốt lõi của chiến lược lớn của Mỹ: kiềm chế sự trỗi dậy của một cường quốc đối đầu trong khu vực Á-Âu.

Phản ứng tự nhiên của Trung Quốc đối với TPP là ủng hộ một khối hợp tác thương mại khu vực khác, vì vậy ý tưởng RCEP được hình thành. Ấn Độ, cũng là nước không tham gia TPP, lập tức ủng hộ RCEP. Còn với các nước ASEAN, sáng kiến này tạo cho họ cơ hội mới để củng cố các hiệp định thương mại song phương với nhiều nền kinh tế châu Á.

RCEP đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi ngay trong vòng đàm phán đầu tiên được tiến hành vào năm 2013. Thế nhưng, trong hơn 20 vòng đàm phán tiếp theo, Ấn Độ đã tách mình ra trong các cuộc thương thảo.

Sửa sai: Cách tiếp cận của Ấn Độ

Theo quan điểm của Ấn Độ, RCEP là cơ hội để nước này cải thiện quan hệ thương mại với các nước ASEAN. Hiệp định Ấn Độ-ASEAN 2010 được ký kết nhằm tăng cường xuất khẩu của Ấn Độ đồng thời củng cố các liên kết thương mại với Đông Nam Á, theo chính sách “Hành động hướng Đông” của New Delhi. Thế nhưng, trong khi xuất khẩu tăng lên, báo cáo của Quốc hội Ấn Độ lại cho thấy thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các nước ASEAN đã tăng gấp đôi, từ 5 tỷ USD vào năm 2010 lên gần 10 tỷ USD vào năm 2017.

Báo cáo đó cũng nhấn mạnh mối quan ngại về tiến độ chậm chạp trong việc tự do hóa các ngành dịch vụ khi xét tới lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Năm 2018, ngành dịch vụ công nghệ thông tin đã mang về cho Ấn Độ doanh thu xuất khẩu 126 tỷ USD. Nhưng Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải đưa ra những nhượng bộ trong thời gian tới. Vì hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN có lợi cho ASEAN, nên khối này hầu như không có động lực nào để thay đổi các điều khoản đã thỏa thuận với Ấn Độ, đẩy cho New Delhi gánh nặng phải chứng minh được vì sao tự do hóa dịch vụ cũng mang lại lợi ích cho các nước ASEAN. Trước đó, Singapore, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Ấn Độ trong khối ASEAN, đã bày tỏ quan ngại rằng chế độ miễn thị thực cho phép các kỹ sư công nghệ Ấn Độ di chuyển tự do tới các nước ASEAN sẽ khiến người Singapore mất việc.

Ấn Độ cũng quan tâm tới thương mại với Trung Quốc như với ASEAN. Mặc dù Ấn Độ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính, nhưng thương mại song phương Trung-Ấn vẫn gia tăng. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 84 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ đạt 72 tỷ USD, chủ yếu là hàng điện tử, máy móc và hóa chất, khiến thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung quốc lên tới 59 tỷ USD (10 năm trước đó, con số thâm hụt này chỉ là 15 tỷ USD). Đối với các chính trị gia Ấn Độ, thâm hụt thương mại gia tăng là vấn đề đáng quan ngại bởi nó sẽ có ảnh hưởng tới chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi nhằm tăng tỷ trọng ngành sản xuất lên 25% vào năm 2025. Chính vì vậy, khi xét tới những quan ngại này, Ấn Độ sẽ khó mà nhượng bộ hơn nữa thêm trong việc tự do hóa thuế quan, trừ khi nước này nhận được những ưu đãi tương tự trong lĩnh vực dịch vụ.

Đề xuất giảm thuế kiểu “chiếc bánh 3 tầng” của Ấn Độ

RCEP tập trung vào 8 lĩnh vực hợp tác: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và một hạng mục nữa cho tất cả các vấn đề khác. Trong thực tế, thương mại hàng hóa là vấn đề chính. Ấn Độ thấy điều khoản được gọi là tính linh hoạt của RCEP rất hấp dẫn vì nó cho phép thay đổi luật lệ tùy theo tình hình cụ thể của các nước. Vì thế, ban đầu Ấn Độ đề xuất một cơ cấu thuế quan 3 tầng.

Với ASEAN, Ấn Độ sẽ giảm thuế quan đối với 80% hàng hóa; trong đó, 65% sẽ được giảm ngay và 15% còn lại sẽ được giảm trong vòng 1 thập kỷ sau đó. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ sẽ giảm thuế cho 65% hàng nhập từ những nước này để đổi lấy mức thuế giảm 80% đối với hàng Ấn Độ vào các nước này. Và đối với Trung Quốc, Úc và New Zealand, Ấn Độ sẽ chỉ giảm 42,5% trong vòng 2 thập kỷ để đổi lấy mức giảm thuế của Trung Quốc là 42,5%; New Zealand là 65% và Úc là 80% đối với hàng Ấn Độ. Ngay cả vậy, Ấn Độ vẫn muốn loại trừ một số khu vực ra khỏi danh sách giảm thuế giống như thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN mà trong đó, Ấn Độ bảo hộ một số mặt hàng như khoai tây, hành, gừng, mù tạt, bạch đậu khấu, đường và bột mì.

Sau khi vấp phải sự phản đối của Trung Quốc trong vòng đàm phán năm 2016, Ấn Độ cuối cùng cũng đã điều chỉnh đề xuất thuế quan của mình. Hiện tại, New Delhi đồng ý giảm thuế từ 74%-86% đối với hàng hóa của tất cả các thành viên RCEP cho dù những bất đồng với Trung Quốc vẫn còn đó. Hai bên đã tranh cãi về nhiều vấn đề, trong đó có số lượng thuế và thời gian Ấn Độ tiến hành tự do hóa thuế quan vì nước này muốn kéo dài thời gian nhằm nâng cao tính cạnh tranh của mình.

Các thành viên RCEP khác muốn được giảm 92% thuế hàng hóa, trong khi đó Ấn Độ khăng khăng chỉ giảm 86%.

Tiếp theo là vấn đề dịch vụ. Đối với Ấn Độ, cách chắc chắn nhất để bù đắp thâm hụt thương mại về hàng hóa là tăng xuất khẩu dịch vụ. New Delhi sẽ mặc cả gắt gao để đổi lấy tự do hóa dịch vụ, bao gồm cả việc kỹ sư công nghệ của họ được phép di chuyển tự do đến các nước trong khối RCEP.

Sức mạnh ở con số: Tại sao RCEP quan trọng với các nước ASEAN?

Nhìn chung, các nước ASEAN công nhận những lợi ích mà RCEP có thể mang lại. Trước tiên, không giống TPP, RCEP bao gồm tất cả 10 nước thành viên ASEAN. Hiệp định này cũng chú trọng giảm thuế cho những nền kinh tế kém phát triển hơn trong khối ASEAN hiện đang mong muốn tăng cường thương mại và thu hút đầu tư. RCEP cũng có thể phá bỏ các hàng rào thuế quan cao, một trong những lý do khiến cho kim ngạch thương mại giữa các nước trong khối ASEAN chỉ chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của khối này. Hầu hết các nước ASEAN duy trì hàng rào thuế quan tương đối cao đối với những mặt hàng cần bảo hộ. Ví dụ, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào dựng hàng rào thuế quan cao đối với nông sản và những nước như Malaysia và Indonesia đặt hàng rào thuế quan cao nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.

RCEP cũng cho phép các nước ASEAN có tới 6 thỏa thuận thương mại tự do khu vực trong cùng một lĩnh vực. Điều này giúp tăng cường vị thế thương lượng của cả khối và thu hút thêm nhiều đầu tư từ những nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản. Và mặc dù cuộc bầu cử hiện đang diễn ra ở Thái Lan cũng như cuộc bầu cử sắp tới ở Indonesia và Úc có thể ảnh hưởng ít nhiều đến việc thương thảo hiệp định này, nhưng những động thái chính trị ngắn hạn đó sẽ khó làm thay đổi lợi ích thâm căn cố đế mà các nước ASEAN nhìn thấy trong việc gia nhập một khu vực thương mại tự do rộng lớn bao trùm Đông Á và Nam Á, hai khu vực đông dân nhất thế giới.

Lợi ích của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, hiệp định thương mại tự do khu vực như RCEP ngày càng quan trọng hơn chính vì cuộc xung đột thương mại hiện nay giữa nước này với Mỹ. Mặc dù ưu thế của Bắc Kinh trong thương mại khu vực là không thể phủ nhận - Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nước thành viên RCEP - nhưng việc mở rộng quyền tiếp cận thị trường sẽ giúp hồi sinh một nền kinh tế đang giảm tốc. RCEP cũng có nhiều ảnh hưởng chiến lược đối với với Trung Quốc khi nước này tìm cách thoát khỏi sức ép của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thông qua Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trung Quốc cũng muốn sử dụng các luồng hàng hóa tự do để cải thiện quan hệ đôi lúc lạnh nhạt của họ với các nước láng giềng.

Và dù là gã khổng lồ trong kinh tế khối RCEP, nhưng việc Trung Quốc muốn nhanh chóng đạt được một thỏa thuận tập trung vào cắt giảm thuế quan, trong khi đó lại tỏ ra linh hoạt đối với những điều khoản còn gây tranh cãi, là hoàn toàn phù hợp với mong đợi của các nền kinh tế ASEAN, và điều này khác hẳn với cách làm của các nước phát triển hơn như Úc, New Zealand và Nhật Bản. Ngoài Đông Nam Á, RCEP có thể mở đường để Trung Quốc đàm phán thương mại riêng với Nhật Bản vì Trung Quốc rất muốn mở rộng thị trường vào Nhật Bản và 2 nước đều có chung mối quan ngại về chính sách bảo hộ của Mỹ.

Những trở ngại trên con đường phía trước

Dù mang đầy tham vọng nhưng RCEP sẽ khó tạo ra thay đổi lớn kể cả khi 16 nước đạt được sự đồng thuận vào tháng 11 tới. Vì tập trung chủ yếu giải quyết các hàng rào thuế quan nên RCEP không chú ý đến những hàng rào phi thuế quan có thể ảnh hưởng tới sự lưu thông thương mại trong khu vực và sự hội nhập chuỗi cung ứng, chưa kể một số loại thuế không được miễn hoàn toàn kể cả sau khi đã áp dụng tự do hóa thương mại. Và không giống TPP, RCEP được thương thảo trong khuôn khổ giữa các chính phủ với nhau chứ không phải từ góc độ các ngành, nơi các tác động của thị trường quyết định các xu hướng then chốt định hình nhu cầu thương mại. Và trong khối ASEAN, mặc dù việc giảm thuế kích thích thương mại, nhưng tình trạng dư thừa hàng xuất khẩu ở một số nền kinh tế có nghĩa rằng nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các nước ASEAN chủ yếu vẫn nằm bên ngoài khu vực Đông Nam Á cho đến khi tiến trình chuyên môn hóa ở mức độ cao hơn diễn ra. Và việc đưa vào RCEP ở mức độ có hạn các dịch vụ và điều khoản cho phép lao động tự do di chuyển giữa các nước thành viên sẽ thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của hiệp định này trong khu vực, nơi dịch vụ được coi là ngành quan trọng đối với tất cả 16 nước tham gia đàm phán.

Tuy vậy, hàng rào thuế quan thấp hơn vẫn sẽ mang lại một số lợi ích, ít nhất cũng đủ để biện minh cho việc các nước tiếp tục thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận với hy vọng tạo ra một khu vực thương mại mà ở đó các bên cùng có lợi.

Theo Stratfor

Văn Cường (gt)