Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ Hai diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 3/9 vừa qua, một trong những hình ảnh gây ấn tượng nhất là ba nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc đứng sát nhau cùng vẫy tay trên khán đài. Đây cũng là lần thứ ba trong vòng 3 năm qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cơ hội gặp trực tiếp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Có thể nói sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc tại lễ duyệt binh lần này là một sự thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa các quốc gia ở Đông Á. Hàn Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực, đang có xu hướng xích lại gần với Trung Quốc trong khi một đồng minh khác của Washington là Nhật Bản lại đang có những bất hòa khó gỡ với Bắc Kinh. Mặc dù không thể suy luận rằng việc Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc là để thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ nhưng có thể nói mối quan hệ hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn ngày nay đã không còn giống như trước đây.

Sự thay đổi của Hàn Quốc trong cách tiếp cận với láng giềng Trung Quốc cũng đã được dự báo từ trước khi Seoul quyết định trở thành một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng bất chấp những phản đối từ Washington. Hơn nữa, quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm Mỹ muốn Hàn Quốc tham gia dự án xây dựng Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao và không tham gia AIIB. Nhưng ngay sau đó, Washington lại lên tiếng ủng hộ Seoul với điều kiện Seoul tham gia cả AIIB và THAAD. Tuy nhiên, hiện Hàn Quốc đã chính thức trở thành thành viên sáng lập AIIB nhưng việc tham gia THAAD thì vẫn chưa quyết định. Trung Quốc hiện rất lo ngại trước khả năng Hàn Quốc tham gia THAAD và việc Tổng thống Park Geun-hye có mặt trong lễ duyệt binh vừa qua ở Bắc Kinh đã nói lên tất cả - một sự thay đổi đáng kể của Hàn Quốc trong cách tiếp cận với Trung Quốc.

Có ba lý do giải thích cho sự thay đổi chiến lược này của Seoul:

Thứ nhất, những lợi ích kinh tế và thương mại của Hàn Quốc ở Trung Quốc là ổn định và có chiều hướng ngày càng lớn. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số một của Hàn Quốc và kim ngạch thương mại song phương còn lớn hơn kim ngạch thương mại giữa nước này với cả Mỹ và Nhật Bản. Điều quan trọng hơn là Hàn Quốc được hưởng lợi ích đầy đủ trong buôn bán với Trung Quốc. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào suy thoái, song điều quan trọng nhất đối với Seoul là duy trì mối quan hệ chính trị tốt nhất có thể với Bắc Kinh để có thêm những lợi ích khác.

Thứ hai, việc Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc có liên quan đến Triều Tiên. Có thể nói rằng Trung Quốc là bên có ảnh hưởng lớn nhất tới Triều Tiên. Sự hỗ trợ của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã từng và tiếp tục là yếu tố mang tính quyết định đối với Hàn Quốc nên việc Seoul xích lại gần Bắc Kinh cũng là để tận dụng cơ hội đó. Thực tế cho thấy đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Triều Tiên không hài lòng trước việc Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc và Seoul nên tận dụng cơ hội này để khiến Bình Nhưỡng ngày càng bị "cô lập" hơn.

Thứ ba, động thái trên của Hàn Quốc có liên quan đến việc Nhật Bản ngày càng quyết đoán hơn trong khi Mỹ không muốn ngăn chặn hành động khiêu khích của chính quyền Shinzo Abe. Hàn Quốc vốn không hài lòng trước cách giải quyết những vấn đề lịch sử để lại, trong đó có vấn đề "phụ nữ mua vui", việc thăm viếng đền thờ tội phạm chiến tranh Yasukuni, nỗ lực sửa đổi Hiến pháp hòa bình và tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima. Trong khi đó, Mỹ luôn giữ im lặng hoặc ủng hộ Nhật Bản một cách gián tiếp. Do đó, có thể nói rằng việc Hàn Quốc xích lại gần Trung Quốc là một thông điệp mà Seoul muốn gửi tới Washington rằng sự im lặng của Mỹ trước cách hành xử của Tokyo và sự "ưu ái" vốn có của Mỹ dành cho Nhật Bản cần được xem xét và thay đổi.

Theo quan điểm của Trung Quốc, tăng cường quan hệ với Hàn Quốc là một trong những sáng kiến mà Bắc Kinh đang theo đuổi để nổi lên như một "thủ lĩnh mới” trên chính trường khu vực và tách Mỹ ra khỏi các đồng minh châu Á. Điều đó cũng có nghĩa là trong cuộc đấu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Tokyo có thể không nhận được sự ủng hộ từ Seoul. Nó cũng có thể có nghĩa là Trung Quốc sẽ có mối quan hệ không mấy bình lặng với Triều Tiên trong tương lai. Sự cải thiện quan hệ song phương Hàn-Trung có thể giúp Bắc Kinh sớm thay thế vị trí hiện nay của Mỹ trong khu vực.

Việc bà Park Geun-hye tham dự lễ duyệt binh vừa qua và sự cải thiện quan hệ song phương Hàn-Trung đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong khu vực. Rõ ràng là xu hướng đó diễn ra từ từ nhưng thực sự đang nổi lên ở Đông Á và không thể không kết nối các động thái gần đây. Tuy nhiên, một vấn đề khác là liệu sự thay đổi này đã đạt tới điểm mà người ta không thể đảo ngược được xu thế này nữa hay không.

Phó Giáo sư Sandip Kumar Mishra thuộc Khoa Đông Á, Đại học Delhi (Ấn Độ). Bài viết được đăng trên Institute of Peace and Conflict Studies (Ấn Độ).

Trần Quang (gt)