Phân tích các khả năng quân sự tăng cường

Trong phần trước, tôi đã xem xét một vài căn nguyên cho việc tăng cường sức mạnh của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cũng như một số lợi thế cùng những bất lợi của việc này. Nhằm giúp độc giả hiểu sâu hơn về Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, phần này sẽ phân tích ba yếu tố quan trọng trong những trang bị kỹ thuật mới của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

1.Tàu sân bay

Hiện nay, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang sửa chữa một tàu sân bay của Nga trước đây. Nếu hoàn thiện, con tàu này sẽ trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc chỉ trong thời gian một vài năm tới. Cùng với việc sửa chữa tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc đã khởi động nhiều chương trình chuẩn bị khác nhau để có thể đưa con tàu này đi vào hoạt động. Những nỗ lực này bao gồm cả việc mua lại máy bay để dùng trên tàu, cũng như việc thành lập các cơ sở huấn luyện để đào tạo phi công hạ cánh trên tàu. Còn có thông tin rằng, những bài tập thực tế hạ cánh trên tàu ở ngoài biển sẽ được tiến hành trên một con tàu của Hải quân Brasil. Báo cáo gần đây cho thấy bước tiến bộ trong chương trình về tàu sân bay của Trung Quốc đang đi đúng hướng.

Mặc dù vậy, trên thực tế sẽ không dễ dàng cho Hải quân Trung Quốc để vận hành tàu sân bay như một tài sản hoạt động thường xuyên của hải quân. Vấn đề đầu tiên là số lượng tàu sân bay mà Hải quân Trung Quốc sẽ tạo ra trong tương lai. Một hoặc hai con tàu đầu tiên dĩ nhiên sẽ là một thực nghiệm thực tế. Câu hỏi thực sự là: cần bao nhiêu và cho nhiệm vụ gì? Vào một thời điểm trong tương lai gần, Hải quân Trung Quốc sẽ phải cân nhắc toàn bộ nhiệm vụ của họ để đưa ra quyết định toàn diện về vấn đề này. Nếu họ quyết định tiến lên phía trước, họ sẽ cần có đầy đủ danh sách những trang thiết bị vũ khí khác. Hải quân Trung Quốc sẽ cần những lực lượng ASW, lực lượng Tuần tra biển, và lực lượng hộ tống cho chính tàu sân bay. Ngoài ra, sẽ cần cả lực lượng Kiểm soát và Phong tỏa biển, lực lượng đổ bộ, và một hạm đội hỗ trợ. Những hành động nâng cấp lực lượng trong tương lai vì thế sẽ cho phép các quan sát viên nước ngoài suy đoán được những ưu tiên nhiệm vụ chiến lược của Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc cũng phải tính toán xem làm thế nào để bảo vệ một tàu sân bay khỏi những mối đe dọa tiềm tàng. Tàu sân bay rõ ràng là một mục tiêu khó có thể đánh chìm. Nhưng nó vô cùng giá trị, vì vậy cần được bảo vệ toàn diện khỏi những mối đe dọa từ trên không, mặt đất và dưới nước. Xem xét những trang bị hiện có và sự huấn luyện của Hải quân Trung Quốc, dường như họ không đủ khả năng bảo vệ tàu sân bay của mình. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp vũ khí ASW và hoạt động tuần tra biển trên một khu vực rộng lớn, vốn vẫn còn kém phát triển và cần được cải thiện khẩn cấp. Nếu không được cải thiện, thì những tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc, dù với số lượng bao nhiêu, vẫn sẽ là những mục tiêu dễ tấn công.

2.Chống tiếp cận và Phong tỏa khu vực (AAAD) và những tên lửa hành trình chống tàu (ASBM)

Như đã bàn luận vắn tắt ở trên, Chống tiếp cận và Phong tỏa khu vực là một chiến lược quân sự - an ninh mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tư tưởng của chiến lược này rõ ràng và dễ hiểu. Những năm gần đây, những tên lửa hành trình chống tàu đã nổi lên như một vũ khí tiềm tàng để hiện thực hóa chiến lược Chống tiếp cận và Phong tỏa khu vực.

Trên lý thuyết, sự thật là ASBM có thể là một vũ khí hấp dẫn. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa một vũ khí và các hệ thống vũ khí. Để phát triển một hệ thống những vũ khí ASBM có đầy đủ chức năng, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ phải nâng cấp tất cả mọi thành phần trong hệ thống chiến đấu của mình, bao gồm những lĩnh vực như gián điệp, tuần tra, và hậu cần. Những vũ khí tầm xa sử dụng khó khăn hơn vũ khí tầm ngắn rất nhiều. Thậm chí những vũ khí tầm ngắn ở phạm vi vượt qua đường chân trời (OTH), như hệ thông vũ khí tên lửa đất đối đất (SSH) Harpoon, cũng có nhiều giới hạn khi triển khai. Ví dụ, khai hỏa một Harpoon ở khoảng cách 50 dặm trong một cuộc xung đột thực tế có rất nhiều tàu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Vô tình bắn phải những tàu không tham chiến là điều cuối cùng mà bất kỳ lực lượng hải quân nào muốn làm. Điều này cho thấy sẽ khó để sử dụng tên lửa ASBM với có tầm bắn cực xa như một vũ khí triển khai quân sự. Trong trường hợp của Hải quân Mỹ, Hệ thống chiến đấu chống không Aegis là một trong những thành công giữa rất nhiều những nỗ lực thất bại.

Dĩ nhiên, chúng ta nên đặc biệt chú ý sự tiến bộ của Hải quân Trung Quốc trong việc phát triển tên lửa ASBM. Nếu thành công, nó có thể là một con át chủ bài để phong tỏa sự tiếp cận của Hải quân Mỹ vào khu vực Đông Á. Vì chương trình này gắn chặt với uy tín quốc gia, Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức có thể để hiện thực hóa nó. Có thể dự đoán một cách hợp lý rằng việc Hải quân Trung Quốc đưa tên lửa ASBM vào hoạt động chỉ còn là vấn đề thời gian. Thậm chí khi điều này xảy ra, chắc chắn sẽ có nhiều điểm yếu trong hệ thống vũ khí này mà Mỹ và Nhật Bản có thể tận dụng.

3.Cuộc chiến bất đối xứng

Cuối cùng, một vấn đề quan trọng là cuộc chiến bất đối xứng. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc hiện đang phân bổ số lượng lớn các nguồn lực của mình tại khu vực. Hầu hết những nỗ lực đều tập trung vào cuộc chiến không gian mạng và năng lực chống vệ tinh. Mỹ và Nhật Bản nên coi vấn đề này là một trong những mối quan ngại cụ thể của mình, vì việc bắn hạ vệ tinh hoặc tạo ra sự rối loạn trong mạng lưới chỉ huy có lẽ thậm chí còn là mối đe dọa nghiêm trọng hơn tàu sân bay hay chiến lược Chống tiếp cận và Phong tỏa khu vực.

Trong lĩnh vực hàng hải, những dây cáp quang cũng thuộc một loại hình liên quan của cuộc chiến bất đối xứng. Có vô số dây cáp quang dưới đáy biển nối liền giữa các lục địa. Hầu hết sự thông tin liên lạc số hóa liên lục địa đều phụ thuộc nhiều vào những sợi cáp này. An ninh của chúng vì vậy sẽ trở thành một vấn đề mới để cộng đồng an ninh xem xét.

Điều lưu ý cuối cùng là bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào trên thế giới cũng đều có thể sử dụng cuộc chiến bất đối xứng vào bất kỳ thời điểm nào, dù là thời chiến, tình huống bất ngờ, khủng hoảng hay khi hòa bình. Nếu một kẻ cứng đầu và khôn ngoan dùng cuộc chiến bất đối xứng này trong thời bình, thì thậm chí quân đội mạnh nhất trên thế giới, nếu bị tấn công mà không có sự phòng bị trước, cũng sẽ bị suy yếu đáng kể trước khi kịp dàn quân thực sự. Kết quả là, bên yếu hơn có thể giành chiến thắng trong trận đánh. Về một ý nghĩa nào đó, cuộc chiến bất đối xứng giống như một căn bệnh mãn tính, mà nạn nhân chỉ được chuẩn đoán khi đã quá muộn.

Một số suy nghĩ về những yêu sách của Trung Quốc với những vùng lãnh thổ biển tranh chấp

Dù khái niệm về những chuỗi đảo đã được sử dụng thường xuyên để giải thích chiến lược hải quân và quân sự của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhưng từ góc độ chiến lược quân sự thực dụng và lên kế hoạch, khái niệm này không hề quan trọng. Đầu tiên, những đường này được vẽ trên hoặc gần với lãnh thổ Nhật Bản. Nhìn chung, vạch ra những tuyến phòng thủ quốc gia trên lãnh thổ nước ngoài không có quan hệ liên minh với mình là điều vô nghĩa. Giống như trong Chiến tranh lạnh, Nhật Bản đã vẽ hai đường: một ở Vạn Lý Trường Thành tại Trung Hoa Đại lục như tuyến phòng thủ đầu tiên; và một tại bờ biển của lục địa Âu – Á đối diện biển Hoa Đông như tuyến phòng thủ thứ hai. Rõ ràng, chẳng ai tin tưởng vào ý tưởng này.

Điều đáng lưu ý hơn chính là điểm thắt chiến lược tại biển Hoa Đông khiến tất cả những lực lượng hải quân gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hoạt động tại khu vực. Điểm nút đầu tiên là chuỗi đảo đầu tiên trải dài từ quần đảo Kuril ở Bắc Thái Bình Dương qua những đảo chính của Nhật Bản và kéo đến quần đảo Okinawa. Chuỗi đảo thứ hai chạy từ biển Philippine đến quần đảo Indonessia. Bất kỳ lực lượng Hải quân nào hoạt động tại những vùng biển này chắc chắn sẽ gặp phải sự tuần tra mạnh mẽ và theo dõi liên tục của những lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Mỹ. Hải quân Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Sẽ khó khăn cho Hải quân Trung Quốc thao diễn mà không vướng phải những hạn chế chiến thuật. Đồng thời, nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hải quân Trung Quốc thực sự bao hàm những chuỗi đảo này trong tuyến phòng thủ chiến lược của họ, thì việc phòng vệ cho chuỗi đảo Okinawa sẽ trở nên cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản. Mặc dù đây là một lĩnh vực mới khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng vệ, nhưng các cơ quan quốc phòng của Nhật Bản đang bắt đầu thực hiện những biện pháp chặn trước.

Có hai lý do vì sao khái niệm chuỗi đảo được các lực lượng hải quân sử dụng một cách hạn chế. Khác với những cuộc tác chiến trên bộ, những đường nối liền chuỗi đảo này khi được vẽ trên biểu đồ hoặc bản đồ gần như không mang lại ý nghĩa trong những cuộc tác chiến thực tế trên biển. Tất nhiên, vì những mục đích về mặt lên kế hoạch, có nhiều loại tuyến phòng thủ được vẽ, nhưng nếu chúng ta tính đến tính chất cơ bản của các cuộc tác chiến hải quân, với những nhân tố như sự cơ động, linh hoạt và mau lẹ, thì những đường vẽ trên bản đồ không có giá trị.

Nhằm minh họa cho những điều đã đề cập, chúng ta nên nhìn lại những bài học của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Vào tháng 9 năm 1943, vùng ngoại vi phòng vệ tuyệt đối (Zettai-Kokuko-Ken) của Đế quốc Nhật là một đường kéo dài từ đỉnh phía bắc của đảo Chishima-Retto qua phần giữa biển Thái Bình Dương và New Guinea đến Indonesia. Nó tương tự như Chuỗi đảo thứ hai của Trung Quốc hiện nay. Sự tồn tại của tuyến phòng thủ này đã tạo cho quân đội Nhật Bản một sự tự tin “trên sách vở” chắc chắn rằng họ có thể bảo vệ đất nước trong thời điểm khó khăn của cuộc chiến. Tuy nhiên, Lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay cơ động cao của Hải quân Mỹ đã dễ dàng phá vỡ tuyến phòng thủ này và không gặp vấn đề gì trong việc thực thi nhiệm vụ. Phần lịch sử hải quân đó đã dạy chúng ta một bài học quý báu: tuyến phòng thủ có thể mang một vài ý nghĩa trong hoạch định chiến lược của Nhật Bản như một ranh giới phòng thủ cuối cùng, nhưng khi Mỹ vượt qua, nó trở thành vô nghĩa, chỉ như một chiếc bánh vẽ.

Kết luận

Đối với những nước hữu hảo và đồng minh tại khu vực Đông Á, Mỹ cùng Lực lượng Quân đội của họ đôi khi giống như đang đánh nhau với những cái bóng chống lại kẻ thù khó có thể nắm bắt được, đó là Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bằng cách phóng đại mối đe dọa Trung Quốc, Mỹ đôi khi có thể tạo ra những mối quan ngại an ninh nghiêm trọng trong những đồng minh của mình. Còn Mỹ lúc đó được xem như một quốc gia mất hết sự tự tin của mình. Tình trạng lo sợ này là một điều không tốt. Trong nhiều trường hợp, đồng minh của Mỹ tại khu vực cũng cảm thấy áp lực từ phía Trung Quốc, và họ ngầm coi Mỹ như một nguồn hỗ trợ cả về tinh thần và trên thực tế. Theo đó, thay vì chiến đấu với những cái bóng, Mỹ nên thể hiện khả năng quân sự vượt trội và sự tự tin của mình nếu và khi cần thiết.

Đồng thời, việc đánh giá thấp mối đe dọa Trung Quốc cũng nguy hiểm như việc thổi phồng nó. Mỹ và đồng minh của mình, đặc biệt là Nhật Bản, nên cùng nhau xác định mối đe dọa tiềm tàng mà Quân đội Trung Quốc có thể tạo ra, cũng như những điểm yếu của Quân đội Trung Quốc. Sự hợp tác đó sẽ đảm bảo an ninh bền vững cho khu vực.

Chỉ có sự cân bằng giữa củ cà - rốt và cây gậy sẽ bảo đảm sự ổn định khu vực Đông Á, đặc biệt giữa Mỹ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Điều cả Mỹ và Nhật Bản cần phải làm bây giờ là phát một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc và Quân đội Trung Quốc. Đây không phải là thời điểm để đánh nhau với cái bóng của kẻ thù, mà thay vào đó, là lúc phải dùng trí óc và nhìn ra những vấn đề thực sự. Bên cạnh sức mạnh hạt nhân, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là hải quân lớn thứ hai trên thế giới trong những cuộc tác chiến trên biển truyền thống. Hải quân Mỹ là lực lượng lớn mạnh nhất trên thế giới. Theo tôi, có nhiều việc để chúng ta hợp tác cùng nhau, trong đó nhiệm vụ cấp bách nhất đó là quân đội của chúng ta cùng đưa ra một Bản đánh giá Nhiệm vụ và Vai trò.

HẾT

Yoji Koda, Trung tâm Châu Á, Đại học Harvard

Bản gốc tiếng Anh “Commentary: A Japanese Perspective on China’s Rise as a Naval Power tạp chí Harvard Asia Quarterly chủ đề “The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia” tháng 12/2010.  

Người dịch: Nguyễn Phương Ly 

Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy 

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ