Báo cáo “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2015” do Liên hợp quốc công bố ngày 10/12/2014 dự đoán kinh tế thế giới năm 2015 và năm 2016 sẽ lần lượt tăng trưởng 3,1% và 3,3%, sau khi tính toán tăng khoảng 2,6% vào năm 2014. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hai năm tới là 7% và 6,8%. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là lực thúc đẩy quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Kinh tế của các nước phát triển sẽ tiếp tục thể hiện sự khác biệt: Kinh tế Mỹ năm 2015 và năm 2016 sẽ lần lượt tăng trưởng 2,8% và 3,1%. Triển vọng kinh tế của khu vực đồng euro (Eurozone) không thật lạc quan, nhiều nước Eurozone đang lơ lửng bên bờ suy thoái, động lực đối với Nhật Bản do chính sách nới lỏng tiền tệ của “Học thuyết kinh tế Abenomics” mang lại đang dần biến mất.

Báo cáo cho rằng tình hình kinh tế của các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đã có những thay đổi rõ rệt trong năm 2014: Kinh tế của khu vực Mỹ Latinh, Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập giảm tốc nhanh; tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc có phần chậm lại, kinh tế khu vực Nam Á với đại diện là Ấn Độ xuất hiện xu thế tăng lên; kinh tế khu vực châu Phi về tổng thể sẽ duy trì động lực tăng trưởng, lần lượt đạt 4,6% và 4,9% vào năm 2015 và năm 2016. Đông Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, kinh tế khu vực này sẽ duy trì xu thế tiêu dùng mạnh trong cư dân, xuất khẩu cũng sẽ có phần cải thiện. Dự báo năm 2015 và năm 2016, kinh tế khu vực Đông Á tăng trưởng ở mức 6%.

Kinh tế châu Á

Năm 2015 khu vực châu Á sẽ chịu ảnh hưởng toàn diện của cục diện kinh tế thế giới. Mức tăng trưởng GDP cả năm của khu vực này là 6,2%, cao hơn một chút so với 6% của năm 2014. Điều tưởng khiến thương mại châu Á được lợi là kinh tế Mỹ (GDP dự tính tăng trưởng 3,5%), nhưng Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng yếu ớt (0,8%) cũng như xu thế tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại (7%) có thể làm triệt tiêu hầu hết các lợi ích. Năm 2015 nhiều nước sẽ có biểu hiện tốt lên, Ấn Độ và Indonesia có hy vọng gặt hái được một số lợi ích từ biện pháp cải cách tài chính, tiền tệ và cấu trúc mạnh mẽ được thực thi trong mấy năm gần đây cũng như lòng tin của nhà đầu tư đối với chính phủ mới. Thái Lan sẽ tìm cách quay lại dân chủ, trước đó thì chính quyền quân sự sẽ nỗ lực thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng. Trung Quốc sẽ đứng trước một số nhiệm vụ chủ yếu bao gồm cải thiện việc quản lý các công ty, đối phó với sự sụp đổ của thị trường bất động sản và các ảnh hưởng liên quan, nâng cao mức độ an sinh xã hội để ủng hộ tiêu dùng, tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thị trường tài chính…

Hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc tổ chức tháng 11/2014 đã tiến hành tổng kết công tác kinh tế của Trung Quốc năm 2014 và đưa ra bố trí công tác cho năm 2015. Giới bên ngoài dự đoán mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2015 sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 7%. Từ tình hình Hội nghị công tác kinh tế trung ương lần này cho thấy khả năng này rất lớn. Năm 2015 có lẽ sẽ không duy trì mục tiêu tăng trưởng như mong đợi 7,5%. Đối với một Trung Quốc đã duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều năm thì đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 tới nay. Tăng trưởng chậm lại phù hợp với chiến lược của Chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đang tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ đầu tư sang lấy tiêu dùng làm chủ đạo. Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng DZ (Đức) Stefan Bielmeier cho rằng Trung Quốc vẫn cần hai đến ba năm nữa, nhưng ông tin chắc Trung Quốc chuyển đổi mô hình thành công. Theo chuyên gia kinh tế này, ưu thế lớn nhất của Trung Quốc là nguồn dự trữ ngoại tệ của nước này: “Đây là một nhân tố ổn định rất mạnh mẽ, nếu ngân hàng nào đó có vấn đề, Trung Quốc có đủ nguồn tài chính để can thiệp, vì vậy vấn đề có thể được giải quyết kịp thời, không đến mức đe dọa toàn bộ nền kinh tế.”

Đồng thời với việc các cơ cấu quốc tế phổ biến hạ dự báo tăng trưởng đối với châu Âu và Trung Quốc, Ấn Độ là một trong số ít nước được nâng dự báo tăng trưởng. Gần đây, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm 2015 lên đến 6,6%. Nhà phân tích Roland Doehrn của Viện nghiên cứu kinh tế (RWI) Đức tỏ thái độ hoài nghi đối với điều này: “Chúng ta không biết dự đoán lạc quan như vậy có bao nhiêu phần là sự kỳ vọng đối với chính phủ mới. Chúng ta đều biết rằng Ấn Độ nằm trong danh sách các nước cần cải cách thể chế kinh tế.” Tập đoàn Credit Suisse Group AG gần đây dự báo tốc độ tăng trưởng GDP tính bằng USD của Ấn Độ năm 2015 sẽ nhanh nhất toàn cầu, Báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (Hong Kong) cho biết dưới sự lãnh đạo của Modi, Ấn Độ có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước năm 2014, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Nếu Modi muốn chứng kiến Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông chỉ cần lời nói đi đôi với hành động. Chính phủ Ấn Độ cần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Được biết Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp kinh tế mạnh mẽ, bao gồm: xây dựng mới hệ thống giao thông mang tầm cỡ thế giới, tổ chức lại ngành điện lực, cải thiện hệ thống Internet, giao đất xây dựng nhà máy, cải cách các luật liên quan đến thu thuế cũng như cải cách luật lao động, làm cho nó phù hợp với sự phát triển của các ngành nghề.

Trong thời gian tới, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn sẽ là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Hiện nay các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đang đứng trước một số bối cảnh đòi hỏi chuyển đổi và nâng cấp. Sự điều chỉnh kinh tế này không những có thể học tập các nước phát triển mà còn có thể học hỏi lẫn nhau, dựa vào nhau để tồn tại. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ các nước phát triển đã làm ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, điều này đã chứng tỏ rõ các nền kinh tế phát triển không phải là đáng tin cậy, có trách nhiệm, các nền kinh tế mới nổi càng cần tập trung phát triển đất nước, để phát triển được xây dựng vững chắc trên cơ sở tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và tiêu dùng trong nước.

Sáng kiến “một vành đai một con đường” do Trung Quốc đưa ra chính là một cơ hội và sân chơi tích cực để các nền kinh tế mới nổi tự phát triển. Đầu tư quy mô lớn cho cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới kết nối cũng như sự trao đổi hàng hóa, nhân viên và văn hóa theo đó không những sẽ mang lại động lực phát triển cho các nền kinh tế mới nổi mà còn truyền sức sống liên tục cho sự phát triển kinh tế thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ đều là các nước lớn về dân số, vì vậy chỉ cần kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ có thể duy trì tăng trưởng thì nhất định sẽ có những đóng góp lớn cho kinh tế thế giới. Đặc biệt điều cần chỉ ra là tính bổ sung lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ vô cùng mạnh mẽ, có khuôn khổ rộng lớn để hợp tác cùng thắng lợi. Ngành chế tạo của Trung Quốc phát triển, ngoài ra nước này còn có ưu thế tương đối về các mặt tiền vốn, thiết bị và kỹ thuật, trong khi đó Ấn Độ có ưu thế tương đối về ngành công nghệ thông tin và dịch vụ nhưng cơ sở hạ tầng lại tương đối lạc hậu và thiếu tiền vốn. Do đó, trong tình hình quan hệ chính trị Trung-Ấn ổn định, quan hệ hai nước sẽ phát triển cùng có lợi cùng thắng.

Một nền kinh tế quan trọng khác là Nhật Bản, công cuộc cải cách kinh tế-tài chính của Nhật Bản diễn ra mạnh mẽ nhưng cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi. Là một trong số ít nền kinh tế phát triển ở châu Á, hàng thập kỷ giảm phát của Nhật Bản đã gây ra vết thương trầm trọng và khó chữa, “học thuyết kinh tế Abenomics” xuất hiện đã tạo sự kích thích mạnh mẽ cho thị trường ốm yếu. Phục hồi trong ngắn hạn trên ý nghĩa lớn là sản phẩm của sự kích thích trong thời gian ngắn, nhưng OECD có trụ sở ở Paris từng đưa ra dự đoán hồi đầu năm 2014 khi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đạt 1,5%, xu thế tăng trưởng kinh tế hứa hẹn được duy trì. Trong “học thuyết kinh tế Abenomics”, rốt cuộc mũi tên nào trong chính sách tiền tệ hết sức lỏng lẻo, chính sách tài chính linh hoạt và khuyến khích đầu tư tư nhân có thể phá vỡ hoàn toàn tình hình kinh tế suy tàn trong nhiều năm qua, lại quyết định một hướng đi khác của kinh tế châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á có mức độ liên quan tương đối cao về kinh tế với Nhật Bản.

Kinh tế châu Âu

Triển vọng kinh tế Eurozone không thật lạc quan, nhiều nước thuộc khu vực này đang lơ lửng bên bờ phá sản. Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng DZ (Đức) Stefan Bielmeier cho biết: “Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2015 là 0,8%.” Dưới sự can thiệp của Ngân hàng trung ương châu Âu, cuộc khủng hoảng của Eurozone đã được kiểm soát, nền kinh tế của các nước gặp khủng hoảng cũng bắt đầu có biến chuyển tốt, hiện nay điều khiến mọi người lo ngại là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của liên minh tiền tệ - Pháp và Italy.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin DW (Đức), nhà phân tích Roland Doehrn của Viện nghiên cứu kinh tế (RWI) cho biết: “Kinh tế Italy vẫn đang suy thoái, nguyên nhân là do hơn thập kỷ qua chính phủ các khóa của Rome đều không có dũng khí cải cách thể chế.” Tình hình của Pháp cũng tương tự, khi có vấn đề nhà nước liền bỏ tiền ra giải quyết. Nhưng hiện nay nguồn tài chính của đất nước đã rất hạn chế.

Tình hình không sáng sủa của các đối tác Eurozone cũng ảnh hưởng tới kinh tế Đức. Ngân hàng liên bang đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức năm 2015 xuống 1%. Các chuyên gia kinh tế thiếu niềm tin đối với Đức cũng có nguyên nhân xuất phát từ chính nước Đức. Giáo sư Roland Doehrn chỉ trích Chính quyền Berlin tự mãn, cho rằng đã đến lúc tận hưởng thành quả. Đặc biệt là gói hưu trí mà chính phủ đại liên minh ban hành đã hạ một phần tuổi nghỉ hưu từ 67 tuổi xuống 63 tuổi, đây là sự quay ngược thời gian, doanh nghiệp và người lao động hiện tại là những người phải gánh chịu chi phí, điều này đã làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng.

Nói cách khác, chính sách phúc lợi này sẽ không mang lại động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một nhân tố khác gây trở ngại cho kinh tế tăng trưởng là sự chuyển đổi năng lượng. Chính sách mà Chính phủ Đức ban hành năm 2011 làm cho giá điện của Đức cao hơn hẳn mức bình quân của EU. Trả lời hãng tin DW, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng DZ Stefan Bielmeier cho biết: “Chuyển đổi năng lượng là mục tiêu đáng để theo đuổi song cũng phải trả giá rất cao. Nó làm cho các doanh nghiệp Đức ở vào vị trí bất lợi trong cạnh tranh quốc tế.” Nhân tố năng lượng là vật cản trong quá trình phát triển kinh tế Đức, nhưng lại làm cho kinh tế Mỹ trở nên hùng mạnh hơn. Cuộc cách mạng khí đá phiến đã hạ thấp giá năng lượng, thúc đẩy tiến trình tái công nghiệp hóa ở Mỹ. Stefan Bielmeier cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp rút khỏi châu Á, trở lại sản xuất ở Mỹ vì giá năng lượng đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của Mỹ.” Ngân hàng DZ dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2015.

Mỹ

Công ty quản lý quỹ đầu tư đa quốc gia BlackRock gần đây đã công bố báo cáo triển vọng đầu tư năm 2015, cho biết Mỹ có khả năng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 cũng như thị trường lao động có sự cải thiện, điều này có khả năng làm cho Mỹ vượt trội trong các nền kinh tế chủ yếu trên thế giới. Năm 2015 Mỹ có khả năng chuyển hướng thắt chặt tài chính, “tăng trưởng kinh tế sẽ đi lên, chúng tôi cho rằng FED sẽ tăng lãi suất vào năm 2015, đường cong lãi suất có xu hướng đi ngang.” Báo cáo cho biết sự cải thiện của kinh tế Mỹ sẽ hình thành sự khác biệt với các thị trường tài chính cũng như các nền kinh tế chủ yếu khác trên thế giới. Đầu tháng 12/2014, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2015; còn ngân hàng Morgan Stanley trong báo cáo công bố ngày 10/12/2014 dự báo năm 2015 sẽ là năm chi tiêu hộ gia đình tăng mạnh nhất trên toàn nước Mỹ kể từ năm 2006 tới nay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nửa cuối năm 2014 và cả năm 2015 của Mỹ sẽ nâng lên 2,75%. Chuyên gia kinh tế dự đoán vào thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống 5,3%. FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào giữa năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp mới nhất của Mỹ là 5,8%.

IMF dự đoán năm 2015, tỷ lệ lạm phát của Mỹ là 2,1%. Mặc dù có phần cao hơn so với mục tiêu chính sách 2% của FED nhưng con số dự báo này là dựa trên giá dầu được định giá cao, do đó sức ép lạm phát của Mỹ có khả năng sẽ thấp hơn mong đợi; dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ năm 2015 là 5,9%, mặc dù vẫn cao hơn mức trước khi xảy ra khủng hoảng nhưng đã có sự cải thiện rõ rệt so với mức bình quân 7,91% trong thời kỳ khủng hoảng; năm 2015, dự đoán GDP trên danh nghĩa của Mỹ chiếm 16,16% của thế giới, mặc dù số trị tuyệt đối đã sụt giảm so với năm 2014 nhưng biên độ giảm 0,11 điểm phần trăm đã tạo mức thấp nhất kể từ năm 1999 đến nay, trên một mức độ nhất định cho thấy tác động cận biên của cuộc khủng hoảng đối với địa vị bá quyền của kinh tế Mỹ đã giảm nhiều.

Các số liệu cho thấy năm 2015 kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm năng suất lao động tăng chậm, tỷ lệ dự trữ tăng nhẹ, số nhân tiền tệ giảm sút… Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, nhân tố có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với triển vọng kinh tế Mỹ hai lần dẫn đầu thế giới là chính trị và chính sách chứ không phải bản thân nền kinh tế thực. Năm 2015, nhiệm kỳ của Obama cũng sắp kết thúc, tỷ lệ ủng hộ của dân chúng giảm sút có khả năng dẫn tới một loạt chiến lược cấp tiến, và Mỹ sẽ trở nên ngày càng bị động trong cuộc đọ sức địa chính trị trên toàn cầu, điều này sẽ mang đến nhiều rủi ro chính trị; ngoài ra, FED dưới sự lãnh đạo của Janet Yellen có phong cách thất thường rất có khả năng vô tình trở thành nguồn gốc không chắc chắn nhất cho sự phục hồi, ổn định của kinh tế Mỹ.

Các thị trường mới nổi khác

Tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém của Brazil đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế và tình hình nợ công bế tắc khiến Argentina cũng gặp nhiều khó khăn. Roland Doehrn cho biết: “Vấn đề lớn nhất của Mỹ Latinh là: kinh tế nhiều nước khu vực này quá lệ thuộc vào giá của nguyên vật liệu.” Do giá nguyên liệu hiện vẫn có khả năng xuống thấp, vì vậy năm 2015 Mỹ Latinh vẫn sẽ là một châu lục khiến người ta thất vọng. Nếu giá dầu dừng ở mức 70 USD/thùng thậm chí thấp hơn thì Venezuela sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, nguyên nhân là do dự toán ngân sách của nước này lấy tiền đề là 100 USD/thùng dầu. Giá dầu liên tục sụt giảm cũng sẽ làm cho Nigeria và Nga ngày càng gặp khó khăn. Stefan Bielmeier cho biết hiện nay kinh tế Nga đã rơi vào suy thoái, năm 2015 khó tránh khỏi đà tiếp tục suy thoái. Đối với các nước nhập khẩu dầu thô, giá dầu sụt giảm chẳng khác gì việc kế hoạch kích thích kinh tế không mất phí. Chuyên gia kinh tế Roland Doehrn cho rằng: “Giá dầu thô sụt giảm trên thực tế là sự tái phân phối thu nhập trên toàn cầu. Đối với Đức, điều này tương đương với việc nâng cao thu nhập thực tế.” Trong hai năm tới, kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn và các nhân tố khó lường, để giảm thiểu rủi ro, đối phó với thách thức nhằm duy trì sự ổn định kinh tế và tài chính trong thời gian dài, các nước phải tăng cường phối hợp chính sách quốc tế./.

Theo “Bwchinese”

Lê Sơn (gt)