__________________

Năm 2009 đã khép lại, kết thúc một năm đầy thử thách của Tổng thống Barack Obama. Ngày 27/1/2010, theo thông lệ, ông đã đọc Thông điệp về tình trạng liên bang đầu tiên sau một năm cầm quyền. Có thể nói đây cũng là một bức tranh tổng thể, khá toàn diện về tình hình nước Mỹ năm 2009. Hàng trăm triệu người ở Mỹ và trên thế giới đã đón đợi và lắng nghe bức thông điệp này với nhiều cảm xúc khác nhau.

           

Qua bức thông điệp của Tổng thống Obama cũng như những thông tin chúng ta có được, có thể thấy hình ảnh của nước Mỹ hiện ra giống như một bức tranh nhiều màu sắc xen lẫn những mảng sáng và tối khác nhau, phản ánh những thành công và cả những thất bại mà chính quyền Obama đã mang lại cho nước Mỹ trong năm qua.

           

Tổng thống Obama bước vào Nhà Trắng, khởi đầu nhiệm kỳ cầm quyền của mình trong bối cảnh hết sức khó khăn. Nước Mỹ giống như một con tàu đang gặp bão giữa đại dương. Cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái 1929-1933 đang hoành hành ở Mỹ và lan rộng sang nhiều nước. Cuộc chiến kéo dài ở Irak và Afghanistan tiêu hao nhiều binh lực, tiền của và uy tín của nước Mỹ, làm cho nội bộ nước Mỹ chia rẽ, lòng dân ly tán, tâm lý chán chiến tranh và đòi rút quân Mỹ ngày càng lên mạnh. Quan hệ của Mỹ với nhiều nước không “thuận buồm xuôi gió”, thậm chí tình cảm chống Mỹ dâng cao ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các nước hồi giáo. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chưa bao giờ nước Mỹ ở vào thế khó khăn, suy yếu về thế lực và uy tín quốc tế như thời gian vừa qua. Tình trạng này đã làm người Mỹ không còn tín nhiệm chính quyền của Tổng thống Bush và Đảng Cộng hoà và đã quyết định bỏ phiếu bầu ông Obama với kỳ vọng có thể làm thay đổi nước Mỹ một cách tốt hơn. Như vậy, người Mỹ đã đặt lên vai vị thuyền trưởng Obama trọng trách chèo lái con tàu nước Mỹ vào thời điểm quả thực là không dễ dàng chút nào. Một năm qua, vị thuyền trưởng ấy đã có những nỗ lực phi thường để chỉ huy con tàu thoát ra khỏi bão táp. Có nhiều đánh giá khác nhau về những gì mà Tổng thống Obama đã làm trong năm đầu cầm quyền vừa qua. Mặc dù nhiều người Mỹ không thực sự hài lòng, song khách quan mà nói thì Tổng thống Obama đã làm được một số điều có thể xem là thành công đáng nể và con đường gập ghềnh trước mặt ông cũng còn lắm chông gai.

           

Về đối nội, trước hết kinh tế là lĩnh vực có nhiều khó khăn, thử thách nhất, song cũng lại là lĩnh vực mà chính quyền Obama ghi được nhiều điểm do đã dẫn dắt được nền kinh tế Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng, mặc dù sự phục hồi còn chưa vững chắc và tiềm ẩn không ít khả năng suy thoái trở lại trong thời gian tới. Cách đây một năm, khi Tổng thống Obama bước vào Nhà Trắng, nền kinh tế Mỹ đang chìm trong cơn lốc khủng hoảng tài chính-kinh tế nặng nề nhất kể từ cuộc đại suy thoái 1929-1933 với sự phá sản của hàng loạt ngân hàng, cơ sở tín dụng và công ty cùng với hàng triệu việc làm bị mất. Trong nửa đầu 2009, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục lún sâu trong suy thoái với mức tăng trưởng quý I là -6,4% và tỷ lệ thất nghiệp là 9,4%, doanh số bán lẻ giảm trên 9% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát ở mức cao và đồng USD bị suy yếu nghiêm trọng so với đồng Euro và nhiều ngoại tệ khác. Để cứu vãn nền kinh tế, tiếp sau gói kích thích kinh tế 700 tỷ USD của người tiền nhiệm, Tổng thống Obama đã phải tung ra tiếp gói phục hồi kinh tế và tái đầu tư trị giá 787 tỷ USD và 300 tỷ USD trái phiếu kho bạc, thực hiện giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất 0 % và chấp nhận thâm hụt ngân sách cao. Những biện pháp ứng cứu mạnh mẽ và kịp thời đó của Chính quyền Obama đã đưa lại hiệu quả tích cực, chặn được sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống ngân hàng tín dụng, các công ty và đà suy thoái mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ. Từ quý III/2009, kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu khả quan thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng dương 2,8% sau bốn quý liên tục suy giảm, lạm phát được kiểm soát, hoạt động của khu vực tài chính-ngân hàng đã ổn định trở lại, thị trường chứng khoán sau khi chạm đáy vào tháng 3/2009 đã tăng liên tục và trở lại trên ngưỡng 10.000 điểm đối với chỉ số công nghiệp Dow Jones vào thời kỳ trước khủng hoảng. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn có phần tốt hơn dự kiến. Đa số các ngân hàng lớn đều thông báo có lãi trong các quý III và IV/2009 nhờ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tăng trở lại. Thị trường bất động sản- vốn là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng vừa qua ở Mỹ- cũng đã bắt đầu bình ổn trở lại với số lượng và giá trị mua bán tăng khá hơn. Điều này đã giúp các ngân hàng và công ty kinh doanh bất động sản dần dần thu lại được vốn và ngân hàng giảm được nợ xấu. Hầu hết các dự báo cho thấy khả năng phục hồi tương đối khả quan của kinh tế Mỹ năm 2010 với mức tăng trưởng GDP từ 2-3%, thậm chí có thể cao hơn nữa. Tuy nhiên, không phải mọi sự đều sáng sủa một chiều. Nền kinh tế Mỹ hiện cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và rủi ro, trong đó đáng quan ngại nhất là tình trạng thất nghiệp tiếp tục tăng cao, bội chi ngân sách kỷ lục, lạm phát và sự mất giá của đồng USD. Điều này khiến nhiều nhà phân tích phải nhìn nhận một cách thận trọng rằng sự phục hồi hiện nay của kinh tế Mỹ chưa chắc chắn và nguy cơ suy thoái trở lại không phải là không có.  

           

Bên cạnh các vấn đề về kinh tế, chính quyền Obama hiện cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đối nội phức tạp khác, đặc biệt là vấn đề cải cách y tế, vấn đề tăng thuế, vấn đề thất nghiệp, vấn đề năng lượng, vấn đề chống khủng bố. Chính sách của chính quyền Obama về các vấn đề nói trên gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của nhiều lực lượng chính trị và nhóm lợi ích trong xã hội. Đảng Cộng hoà và nhiều nhóm lợi ích phản đối quyết liệt chính sách cải cách y tế của Tổng thống Obama. Ngay nội bộ Đảng Dân chủ của Tổng thống cũng bị chia rẽ trong chủ trương, biện pháp chống khủng bố và giải quyết cuộc chiến ở Irak và Ap-ga-ni-xtăng. Trên 50% nghị sỹ dân chủ phản đối chủ trương tăng thuế để chi cho chiến tranh và đòi Tổng thống phải đưa ra lịch trình rút sớm quân Mỹ khỏi hai chiến trường này. Nhiều nghị sỹ còn tỏ không đồng tình với Tổng thống trong các biện pháp chống khủng hoảng và thất nghiệp thông qua các chương trình can thiệp thái quá của Nhà nước. Tình hình này gây nhiều khó khăn và áp lực đối với Tổng thống Obama, khiến cho quá trình quyết sách và thông qua các chính sách mới bị chậm lại. Uy tín của Đảng Dân chủ và cá nhân tổng thống Obama bị suy giảm trong dân chúng Mỹ. Thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Thống đốc tại các bang vốn là căn cứ địa của đảng ở  Virginia, New Jersey và Massachusets vừa qua cho thấy nhiều cử tri Mỹ đã thất vọng và mất lòng tin vào Đảng Dân chủ. Cuộc điều tra dư luận tháng 11/2009 cũng phản ánh  tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đã sụt giảm mạnh xuống mức 49%. Đây là mức tín nhiệm thấp nhất kể từ trước đến nay đối với một vị Tổng thống Mỹ sau một năm cầm quyền.

           

Về đối ngoại, có lẽ đây là lĩnh vực mà Tổng thống Obama ghi được dấu ấn thành công hơn cả. Sau một năm cầm quyền, ông đã cải thiện được đáng kể hình ảnh của nước Mỹ với tư cách là cường quốc số 1 trên thế giới. Nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Obama tỏ ra hoà bình và thân thiện hơn, tích cực đối thoại và hợp tác hơn trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.   Quan hệ giữa Mỹ với các trung tâm quyền lực của thế giới, các nước lớn, đặc biệt là với thế giới hồi giáo, được cải thiện. Các quan hệ đồng minh của Mỹ được củng cố. Chính quyền Obama cũng thể hiện rõ hơn sự quan tâm và tăng cường hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi vốn phần nào đã bị Chính quyền của Tổng thống Bush lãng quên. Mặc dầu vậy, về  mặt đối ngoại, chính quyền Obama cũng còn nhiều hạn chế và khó khăn, thách thức lớn phải vượt qua. Trước hết là vấn đề Irak và Afghanistan, “cục xương” lớn do vị tổng thống tiền nhiệm để lại. Khi tranh cử, ông Obama đã hứa sớm rút quân Mỹ khỏi hai chiến trường này, song cho đến nay, không những chưa rút được mà ông còn buộc phải đưa thêm quân Mỹ tới Afghanistan. Xem ra kế hoạch của Tổng thống Obama đưa nước Mỹ ra khỏi sa lầy ở Irak và Afghanistan không dễ dàng như ông mong đợi. Đây là một trong những lý do khiến ông mất tín nhiệm của nhiều người Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ với một số nước lớn, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga mặc dù có nhiều cải thiện, song cũng không hề êm đẹp chút nào, do tính chất cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các bên. Quan hệ Mỹ-Trung có phần căng lên  sau các vụ tranh chấp thương mại, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và tiếp Lãnh tụ tinh thần Tây tạng lưu vong Đạt Lai Lạt Ma. Quan hệ Mỹ-Nga cũng không kém phần phức tạp bởi vấn đề Mỹ tăng cường ảnh hưởng và có mặt quân sự tại một số nước SNG vốn thuộc ảnh hưởng truyền thống của Nga và vấn đề vũ khí chiến lược. Cho đến nay, Tổng thống Obama cũng không đạt được tiến bộ gì hơn người tiền nhiệm trong các hồ sơ hạt nhân Iran và bán đảo Triều Tiên. Về quan hệ thương mại, đến nay chính quyền Obama chưa đề ra được một chiến lược rõ ràng và có phần bối rối trước áp lực đòi bảo hộ thị trường nội địa của một bộ phận nhà sản xuất trong nước và xu hướng tự do hoá thương mại. Những xử lý thiên về đáp ứng nhu cầu bảo hộ thị trường nội địa thời gian qua của chính quyền Obama rõ ràng đã góp phần làm phức tạp và khó khăn hơn quan hệ của Mỹ với nhiều nước. Thiên hướng này cũng ảnh hưởng không tốt tới tiến trình đàm phán Đôha hiện nay.

           

Như vậy, nhìn trên hai mặt chính đối nội và đối ngoại, thì thấy rằng trong một năm đầu cầm quyền với đầy khó khăn thử thách, Tổng thống Obama đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều phương diện, nhưng ông cũng còn nhiều điều chưa làm được hoặc làm chưa vừa lòng nhiều người Mỹ. Họ không hài lòng có lẽ bởi vì họ đã đặt kỳ vọng quá cao vào vị Tổng thống trẻ tài ba này, và cũng bởi vì một số chính sách của Tổng thống đụng chạm tới lợi ích của nhiều tập đoàn, phe nhóm ở Mỹ, nhất là những cải cách về an sinh xã hội mà Tổng thống đang tiến hành. Lý do quan trọng nữa là ông Obama đã hứa hẹn quá nhiều lúc tranh cử và để bây giờ nhiều cử tri phải thất vọng khi thấy Tổng thống không thực hiện được nhiều lời hứa.

           

Con tàu nước Mỹ do thuyền trưởng Obama chèo lái đã cơ bản vượt qua bão táp khủng hoảng tài chính-kinh tế, nhưng con đường phía trước còn rất nhiều chông gai đòi hỏi ở người chỉ huy có bản lĩnh và năng lực phi thường để đưa tàu đi đến bến vinh quang. Hy vọng rằng ngài thuyền trưởng Obama sẽ thành công./

 

TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao

 

(Viết riêng cho nghiencuubiendong.vn )