Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Đây có vẻ là một câu hỏi lạ lùng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mà nước này đã trải qua kể từ khi tự do hóa nền kinh tế của mình năm 1991. Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ được nhiều người coi là câu chuyện thành công kinh tế toàn cầu lớn nhất của 1/4 thế kỷ qua, với tỷ lệ tăng trưởng thường từ 5 đến 10%. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của nước này gần đây đã giảm xuống thấp hơn 5% một phần do sự đi xuống kinh tế toàn cầu, chiến thắng vang dội của đảng BJP (Đảng Bharatiya Janata, tức Đảng Nhân dân Ấn Độ) ủng hộ kinh doanh mạnh mẽ trong cuộc bầu cử mùa Xuân năm 2014 đã thuyết phục nhiều người rằng tăng trưởng sẽ lại bắt đầu đi lên trong tương lai gần.

Tuy nhiên, so với Trung Quốc và các nước (và vùng lãnh thổ) phát triển muộn thành công như Hàn Quốc và Đài Loan, phép màu kinh tế Ấn Độ gần như hoàn toàn không bình thường. Trung Quốc và các nước khác đã xây dựng sự thành công của họ dựa trên công nghiệp hóa nhanh chóng, tận dụng lao động tương đối rẻ để xây dựng các nhà máy sản xuất những thứ mà người phương Tây giàu có muốn mua. Tăng trưởng sử dụng nhiều lao động này đã mang lại công ăn việc làm có lợi cho hơn 100 triệu người chỉ riêng ở Trung Quốc, và sản sinh ra một nền kinh tế dịch vụ khổng lồ, sử dụng thêm hàng chục triệu lao động nữa, để phục vụ cho những nhu cầu của họ. Kết quả trực tiếp là đại đa số dân số ở các nước này đã thoát khỏi đói nghèo. Hàn Quốc và Đài Loan đã trở thành các nền kinh tế phát triển, trong khi Trung Quốc đã phát triển thành một “thế lực” kinh tế toàn cầu có thể sẽ sớm đứng đầu thế giới.

Ngược lại, Ấn Độ đã đi một con đường khác. Khu vực công nghệ thông tin (IT) đã gần như dẫn dắt hoàn toàn tăng trưởng của Ấn Độ, thể hiện qua các nhà phát triển phần mềm và các tổng đài máy tính sử dụng tương đối ít lao động. Mặc dù khu vực IT đã sản sinh ra một nền kinh tế dịch vụ lớn của riêng mình để phục vụ cho nhu cầu của những thiểu số may mắn này, đại đa số dân nông thôn – và những người dân sống trong ổ chuột ở thành thị – vẫn chìm trong nghèo đói, gần như chưa được sự hào phóng này chạm đến. Lý do chính cho tình trạng này là sự tồn tại của các luật lao động mang tính hạn chế ngăn cản các công ty Ấn Độ cho nghỉ việc hoặc sa thải người lao động để đối phó với những điều kiện thị trường thay đổi. Điều này đã ngăn cản các doanh nhân Ấn Độ và các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng rót tiền của họ vào việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công quy mô lớn.

Trừ khi những luật này bằng cách nào đó có thể bị xóa bỏ, khó có thể thấy Ấn Độ sẽ thành công trong việc đưa đa số người dân của mình ra khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, vì những lý do liên quan đến cả lịch sử lẫn ý thức hệ, không có làn sóng ủng hộ để thay đổi những luật này ở Ấn Độ. Như chúng ta sẽ thấy, dẫn đầu sự phản đối điều đó là những người hẳn đồng cảm nhất với nỗi khổ của người nghèo. Nó bao gồm cánh tả chính trị truyền thống cũng như các đảng chính trị đẳng cấp thấp hơn vốn đã nổi lên nhanh chóng trong vành đai Hindu trong 3 thập kỷ qua và là những người có ý định đại diện cho lợi ích của người nghèo truyền thống trong xã hội Ấn Độ.

Do hệ thống chính trị Ấn Độ ngày càng tan vỡ kể từ giữa những năm 1980, được phản ánh trong sự nổi lên của các đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn này cùng với các đảng khu vực nhỏ được tổ chức theo lối ngôn ngữ-sắc tộc, các lực lượng này đã có quyền phủ quyết hiệu quả đối với cải cách luật lao động. Hai đảng quốc gia lớn chính, Quốc đại và BJP, đã không thể chỉ huy đa số cử tri Ấn Độ bằng khả năng của chính mình, và đã buộc phải dựa vào sự ủng hộ liên minh từ các đảng nhỏ hơn này, những đảng có cách làm chính trị là lấy hoạt động chính trị quốc gia làm con tin cho những lợi ích riêng thiển cận của mình. Điều này không chỉ phủ bóng đen lên những triển vọng cải thiện số phận của người nghèo Ấn Độ, mà còn đặt ra những câu hỏi về cách Ấn Độ có thể quản lý được như thế nào trong tương lai, đặc biệt nếu các lực ly tâm tạo điều kiện nổi lên cho các đảng này tiếp tục mạnh thêm.

Chiến thắng kinh ngạc của BJP trong cuộc bầu cử mùa Xuân năm 2014 – trong đó đảng này còn làm được tốt hơn dự kiến và giành được đa số ghế tuyệt đối trong Lok Sabha, hạ viện của Quốc hội Ấn Độ – đã làm suy yếu một cách mạnh mẽ xu hướng này và mở ra một thế giới những khả năng hoàn toàn mới. Trung thành với truyền thống ủng hộ kinh doanh của mình, BJP đấu tranh cho cải cách luật lao động trong khoảng thời gian nắm quyền trước đây (1998-2004) nhưng đã từ bỏ nó trước sự phản đối mạnh mẽ của các đảng cánh tả và thuộc đẳng cấp thấp hơn. Mặc dù vấn đề này không đóng vai trò gì trong chiến dịch bầu cử mới đây, câu hỏi chính hiện giờ là liệu Modi có quyết định tận dụng đa số không thể bị bác bỏ của mình trong Lok Sabha để làm hồi sinh nó. Quyết định của ông sẽ xác định liệu đại đa số người dân của ông, những người đã bị phép màu kinh tế Ấn Độ phớt lờ, sẽ có thể chia sẻ thành quả của việc tiếp tục lại nó trong tương lai thấy trước hay sẽ vẫn từ bên ngoài đứng nhìn vào.

Tỷ lệ tăng trưởng Hindu

Trong 40 năm tồn tại đầu tiên của mình, Ấn Độ là một đất nước kiệt quệ về kinh tế. Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước mới, là một người vô cùng ngưỡng mộ kế hoạch hóa tập trung kiểu Xôviết, tin rằng các nền kinh tế tư bản vốn mang tính bóc lột với một vài người tham lam trở nên giàu có trước sự thiệt thòi của người dân thường. Sau khi trưởng thành dưới sự chỉ dạy của những người thầy thực dân Anh, ông chắc chắn và quyết tâm đưa Ấn Độ tự mình đi lên, không phụ thuộc vào người nước ngoài. Đối với Nehru, điều này có nghĩa là xây dựng một nền kinh tế dựa trên thay thế nhập khẩu, trong đó sự chú trọng sẽ là vào sản xuất ở trong nước nhiều hàng hóa và dịch vụ nhất có thể. Ông không khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng vì lý do này. Các hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp bị điều tiết chặt chẽ bởi cái được biết đến là “License Raj” – một hệ thống phức tạp các giấy phép và thủ tục quan liêu đủ loại khác cần có để khai trương các doanh nghiệp ở Ấn Độ. Và mặc dù Chính phủ Ấn Độ không đảm bảo công ăn việc làm cho các công dân của mình, Đạo luật Tranh chấp Công nghiệp (IDA) năm 1947 đã khiến các chủ lao động gần như không thể sa thải bất kỳ ai thực tế đã kiếm được một công việc.

Kết quả là một nền kinh tế hết sức không hiệu quả chỉ mang đến hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, trung bình xấp xỉ 3,5 % mỗi năm, điều sau này được biết đến một cách nhạo báng là “tỷ lệ tăng trưởng Hindu”. Do ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội Thế giới thứ ba đối với sự tưởng tượng của người Ấn Độ, tình hình này có thể đã tồn tại vô hạn định. Nhưng có một sai lầm chết người trong việc tìm cách tổ chức một nền kinh tế như của Ấn Độ xung quanh thay thế nhập khẩu: Ấn Độ, một cách mỉa mai, vẫn phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu. Bên cạnh thực phẩm, thứ thường xuyên thiếu thốn, nước này buộc phải nhập khẩu vật liệu thô như như dầu lửa để cung cấp cho hoạt động kinh tế. Nhưng vì chính sách kinh tế được chuyên tâm hướng sang sản xuất cho thị trường trong nước thay vì xuất khẩu, Ấn Độ gặp khó khăn lớn trong việc thu về ngoại tệ cần thiết để trả cho hàng hóa nhập khẩu của mình. Điều này đã buộc Ấn Độ phải đi vay tiền, điều theo thời gian khiến nước này càng ngập sâu hơn trong nợ.

Bất chấp một số sự tự do hóa khiêm tốn nào đó trong những năm 1980, điều làm tăng tỷ lệ tăng trưởng trong thời gian ngắn, tình hình không mấy vui vẻ này cuối cùng đã lên đến cực điểm trong cú sốc năm 1991, khi những sự thiếu hụt bắt nguồn từ Chiến tranh vùng Vịnh đã khiến giá dầu tăng vọt. Ấn Độ đơn thuần là không có dự trữ ngoại tệ cần thiết để trả cho giá cả cao hơn, trong khi đồng thời tiếp tục phải trả lãi cho khoản nợ khổng lồ và ngày càng tăng của mình.

“Phép màu kinh tế” của Ấn Độ

Phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra, chính phủ của đảng Quốc đại nắm quyền ở thời điểm đó cảm thấy buộc phải tìm kiếm một khoản cho vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Như một phần của sự trao đổi, Ấn Độ đã đồng ý tự do hóa nền kinh tế của mình bằng cách mở cửa đất nước cho đầu tư nước ngoài và loại bỏ những đòi hỏi phiền hà nhất của License Raj. Tác động của nó vừa đột ngột vừa to lớn. Nền kinh tế đã bắt đầu tăng tốc, và trong vòng 3 năm đã tăng trưởng với tỷ lệ trên 6% mỗi năm, cuối cùng đạt hơn 9% vào giữa thập kỷ trước, tỷ lệ nước này vẫn duy trì cho tới gần đây. Ấn Độ đã bắt đầu được đề cập theo cùng một cách với Trung Quốc như là một trong hai nền kinh tế phát triển muộn thành công nhất thế giới và, theo một số đánh giá, là một siêu cường tiềm tàng trong tương lai. Nhưng có một sự khác biệt lớn.

Ở một đất nước có 1,2 tỷ dân, có thể so sánh được về quy mô dân số với Trung Quốc, Ấn Độ có chưa đến 10 triệu người làm việc trong các ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều nhân công. Ngược lại, số người Trung Quốc làm việc trong các công ty như vậy là hơn 100 triệu. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sau cuộc tự do hóa năm 1991 không được dẫn dắt bởi ngành chế tạo, mà gần như hoàn toàn bằng tăng trưởng trong khu vực IT. Không bị trói buộc bởi License Raj, các nhà chế tạo máy tính và phát triển phần mềm phương Tây bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp phần mềm máy tính Ấn Độ. Họ tận dụng một nguồn lớn các kỹ sư phần mềm nói tiếng Anh tay nghề cao, những người được trả lương chỉ bằng một phần nhỏ so với các đồng nghiệp phương Tây. Họ sẵn có với số lượng lớn nhờ điều người ta cho là sự đổi mới kinh tế tích cực duy nhất mà Nehru đã thực hiện: thành lập 5 Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), vốn bắt đầu cho ra những kỹ sư lành nghề trong những năm 1950. Nhiều người trong số họ bán thất nghiệp trong những thập kỷ dài của tốc độ tăng trưởng Hindu và rốt cuộc ra nước ngoài để bán những kỹ năng của mình (chỉ riêng Mỹ đã có hơn 25 nghìn người di cư đến). Nhưng các sinh viên IIT tốt nghiệp ở lại đã sẵn sàng và chờ đến khi nền kinh tế cuối cùng mở cửa thực sự năm 1991. 

Tuy nhiên, chúng ta đang không nói về rất nhiều người. Số người Ấn Độ làm việc trong khu vực IT chưa bao giờ nhiều hơn 1 triệu. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp ở Trung Quốc, những nỗ lực của họ đã tạo ra một hiệu ứng gợn sóng bên trong toàn bộ nền kinh tế Ấn Độ, với các công ty bán lẻ và dịch vụ khác xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu IT mới nổi này. Điều này đã thành công trong việc đưa hàng chục triệu người ra khỏi nghèo đói. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ước tính 25% dân số Ấn Độ hiện nay có địa vị trung lưu. 

Nhưng thành tích này cần phải được nhìn nhận theo đúng hoàn cảnh. 80% những người Ấn Độ được ADB coi là thuộc tầng lớp trung lưu nằm trong nhóm thu nhập thấp nhất của tầng lớp này, kiếm được chỉ từ 2 đến 4 USD mỗi ngày. Nó không hơn quá nhiều so với mức 1,25 USD một ngày mà Ngân hàng Thế giới dùng làm tiêu chuẩn để xác định những người đang sống trong nghèo đói. Theo tiêu chí này, gần 1/3 dân số Ấn Độ (32,7%) hiện nay có thể được coi là nghèo. Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng thêm 36,1% nữa chỉ kiếm được từ 1,25 đến 2 USD một ngày. Điều này có nghĩa là 68,8% dân số Ấn Độ, tức xấp xỉ 800 triệu người, sống nhờ chưa đến 2 USD một ngày. Cộng thêm các số liệu về tầng lớp trung lưu của ADB đã dẫn ở trên, có thể thấy hơn 1 tỷ người Ấn Độ, tức trên 90% dân số, tiếp tục sống nhờ chưa đến 4 USD một ngày.

Hãy so sánh điều này với Trung Quốc, nơi chỉ 11,8% dân số (so với 32,7% ở Ấn Độ) kiếm được chưa đến 1,25 USD một ngày, chỉ 27,2% (so với 68,8%) kiếm được dưới 2 USD một ngày, và 58% (so với hơn 90%) kiếm được ít hơn 4 USD một ngày. Mặc dù Trung Quốc khó có thể là một nền kinh tế phát triển, nước này khá hơn Ấn Độ nhiều. Điều này cũng được phản ánh trong các mức Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) trên đầu người của họ. GNP trên đầu người hiện tại của Trung Quốc là hơn 6.000 USD. Mức GNP của Ấn Độ là tương đối nghèo nàn, 1.489 USD, chỉ nhiều hơn 200 USD/năm đôi chút so với Pakistan, nước láng giềng yếu kém về kinh tế ở phía Tây. Điểm cốt yếu là mặc dù Ấn Độ đã đạt được tăng trưởng đáng kể từ khi nước này tự do hóa nền kinh tế của mình năm 1991, và rõ ràng đã đưa hàng chục triệu người Ấn Độ thoát khỏi nghèo đói, nước này vẫn chưa tới gần tới mức bắt kịp thành tựu của Trung Quốc. Điều này không đáng ngạc nhiên trong bối cảnh những nỗ lực của chưa đến 1 triệu người lao động IT lành nghề đã dẫn dắt tăng trưởng của Ấn Độ, thay vì hơn 100 triệu công nhân nhà máy đã đưa Trung Quốc đi lên trên bậc thang kinh tế.

Các luật lao động mang tính hạn chế

Vậy tại sao Ấn Độ lại theo đuổi mô hình tăng trưởng do IT dẫn dắt này thay vì theo bước đi của Trung Quốc, và gần như mọi nền kinh tế phát triển trên Trái đất, trong việc theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều nhân công? Xét cho cùng, Ấn Độ có một dân số gần tương đương với Trung Quốc và do đó, sở hữu một nguồn lao động nhà máy tiềm tàng khổng lồ, những người mà sự phục vụ của họ, theo giá cả toàn cầu, có thể chỉ tốn một lượng tiền lương nhỏ bé. Lý do chính là sự tồn tại của các luật lao động mang tính hạn chế khiến các chủ lao động gần như không thể cho nghỉ việc, hoặc sa thải, người lao động để đối phó với các điều kiện thị trường thay đổi. Những luật này đã không được các cải cách năm 1991 đụng đến.

Theo Đạo luật Tranh chấp Công nghiệp (IDA) năm 1947, được sửa đổi năm 1982, sẽ là phạm pháp nếu các công ty công nghiệp với 100 người lao động cho nghỉ việc, hoặc sa thải, người lao động mà không được phép từ chính phủ. Vì những biện pháp hạn chế trong đạo luật này, vốn rất có lợi cho các quyền của người lao động, bộ máy quan liêu chính phủ quản lý nó hiếm khi đưa ra những sự cho phép như vậy. Các tài liệu cho thấy những câu chuyện rùng rợn về các chủ lao động cuối cùng phải dành nhiều năm và nguồn lực đáng kể chỉ để loại bỏ một nhân viên tồi. Do đó, bất kỳ doanh nhân nào cân nhắc khởi đầu một công ty công nghiệp quy mô lớn ở Ấn Độ, hoặc mở rộng một công ty đang tồn tại lên hơn 100 người lao động, phải sẵn sàng đối xử với người lao động như một chi phí chìm.

Không bất ngờ, phần lớn các nhà đầu tư tiềm năng trong khu vực chế tạo không sẵn sàng đi theo con đường này. Những người làm việc đó, hoặc những người đã thuê hơn 100 người lao động, tìm cách đi đường vòng. Một trong những cách phổ biến nhất là sử dụng lao động hợp đồng, vốn được miễn trừ khỏi IDA. Các nhân viên hợp đồng được thuê theo thời vụ, nói chung được trả công ít hơn, và có thể bị cho nghỉ việc khi sự phục vụ của họ không còn cần thiết. Tuy nhiên, khả năng có thể sử dụng họ bản thân nó bị ngăn trở bởi luật pháp. Trên thực tế, người lao động hợp đồng chỉ có thể được thuê để bổ sung một lực lượng lao động công nghiệp toàn thời gian, được bảo vệ đầy đủ đang tồn tại, và ngay cả khi đó, từng bang Ấn Độ có khả năng cấm họ hoàn toàn trong những lĩnh vực nhất định. Ở những nơi lao động hợp đồng được thuê, nơi đó thường trở thành một nguồn gây xích mích giữa những người lao động toàn thời gian, những người được hưởng sự bảo vệ đầy đủ của IDA, và các đồng nghiệp ít may mắn hơn của họ. Đó là một con đường vòng cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn, không phải là bài thuốc chữa bách bệnh.

Một cách đi vòng phổ biến khác là tự động hóa, thay thế các công nhân thực bằng máy móc trong phạm vi tối đa có thể. Đây là cách nhà máy thép khổng lồ của Tata Group ở Jamshedpur đã thành công trong việc giảm lực lượng lao động của mình từ 85.000 vào năm 1991 xuống 44.000 năm 2005. Kiểu đường vòng này trên thực tế là biểu hiện của toàn bộ cách tiếp cận sử dụng nhiều vốn để phát triển kinh tế đã chi phối nền kinh tế Ấn Độ kể từ năm 1991. Khu vực IT đã thúc đẩy phép màu kinh tế Ấn Độ không đơn thuần vì Nehru đã làm điều gì đó đúng đắn trong việc thành lập các Viện Công nghệ Ấn Độ, mà vì quy mô tương đối nhỏ và bản chất sử dụng nhiều vốn của nó.

Sự phản đối cải cách luật lao động

Mặc dù các luật lao động mang tính hạn chế giải thích tại sao khu vực IT đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ kể từ năm 1991, nó không giải thích tại sao Ấn Độ tiếp tục duy trì hệ thống pháp luật lỗi thời như vậy. Rốt cuộc, trong khi phép màu kinh tế Ấn Độ có thể đã đưa hàng chục triệu người Ấn Độ đến tầng lớp trung lưu, nó đã để lại hơn 1 tỷ người đứng ngoài, sống nhờ chưa đến 4 USD một ngày, với hơn 2/3 sống nhờ vào chưa đến 2 USD. Chắc chắn, người dân Ấn Độ sẽ khá hơn nhiều vào lúc này nếu 100 triệu người nữa có thể tìm được công ăn việc làm trong khu vực chế tạo, như ở Trung Quốc.

Một phần lớn của nguyên nhân này là từ những nguồn gốc xã hội chủ nghĩa của nhà nước. Chúng ta đã chứng kiến mô hình Xôviết tác động sâu sắc đến Nehru như thế nào, với sự nhấn mạnh của nó vào kế hoạch hóa tập trung và thay thế nhập khẩu. Nhưng không giống người Xôviết, ông đã không sẵn sàng quốc hữu hóa hoàn toàn các phương tiện sản xuất, và do đó không thể đảm bảo người lao động Ấn Độ có việc làm. Thay vào đó, IDA đã thành công trong việc đảm bảo rằng những người lao động đủ may mắn tìm được công việc có thể giữ nó đến hết quãng đời làm việc của mình, bất kể điều gì xảy ra.

Tuy nhiên, chiều hướng xã hội chủ nghĩa này trong đường hướng của Ấn Độ về kinh doanh và lao động đã chết dần chết mòn. Mặc dù nhiều khía cạnh tồi tệ nhất của License Raj đã bị loại bỏ trong cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán năm 1991, không điều gì có quy mô tương tự đã diễn ra đối với những điều khoản mang tính hạn chế của IDA. Một lý do hiển nhiên cho điều này trớ trêu thay lại là tăng trưởng mạnh do IT dẫn dắt diễn ra kể từ năm 1991 thường làm giảm bớt bất kỳ cảm giác khẩn cấp nào có thể đã xuất hiện thiên về cải cách luật lao động.

Nhiều người Ấn Độ, đặc biệt từ các đẳng cấp cao hơn, cũng bị thu hút một cách lãng mạn hóa bởi “làng quê Ấn Độ”, điều sẽ biến mất trước cuộc công nghiệp hóa khổng lồ. Số này bao gồm các cơ sở chế tạo và bán lẻ gia đình quy mô nhỏ vốn là nền tảng kinh tế của nó. Đương nhiên, Gandhi là người ủng hộ làng quê Ấn Độ nổi tiếng nhất. Ông muốn duy trì làng quê làm trung tâm của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị Ấn Độ trong niềm tin hiển nhiên rằng đối với những người sống nhờ vào chưa đến 2 USD một ngày thì đó phần nào là được quý tộc hóa rồi. Ngay cả hiện nay, có quan điểm mạnh mẽ ở Ấn Độ phản đối việc mua lại đất làng để dọn đường cho các công ty công nghiệp.

Một số nhà kinh tế thậm chí đã lập luận rằng những hạn chế của luật lao động không phải là nguyên nhân cho sự thất bại trong việc chuyển sang một đường hướng công nghiệp hóa sử dụng nhiều nhân công. Họ nói thủ phạm thực sự là tình trạng cơ sở hạ tầng được thừa nhận là tệ hại ở Ấn Độ, đặc biệt trong các khu vực năng lượng và vận tải. Người Ấn Độ vẫn nhớ những kỷ niệm sâu sắc về vụ mất điện ngày 30-31/7/2012, vụ mất điện lớn nhất trong lịch sử thế giới, tác động đến một nửa dân số Ấn Độ. Và bất kỳ ai từng lái xe trên các con đường của Ấn Độ có thể chứng nhận sự khó khăn kinh niên trong việc vận chuyển bất kỳ loại hàng hóa nào đến thị trường. Nhưng đây là những kiểu vấn đề tác động đến tất cả các nền kinh tế đang phát triển. Cách mọi thứ diễn ra trong thế giới thực tế là công nghiệp hóa và những cải thiện cơ sở hạ tầng điển hình thường đi với nhau. Có thể sự thất bại của Ấn Độ trong việc tiến tới tăng trưởng sử dụng nhiều nhân công đã làm chậm lại những nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước bằng cách một lần nữa loại bỏ cảm giác cấp bách.

Các nhà kinh tế khác đã chỉ ra những cuộc thăm dò niềm tin kinh doanh, mà hiếm khi dẫn ra những hạn chế về cho nghỉ việc hay sa thải người lao động như là một vấn đề. Đáp lại, các nhà kinh tế Jagdish Bhagwati và Arind Panagariya đã chỉ ra rằng phần lớn doanh nhân được thăm dò hoạt động trong khu vực dịch vụ hoặc các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn, nơi các hạn chế của luật lao động không phải là một vấn đề lớn. Một lần nữa, đây giống như là một hậu quả của thực tế rằng Ấn Độ đã không thể theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều lao động hơn là bằng chứng cho thấy các luật lao động đã không đóng một vai trò to lớn. Xét về mọi mặt, để tin tất cả những người hoài nghi này, người ta phải sẵn sàng tin rằng đơn thuần chỉ là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc khi Ấn Độ có những luật lao động hạn chế nhất trên thế giới và cũng là nước phát triển muộn duy nhất đã không thể theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều lao động.

Không bất ngờ, sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với việc cải cách các luật lao động của Ấn Độ đến từ cánh tả chính trị, bị chi phối bởi phong trào công đoàn, và Mặt trận Cánh tả, một nhóm các đảng chính trị do Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mácxít, tức CPI(M), đứng đầu. Các đảng này phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm giảm hiệu quả của những đảm bảo an ninh việc làm có trong IDA, ngay dù chúng hiện tại bảo vệ cho chưa đến 10 triệu công nhân. Có lẽ họ sẽ vui mừng chứng kiến những hàng ngũ này lên đến những mức độ như ở Trung Quốc, nhưng không phải thông qua sự mở rộng tư bản, điều họ coi là vốn đã mang tính bóc lột. Giải pháp được CPI(M) ủng hộ sẽ là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, điều Nehru đã không làm được. Thực tế rằng điều này đã dẫn tới những kết quả không mong muốn ở những nơi như Liên Xô dường như không ngăn cản được họ.

Mặc dù CPI(M) là một lực lượng có ảnh hưởng ở những bang như Tây Bengal và Kerala, nó không có hy vọng chi phối sân khấu chính trị quốc gia. Mặt trận Cánh tả chỉ nắm 24 ghế trong Lok Sabha gồm 543 ghế đã mãn nhiệm và chỉ có 10 ghế trong Lok Sabha mới. Mặt khác, nó đã giành được 60 ghế trong cuộc bầu cử năm 2004. Điều này đem lại cho nó tầm ảnh hưởng thực sự về chính sách, vì đa số đạt được bởi liên minh chiến thắng do đảng Quốc đại lãnh đạo là quá sít sao, liên minh này cảm thấy cần phải dựa vào sự ủng hộ của Mặt trận Cánh tả trong phần lớn nhiệm kỳ của mình. Không cần phải nói, đã gần như không có triển vọng diễn ra cải cách luật lao động đáng kể trong thời kỳ này.

Nhưng cánh tả chính trị truyền thống không phải là lực lượng duy nhất trong chính trị Ấn Độ phản đối cải cách luật lao động. Trong 2 thập kỷ qua, một loạt cái gọi là những đảng của đẳng cấp thấp hơn đã nổi lên ở Ấn Độ, chủ yếu ở vành đai Hindu khổng lồ ở phía Bắc, một khu vực cũng là nơi nghèo nhất và lạc hậu nhất của đất nước. Các đảng này vốn đã mang tính xã hội chủ nghĩa trong định hướng chính trị và có vẻ đại diện cho lợi ích của những nhóm thiệt thòi nhất trong lịch sử của xã hội Ấn Độ. Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Ấn Độ, bị chi phối bởi hai đảng như vậy, BSP (vốn tuyên bố đại diện cho người Dalit tức cộng đồng không thể đụng tới) và đảng Samajwadi kình địch (có những cử tri đến từ cái gọi là các Tầng lớp Lạc hậu Khác, một hỗn hợp các nhóm đẳng cấp thấp hơn và Hồi giáo). Hoạt động chính trị ở Bihar, bang nghèo nhất và đông dân thứ ba Ấn Độ, cũng bị chi phối bởi hai đảng chủ yếu thuộc đẳng cấp thấp – Janata Dal (Đoàn kết) và kình địch chính, Rashtriya Janata Dal. Cùng nhau, 4 đảng này đã nắm 68 ghế trong Lok Sabha nhiệm kỳ trước. Vào lúc này hay lúc khác, chính phủ do đảng Quốc đại lãnh đạo được bầu lên năm 2009 đã phải dựa vào sự ủng hộ từ ít nhất 3 trong số họ để duy trì đa số trong quốc hội.

Điều này đã tác động đến những triển vọng cải cách luật lao động vì các đảng này coi nhiệm vụ chính của họ là giành được sự bảo trợ cho những người ủng hộ họ dưới hình thức việc làm trong chính phủ, mà có thể được cung cấp thông qua bảo trợ chính trị. Khi tới lúc thành lập các chính phủ liên minh quốc gia, những đảng này thường ủng hộ một trong 2 đảng quốc gia, Quốc đại hoặc BJP, để đổi lấy những hứa hẹn rằng các thành viên của họ sẽ có quyền tiếp cận đặc biệt những công ăn việc làm như vậy. Khi các đảng này đang nắm quyền ở cấp bang, như Samajwadi và Janata Dal (Đoàn kết) hiện nay, họ có thể đem lại sự bảo trợ này một cách trực tiếp hơn. Những việc làm được đề xuất có thể không trả lương cao, nhưng chúng thường yêu cầu không nhiều nỗ lực về phần những người đảm nhận chúng.

Trong cuốn sách rất sâu sắc của mình về Ấn Độ hiện đại, Bất chấp Chúa, tác giả Edward Luce đưa ra một ví dụ về việc điều này có thể dẫn tới đâu. Ông lưu ý rằng cơ quan quản lý quốc lộ ở Uttar Pradesh thuê một nhân viên trên mỗi 1,5 dặm đường, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới, tuy nhiên vẫn có một trong những hệ thống đường sá được bảo dưỡng tồi nhất ở Ấn Độ. Thậm chí quan trọng hơn, nhờ những hạn chế đối với việc cho tạm nghỉ việc và sa thải người lao động được ghi trong các luật lao động Ấn Độ, những công việc như vậy được đảm bảo suốt đời. Vì khả năng giành được chúng cho những người ủng hộ họ là điểm quyết định của họ, các đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn này phản đối cải cách luật lao động ngay dù các thành viên của đẳng cấp họ chắc chắn sẽ là bên hưởng lợi chính.

Cho tới cuộc bầu cử năm 2014, sự phản đối của Mặt trận Cánh tả và đảng phái thuộc đẳng cấp thấp hơn đối với cải cách luật lao động đã chứng tỏ là có sắp đặt. Trong những thời kỳ tương ứng nắm quyền của mình, cả đảng Quốc đại lẫn BJP đều không sẵn sàng mạo hiểm với quyền lực của họ bằng cách biến cải cách luật lao động thành một vấn đề chủ yếu. Mặc dù cựu Thủ tướng Manmohan Singh định kỳ phát biểu ủng hộ cải cách, với tư cách là một đảng dựa trên sự bảo trợ với những nguồn gốc cả xã hội chủ nghĩa lẫn Gandhi, đảng Quốc đại đã luôn cảm thấy thoải mái hơn khi dựa vào trợ cấp và các kế hoạch phúc lợi xã hội tạo việc làm (như đề xuất trả công cho các nông dân đang khó khăn để đào mương) để giải quyết nỗi khổ của người nghèo Ấn Độ. Ngược lại, BJP từ lâu đã tự quảng cáo mình là đảng thiên kinh doanh, và Chính quyền Vajpayee nắm quyền từ năm 1998 đến 2004 đã ủng hộ cải cách luật lao động. Nhưng do sự phụ thuộc của chính đảng này vào sự ủng hộ của đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn để duy trì đa số trong quốc hội vào lúc đó, BJP đã không tìm cách thúc đẩy vấn đề này. Ngay cả trong chiến dịch bầu cử năm 2014, đảng này đã không đủ can đảm đưa ra vấn đề này. Nó gần như không được đề cập trong cương lĩnh tranh cử của BJP, mà chỉ hứa hẹn “tập hợp tất cả các bên tham gia để xem xét lại các luật Lao động của chúng ta vốn đã lỗi thời, phức tạp và thậm chí là mâu thuẫn”.

Vấn đề cơ bản mà cả đảng Quốc đại lẫn BJP đã phải đối mặt trong việc suy tính cải cách luật lao động là không đảng nào có khả năng tự mình chỉ huy đa số trong Lok Sabha. Trước năm 2014, đảng cuối cùng làm vậy là đảng Quốc đại, đã giành chiến thắng áp đảo cuộc bầu cử năm 1984 được tổ chức sau vụ ám sát Indira Gandhi. Những năm sau đó đã chứng kiến cán cân quyền lực ở cấp quốc gia chuyển từ tay họ sang các đảng khu vực nhỏ hơn nhiều, một số trong đó, như chúng ta đã thấy, được tổ chức xung quanh các bản sắc của đẳng cấp thấp và chủ yếu nằm trong vành đai Hindu. Các đảng khu vực khác nằm rải rác trên khắp đất nước có thành phần sắc tộc-ngôn ngữ và liên kết với cộng đồng chiếm đa số ở các bang cụ thể, đặc biệt là ở miền Nam. Cùng với Mặt trận Cánh tả, các đảng khu vực này đã thực sự điều khiển đa số cử tri trong các cuộc bầu cử Lok Sabha năm 2004 và 2009.

Giờ đây, nhờ cuộc bầu cử Lok Sabha năm 2014, mọi thứ đã thay đổi. BJP nổi lên từ cuộc bầu cử này với một đa số tuyệt đối, giành được 282 trong tổng số 543 ghế. Mặt khác, đảng Quốc đại thất bại đã chỉ giành được 44 ghế, số ghế thấp nhất từ trước đến nay của họ. Mặc dù BJP được mong đợi sẽ chiến thắng, không ai đoán trước được mức độ to lớn của chiến thắng này, điều ít nhất trong lúc này dường như đã thay đổi hoàn toàn sự tan vỡ từ lâu của hoạt động chính trị Ấn Độ. Người ta cũng không tô vẽ thực tế rằng năm 2014 cho thấy cử tri Ấn Độ đã bác bỏ đảng Quốc đại một cách đầy quyết đoán. Trong nhiệm kỳ 5 năm nắm quyền gần đây nhất, đảng này đã chịu hàng loạt vụ bê bối tham nhũng chính trị đáng xấu hổ, trong khi thời kỳ nắm quyền của đảng này trùng với sự đi xuống gần đây của nền kinh tế Ấn Độ. Đảng này ngày càng nổi lên trong sự tưởng tượng của người dân là một con tàu không bánh lái hoàn toàn thiếu động lực. Điều này được phản ánh bởi thành tích của Rahul Gandhi, người thừa kế triều đại chính trị Nehru-Gandhi, người đã đi đầu chiến dịch bầu cử của đảng Quốc đại trong khi cho thấy rất ít lòng khao khát, và thậm chí còn ít năng khiếu hơn, đối với vũ đài chính trị. 

Trong khi đó, BJP được lãnh đạo bởi một Narendra Modi gây tranh cãi nhưng đầy uy tín, người mà sự năng động cá nhân và sự lạc quan chính trị “có thể làm được” của ông tương phản mạnh mẽ với đối thủ cạnh tranh thiếu trách nhiệm trẻ tuổi của mình. Biết rõ rằng mình bị coi là một người cực đoan trong một đảng mà các bậc tiền bối theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Hindu của chính nó đã vay mượn rất nhiều từ chủ nghĩa phát xít Italy, ông đã hướng mạnh mẽ sang trung tâm chính trị trong chiến dịch tranh cử và hứa hẹn đại diện cho lợi ích của tất cả người Ấn Độ, người Hindu cũng như người Hồi giáo. Ông cũng đã giới hạn mình vào những điều chung chung về kinh tế, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng việc làm bằng cách đầu tư vào những cải thiện cơ sở hạ tầng rất cần thiết và khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong một trong rất ít cam kết cụ thể của mình, cương lĩnh của đảng này tái khẳng định lời hứa hẹn của BJP hủy bỏ hoặc ít nhất điều chỉnh một quyết định do chính phủ của đảng Quốc đại thất bại đưa ra để cho phép các nhà bán lẻ đa thương hiệu nước ngoài như Walmart thâm nhập thị trường Ấn Độ. Cam kết này nhằm bảo vệ các chủ cửa hàng gia đình quy mô nhỏ, những người hiện đang chi phối thị trường bán lẻ ở Ấn Độ và là chỗ dựa chính của làng quê Ấn Độ được lãng mạn hóa bởi rất nhiều người Hindu thuộc đẳng cấp cao, vốn cấu thành nòng cốt ủng hộ BJP. 

Liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất?

Vậy hãy quay trở lại câu hỏi: liệu Ấn Độ đã đạt tới điểm cao nhất? Câu trả lời là còn tùy. Trong 5 năm tới, nó phụ thuộc cụ thể hơn vào việc Chính quyền BJP mới sẽ quyết định làm gì. Mặc dù Ấn Độ hiện đang chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới từ năm 2013 đã khẳng định rằng “do nhân khẩu thuận lợi, tri thức giáo dục tăng lên và tốc độ tích lũy vốn cao”, tăng trưởng của Ấn Độ có thể một lần nữa vượt quá 8%/năm. Nhưng câu hỏi chính ở đây là liệu bất kỳ tăng trưởng tương lai nào trong nền kinh tế Ấn Độ có đem lại công ăn việc làm và thúc đẩy những tiêu chuẩn sống nâng cao cho 1 tỷ người Ấn Độ vẫn đang sống nhờ vào chưa đến 4 USD một ngày không.

Một bài viết của tờ Economist phát hành cùng lúc với báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng từ năm 2005 đến 2010 không chứng kiến việc làm ở Ấn Độ gia tăng thực sự. Tuy nhiên đây là trong một thời kỳ khi nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 9%. Một khi suy thoái toàn cầu diễn ra, khu vực IT có thể đưa đất nước qua một sự gia tăng tăng trưởng kinh tế khác. Nhưng nó sẽ tốt như thế nào nếu nó chỉ phục vụ những người có của trong xã hội Ấn Độ vốn giàu có hơn nhiều, trong khi để hơn 2/3 người dân Ấn Độ sống dưới 2 USD một ngày? Và ngay cả tại đây cũng có lý do để lo ngại. Với đồng lương IT trong nước đang tăng lên và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước như Philippines, khu vực IT của Ấn Độ đã mất 10% thị phần toàn cầu trong 5 năm qua.

Không thể hoặc không sẵn sàng theo đuổi cải cách luật lao động, chính phủ bị đánh bại của đảng Quốc đại đã tìm cách giảm nhẹ gánh nặng nghèo đói bằng cách thiết lập Đạo luật Đảm bảo Việc làm Nông thôn Quốc gia (NREGA). Lần đầu được thông qua năm 2005, đây là một chương trình liên quan đến các hoạt động tạo việc làm đảm bảo 100 giờ làm việc có trả lương mỗi năm cho các gia đình nông thôn tình nguyện tham gia chương trình. Nhưng nó chưa bao giờ phổ biến ở những bang như Uttar Pradesh nơi nó có thể có hiệu quả nhất, và rất dễ bị tham nhũng, như các nhà quản lý địa phương đã chứng tỏ là thích nghi rất tốt với việc xén bớt tiền từ trên xuống. Năm 2013, chính phủ đã tiếp tục với Dự luật An ninh Lương thực Quốc gia, nhằm mục tiêu cung cấp ngũ cốc trợ cấp cho 2/3 dân số Ấn Độ, một tỷ lệ trùng hợp với tỷ lệ dân số sống nhờ dưới 2 USD một ngày. Chương trình này cũng rất dễ bị tham nhũng, và giống như NREGA bòn rút đáng kể ngân khố công. Cả hai chương trình tiêu biểu cho một sự thừa nhận ngầm của chính quyền đảng Quốc đại rằng phép màu kinh tế Ấn Độ đã không cải thiện cuộc sống của đa số người nghèo nông thôn và đô thị. Đó là những nỗ lực để cải thiện tác động của nghèo đói, không phải là đưa người dân ra khỏi nghèo đói.

Tình hình này còn có thể tồn tại bao lâu nữa vẫn là một câu hỏi mở. Phần lớn miền Đông Ấn Độ, kéo dài từ Bihar ở phía Bắc đến Andhra Pradesh ở phía Nam, đã trở thành nạn nhân của cuộc nổi dậy Maoít đang diễn ra được biết đến là cuộc nổi dậy Naxalite, nòng cốt của họ, được tuyển mộ từ những người nghèo nông thôn bất mãn, ước tính lên đến 20.000 chiến binh vũ trang và thêm 50.000 người ủng hộ nữa. Nó giống như là một mối phiền toái hơn là một mối đe dọa sắp xảy ra đối với nhà nước, mặc dù Manmohan Singh từng nhắc đến nó như là “thách thức an ninh trong nước lớn nhất” mà Ấn Độ từng phải đối mặt. Không có dấu hiệu nào cho thấy phong trào Naxalite có thể phát triển thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều và đe dọa hơn, nhưng không thể loại trừ khả năng này nếu người giàu tiếp tục giàu hơn trong khi những lợi ích của tăng trưởng kinh tế không đến được với những người thực sự cần nó.

Trong bối cảnh này, chính phủ mới của đảng BJP đã lên nắm quyền. Với đa số tuyệt đối của mình trong Lok Sabha, đảng này đang có một vị trí chưa từng có tiền lệ để thực hiện thay đổi căn bản. Cụ thể hơn, đó là chính phủ đầu tiên kể từ khi nền kinh tế được tự do hóa năm 1991 có vị trí thực tế để theo đuổi cải cách luật lao động nghiêm túc. Điều này không phải để nói rằng sẽ không có sự chống đối. Các công đoàn sẽ bãi công và Mặt trận Cánh tả và các đảng thuộc đẳng cấp thấp hơn sẽ lên tiếng mạnh mẽ, nhưng lần đầu tiên trong 1/4 thế kỷ, các lực lượng này không có sức mạnh trong Lok Sabha để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Ngay dù chính phủ mới đã báo hiệu rằng họ dự định tôn trọng lời hứa hẹn trong cương lĩnh tranh cử của mình là bắt đầu thảo luận cải cách luật lao động với các bên liên quan của Ấn Độ, đương nhiên có thể, và một số người sẽ nói là có khả năng, Narendra Modi sẽ quyết định không đi theo con đường này. Ngay dù ông có các phiếu bầu, ông và các đồng sự cao cấp trong BJP có thể quyết định cải cách lao động sẽ tạo ra quá nhiều sự phản đối trong xã hội. Bất kể đảng Quốc đại có thể nghĩ gì về những giá trị của vấn đề này, gần như chắc chắn đảng này sẽ về phe phản đối trong một nỗ lực nhằm quay trở lại cuộc chơi chính trị. Sự kháng cự cũng có thể tồn tại bên trong chính BJP do tác động đã nhận thấy của cải cách luật lao động đối với làng quê Ấn Độ truyền thống. Do đó, BJP có thể quyết định trung thành với khuôn khổ khiêm tốn hơn nhiều được đặt ra trong bản cương lĩnh tranh cử của mình, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nới lỏng hơn nữa các hạn chế với đầu tư nước ngoài (ngoại trừ trong khu vực bán lẻ đa thương hiệu) và thúc đẩy du lịch. Đây là đường lối dường như ông đã theo đuổi trong cuộc gặp của ông với các giám đốc điều hành kinh doanh nổi bật ở New York vào ngày 30/9/2014 trong chuyến thăm chính thức Mỹ. Trong khi điều này có thể giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và thậm chí có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho một số người, khó để thấy làm thế nào nó có thể tạo được tiến triển đáng kể trong bộ phận người dân Ấn Độ sống nhờ dưới 4 USD một ngày, và chắc chắn là không đối với hàng trăm triệu người tiếp tục sống nhờ vào số tiền ít hơn nhiều.

Vì chiến thắng lớn của BJP trong cuộc bầu cử năm 2014 có thể chứng tỏ là một điều khác thường trong sự tan vỡ lâu dài của hoạt động chính trị Ấn Độ, chính phủ hiện tại có thể tiêu biểu cho cơ hội tốt nhất cuối cùng mà Ấn Độ sẽ từng có để ban hành cải cách luật lao động và theo đuổi tăng trưởng sử dụng nhiều nhân công. Nếu không nắm được khoảnh khắc này, thì Ấn Độ rất có thể đã đạt tới điểm cao nhất. Nước này thậm chí có thể đánh mất lợi thế theo thời gian, nếu thị phần khu vực IT toàn cầu của Ấn Độ tiếp tục giảm xuống. Ấn Độ sẽ chỉ còn là một nhà nước kinh tế hai cấp, gồm một giới tinh hoa đặc quyền tương đối nhỏ được giáo dục bằng tiếng Anh, chỉ huy một số lượng lớn người nghèo nông thôn và thành thị. 

Mặt khác, nếu Ấn Độ thực sự thành công trong việc chấm dứt những luật lao động mang tính hạn chế của mình trong khi đi những bước hợp lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng và vận tải của mình, thì chắc chắn sẽ chẳng có gì là giới hạn cả. Với lực lượng lao động chưa được khai thác hay năng suất chưa cao lên đến hàng trăm triệu, những người mà sức lao động của họ có thể được mua rất rẻ tính theo giá toàn cầu, Ấn Độ có khả năng thay thế Trung Quốc là nền kinh tế đang phát triển muộn năng động nhất thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng sánh ngang bằng.

Ông có đang lắng nghe không, Thủ tướng Modi?

Theo Washington Quarterly

Trần Quang (gt)