Cách nói của Ôn Gia Bảo khi trả lời phóng viên vào ngày 22/9 tại Đại hội đồng LHQ ở Newyork rằng việc dỡ bỏ tên lửa nhằm vào Đài Loan “cuối cùng có thể thực hiện” đã khiến dư luận Đài Loan quan tâm. Một học giả Đài Loan cho rằng Ôn Gia Bảo đã bày tỏ thiện ý, Đài Loan có khả năng dỡ bỏ tên lửa trong khuôn khổ lòng tin lẫn nhau về quân sự giữa hai bờ, nhưng hiện nay lòng tin về kinh tế thương mại giữa hai bờ vẫn chưa đủ, nên cần phải có thời gian đề đạt được lòng tin về quân sự. Một học giả Đài Loan lại cho rằng để tặng cho Mã Anh Cửu món quà trong đợt bầu cử Tổng thống năm 2012, không loại trừ việc Đại lục sẽ có hành động vào năm 2011.

 

Còn việc Đại lục dỡ bỏ tên lửa có ảnh hưởng đến việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hay không, học giả cho rằng nếu tiền đề “một Trung Quốc” trong chính sách hai bờ của Đại lục không thay đổi, thì Mỹ sẽ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.

 

Từ khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, quan hệ hai bờ ấm lên nhanh chóng. Về kinh tế, ký được ECFA; về văn hóa, hiện đang triển khai; về không gian quốc tế, Đài Loan đã tham gia WHA với tư cách là quan sát viên dưới danh nghĩa Đài Bắc Trung Hoa. Vậy cách trả lời trên của Ôn Gia Bảo liệu có phải là sau kinh tế và văn hóa, trước khi bàn đến chính trị, Đại lục đã phát đi tín hiệu về đàm phán quân sự

 

Theo Thời báo Trung Quốc cho biết, khi đề cập đến tình hình hai bờ, Ôn Gia Bảo cho rằng, hai năm qua đã làm được hai việc lớn, thứ nhất là thực hiện toàn diện tam thông; thứ hai là ký và có thực hiện ECFA, đều là việc then chốt nhằm phát triển hòa bình quan hệ hai bờ. Ông ôn Gia Bảo còn cho biết sau khi ký ECFA và quan hệ hai bờ càng trở nên mật thiết, thì hai bờ có thể thúc đẩy hơn nữa lòng tin về chính trị và quân sự; Hai bờ đã đạt được nhận thức chung “kinh tế trước, chính trị sau, dễ trước khó sau, nắm chắc tiết tấu, tuần tự tiệm tiến”, quan hệ hai bờ phải bao gồm sự giao lưu qua lại về kinh tế, chính trị, văn hóa, nhân văn. Như vậy, việc dỡ bỏ tên lửa không thể nhanh chóng, Đại lục chưa chắc sẽ chủ động dỡ, vì lòng tin về kinh tế giữa hai bờ chưa được xây dựng hoàn toàn, phải cần có một thời gian mới đạt tới giai đoạn tin tưởng lẫn nhau về quân sự.

 

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Đại lục nói một cách thoải mái về việc dỡ bỏ tên lửa. Trước đó NFN/BQP Trung Quốc đã nói trên nguyên tắc “một Trung Quốc”, việc gì cũng có thể bàn, bao gồm việc Đại lục dỡ bỏ tên lửa.

 

Theo GS Vương Cao Thành ở Viện Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề Quốc tế thuộc Đại học Đạm Giang thì cho dù Đại lục có chấp nhận dỡ bỏ tên lửa cũng không dỡ hết, Đại lục luôn nhấn mạnh không phải toàn bộ tên lửa đều nhằm vào Đài Loan, do đó Đài Loan vẫn phải mua vũ khí để duy trì sức mạnh quốc phòng

 

Có tin cho biết, hiện có khoảng 1400 tên lửa Đại lục nhằm vào Đài Loan, đe dọa Đài Loan, đây cũng là lý do Đài Loan mua vũ khí của Mỹ, mà chính quyền Mã Anh Cửu lại coi việc dỡ bỏ tên lửa là điều kiện tiên quyết để đàm phán hiệp định hòa bình với Đại lục.

 

GS Vương Côn Nghĩa ở ĐH Đạm Giang cho rằng hai bờ sẽ tuần tự từng bước kinh tế, quân sự, chính trị, việc Đại lục dỡ bỏ tên lửa sẽ ngầm thông báo không sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, lãnh đạo Đại lục không thể nào nói không suy nghĩ, có thể thấy họ đã có kế hoạch tính toán. Để chuẩn bị quà tặng cho chính quyền Mã vào đợt bầu cử Tổng thống 2012, không loại trừ khả năng Đại lục sẽ dỡ bỏ tên lửa vào năm 2011, sau đó hai bờ sẽ bước vào giai đoạn đàm phán Thỏa thuận hòa bình, nhưng Thỏa thuận này không thể tránh khỏi vấn đề “một Trung Quốc”, hai bên còn phải bàn nên không thể nhanh chóng ký kết. một khi Đại lục vẫn kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc” mục đích thống nhất hai bờ không thay đổi, thì Mỹ sẽ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng việc Đại lục dỡ bỏ tên lửa sẽ ảnh hưởng tới cục diện Đông Á, Mỹ, Nhật và Hàn phải trực tiếp đối mặt với vấn đề Trung Quốc, khó có thể tiếp tục chơi “con bài Đài Loan”.

 

Từ 1995, sự lo lắng của dân chúng Đài Loan đối với tên lửa Đại lục ngày một gia tăng. Theo GS Thái Vĩ ở Viện Nghiên cứu Trung Sơn thuộc Đại học Văn hóa, việc ông Ôn Gia Bảo đề xuất dỡ bỏ tên lửa cho thấy sự tự tin lớn và tư duy mới của Đại lục, vừa có thể chuyển từ thế bị động trong việc dỡ bỏ tên lửa sang chủ động, lại tranh thủ được tình cảm người dân Đài Loan. Vì như điều tra dân ý năm 2006, có tới 70% cảm thấy lo ngại việc Đại lục dùng vũ lực đối với Đài Loan, cho rằng Đại lục bố trí tên lửa ở ven biển là nhằm vào Đài Loan; 57% dân Đài Loan lo lắng trong tương lai Đại lục sẽ phát triển quân lực đe dọa an ninh khu vực Đài Loan. Đến thời Mã Anh Cửu, giao lưu hai bờ được tăng cường nhưng dân Đài Loan vẫn còn ấn tượng không tốt đối với Đại lục

 

Phản ứng của chính giới Đài Loan, Viện trưởng Viện Hành chính Đài Loan Ngô Đôn Nghĩa cho rằng dỡ bỏ tên lửa là biểu hiện rất cụ thể và có thiện ý, chính quyền Đài Loan xem phát ngôn của Đại lục là xuất phát từ thiện ý, mong rằng thiện ý này sẽ nhanh chóng được thực hiện. Còn Chủ tịch Dân Tiến Đảng Thái Anh Văn cho rằng Ôn Gia Bảo nói rất hồ đồ, thậm chí còn vô nghĩa vì Trung Quốc có rất nhiều tính toán chính trị, hơn nữa sẽ thay đổi theo sự biến đổi của chính trị Đài Loan. Điều khiến mọi người nghi ngờ là tên lửa sau khi bị dỡ bỏ, thì tốc độ bố trí lại tên lửa sẽ nhanh như thế nào, dễ như thế nào. Nếu việc bố trí lại tên lửa là dễ dàng, thì phát ngôn của Ôn Gia Bảo chỉ là nói miệng mà thôi.

 

 

Phương Nga (gt)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)