Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này ở nước Nga là một điều gì đó hết sức kỳ lạ. Tất nhiên, giá trị đồng ruble đã giảm mạnh, giá cả ở các cửa hàng tăng vọt. Nhưng các nhà máy không ngừng hoạt động, không sa thải công nhân và các ngân hàng hầu như tất cả đều “sống”, thậm chí còn “sống khỏe mạnh”. Nhiều người, kể cả chính phủ chúng ta, nói chung tất cả đều tin rằng không có khủng hoảng. 

Tuy nhiên, nó đã xuất hiện, đơn giản chỉ là những yếu tố tiêu cực đã dần dần tích tụ. Tất cả những người có thể bị ảnh hưởng đều chịu đựng, lẳng lặng rút các khoản gửi ngân hàng không lãi suất, chịu đựng sức ép của đồng USD, nhưng đều cố gắng không thay đổi bất cứ điều gì trong công việc, cũng như trong tiêu dùng. Những ký ức lịch sử, kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng trước và khoản dự phòng của chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều cố gắng tích lũy trong những năm tháng kinh tế thịnh vượng, họ chơi chúng ta một trò quá bẩn thỉu: Tất cả chúng ta còn nhớ rằng năm 2009 còn tệ hơn nhiều so với hiện nay, nhưng giá dầu đã tăng nhanh chóng và tất cả đều trở lại bình thường như trước. 

Vương quốc của những chiếc gương cong 

Trong một thời gian dài, chúng ta sống trong vương quốc của những chiếc gương cong, nhiều tư tưởng, suy nghĩ bị biến dạng. Chúng ta đã ra sức xây dựng một nền kinh tế, mà trong đó, tiềm năng công nghiệp đứng thứ sáu trong top 10 quốc gia hàng đầu thế giới, chúng ta tiêu dùng ở cấp độ các nước có nền kinh tế tiên tiến nhất. 

Nền kinh tế Nga kể từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước cho đến nay vẫn tiếp tục là một nền kinh tế dựa trên nguyên-nhiên liệu và định hướng xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm thô, đơn điệu. Đó là một nền kinh tế ốm yếu. Nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế đó là “đổi nguyên vật liệu lấy chuỗi hạt”. Nói một cách đơn giản là đổi dầu lửa lấy lương thực, hàng tiêu dùng, ô tô và các vật dụng khác của nền văn minh thế giới. 

Đó là một nền kinh tế với mức độ tập trung vốn cao, với những tập đoàn tài phiệt và độc quyền, với tỷ trọng sở hữu nhà nước rất cao trong các ngành không chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước, sở hữu tư nhân không được bảo vệ, nhưng trên thực tế có sức cạnh tranh quyết liệt. Nền kinh tế với một hệ thống tài chính yếu kém, trong khi lại quá mở (bỏ qua tất cả những thời hạn hợp lý, khi mà trong những điều kiện nào đó mới được mở) và như vậy sẽ bị phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, chẳng hạn giá dầu lửa; dòng vốn từ nước ngoài cũng sẽ bị đầu cơ. 

Việc siêu tập trung hóa mức độ sở hữu, ngày càng gia tăng sở hữu nhà nước, đặc biệt là việc thiếu vắng sự cạnh tranh chuẩn mực của thị trường đã và sẽ dẫn đến lạm phát phi tiền tệ không thể kiểm soát được. Chính phủ đã tiến hành đấu tranh bằng những phương pháp tiền tệ. Kết quả là, lạm phát vẫn ở mức cao và tăng trưởng thấp. Trong những năm 2000, toàn bộ thanh khoản tiền tệ do xuất khẩu đem đến đã được bơm ra: Nhà nước đưa vào dự trữ ngoại tệ dư thừa; còn doanh nghiệp đưa nguồn vốn thoát khỏi những rủi ro và các loại thuế thiếu minh bạch, bất hợp lý. 

Từ năm 2000 đến năm 2014, nhập khẩu dưới dạng vật chất tăng 6 lần, thế nhưng GDP tổng cộng chỉ tăng được 94%. Nhu cầu tiêu dùng gia đình tăng 3,1 lần, trong khi đó sản xuất công nghiệp chỉ tăng được 73%. Xuất khẩu, nếu tách tất cả các thành phần ra khỏi giá, thì chỉ tăng 2,1 lần. Như vậy, có thể thấy rõ rằng sản xuất trong nước lạc hậu gấp nhiều lần so với mức độ tiêu thụ. 

Vậy thì đâu là nguồn tăng trưởng này? Đó chỉ có thể là từ nguồn thu thuế tài nguyên: Giá các mặt hàng xuất khẩu (chủ yếu là dầu lửa, khí đốt và kim loại công nghiệp) đã tăng hơn 5 lần. Trong khi đó nhờ củng cố được đồng ruble, giá nhập khẩu chỉ tăng khoảng 2,2 lần. Điều này đã làm cho hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh hơn và giá cả phải chăng. Dòng USD xuất khẩu dầu lửa không góp phần hiện đại hóa nền kinh tế, không được dùng để phát triển sản xuất và đầu tư chế biến nguyên liệu, mà chỉ làm gia tăng lạm phát tiêu dùng trong nước. Nhờ vậy mà mức độ tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ nước ngoài ngày càng tăng. Thêm vào đó còn là sự tăng lãi suất quá cao của các ngân hàng. Như vậy càng dễ hiểu rằng động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chúng ta chính là xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhập khẩu tất cả những gì chúng ta có thể mua được từ nước ngoài. 

Đồng thời cũng phải thấy rõ rằng chúng ta đã để mất tiềm lực công nghiệp được tích lũy bấy lâu nay, trong khi đó hầu như không tạo ra được cái gì mới. Theo số liệu chính thức, mức độ khấu hao tài sản cố định tăng từ 35,6% năm 1990 lên 39,3% năm 2000 và 48,2% vào năm 2013. Giá dầu lửa đắt đỏ không giúp được chúng ta: Việc tăng đầu tư gấp ba lần trong nền kinh tế trên thực tế không phải tập trung cho ngành công nghiệp chế biến và những ngành đạt siêu lợi nhuận mà tập chung vào khai thác dầu lửa, khí đốt, hóa dầu, luyện kim, thương mại và dịch vụ tài chính. 

Chính sách nâng giá đồng ruble và tín dụng lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương hy vọng có thể ngăn chặn nền kinh tế quá nóng và bùng nổ lạm phát, nhưng trên thực tế chỉ làm cho nước Nga trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhu cầu tiêu thụ và buôn bán hàng nhập khẩu; không giúp ích cho sản xuất, đầu tư và chế biến nguyên vật liệu. Trong khi đó Bộ Tài chính, cơ quan không ngừng gia tăng các loại thuế và những khoản đóng góp xã hội, ngành không làm ra tiền của và cơ sở hạ tầng xã hội, thì chỉ cần trong “một ngày đẹp trời” đã trở nên giàu sụ. Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính chỉ cần với một tay đã rút được tiền ra khỏi nền kinh tế, nhanh chóng hấp thụ đồng ruble thanh khoản quá mức. Mặt khác lại buộc các công ty và ngân hàng phải vay ở nước ngoài, sau khi cố tình tăng lãi suất vay tín dụng trong nước quá cao và với những thủ tục phức tạp. Kết quả là trong giai đoạn dự trữ dư thừa của nhà nước tăng từ 30 lên 600 tỷ USD, thì nợ bên ngoài của các công ty tăng từ 25 lên 630 tỷ USD. 

Chúng ta đã có “tăng trưởng mà không phát triển”. Tăng trưởng tiêu dùng được kích thích bởi “cơn mưa dầu lửa” tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của những năm 1990 và đã đến thời kỳ tươi sáng, huy hoàng. Có vẻ như chúng ta đã phát minh ra được cỗ máy thần kỳ, chuyển động vĩnh cửu, mà nhân loại còn chưa biết đến, nó cho phép chúng ta nâng cao mức sống của người dân, mà không cần quan tâm đến sản xuất trong nước, không cần nghĩ đến đầu tư và tăng năng suất lao động. Chúng ta đã xây dựng một lâu đài tuyệt đẹp trên cát - và ngay khi một làn sóng từ bên ngoài ập đến, thì lâu dài đó sụp đổ tan tành! 

Thêm một cuộc khủng hoảng và một lần nữa chúng ta chưa sẵn sàng 

Sự mất cân bằng cấu trúc đã không bị loại bỏ, nguồn đôla dầu mỏ cũng không thể cứu vãn, chúng ngày càng tích tụ và thấm sâu vào nền kinh tế của chúng ta. Giống như một khối ung thư, những dấu hiệu di căn ngày càng dễ tổn thương và càng phụ thuộc vào đồng đôla dầu mỏ. Lần đầu tiên căn bệnh xuất hiện trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Tuy nhiên, khi đó không có ai thực sự cảm nhận được, thấy sợ hãi và rút ra những kết luận cần thiết - các quan chức thì vội vàng mô tả tất cả những khó khăn đều bắt nguồn từ các vấn đề của nền kinh tế Mỹ cũng như các "dẫn xuất độc hại" khác. 

Khi ấy, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu in thêm tiền, phát hành tổng cộng khoảng hơn 5 tỷ USD. Sau khi giảm lãi suất bằng không, họ tung vào hệ thống tài chính toàn những đồng tiền siêu rẻ có thể đi vào các lĩnh vực sản xuất. Sau khi tăng nợ quốc gia 1,5 lần và sống với mức thâm hụt ngân sách từ 8% đến 12%, Mỹ, EU và Nhật Bản thay thế nhu cầu giảm của người dân và doanh nghiệp bằng đầu tư công và kích thích thuế. Chính điều đó đã cứu chúng ta cách đây 6 năm: Sau khi giảm 5 lần trong vòng 6 tháng, giá dầu lửa nhanh chóng rớt xuống đáy và đến mùa Xuân năm 2009 đã tăng lên đến 60 USD/thùng. Đến mùa Đông năm đó trên tất cả các thị trường đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng. Nền kinh tế Nga đã vượt lên: Trong khi cứu được bản thân, Mỹ và châu Âu cũng đã giải cứu cho chúng ta. 

Việc nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 lại tạo ra một ảo tưởng cho rằng mô hình kinh tế nguyên vật liệu có thể tăng trưởng, không phát triển, vẫn rất khả thi, mà không cần phải thay đổi bất cứ điều gì trong hạ tầng cơ sở. Các quan chức chỉ cần duy trì hệ thống phối hợp và thiết lập các mục tiêu. 

Hiện nay, để có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng, nhiệm vụ của chính phủ là chỉ cần thắt chặt hầu bao và giảm đầu tư, chờ giá dầu lửa nhanh chóng tăng lên. Chính phủ phân bổ hàng nghìn tỷ ruble cho các ngân hàng lớn, mà không có cơ chế hiệu quả đưa nguồn lực công đến khu vực sản xuất. Kết quả là trong tháng 1 - tháng 2, GDP đã giảm ước tính ở mức 2%, đầu tư giảm 6,5%, sản xuất công nghiệp thu hẹp khoảng 0,4%, trong khi đồng lương thực tế giảm 9,1%, lạm phát 16%. Và cũng không có gì phải ngạc nhiên khi biết rằng mức thâm hụt ngân sách hiện nay đã lên tới con số khổng lồ, tương đương 7,4% GDP; hoạt động kinh tế thu hẹp lại bởi nguồn nộp thuế vào ngân sách giảm mạnh. 

Đây mới chỉ là khởi đầu, đến cuối năm, nếu chính phủ không thay đổi chính sách, thì GDP hoàn toàn có thể giảm 7%, đầu tư giảm 25%, và mức sống của người dân giảm 15%. 

Tất nhiên, hiện nay, trước hết chúng ta cần phải đưa nền kinh tế ra khỏi cuộc khủng hoảng và ngăn chặn sự hủy hoại quy mô lớn đối với tiềm lực công nghiệp. Thế nhưng mục tiêu quan trọng số hai trong đó còn phức tạp hơn nhiều, bởi nó được thiết kế cho tương lai. Ngay từ bây giờ nó đã cần thiết để xây dựng một nền tảng cho tương lai nước Nga phi nguyên vật liệu, với trụ cột dựa trên vốn con người, sự năng động của công dân, tính sáng tạo cá nhân, sản xuất hiện đại. Chúng ta không thể bằng lòng mãi với những câu thần chú ngán ngẩm “rừng vàng, biển bạc”, “nền kinh tế dư thừa dầu lửa”, hay một lịch sử phong phú những thành tựu khoa học-kỹ thuật mà cả thế giới phải bái phục. Đối với một quốc gia như nước Nga chúng ta hiện nay, điều đó không còn là quá lớn. 

Chúng ta đang nói về việc thay đổi mô hình kinh tế, thay đổi cơ cấu nền kinh tế Nga, hình thành một logic phát triển mới. Tất yếu phải từ bỏ những giáo điều và nỗi ám ảnh sử dụng chính sách thực dụng nhằm phục vụ lợi ích của nguồn vốn trong nước và tình hình thực tế. Ngay từ năm 2017, với sự gia tăng đầu tư 10-15%, cần phải đạt được tăng trưởng kinh tế 4-5% GDP, và tiếp theo sau đó phải là 7-8%. Đối với chúng ta đây thực sự là một sức ép đè nặng trên vai. 

Cuộc khủng hoảng hiện nay là do con người gây ra, nó được tạo dựng bởi Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính, những cơ quan đã thực hiện các khoản cho vay tín dụng bằng đồng ruble mà không cần thế chấp xứng đáng; những cơ quan đã rút tiền từ nền kinh tế và dồn hết gánh nặng tài chính lên các lĩnh vực của đời sống thực tế. Những hoạt động như thu thuế, định giá địa chính bất động sản, phí giao dịch, tăng phí bảo hiểm, tăng các loại thuế khí đốt, xăng, điện và vận tải hàng hóa lên 10-15%, tín dụng đắt đỏ, v.v., tất cả những cái đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thực tế, không để cho nền kinh tế được dễ thở. 

Thế giới không suy thoái, nền kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ tăng trưởng 3-3,5%. Quả thật, giá dầu có giảm. Nhưng không có bất cứ một nước xuất khẩu dầu nào lâm vào cuộc khủng hoảng, không có nước nào đồng nội tệ bị phá giá 100%, không có lạm phát hai con số. Những khó khăn hiện nay của chúng ta là kết quả của những hành động không đủ năng lực và không chuyên nghiệp của các quan chức. 

Tốt nhất kết hợp cả hai hệ thống 

Mô hình phát triển mới của nền kinh tế Nga nên kết hợp cả hai phẩm chất cơ bản mà trước đây dường như không tương thích. Thứ nhất, nền kinh tế phải dựa trên thị trường tự do, kích thích sáng kiến cá nhân, khuyến khích tinh thần kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Hãy gọi nó là “NEP 2.0” (chính sách kinh tế mới 2.0) 

Thứ hai, nền kinh tế mới không nên dựa trên thương mại nhập khẩu và trung gian tài chính, mà phải dựa vào sản xuất trong nước thực sự. Để làm điều đó, chính phủ phải chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách công nghiệp có suy tính nghiêm túc, liên quan đến việc lập kế hoạch dự kiến. Điều này được thực hiện ở tất cả các nước phát triển, từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến Đức, Pháp và Mỹ. 

Trái ngược với những huyền thoại khá phổ biến, nhà nước ở các quốc gia đó không phải chỉ có “một người gác đêm” - nó chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghệ và kinh tế-xã hội. Nếu không, nó sẽ trở nên hỗn loạn và nhầm lẫn. Và nếu có ai đó sống sót, thì sau đó sẽ trở nên gần gũi hơn với các nguồn tiền ngân sách, vốn đầu cơ và những đồng vốn cho thuê. Hoạt động sản xuất, chế biến và mức độ xử lý nguyên liệu trong một hệ thống như thế chỉ có thể dẫn tới bị đè bẹp và nghiền nát. Đúng như những gì chúng ta đã thấy ở Nga. 

Công nghiệp hóa 2.0 

Nếu trong quá trình công nghiệp hóa của Liên Xô dẫn đến chính sách kinh tế mới (NEP - chính sách kinh tế mới được thực hiện ở Liên Xô trong thời gian 1921-1929 - ND), thì bây giờ cũng cần phải được tiến hành đồng thời, để tránh cực đoan và thái quá, phải làm đi làm lại. Chúng ta cần một “NEP công nghiệp”. Đây là công thức khởi đầu cho sự thành công như mong muốn - đó là sự kết hợp tối ưu những sáng kiến cá nhân và năng lực kinh doanh với một chính sách công nghiệp hóa thông minh của nhà nước. 

Nói cách khác, cần phải đồng thời đạt được hai mục tiêu: một mặt, như Tổng thống V. Putin đã chỉ ra rất đúng đắn rằng cần phải giải phóng tối đa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; mặt khác, cần phải hạn chế tối đa sự tham lam của các tập đoàn độc quyền tự nhiên và các tập đoàn tài chính muốn huy động đồng thời tất cả các nguồn lực của nhà nước, mà đáng lẽ phải đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên công nghiệp hóa mới và phát triển sản xuất. 

Không cho phép đàn áp doanh nghiệp và cấm đoán sở hữu tư nhân, không thể quay trở lại cái thị trường kỳ quái, thiếu cấu trúc cân đối và nền kinh tế buôn bán trung gian-môi giới. Cần phải tránh xa những thái cực đó để không lãng phí thêm hàng thập kỷ tiếp theo, mà vẫn không thể thoát ra khỏi nhóm các nước đang phát triển và vĩnh viễn nằm trong nhóm nước không phát triển. 

Chúng ta cần phải có một quá trình công nghiệp hóa mới và đa dạng hóa nền kinh tế dựa trên trụ cột sáng kiến cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu chúng ta có thể thực hiện một chương trình nghị sự như vậy và đạt được sự đồng thuận trong xã hội, thì chắc chắn quá trình công nghiệp hóa mới sẽ thành công. Đấy chính là “NEP công nghiệp”, “chính sách kinh tế mới trong công nghiệp”. Nó sẽ hấp thu và thể hiện tốt nhất lịch sử của chúng ta và kinh nghiệm quốc tế, sẽ cho phép vượt qua những mối đe dọa chủ yếu liên quan đến quá trình phản-công nghiệp hóa và đôla hóa nền kinh tế, phá hoại quyền sở hữu và làm cạn kiệt sức lao động. 

Tuy nhiên, để tạo ra được khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới, thì nước Nga cần phải có một nền kinh tế chi phí thấp: đồng ruble giá rẻ (thực sự thích hợp trình độ phát triển kinh tế), cho vay đồng ruble giá rẻ, nguyên liệu thị trường trong nước giá cả phải chăng và các mặt hàng năng lượng như khí đốt, điện, cũng như giao thông, vận tải đường sắt giá phải rẻ, v.v. Gazprom - tập đoàn công nghiệp khai thác khí đốt - là tài sản quốc gia của chúng ta, do đó giá khí đốt trong nước cần phải ở mức thấp, cạnh tranh và nó chỉ có thể là độc quyền nhà nước trên lĩnh vực xuất khẩu. 

Đây là nền kinh tế có mức thuế thấp đối với sản xuất và đầu tư, nhưng lại là nền kinh tế có mức thuế cao đối với tiêu thụ và những người có thu nhập cao (cần phải có một danh mục thuế tiên tiến đối với thu nhập của các thể nhân, không nên đánh thuế nặng đối với các tầng lớp trung lưu mới nổi). Đây cũng là nền kinh tế có mức chi phí hành chính thấp, có nghĩa là “rẻ”, nhưng phải hiệu quả, minh bạch và nhà nước không tham nhũng. Đặc điểm của nền kinh tế này phải là có năng suất lao động cao và cân bằng với mức tiền lương. 

Chúng ta không thể đóng cửa với thế giới bên ngoài, giam mình vào tình trạng cô lập, trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta không thể cho phép buông một bức mành thép mới, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta duy trì một nền kinh tế thiếu sức cạnh tranh, bảo tồn một nền công nghiệp, khoa học-kỹ thuật lạc hậu. Nhưng chúng ta cũng không thể mở rộng cửa ra tất cả “bốn phương, tám hướng”, để những luồng gió độc, hay những làn sóng tư bản quá nóng có thể gây hại cho chúng ta. Nền kinh tế mới phải được mở cửa với thế giới bên ngoài theo mức độ phát triển sản xuất trong nước và hệ thống tài chính. 

Tạo môi trường thuận lợi và thoải mái nhất cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, kèm theo là chuyển giao công nghệ hiện đại và bí quyết, điều đó cần thiết phải thanh lọc những nguồn “tư bản đầu cơ nóng” và ngăn chặn sự tăng trưởng quá mức các khoản vay ngắn hạn từ bên ngoài. 

Bảo vệ thị trường hàng hóa và tài chính của mình, chúng ta cần phải không thua kém hơn các đối thủ cạnh tranh của chúng ta trên thị trường thế giới. Chúng ta cần bảo hộ một cách vừa phải, ít nhất là ở cấp các nước Liên minh châu Âu (EU), nhưng phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế tốt hơn so với Trung Quốc và các nước mới công nghiệp hoá khác. Ở đây, xuất hiện câu hỏi về Tổ chức thương mại thế giới (WTO) - trở thành thành viên của tổ chức này không phải là mục đích tự thân. 

Nếu chúng ta còn tồn tại trong WTO, thì nhà nước không phải chỉ thể hiện trên lời nói, mà phải tạo ra những điều kiện thực tế để các doanh nghiệp có thể hoạt động bình đẳng trong nước Nga và ở nước ngoài. Đương nhiên, những điều kiện thực tế đó là tất cả các tiêu chuẩn - từ lãi suất cho vay và sự hỗ trợ đối với nhà sản xuất trong nước, đến bảo vệ quyền sở hữu, mức giá nguyên-nhiên liệu, xăng, dầu, khí đốt, điện và vận tải hàng hóa… 

Hiện nay chúng ta còn chưa nhận thấy rằng chi phí sản xuất ở Nga cao hơn nhiều lần so với ở châu Á và thậm chí cả ở châu Âu. Đó là lý do tại sao nguồn tư bản đang dần dần rời khỏi nước Nga. Bởi ở đây những cơ sở sản xuất có tăng trưởng và có lãi đang ngày càng ít đi, càng đầu tư càng lỗ, áp lực của đội quân thanh-kiểm tra không ngừng tăng lên. Chỉ trong vòng từ năm 2008 đến năm 2014 đã có hơn 497 tỷ USD rời khỏi nước Nga – chiếm 1/4 GDP của chúng ta. 

Trong trường hợp cần phải đặt vấn đề rút khỏi WTO - thì lợi ích của các nhà sản xuất trong nước, người tạo công ăn việc làm, nộp thuế và đầu tư cho tương lai của đất nước phải cao hơn bất cứ một chuẩn mực nào, thậm chí là tự do nhất. Cuối cùng thì trong WTO có hơn một trăm quốc gia trên thế giới, những nước này trong khuôn khổ WTO chỉ ngày càng gia tăng khoảng cách với các nước dẫn đầu. Đương nhiên, chúng ta sẽ không đi cùng với họ trên con đường đó. 

Trong quá trình xây dựng một nền kinh tế mới cần phải chú ý tới tất cả những thực tế mới, mà trước hết là tình trạng đồng ruble giảm mạnh và nhu cầu trong nước tăng cao do lạm phát. Trước đây, chúng ta có một nền kinh tế giàu có, với thu nhập đó cho phép một số người dân Nga có thể mua sắm những thứ đắt nhất trên thế giới, cả về thực phẩm, quần áo lẫn nhà cửa. Hàng trăm cửa hàng với những hàng hóa thương hiệu đắt giá nhất trên thế giới đã mọc lên ở nhiều thành phố để phục vụ người Nga. Giờ đây, sau sự sụp đổ của đồng ruble, những cửa hàng đó đã trở nên xa lạ với nhu cầu trong nước. Cần phải thừa nhận rằng sẽ không có con đường nào trở lại “nền kinh tế đường ống hấp dẫn” trước đây nữa, mặc dù vẫn có một số người mong muốn và ra sức đưa chúng ta trở lại cái thời dĩ vãng đó. 

Những mục tiêu mới và logic phát triển 

Tuy rằng có tin tốt - sự mất giá hai lần của đồng ruble đã làm cho sản phẩm sản xuất trong nước có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong và ngoài nước. Bây giờ để có thể được một USD hàng nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ phải cần tới mức chi phí gần gấp đôi - điều đó không thể nào so sánh được với cách tiếp cận đúng với chính sách kinh tế có thể và nên được thực hiện.

Điều chủ yếu nhà nước cần phải làm hiện nay là bằng mọi cách ngăn chặn, không để phát triển những cơ sở sản xuất thiếu tính cạnh tranh, chi phí sản xuất cao. Cùng với đó, giảm chi phí tín dụng sẽ là một xung lực mạnh mẽ cho sản xuất trong nước và đầu tư. Hệ quả sẽ là tăng việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống. 

Đây chính là quy trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế quảng canh, “tăng trưởng mà không phát triển” dựa trên khai thác và xuất khẩu nguyên vật liệu, làm xói mòn qũy tài nguyên thiên nhiên, để tiến tới một nền kinh tế “phát triển theo chiều sâu”, năng suất lao động cao. Điều đó cần phải trở thành nền tảng của chính sách kinh tế mới và sẽ là sự đảm bảo quan trọng cho mức sống cao của người Nga trong tương lai. 

Không có nguồn đôla dầu mỏ nào đủ để trang trải cho những khoản vay nước ngoài và nhập khẩu hàng hóa: lương thực, thực phẩm ngon lành, quần áo thời trang, đồ gia dụng và xe hơi sang trọng. Chỉ có nền kinh tế tiên tiến, khả năng cạnh tranh cao, với trình độ chế biến nguyên vật liệu, khoáng sản và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ - thì đấy mới chính là nền tảng cho cuộc sống sung túc của chúng ta. 

Rõ ràng là sự cần thiết phải thay đổi logic phát triển, tính tất yếu thiết lập một nhà nước hướng tới mục tiêu đó đã chín muồi từ lâu. Nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước trong 15 năm, mà tự thân nó đã chỉ rõ, là duy trì sự ổn định xã hội và kinh tế vĩ mô. Cú sốc của những năm 1990 đã minh chứng rõ ràng cho điều này, ít nhất là trong thời gian nửa đầu của những năm dự trữ bằng không. 

Thế nhưng tư tưởng này đã bị lấp liếm, che giấu đến mức không còn có thể nhận ra được nữa - một số “chỉ tiêu chính thức” nào đó, hoàn toàn không phản ánh tình hình thực tế và không hề gắn với thực tế sản xuất, đã trở thành “linh vật” trong những báo cáo. Ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội được nhìn nhận dưới một góc độ hẹp và một chiều: tất cả đều được quy tụ vào một “túi đệm” được gọi là “bảo đảm an ninh”. Nhân cái cớ này người ta rút tiền từ nền kinh tế, giảm nợ công, tăng thuế, ngăn chặn thâm hụt ngân sách và chống lạm phát bằng các khoản vay đắt giá. 

Các mục tiêu phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế đã bị lãng quên - giá dầu cao chỉ giúp họ được nghỉ ngơi tận hưởng những vinh quang. Cuộc khủng hoảng những năm 2008-2009 đã đem đến cho chúng ta bài học đắt giá hơn nhiều so với tất cả các nước BRICS (các nước có nền kinh tế mới nổi: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - P.v) và nhóm G-20, và cuộc khủng hoảng hiện nay, trên thực tế, bắt đầu từ năm 2013, đã chứng minh rằng nó là một con đường cụt. 

Mục tiêu chính sách kinh tế mới phải là không có lạm phát và dự trữ đủ ăn trong vòng một năm rưỡi đến hai năm. Mục tiêu phải là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đầu tư, tạo ra môi trường việc làm năng suất cao, tăng cường hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vật liệu giá trị gia tăng cao. Đã đến lúc bắt đầu phải khai thác thuế phi tài nguyên thiên nhiên, thuế công nghệ-khoa học, đổi mới và áp dụng phát minh sáng chế. 

Chúng ta phải tiến hành đánh giá các hoạt động của Chính phủ về KPI - những chỉ số cơ bản về hiệu quả. Tất nhiên, không chỉ về số lượng (tăng trưởng GDP, đầu tư, tạo việc làm mới…), mà trước hết phải là về chất lượng (chỉ số phát triển con người, chiều sâu của công nghệ chế biến nguyên liệu, giá trị gia tăng trong công nghiệp chế biến tính theo đầu người và cả mức chi phí và độ hoàn vốn từ những công trình nghiên cứu, thiết kế thử nghiệm…). 

Điều tương tự cũng được áp dụng đối với Ngân hàng Trung ương. Tổ chức tài chính này không nên gây ra lạm phát, trong khi phá hoại sản xuất và doanh nghiệp nhỏ bằng chính sách tín dụng lãi suất cao và kiềm chế nguồn vốn, mà phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và giá trị của các nguồn tín dụng cho khu vực đời sống thực tế. Đây là cách tiếp cận chất lượng đối với chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương cần phải trở thành xương sống của chính sách phát triển. Nói cách khác, Ngân hàng Trung ương cần phải là ngân hàng của sự nghiệp phát triển. 

Đây chỉ là bản phác thảo đầu tiên và những đặc điểm chung nhất của mô hình kinh tế mới - NEP công nghiệp. Cụ thể cần phải làm gì - đây không phải là một câu chuyện có thể nói ngắn gọn. 

Ngày nay, nền kinh tế phồn vinh, giống như quyền lực chính trị vào đầu thế kỷ XX của đế quốc Nga, đã hoàn toàn bị chà đạp. Chúng ta cần phải thoát ra khỏi những tín điều tinh thần, những câu chuyện thần thoại duy lý và các rào cản ý thức hệ, mà chúng vẫn đang tiếp tục phân chia xã hội, và sẵn sàng tham gia một hành trình phức tạp và đầy rủi ro, nhưng thú vị và bổ ích - đó là sự nghiệp xây dựng nền kinh tế mới của Nga. Hy vọng rằng trên con đường mới này sẽ không có thêm những rào cản cũ, đường của chúng ta sẽ được lấp đầy thắng lợi và thành công.

Bài phân tích của nhóm chuyên gia kinh tế Boris Titov, Vladislav Zhukovsky, Yaakov Mirkin được đăng trên tờ Nezavisimaya Gazeta (Báo Độc lập, Nga).

Thúy Bình (gt)