Trong khi các chuyên gia phân tích đã nhanh chóng kết nối vùng ADIZ này với các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, thì quy mô, thời gian và mức độ thực thi dường như không phù hợp với lợi ích tổng thể trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Quy mô ADIZ của Trung Quốc cho thấy hai ý niệm chính sách đặc biệt. Đầu tiên, ADIZ đang phản ánh tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh bằng việc gộp vào khu vực này quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku (tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản) và bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham (tranh chấp giữa Trung Quốc với Hàn Quốc). Thứ hai, ngoại trừ các khu vực tranh chấp và một vùng lớn ở giữa không trung, ADIZ của Trung Quốc còn bao trùm lên một phạm vi rất lớn, bao gồm các vùng ADIZ tồn tại từ trước của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. 

Tuy nhiên, vấn đề thứ nhất là Đài Loan, mặc dù được loại trừ khỏi ADIZ của Trung Quốc, nhưng lại tượng trưng cho khát vọng thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu như Bắc Kinh loại trừ Đài Loan với giả thuyết hòn đảo này đã là một phần không thể thiếu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì tại sao họ lại còn cần một ADIZ để củng cố các tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực? Vấn đề thứ hai là việc Trung Quốc gộp cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham vào ADIZ. Đây là một đảo đá ngầm nhỏ nằm giữa vùng lãnh hải tranh chấp giữa các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù cuộc xung đột lãnh thổ này đã xuất hiện từ nhiều năm qua, nhưng nó chưa bao giờ đạt đến cấp độ một cuộc tranh chấp chính trị hay thậm chí tranh chấp ngoại giao. 

Điều làm gia tăng hoài nghi này là việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố hôm 25/11 rằng “không có tranh chấp lãnh thổ” giữa Seoul và Bắc Kinh đối với bãi đá ngầm Ieodo. Do đó, nếu như không có tranh chấp lãnh thổ thì tại sao Trung Quốc lại cố tình đưa bãi đá ngầm Ieodo vào ADIZ của mình? Nói một cách đơn giản, ADIZ của Trung Quốc ít nhất cũng là một khu vực quá nhỏ và cũng có thể quá lớn để Trung Quốc có thể chỉ dựa vào nó trong các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển Hoa Đông. Thời gian của Bắc Kinh dường như cũng đã hết. Ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang thúc đẩy “Sáng kiến hòa bình và hợp tác Đông Bắc Á” của bà để xây dựng lòng tin ở cấp độ khu vực. Ở Đài Bắc, vào tháng 11 Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã vạch ra một kế hoạch nhằm tăng cường cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc đại lục bằng cách theo đuổi một thỏa thuận thương mại mới. Và ở Washington, các quan chức khá lạc quan về tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc sau kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình và tuyên bố của Trung Quốc về chương trình nghị sự cải cách tại Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. 

Chỉ có ở Tokyo là các mối quan hệ với Trung Quốc đã vấp phải căng thẳng dai dẳng xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Và kết quả là Bắc Kinh có thể đã chọn một thời điểm không thể tồi tệ hơn để tiến lên trong một vấn đề sẽ làm cho các mối quan hệ và tiến trình xây dựng lòng tin của họ với Seoul, Đài Bắc và Washington rơi vào tình trạng “ngã bổ nhào”. Mức độ thực thi bên trong ADIZ của Trung Quốc đã làm gia tăng sự hỗn độn hiện nay. Trong khi các máy bay thương mại buộc phải tuân thủ các quy định về ADIZ của Trung Quốc để tránh bất kỳ tổn thất nào về cổ phiếu trên thị trường, các nhà lãnh đạo quân sự và ngoại giao ở Washington, Tokyo, Seoul, và thậm chí là Canberra đã nhanh chóng khẳng định rằng họ sẽ không phục tùng sự ép buộc và hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông. 

Vào ngày 25/11, không quân Mỹ đã thách thức quyết tâm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng việc điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong một sứ mệnh tự do hàng không. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan kể từ đó đã theo chân Mỹ bằng cách điều các máy bay chiến đấu của họ bay vào ADIZ của Trung Quốc mà không thông báo cho nhà chức trách nước này. Đến nay vẫn chưa có một phản ứng bạo lực nào đối với các vụ xâm phạm. Điều này có thể cho thấy thái độ của Bắc Kinh linh hoạt hơn so với các quy định về ADIZ mà họ nêu ra. Nếu như không quân Trung Quốc không thực hiện quy định này thì ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố ở biển Hoa Đông chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, ít có hiệu quả trong việc bảo vệ đất nước. 

Nói tóm lại: Đầu tiên, ADIZ của Trung Quốc có ít tác dụng đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này. Thứ hai, động thái thiết lập ADIZ của Bắc Kinh đi ngược lại tiến trình xây dựng lòng tin khu vực của họ. Và thứ ba, vùng ADIZ này có lẽ sẽ không góp phần vào việc bảo vệ đất nước của người Trung Quốc. Về mặt thực chất, vùng ADIZ đang bỏ lỡ một lý lẽ chính sách đối ngoại, điều sẽ bào chữa cho tác động tiêu cực mà nó đang tạo ra. Nếu như ADIZ chỉ nhằm để đặt cược vào cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thì nó đã bị phản tác dụng mạnh mẽ. Và nếu như ADIZ là nhằm góp phần vào sự ổn định và hòa bình trong khu vực như đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, thì nó đã tạo ra một hiệu quả hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn chưa được trả lời để có thể hiểu đầy đủ về hành vi phi lý của Bắc Kinh. Tại sao Trung Quốc lại chọn việc cố tình làm cho các nước láng giềng trên biển của họ phải khó chịu và gây ra một sự đối đầu quân sự có thể dự đoán được trước với Washington ? 

Liệu đây có phải là một hành động thiếu chuyên nghiệp của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay ADIZ của Trung Quốc được khái niệm hóa cho người dân trong nước bằng cách cưỡi lên ngọn sóng chủ nghĩa dân tộc? Dù thế nào, thì tình hình đang rất tồi tệ đối với “câu thần chú” cửa miệng của Bắc Kinh về việc củng cố sự ổn định, hòa bình và hợp tác khu vực, khi những điều mà cả thế giới ngay giờ đây đang nhìn thấy là khủng hoảng, xung đột và chủ nghĩa đơn phương. Có cảm giác là Bắc Kinh đã tự tay tạo ra cơn ác mộng địa chính trị tồi tệ nhất của họ bằng việc tăng cường các liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, trong khi bản thân nước này lại bị coi là kẻ bắt nạt ở biển Hoa Đông. Nếu như Trung Quốc từng lo sợ về việc bị bao vây bởi Mỹ, thì đây sẽ là thời điểm mà điều đó đã hoàn toàn trở thành sự thật. 

Mỹ Anh (gt)