Ngày 22/1/2013, Philippines gửi "Tuyên bố và Thông báo khởi kiện" Trung Quốc theo cơ chế Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mặc dù Trung quốc từ chối tham gia, theo Điều 9 Phụ lục VII UNCLOS tiến trình trọng tài vẫn được tiếp tục và Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã được chọn làm Ban thư ký cho tòa trọng tài trong vụ kiện này.

Điều kiện để khởi kiện

Để khởi kiện tại cơ chế này, về thủ tục, Philippines phải đáp ứng được các điều kiện là (i) chứng minh có tồn tại tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS giữa Philippines và Trung Quốc, (ii) đã trao đổi quan điểm về giải quyết tranh chấp với Trung Quốc mà không đạt được kết quả và (iii) hai bên không chọn cơ chế giải quyết tranh chấp nào khác thay cho UNCLOS. Trung Quốc cho rằng Philippines không được phép khởi kiện vì chưa hoàn thành các điều kiện này. Toà Trọng tài trong phán quyết về thẩm quyền đã khẳng định rằng Philippines đã hoàn tất các điều kiện về thủ tục và công nhận quyền đơn phương khởi kiện của Philippines.

Về nội dung, để khởi kiện được ra Toà Trọng tài này, các tranh chấp mà Philippines khởi kiện phải là tranh chấp về giải thích và thực hiện UNCLOS và không thuộc các ngoại lệ mà Toà Trọng tài không có thẩm quyền

Bốn nhóm vấn đề Philippines đệ trình

Trong Bản tranh tụng do Philippines nộp lên Toà, Philippines yêu cầu Toà xem xét 15 đệ trình. Các đệ trình này có thể được phân loại thành bốn nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp

Trước hết, Philippines khẳng định các vùng biển của Trung Quốc trên Biển Đông, giống như của Philippines, không thể vượt quá những gì được cho phép trong UNCLOS. Yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền và quyền tài phán và về "quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm bên trong "đường lưỡi bò" là trái với các quy định của UNCLOS và không có giá trị pháp lý vì các yêu sách này vượt quá các vùng biển mà Trung Quốc được hưởng theo quy định của UNCLOS.

Thứ hai, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài làm rõ quy chế pháp lý của một số thực thể ở Biển Đông  

Theo Philippines, bãi Vành Khăn (Mischief Reef), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Xu Bi (Subi Reef), Ga Ven (Gaven Reef) và Ken Nan (McKennan Reef) (bao gồm cả Tư Nghĩa (Hughes Reef)) là các bãi nửa nổi nửa chìm, nghĩa là nổi khi thủy triều xuống thấp và chìm khi thủy triều lên cao. Theo UNCLOS, các bãi nửa nổi nửa chìm không được hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Trong các bãi nửa nổi nửa chìm trên, Philippines đặc biệt yêu cầu Tòa Trọng tài xác định bãi Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc EEZ và thềm lục địa của Philippines.

Ngoài các bãi nửa nổi nửa chìm, Philippines còn yêu cầu Toà Trọng tài kết luận bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal), Gạc Ma (Johnson Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef) và Chữ Thập (Fiery Cross Reef) chỉ là đá vì “không có khả năng cho con người cư trú và không có đời sống kinh tế riêng”. Do đó, chúng chỉ có 12 hải lý lãnh hải mà không được hưởng quy chế về EEZ và thềm lục địa.

Thứ ba, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua ở Biển Đông là bất hợp pháp

Cụ thể, Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp vào việc thụ hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của Philippines đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa Philippines. Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế khi không ngăn chặn được công dân và tàu bè nước này khai thác tài nguyên sinh vật trong vùng EEZ của Philippines. Việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động đánh bắt truyền thống của ngư dân Philippines tại Scarborough, cản trở ngư dân Philippines tìm kiếm sinh kế là bất hợp pháp. Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại Scarborough và Cỏ Mây. Việc Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng tại Vành Khăn đã: (a) Vi phạm các quy định của UNCLOS về các đảo nhân tạo, công trình và cấu trúc trên biển; (b) Vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển mà UNCLOS quy định; (c) Là các hành vi bất hợp pháp nhằm tìm cách chiếm hữu các thực thể này, vi phạm UNCLOS. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS khi triển khai lực lượng tàu chấp pháp theo cách thức nguy hiểm, gây nguy cơ đâm va nghiêm trọng cho các tàu Philippines di chuyển quanh Scarborough. Từ khi Philippines bắt đầu vụ kiện vào tháng 1/2013 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều hành vi sai trái làm nghiêm trọng hóa và mở rộng tranh chấp, trong đó bao gồm: (a) Cản trở quyền qua lại trên biển của Philippines trong các vùng nước trong và tiếp liền với bãi Cỏ Mây; (b) Ngăn cản việc đảo quân và tiếp tế cho binh sĩ Philippines đóng quân tại bãi Cỏ Mây; (c) Gây nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần của các binh lính Philippines đóng tại bãi Cỏ Mây.

Thứ tư, Philippines yêu cầu Tòa kết luận Trung Quốc không được có thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp khác trong tương lai.

Theo yêu cầu của Tòa Trọng tài, Philippines làm rõ và cụ thể hóa đệ trình số 15 và đề nghị Tòa Trọng tài tuyên bố: Trung Quốc không được tiếp tục các tuyên bố và tiến hành hoạt động bất hợp pháp như Philippines đã liệt kê trong đơn kiện; Trung Quốc phải tôn trọng và không được tiếp tục có những hành động vi phạm các quyền lợi và quyền tự do của Philippines trong tương lai và phải tôn trọng nghĩa vụ bảo vệ môi trường; các thực thể ở Trường Sa chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải, không có thực thể nào có 200 hải lý vùng EEZ và thềm lục địa, vì thế Trung Quốc không được phép tuyên bố vùng EEZ và thềm lục địa đối với các thực thể này.

Lựa chọn bốn nhóm đệ trình trên, Philippines đã khéo léo lách qua khe cửa hẹp khi không đề cập tới các vấn đề trong tuyên bố bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc, bao gồm: các tranh chấp về phân định biển, tranh chấp về danh nghĩa lịch sử và vịnh lịch sử, tranh chấp về việc thực thi luật pháp liên quan đến nghề cá và nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế, tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự và các tranh chấp đang được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét. Cho tới nay, Toà Trọng tài mới ra phán quyết đầu tiên về thẩm quyền xét xử vụ kiện vào ngày vào ngày 27/10/2015. Tại phán quyết này, toà đã bác lập luận của Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền và kết luận có thẩm quyền với 7/15 đệ trình của Philippines về các vấn đề: (i) phân loại 9 thực thể, (ii) xác định vùng biển và quyền đánh cá truyền thống của Philippines tại Scarborough, (iii) vi phạm của Trung Quốc về bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải.

8/15 đệ trình còn lại về các vấn đề: (i) đường lưỡi bò, (ii) xác định Vành Khăn và Cỏ Mây thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines và (iii) các vi phạm khác của Philippines về nghề cá và dầu khí trong vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines cũng như việc Trung Quốc làm trầm trọng hoá tranh chấp sẽ được tiếp tục xem xét và kết luận tại phán quyết về nội dung của vụ kiện.

Sau phiên tranh tụng về nội dung đã diễn ra vào tháng 11/2015, dự kiến phán quyết cuối cùng của Toà Trọng tài sẽ được đưa ra trong năm 2016. Dù đã khẳng định sẽ phớt lờ mọi phán quyết của PCA, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn của cộng đồng quốc tế nhằm buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết đó.

Quách Thị Huyền (Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao)

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.