elec33.jpg

Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ thừa hưởng một thế giới đang sục sôi. Người cuối cùng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa Thu 2016 sẽ bước vào Phòng Bầu dục và phải đối mặt với một loạt vấn đề toàn cầu cấp bách - và khó khăn. Việc vị tổng thống này sẽ giải quyết chúng như thế nào sẽ quyết định vị trí của Mỹ trên thế giới trong phần lớn thời gian của thập kỷ tới. Như vậy, nó có giá trị kiểm chứng những gì vị tổng tư lệnh tương lai sẽ bị buộc phải đương đầu trên sân khấu thế giới.

Một Iran táo bạo

Đối với Chính quyền Obama, thỏa thuận hạt nhân được các nước lớn trong nhóm P5 + 1 và Iran kí kết vào mùa Hè 2015 là một thắng lợi chính trị chủ chốt. Nhưng việc thông qua Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) không báo hiệu dấu chấm hết cho những thách thức Iran mà Mỹ phải đương đầu. Thay vào đó, nó đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới - và thậm chí còn đầy thử thách hơn - trong chính sách Trung Đông của Mỹ, vì ít nhất hai lý do.

Thứ nhất, trái với những cam kết của Chính quyền Obama ngay từ đầu các cuộc đàm phán vào tháng 10/2013, thỏa thuận cuối cùng được ký kết với Iran không phải là một giải pháp lâu dài cho các tham vọng hạt nhân của nước này. Thay vào đó, các điều khoản của thỏa thuận đem lại cho Iran một lộ trình chậm hơn, nhưng dự đoán được, dẫn đến khả năng chế tạo “bom”. Trong thời gian đó, các điều khoản chủ chốt của thỏa thuận này sẽ cho phép chế độ Iran củng cố những quy trình hạt nhân của mình - đưa nước này tiến gần hơn đáng kể đến sự bùng nổ hạt nhân khi thỏa thuận hết hiệu lực sau một thập kỷ.

Các nước láng giềng của Iran hiểu rất rõ tình thế này, đó là lý do tại sao nhiều nước đã bắt đầu vũ trang để đáp trả. Chẳng hạn, Saudi Arabia đã khôi phục động thái hướng tới khả năng hạt nhân của riêng mình, sử dụng lực đòn bẩy của sự hỗ trợ tài chính mà trước đây họ cung cấp cho Pakistan như một phương tiện để bảo đảm một lựa chọn hạt nhân “có sẵn” tiềm năng. Các nước khác có thể được cho là sẽ bắt chước theo, chắc chắn dẫn đến một “Trung Đông đa hạt nhân”, trong đó nhiều quốc gia tìm cách có được khả năng hạt nhân tấn công như một đối trọng chiến lược với sự hạt nhân hóa cuối cùng của Iran. Trấn an các quốc gia này, và làm nản chí động lực của họ hướng tới vị thế hạt nhân, sẽ đòi hỏi Mỹ phải đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ quốc phòng (bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa) có thể giúp làm “cùn” đi tiềm năng hạt nhân của Iran.

Thứ hai, thỏa thuận này đem lại cho Iran lợi ích kinh tế chưa từng có. Trong năm tới, theo các điều khoản của JCPOA, Iran sẽ thu được 100 tỷ USD hoặc hơn doanh thu dầu mỏ được đảm bảo trước. Quy mô của viện trợ kinh tế này là đáng kinh ngạc; nó chiếm 1/4 hoặc nhiều hơn tổng GDP hàng năm của Iran, và sánh được hay vượt cả toàn bộ cái gọi là "Kế hoạch Marshall" do Chính quyền Truman khởi xướng năm 1948 để xây dựng lại một châu Âu bị chiến tranh tàn phá sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn nữa, các quỹ này sẽ được bổ sung bằng thương mại mở rộng sau lệnh trừng phạt của Iran với các quốc gia châu Âu và châu Á, mà nhiều nước trong đó hiện đang xây dựng lại quan hệ kinh tế của mình với nước Cộng hoà Hồi giáo.
Sự kích thích kinh tế đó, đến lượt nó, có thể được cho là sẽ tạo điều kiện cho một loạt hành vi mang tính phá hoại của Iran trong những năm tới, từ việc chế độ này tăng cường hỗ trợ cho khủng bố tới mở rộng các khả năng quân sự của mình. Quả thực, điều này đã xảy ra; trong những tháng gần đây, nước Cộng hòa Hồi giáo đã ký kết một loạt thỏa thuận để có các thiết bị quân sự với Trung Quốc và Nga, và tăng tốc hỗ trợ cho lực lượng ủy nhiệm tại Yemen, Bahrain, và vùng lãnh thổ Palestine, trong số những nơi khác. Giảm thiểu khả năng đang tiến triển của Iran và dập tắt chủ nghĩa phiêu lưu của nước này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cần phải tăng cường sự phối hợp phòng thủ và tình báo của mình với các đồng minh trong khu vực, cũng như đầu tư nhiều hơn vào an ninh của các nhà nước đó.

Nhà nước Hồi giáo

Vào ngày 13/11, trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức ABC, Tổng thống Obama đã bày tỏ sự lạc quan về tình hình chiến lược chống khủng bố của Mỹ, cho rằng chính quyền của ông đã “kiềm chế” thành công Nhà nước Hồi giáo (còn được gọi là IS). Chỉ vài giờ sau đó, đánh giá của Tổng thống đã được chứng minh là sai lầm một cách ngoạn mục khi các phần tử vũ trang được IS truyền cảm hứng đã tiến hành một vụ tấn công bạo lực đẫm máu ở Paris khiến 130 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương.

Các vụ tấn công Paris là một lời nhắc nhở tàn độc về sự phá sản của chiến lược chống khủng bố của Mỹ cho đến nay. Kể từ mùa Thu năm 2014, Nhà Trắng đã đưa ra 9 “tuyến nỗ lực” riêng biệt nhằm kiềm chế và tước đi sức mạnh của IS. Không kể những điều khác, chúng bao gồm những nỗ lực nhằm mục tiêu vào các nguồn tài trợ khác nhau của tổ chức này, hỗ trợ cho các quốc gia Trung Đông trong khu vực, và thách thức câu chuyện mang tính hệ tư tưởng của chúng. Tuy nhiên, với ngoại lệ đáng chú ý là những nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm kiềm chế hoạt động trao đổi buôn bán dầu mỏ của IS (cái gọi là “tuyến nỗ lực” thứ 5), cho đến nay Washington hầu như không làm được gì đáng kể về thực chất để đối phó những sự quấy nhiễu gây ra bởi mối đe dọa khủng bố hàng đầu hiện nay.

Thận trọng trong việc cam kết với một mặt trận chiến tranh mới, Nhà Trắng của Obama chỉ cung cấp hỗ trợ quân sự trên danh nghĩa cho Chính phủ Iraq, hoặc các nhà nước Vùng Vịnh dễ bị tổn thương ở khu vực lân cận của Iraq và Syria hiện đang phải vật lộn với những sự cố của chính họ về tình trạng bất ổn Hồi giáo. Bất chấp cam kết của nước này là “chống lại bản chất thật sự của IS”, Washington vẫn bị vượt mặt cả về nhân lực lẫn hỏa lực trong "cuộc chiến tư tưởng" mà IS hiện đang tiến hành với tác động to lớn đến nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau. Điều này phần nào khiến cho Mỹ không thể ngăn được dòng chiến binh nước ngoài gia nhập hàng ngũ IS ở Syria và Iraq trong một năm rưỡi qua - một con số mà theo các chuyên gia hiện bằng hơn một nửa tổng số các phần tử thánh chiến đã tham gia cuộc thánh chiến chống lại Liên Xô ở Afghanistan từ năm 1979 đến năm 1989. Và về vấn đề thiết yếu là xoa dịu nỗi khổ đau nhân đạo mà đã trở thành một sản phẩm phụ chủ yếu của cuộc nội chiến Syria, trên thực tế Mỹ đã hoàn toàn không làm được gì cả (một tình trạng đã góp phần vào cuộc khủng hoảng di cư ngày càng sâu sắc hiện nay đang nhấn chìm cả châu Âu).

Có thể và phải thực hiện nhiều điều hơn nữa trên mặt trận chống khủng bố nếu Mỹ hy vọng đảo ngược chiều hướng hiện tại, bất lợi của hoạt động Hồi giáo trên toàn thế giới. Đơn giản là, Mỹ và các đồng minh của nước này cần phải can dự nghiêm túc hơn nhiều vào cuộc chiến chống khủng bố so với những gì họ làm cho đến nay. Điều này, đến lượt nó, sẽ đòi hỏi Washington phải tái cam kết bản thân mình với một "cuộc chiến lâu dài" chống lại IS và những môn đồ ý thức hệ của nó, bằng tất cả những gì mà cuộc chiến này đòi hỏi ở cấp độ chính trị, kinh tế, quân sự và trí tuệ.

Nước Nga hiếu chiến

Những ngày này, Moskva cho thấy mọi dấu hiệu của việc ngày càng tiến bước. Sự can thiệp gần đây của Nga vào Syria để hỗ trợ cho đồng minh lâu năm của mình, Bashar al-Asad, về cơ bản đã tái định hình diễn biến của cuộc nội chiến Syria kéo dài gần 5 năm. Các động cơ của Điện Kremlin là rõ ràng: để giữ cho chế độ của Asad vẫn nắm quyền lực, cũng như để loại trừ các mối đe dọa Hồi giáo các loại mà cuối cùng có thể gây nguy hiểm cho Liên bang Nga. Tuy nhiên, Moskva cũng hy vọng rằng sự can thiệp của mình vào Syria cũng có một lợi ích phụ trợ: đó là khôi phục vị thế của nước này trong mắt phương Tây và một bàn tay tự do hơn trong "không gian hậu Xô Viết".

Chiến dịch gây hấn kéo dài gần 2 năm của Nga chống lại Ukraine đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, khi các lực lượng Ukraine đẩy lùi một cách dứt khoát những phần tử nổi dậy được Nga tổ chức và hỗ trợ ở miền Đông nước này. Tuy nhiên, bất chấp những thất bại đó, Điện Kremlin vẫn “thèm muốn” cả Ukraine lẫn các phần khác của Liên Xô trước đây - những vùng lãnh thổ mà trong con mắt của Tổng thống Vladimir Putin và những người đi theo ông, đã bị tước đoạt khỏi Moskva bởi một tai nạn của lịch sử, và cần phải được khôi phục về đúng vị trí của nó là đất đai của Nga khi có thể. Mong ước này bao gồm Đông Âu và vùng Baltic, và - nếu không được kiểm soát - là một thách thức cơ bản đối với nguyên trạng hậu Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu.

Trong suốt năm vừa qua, NATO đã bắt đầu điều động lực lượng để đáp trả sự xâm phạm của Nga. Các kế hoạch của quân đồng minh yêu cầu phải có một số căn cứ mới ở vùng ngoại vi phía Đông của khối này, và các quốc gia thành viên đã có những bước tiến trong sự can dự của họ vào điều động quân sự và việc triển khai trang thiết bị được thiết kế nhằm tái đảm bảo cho các nước nằm ở ngoại vi của Nga. Nhưng khả năng duy trì các bước tiến này vẫn là một vấn đề phải nghi ngờ, bởi mỉa mai thay NATO vẫn trong tình trạng thiếu vốn và nguồn lực; như thời điểm bài viết này, thì chỉ có 4 trong số 28 quốc gia thành viên của khối đạt mục tiêu mong đợi là chi tiêu 2% GDP của họ cho quốc phòng. Ngoài ra, các nguồn lực đó còn dễ bị kéo căng thậm chí còn nhiều hơn nữa trong tương lai gần, khi mà Khối đồng minh này bổ sung thêm Montenegro với tư cách một thành viên đầy đủ.

Mỹ đã hầu như vắng mặt trong cuộc đối thoại này. Trong khi Quốc hội Mỹ đã cam kết sẽ ủng hộ việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, thì Nhà Trắng – do dự không muốn làm mếch lòng Nga – cho tới giờ vẫn chưa thực hiện được việc cung cấp cho Kiev trang thiết bị mà nước này cần để tiếp tục ngăn chặn Nga một cách hiệu quả. Chính quyền Obama cũng không lựa chọn thúc đẩy đáng kể các lực lượng của mình ở vùng Baltic hay các khu vực dễ bị tổn hại trước sự xâm lược của Nga.
Tình trạng này không thể kéo dài mãi. Theo như câu ngạn ngữ cổ của Nga, “càng ăn càng thấy ngon miệng”, một thất bại trong việc thách thức các tham vọng của Moskva ở “không gian hậu Xô Viết” chắc chắn sẽ dẫn tới một chủ nghĩa phiêu lưu lớn hơn của Nga, ở Ukraine và xa hơn nữa. Nước Mỹ do đó cần phải hành động vượt xa hơn so với chính sách “khởi động lại” đã thất bại đặc trưng cho những năm Obama nắm quyền hướng tới một cách tiếp cận tỉnh táo hơn, nhìn nhận Nga đúng với thực chất của nước này: một đối thủ chiến lược kiên định với tầm nhìn về hệ thống quốc tế hoàn toàn chống lại các lợi ích của Mỹ.

Hiệu ứng lan tràn Syria

Cuộc nội chiến ở Syria tới nay đã kéo dài gần 5 năm. Trong suốt nửa thập kỷ qua, cuộc xung đột này đã trở thành thảm hoạ nhân đạo đau đớn nhất trong thời kỳ hiện đại. Theo như Cơ quan giám sát nhân quyền tại Syria, hơn một phần tư triệu người đã bị giết trong cuộc chiến tính tới thời điểm này, gần nửa trong số đó là dân thường. Ít nhất 7,6 triệu người khác đã phải dời bỏ nhà cửa ở trong nước, trong khi đó số người tị nạn Syria rời khỏi đất nước này đã tiến gần tới con số 4 triệu. Ảnh hưởng của sự dịch chuyển quy mô lớn này hiện nay đang được cảm nhận ở châu Âu, đang bị giằng néo bởi cuộc di cư lớn nhất từng diễn ra kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong năm 2015, có khoảng 700.000 người tị nạn từ Syria (cũng như từ Bắc Phi) đã tràn vào Khu vực đồng euro. Vào cuối năm sau, con số đó được cho là sẽ tăng lên thêm 3 triệu người nữa, kéo căng các nền kinh tế, các mạng lưới an sinh xã hội và khả năng chịu đựng chính trị cục bộ ở châu Âu trong quá trình này.

Nhưng Syria không chỉ đơn giản là một thảm hoạ nhân đạo. Kể từ tháng 3/2011, nước này cũng đã đồng thời trở thành địa bàn của thánh chiến toàn cầu, rất giống với cuộc xâm lược năm 1979 của Liên Xô đã biến Afghanistan thành tiêu điểm cho những người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. Và, giống như Afghanistan những ngày đó, chương trình huấn luyện mà các lực lượng này đang nhận được sẽ chuyển thành bạo lực được thúc đẩy bởi tôn giáo ở đâu đó khác nhiều năm sau, khi ngọn lửa nhiệt huyết của lực lượng thánh chiến Syria tàn lụi và những chiến binh này trở về nhà. (Quả thực, ở một mức độ lớn, sự can dự của Nga vào Syria hiện nay phản ánh những nỗi sợ rằng đạo quân thánh chiến với số lượng đáng kể của Nga sẽ sớm trở về).
Bộ đôi thử thách của cuộc nội chiến Syria – di cư quy mô lớn và một làn sóng mới của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu – tất yếu sẽ tác động đến an ninh của Mỹ, bất kể Washington cuối cùng quyết định chọn áp dụng chiến lược nào đối với Syria. Điều này cũng sẽ thay đổi cách thức nước Mỹ tương tác với các đồng minh của mình, cả cũ và mới, khi mà các nước này phải vật lộn để giữ cân bằng giữa các mối lo ngại về nhân đạo và an ninh.

Đánh giá lại Trung Quốc

Trung Quốc là một đối tác chính trị hay một đối thủ chiến lược? Câu hỏi đó hiện đang được tranh luận một cách gay gắt ngay trong nội bộ Washington. Những năm vừa qua đã chứng kiến Trung Quốc áp dụng một lộ trình ngày càng quyết đoán, theo chủ nghĩa bành trướng đối với khu vực địa chính trị lân cận. Chính sách này đã bao gồm việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ngày càng gia tăng ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như các hoạt động “cải tạo đất” ở Biển Đông.

Hành vi quốc tế ngày càng mang tính thù địch của Trung Quốc đã dẫn đến việc ngày càng nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nghi ngờ lôgích của cái gọi là “sự can dự” – chính sách mang tính lịch sử mà theo nó các nhà hoạch định chính sách phương Tây tìm cách định hình hành vi của Trung Quốc theo một hướng có tính xây dựng bằng cách làm sâu sắc thêm mức độ can dự của nước này vào hệ thống toàn cầu. Tuy nhiên, những phản ứng cố kết trước điều từng được hy vọng sẽ là một sự trỗi dậy “hoà bình” từ phía Trung Quốc vẫn còn tụt xa lại phía sau. Trong khi ngày càng nhiều chuyên gia ở Washington ngày nay nói về sự cần thiết phải “cân bằng” với Bắc Kinh, Chính phủ Mỹ vẫn không chắc chắn về cách thức tốt nhất để thực hiện điều đó. Do đó, chính sách “xoay trục” sang châu Á được khoe khoang của Chính quyền Obama, đã được tuyên bố theo kiểu phô trương ầm ĩ vào tháng 2/2011, về bản chất phần lớn vẫn chỉ là ý tưởng, hầu như không tạo ra được những thay đổi hữu hình đối với chính sách của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Những sự đáp trả khác của Nhà Trắng cũng bị làm rối tung lên theo cách tương tự; gần đây nhất là một chiến dịch “tự do hàng hải” do Hải quân Mỹ thực hiện ở Biển Đông vào tháng 10/2015 đã có tác động vô tình là tăng cường trên thực tế các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở đây.

Không có sự lãnh đạo cố kết của Mỹ, các nước trong khu vực này đã phải chật vật để đưa ra các phản ứng của riêng mình. Một số nước, như Philippines, đã phải viện đến các tổ chức quốc tế về pháp lý. Các nước khác, như Nhật Bản và Australia, đã hướng tới làm sâu sắc thêm các liên minh khu vực của mình như một cách để mở rộng tiềm năng răn đe của họ. Tuy nhiên, thiếu vắng sự hiện diện và ảnh hưởng lâu dài của Mỹ, những sáng kiến này vẫn rời rạc, và không một đối trọng rõ ràng nào nổi lên trước các chính sách khu vực ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh. Do đó, việc làm sâu sắc thêm mức độ can dự vào châu Á đã trở thành một ưu tiên quan trọng hơn cả của Mỹ, vừa như một biện pháp trấn an các nước trong khu vực vừa như một cách để ngăn Trung Quốc vẽ lại, theo cách không thể xóa bỏ, trật tự địa chính trị khu vực theo hướng có lợi cho mình.

Tài trợ cho sứ mệnh

Củng cố thêm cho các vấn đề mang tính chiến lược này là một vấn đề mang tính cấu trúc: tình trạng thiếu kinh phí của quốc phòng Mỹ. Các đáp trả mạnh mẽ đối với những vấn đề hiện tại – từ việc bảo vệ các đồng minh khu vực trước một nước Iran đang nổi lên, cho tới tăng cường an ninh của châu Âu để ngăn cản sự gây hấn của Nga – sẽ đòi hỏi nước Mỹ phải thực hiện đầu tư lớn hơn vào an ninh toàn cầu trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, Mỹ hiện không ở trong tình trạng có thể thực hiện được điều đó. Ngân sách quốc phòng Mỹ hiện nay đang ở thời kỳ suy sụp thấp nhất kể từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà các ngưỡng trần chi tiêu quốc phòng trong tương lai – một sản phẩm của cái gọi là quy trình bảo lưu ngân sách của Quốc hội – tước đi triển vọng đối với chi tiêu quốc phòng bổ sung và mang tính sống còn, ít nhất là tại thời điểm này.

Tình hình chung như vậy gây thiệt hại sâu sắc đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Với một vài ngoại lệ đáng chú ý (nghị sĩ Rand Paul cánh hữu, và nghị sĩ Bernie Sanders thuộc cánh tả), sự đồng thuận của hai đảng chính trị hiện nay nghiêng nhiều về một cách tiếp cận chủ động hơn, theo chủ nghĩa can thiệp đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng. Tuy nhiên, nếu không chú ý một cách nghiêm túc đến khả năng triển khai sức mạnh ra nước ngoài đang suy giảm của Mỹ, cũng như sức mạnh và sinh lực cần được đảm bảo liên tục của quân đội Mỹ, nước này sẽ nhận thấy bản thân mình ngày càng không đáp ứng được những thử thách của hệ thống toàn cầu hiện tại, chứ đừng nói đến các thử thách trong tương lai./.

Tác giả Ilan Berman là Phó Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ. Bài viết đăng trên “Jewish Policy Center”.

Nhật Linh (gt)