Tuy nhiên, Ấn Độ lại thiếu khả năng xây dựng các chính sách quốc phòng mang tính định hướng cho tương lai, chỉ xử lý được đối với các biện pháp ngắn hạn, những sai lầm của các đối thủ, và giành được ưu thế cho mình. Việc phân chia chức năng giữa bộ chỉ huy và bộ tham mưu cho phép các viên chỉ huy tập trung vào việc vạch kế hoạch và chính sách quốc phòng, trong đó có lĩnh vực mua sắm trang thiết bị vũ khí, nguồn nhân lực, và các chính sách ngoại giao quốc phòng. Các viên chỉ huy chiến trường nắm quyền lãnh đạo, xử lý công việc hàng ngày, và huấn luyện binh sĩ. Đó là hoạt động bình thường của tất cả các lực lượng vũ trang lớn và hiện đại, song yêu cầu chỉnh sửa những khiếm khuyết này không tồn tại ở Ấn Độ. Hiện nay, việc hoạch định chính sách quốc phòng không được dự tính trước, mang tính chất ngắn hạn, và mang nặng tính đặc thù. Tình trạng sẵn sàng của các lực lượng vũ trang, sự phối hợp các hoạt động, huấn luyện, và vạch kế hoạch không được quan tâm giải quyết. Mặc dù chức Tổng tham mưu trưởng được thảo luận từ nhiều năm qua, song vị trí này không phù hợp với tầm vóc và cấu trúc dân chủ của Ấn Độ; một Hội đồng tham mưu trưởng được lãnh đạo bởi một Chủ tịch Hội đồng tham mưu thì thích hợp hơn. Hội đồng An ninh quốc gia được xem là thực hiện chính sách một cách không nhất quán và vạch chiến lược không phù hợp, quá bận rộn với các trách nhiệm hành chính. Các cơ quan tình báo được trang bị nghèo nàn trong thời gian dài, và có ít chuyên gia uyên thâm trong các lĩnh vực cần thiết cho các viện nghiên cứu. Các lực lượng vũ trang cũng chưa hiểu thật thấu đáo về chính sách và chiến lược hạt nhân. Trong kỷ nguyên hạt nhân, vai trò của quân đội rất quan trọng: ngăn chặn chiến tranh bùng nổ bằng các loại vũ khí thích hợp có trong tay, bằng việc triển khai lực lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, các cuộc tập trận và chính sách quốc phòng. Đây là nhiệm vụ khó khăn và khắt khe hơn nhiều so với hoạt động của quân đội thời bình ở giai đoạn thế giới chưa có vũ khí hạt nhân. 

Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân thờ ơ. Sau chiến tranh Bănglađét, Niu Đêli lựa chọn chiến lược “giảm răn đe”, song lập trường này không thể duy trì được sau năm 1979 khi cơ quan tình báo đánh giá rằng Pakixtan đã tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Sự răn đe hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakixtan thường được phương Tây nhìn nhận qua lăng kính Chiến tranh Lạnh, với sự hoài nghi về khả năng của học thuyết không đánh đòn hạt nhân phủ đầu của Ấn Độ và lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang. Mặc dù lo ngại của họ là lẽ tự nhiên, và Ấn Độ luôn có lập trường cho rằng sự răn đe không tỷ lệ thuận với số lượng các đầu đạn hạt nhân mà một nước phải đương đầu. Không đánh đòn phủ đầu về bản chất là một sự răn đe trong khi đe dọa đánh đòn phủ đầu rõ ràng là hiếu chiến. Mặc dù Trung Quốc là nước đầu tiên tuyên bố chính sách không đánh đòn hạt nhân phủ đầu, song thách thức lớn nhất từ phía Trung Quốc không phải là đối đầu hạt nhân mà là việc họ bất chấp các quy tắc và luật lệ quốc tế. Hành động như một nhà nước xét lại coi xuất khẩu khủng bố là một chính sách nhà nước, quan niệm về răn đe của Pakixtan hoàn toàn khác với quan niệm chung được chấp nhận trong cộng đồng quốc tế. Các bài học của Pakixtan từ các cuộc khủng hoảng khác nhau trong 25 năm gần đây là Ấn Độ đã bị răn đe có hiệu quả. Ngoài giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng Parakram, Ấn Độ, không bao giờ bị răn đe bởi không bao giờ dự định tấn công Pakixtan. Các chính phủ kế tiếp của Ấn Độ đều tuyên bố rằng một nước Pakixtan ổn định và phồn vinh là có lợi cho Ấn Độ, song quan điểm này không bao giờ được đáp lại. Do Pakixtan có khả năng răn đe hạt nhân nên Ấn Độ buộc phải sử dụng tới các biện pháp can dự như một chiến lược duy nhất có thể chống khủng bố. Ấn Độ bị rơi vào thế bất lợi bởi Pakixtan tự xác định họ là đối thủ của Ấn Độ, và quân đội Pakixtan chống lại việc phát triển các quan hệ thương mại và xã hội với Ấn Độ. Do Pakixtan cần tới sự viện trợ của Mỹ nên Oasinhtơn có cơ hội tốt hơn trong việc tăng cường sự phụ thuộc của Ixlamabát nhằm thuyết phục họ từ bỏ sử dụng khủng bố như một công cụ chính sách nhà nước. 

Thách thức về quản lý 

Ý nghĩ cho rằng các tầng lớp chính trị Ấn Độ chịu giải trình trước công chúng trong các cuộc bầu cử là điều hoang đường. Trong các cuộc bầu cử ở nước này, chỉ cần nhận được sự ủng hộ của 25% cử tri là có thể thắng cử. Điểu đó dẫn tới nền chính trị có lợi cho một số bộ phận dân chúng và gây thiệt hại cho đa số. Như vậy, nền dân chủ không phải bao giờ cũng mang lại một cách công bằng hàng hoá và dịch vụ cho toàn thể dân chúng. Sự tăng trưởng không dung nạp không phải là kết quả của tiến trình toàn cầu hoá, mà là sự bảo trợ của chính trị. Các chính trị gia cũng thường có lợi ích trong việc duy trì tình trạng nghèo khó của cử tri bởi họ sẽ tốn ít tiền hơn để mua phiếu bầu. Chừng nào hệ thống bầu cử quy định ứng cử viên giành số phiếu cao nhất (không cần đa số quá bán) là người thắng cử còn tồn tại thì nạn tham nhũng, nền chính trị dựa trên cơ sở đẳng cấp, và tình trạng nhà nước mang lại hàng hoá và dịch vụ nghèo nàn cho người dân tiếp tục tồn tại, và tiến trình xoá bỏ nghèo đói và mù chữ sẽ bị tổn hại. Giải pháp đơn giản nhất là bầu cử lại nếu ứng cử viên không giành được đa số phiếu bầu, tuy nhiên việc bầu vòng hai lại là một khả năng khác.

Các quan hệ đối ngoại của Ấn Độ 

Sự thay đổi của mối quan hệ Ấn –Mỹ từ các nền dân chủ lạnh nhạt với nhau thành các đối tác chiến lược đòi hỏi phải có thời gian, không được đánh giá mối quan hệ này dựa trên số lượng các vụ giao dịch thành công. Các giá trị cùng chia sẻ của hai nước: nền dân chủ, đa nguyên, sự khoan dung, công khai minh bạch, và tôn trọng quyền tự do và quyền con người – đóng vai trò quan trọng lớn hơn trong việc xây dựng một thế giới hoà bình, phồn vinh, dung nạp, an toàn và bền vững. Do vậy, cần phải đánh giá mối quan hệ này trên cơ sở tiến trình xây dựng các cơ cấu khả dĩ giúp đối phó có hiệu quả với các thách thức phải đương đầu trong thế kỷ 21. Ngoài chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước thất bại, tội phạm có tổ chức, dịch bệnh, và tình trạng phổ biến hạt nhân, hiện tồn tại các thách thức chung khác đối với toàn cầu tại các vùng biển quốc tế, không gian mạng, và không gian vũ trụ - các vấn đề vốn không thể được giải quyết bằng cách đơn phương hay bởi các liên minh tương tự như NATO. Trong bất kỳ kỷ nguyên nào khác, sự nổi lên nhanh chóng và không thể tránh khỏi của Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn tới chiến tranh, song đó là điều không thể tưởng tượng được trong kỷ nguyên hạt nhân và toàn cầu hoá. Các ưu thế của Mỹ trong cạnh tranh với Trung Quốc như tình trạng dân số đang già đi và không có lợi ở Trung Quốc, chính sách nhập cư của Mỹ và văn hoá sáng tạo của nước này. Tuy nhiên, để duy trì các lợi thế của mình, Mỹ cần tăng cường phát triển quan hệ đối tác với Ấn Độ, một nước dân chủ, đa nguyên và thế tục có lực lượng dân số trẻ và sẽ sớm vượt Trung Quốc về dân số. 

Đâu là lợi ích của Ấn Độ? Nếu không bị huỷ hoại bởi tình trạng quản lý kém và nạn tham nhũng hoành hành, tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao sẽ đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Khi đó, Ấn Độ có thể thiết lập sẽ tiếp tục phát triển dựa trên cơ sở nội lực của mình, song không thể vượt qua được khoảng cách quá lớn giữa Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ có thể hợp tác với Trung Quốc, nhưng mô hình Trung Quốc không thích hợp với một đất nước đa dạng như Ấn Độ. Suy cho cùng, Ấn Độ có thể thiết lập quan hệ đối tác với Mỹ, đất nước có số lượng lớn người gốc Ấn Độ và cùng chia sẻ những giá trị chung với Ấn Độ. Các nước khác như Nhật Bản, Đức và Pháp cũng phải đương đầu với các quan ngại như Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo của thế giới dân chủ phải cùng nhau đương đầu với chủ nghĩa cực quyền và lực lượng Hồi giáo cưc đoan, những thứ không thể chỉ đối phó bằng các biện pháp quân sự. Lần đầu tiên trong lịch sử, sự hợp tác toàn diện trong hành động của các nền dân chủ chiếm hơn một nửa dân số toàn cầu do vậy là rất cẩn thiết. Sự quản lý toàn cầu cần phải dựa trên các hệ thống quan hệ chiến lược song phương giữa các cường quốc dân chủ có thể giúp quản lý hơn là áp đặt các kết quả, và tạo điều kiện cho phản ứng mạnh mẽ đối với các thách thức phải đương đầu. 

Theo  Indianexpress 

Hương Trà (gt)